Là bậc cha mẹ thì ai cũng mong muốn con cái trưởng thành, mạnh khỏe, trở thành người có hữu ích cho xã hội, hy vọng con cái có thể lập công dựng nghiệp, thành danh trong xã hội, khiến cha mẹ cũng nở mày nở mặt, rạng rỡ tổ tông. Tuy nhiên có thể được như mong đợi hay không thì một phần khá quan trọng là cha mẹ có chú ý và biết cách giáo dục con trong gia đình hay không.

Truyền thừa gia quy, giữ gìn tôn huấn

Trong quá trình dạy bảo con cái trưởng thành, cổ nhân có câu: “Vì nước dạy con”. Người thầy đầu tiên của con chính là cha mẹ, gia đình là trường học mẫu giáo đầu tiên của trẻ.

Giáo dục quốc gia như lâu đài còn giáo dục gia đình như nền móng, nền móng kiên cố thì lâu đài mới vươn cao, nền móng mà yếu, lâu đài ắt nghiêng đổ. Giáo dục của gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong sự nghiệp giáo dục của quốc gia. Làm tốt giáo dục gia đình thì không những có thể làm hưng vượng gia tộc mà còn quan hệ đến sự phát triển của quốc gia và sự tiến bộ của dân tộc, đây đều là nghĩa vụ của mỗi một gia đình nên có.

Trẻ nhỏ trưởng thành là một quá trình chậm rãi lâu dài, giáo dục con cái cũng là một hệ thống công trình bền bỉ. Cha mẹ nên làm tốt trách nhiệm thiêng liêng giáo dục con cái của mình, chính là cần kiên nhẫn, chú ý tỉ mỉ từng chút một trong mỗi một sự việc. Cần coi trọng hành vi, lời nói, đặc biệt là coi trọng thân giáo của bản thân (bản thân cha mẹ phải làm gương), yêu cầu con cái học tốt, càng phải yêu cầu bản thân cha mẹ học tốt. Khi chỉ ra khuyết điểm của con cái thì đồng thời càng phải nghiêm khắc tìm chỗ thiếu sót của mình. Nếu như cha mẹ chỉ một mực chỉ trách con cái thì điều này không đúng, là chưa đủ. Nếu cha mẹ làm việc cẩu thả qua loa, làm sao có thể khiến con cái tâm phục khẩu phục? Làm sao có thể yêu cầu con cái làm việc chuyên cần tỉ mỉ?

Truyền thừa gia phong, gìn giữ gia pháp

Trong vấn đề giáo dục con cái, vấn đề giữ gìn văn hoá truyền thống là điều không thể tách rời. Giáo dục con cái có thể chia thành: giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, 3 loại hình giáo dục này liên kết thành giáo dục nhân tài quốc gia. Phổ truyền tư tưởng văn hoá, bồi dưỡng đạo đức và các phương diện phát huy tác dụng quan trọng. Giáo dục gia đình tốt hay không nó không chỉ ảnh hưởng tới sự trưởng thành của trẻ nhỏ, sự thịnh suy của gia tộc mà còn ảnh hưởng tới sự tốt xấu của xã hội, sự nghiệp thành bại của quốc gia.

Trong giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức là vấn đề mấu chốt hàng đầu, tiếp đó mới là trí tuệ, mỹ thuật sau cùng là các loại phương diện lao động thực tiễn. Chúng ta có thể điểm qua mấy gia tộc điển hình về sự thịnh vượng lâu dài như gia tộc Tư Mã Quang, gia tộc Tăng Quốc Phiên, gia tộc Phạm Trọng Yêm… Đây đều là những gia tộc trường tồn, hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử.

Có câu: “Phú bất quá tam”, ngụ ý rằng không ai giàu quá ba đời. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy những gia tộc này hưng thịnh trong suốt chiều dài lịch sử đặc biệt là gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm hay gia tộc họ Bùi cường thịnh hơn 2000 năm lịch sử, tổng cộng 59 vị tể tướng, 59 vị đại tướng quân, 14 vị trung thư thị lang, 55 vị thượng thư, 44 vị thị lang, Thị hầu 11 người, Ngự sử 10 người, tiết độ sứ 25 người, sử quan 211 người, Thái thú 77 người; người có công được phong tước 89 người, tước hầu 33 người, tước bá 11 người, tước tử 18 người, tước nam 13 người; có liên quan tới hoàng thân quốc thích hoàng hậu 3 người, thái tử phi 4 người; Vương Phi 2 người; phò mã 21 người, công chúa 20 người… lưu danh sử sách.

Vậy điều gì đã giúp những gia tộc này cường thịnh như vậy? Đó chính là dựa vào giữ gìn môn phong, gia pháp, nói cách khác, gia huấn chính là linh hồn của gia tộc. Điển hình như gia huấn của gia tộc Phạm Trọng Yêm: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, nghĩa là “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” và “Tích đức hành thiện”. Hay gia huấn gia tộc họ Bùi có rất nhiều nhưng nói chung có thể khái quát trong mấy chữ sau: “Coi trọng giáo dục, sùng văn thượng võ, hành đức đi đôi với hành nghiệp, liêm khiết tự giác và có kỷ luật”.

Ngày nay giáo dục gia đình của chúng ta không được coi trọng như xưa, tuy nhiên cũng không thể thiếu đi tư tưởng khiêm tốn và trách nhiệm với đất nước. Trẻ em là tương lai của dân tộc, là niềm hy vọng của quốc gia, giáo dục trẻ em cần phải nhìn về phía trước, việc đó được bắt đầu từ mỗi gia đình. Giáo dục gia đình mà thành công sẽ mang lại cho trẻ em một môi trường trưởng thành hoàn hảo.

Một gia đình có môi trường giáo dục tốt ngoài những vấn đề căn bản như dân chủ, bình đẳng, hòa ái còn cần phải chú trọng hai phương diện: Một là truyền thừa gia phong, hai là tôn trọng, tuân thủ quy phạm hành vi của gia đình, hay còn gọi là gia pháp.

Hiện nay ở một số thôn làng vẫn còn chú trọng gia phong, nếu nhà nào gia giáo không tốt, con cái không thể thành tài liền bị mọi người trách mắng: “Gia môn bất hạnh”. Gia phong của một gia đình có tốt hay không, nó được quyết định phần lớn bởi hai chữ: Thiện và Cần (Thiện lương, chuyên cần).

Có những gia đình mà cha mẹ một chữ bẻ đôi cũng không biết, quanh năm đầu tắt mặt tối, sớm tối bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng lại nuôi dạy con cái vương trưởng thành tài. Mấu chốt vẫn không gì nằm ngoài hai chữ gia phong. Cổ nhân nuôi dạy con cái một lòng sùng Phật kính cha, nhất mực chuyên cần, thiện lương gìn giữ. Vì chuyên cần chữ hiếu, vì đạo thờ Thần nên khi gia tộc lập lên gia huấn thì con cháu nhất mực tuân theo không dám làm trái. Nhờ nhất mực tuân theo gia huấn, giữ đạo cháu con, tránh tối tìm sáng phát triển hưng thịnh.

Có thể phần lớn các gia đình giáo dục con cái hiện nay không còn coi trọng gia huấn, đây cũng là nguyên nhân mấu chốt của việc đạo đức xã hội đi xuống, con cái nuông chiều thái quá thành hư. Cổ nhân có câu: “Nước có phép nước, gia có gia quy”, gia quy của một gia đình cũng như pháp chế của một quốc gia, nước không có pháp chế thì đảo lộn khuynh thành, nhà không có gia quy thì nhà trên dưới bất phân, cha con đảo lộn.

Xã hội ngày nay, có nhiều người cho rằng gia pháp, gia quy khiến cho con cái trưởng thành gò bó và lạc hậu, không theo kịp thời thế. Tuy nhiên trên thực tế xây dựng gia quy cũng là điều nên có của mỗi một gia đình, gia môn hưng thịnh thì gia quy cũng phải kiện toàn. Gia pháp gia quy nó là một bộ phận không thể thiếu trong văn hoá truyền thống, cho dù xã hội ngày nay có thừa nhận nó hay không thì lịch sử đã chứng minh, gia pháp gia quy nó đóng một vài trò vô cùng quan trọng trong mỗi một gia đình. “Giới Tử Thư” của Trinh Huyền thời Đông Hán, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, “Nghiêm Thị Gia Huấn” của Nghiêm Chi Thôi thời kỳ Nam Bắc, “Gia Phạm” của Tư Mã Quang thời Bắc Tống, “Gia Lễ” của Chu Hy thời Nam Tống, “Gia Huấn” Bùi gia… đều là những quy phạm của gia đình nhàm giáo dục con cháu đời sau mà cho tới tận ngày nay vẫn được gìn giữ, coi trọng. Bất luận là luân lý, sự vụ, tự thân tu dưỡng, chuyên cần chế ước, vì người mà làm, hưng gia lập nghiệp, báo quốc đền ơn thì đều có tác dụng tích cực. Dẫu áp dụng vào thực tiễn ngày nay vẫn hoàn toán có giá trị nguyên vẹn.

Giới Tử Thư của Gia Cát Lượng

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn”.

Nguyên văn:

Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức.
Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn.
Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã.
Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.
Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính.
Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế.
Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!

Mỗi lần tôi đọc lại “Giới Tử Thử” của Gia Cát Lượng tôi đều không khỏi xúc động. Thiết nghĩ nếu như mỗi một gia đình đều có thể có những gia quy để nuôi dạy cháu con, dẫu không thể viết được ra những lời văn hùng tráng tương tự như thế này thì chí ít cũng có được những chuẩn mực để làm người. Nếu mỗi một đứa trẻ sinh ra đều có thể thấm nhuần những điều dạy bảo của cha ông thì chắc chắn lớn lên đều có thể thành tài, thiện lương làm người, phụng cha dưỡng mẹ, báo quốc đền ơn.

Đặt định cho con cái quy tắc hành xử cũng chính là nền tảng mẫu mực cho sự phát triển của con cái ví như:

Đối nhân xử thế, thành thật lễ nghĩa.
Dám nói lời ngay, không được nói dối.
Làm người thiện lương, yêu thương giúp đỡ.
Gặp việc nhẫn lại, không thể cường quyền.
Coi trọng chữ tín, không được dối lừa.

Gia pháp cần chú trọng từ tu dưỡng bản thân, đưa ra những yêu cầu cho con cái về phương diện đối nhân xử thế. Về ăn ở sinh hoạt, nuôi dưỡng thói quen hàng ngày thì nên thường xuyên đôn đốc, giáo dục trẻ. Cho dù con cái đã trưởng thành rời xa cha mẹ, sống ở phương xa thì nội dung gia pháp vẫn sẽ không quên, sẽ luôn luôn khích lệ con cái vững bước tiến lên ngay chính trên còn đường đời còn lâu dài và nhiều gian nan phía trước.

Không có quy củ, không thành vuông tròn

Tuân Huống là nhà tư tưởng cuối thời Chiến Quốc từng viết trong cuốn Khuyến học như sau: “Gỗ tuy thẳng nhưng có thể dùng lửa uốn thành cong làm bánh xe, độ cong của nó phù hợp với yêu cầu của hình tròn, cho dù có khô đi cũng không trở lại thẳng như trước, đây là nhờ vào sự sức nóng của lửa” (nguyên văn: “Mộc trực trúng thằng, oanh dĩ vi luân, kỳ khúc trúng quy; tuy hữu cảo bạo, bất phục đĩnh giả, oanh sứ chi nhiên dã” ).

Ý của Tuân Huống ở đây là muốn nói tới quy tắc bồi dưỡng con người. Tục ngữ có câu: “Không có quy củ, không thành vuông tròn” cũng là có ý tứ này. Nếu như một đứa trẻ trong giai đoạn trưởng thành ban đầu có những quy phạm về hành vi, thường xuyên được chú ý dẫn dắt, đồng thời trong quá trình phát triển không ngừng chỉnh sửa thì đứa trẻ này ắt sẽ phát triển một cách khỏe mạnh toàn diện. Ngược lại, nếu như một đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều, để cho tự do phóng túng, không quản lý dạy bảo, yêu thương quá mức, gia pháp không nghiêm thì sau khi trưởng thành sẽ tự cao tự đại, không hiểu lễ nghĩa, không biết gia quy, đảm bảo sẽ chẳng thể nên người, thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong một xã hội như xã hội ngày nay, đa phần các gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con nên trẻ em sinh ra thường được coi là trung tâm của gia đình hai bên nội ngoại, được nuông chiều hết mực thì điều này càng dễ xảy ra hơn. Đây cũng là nguyên nhân mà chúng ta ngày càng thấy nhiều trường hợp nghịch tử xảy ra, nếu như dùng Google tìm kiếm thì chỉ trong chưa đầy 60 giây đã cho ta hơn 200 nghìn kết quả những trường hợp nghịch tử, một con số cực kỳ báo động. Trẻ em ngày nay dạy bảo không nghiêm, dẫn tới có quá nhiều trường hợp đau lòng xảy ra, có những lúc chỉ vì những lý do thật ngớ ngẩn nhưng chúng sẵn sàng ra tay làm hại người khác, thậm chí là giết người.

Những nghịch tử này thường gây án trong độ tuổi đáng lẽ ra phải là những tuổi ngây thơ, đẹp nhất đời người, thật khiến cho người ta không khỏi đau xót. Điểm qua những nghịch tử này người ta phát hiện hầu hết số chúng đều có chung một điểm là được gia đình nuông chiều từ bé, quản giáo không nghiêm. Thậm chí trong số đó có những đứa trẻ “muốn gì được nấy”, chỉ cần muốn gì cha mẹ đều đáp ứng vô điều kiện. Gia đình có trên có dưới nhưng lại không biết phân biệt lớn bé, thường xuyên hỗn hào, sống không có phép tắc, lâu dần biến thành tính cách, vị tư, lạnh lùng, độc đoán, kiêu ngạo, bạo lực… đều là những yếu tố gây nên sự bất ổn cho gia đình và xã hội. Chỉ cần chúng không vui hoặc đôi khi là thích chúng sẵn sàng trút giận lên người khác một cách vô cớ, cuối cùng trở thành những kẻ sát nhân khiến cho cha mẹ, gia đình phải ôm mối hận muộn màng.

Có những gia đình vì mải lo cho sự nghiệp mà bỏ bê con cái để cuối cùng phải trả giá đắt. Có nhà giáo dục nói: “Trên đời này không có sự nghiệp nào to lớn bằng sự nghiệp dạy bảo con cái”. Cha mẹ nuôi dạy con cái điều cần nhất chính là sự nghiêm khắc, không thể nuông chiều buông thả. Ngược lại nếu như gia đình có đủ đầy sự dân chủ, tự do và không khí hoà ái, giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ bình đẳng tương giao, con cái có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình, làm những việc nên làm ắt con cái sẽ trưởng thành một cách toàn diện.

Bé không vin, cả gẫy cành

Trẻ em sinh ra vốn như tờ giấy trắng, tương lai của chúng ra sao, trở thành bức tranh tươi sáng tràn đầy màu sắc hay là trang vở bình thường, hoặc giả là tờ giấy bỏ đi, nó hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và sự đối đãi của các bậc cha mẹ. Một đứa trẻ nếu như sinh ra được cha mẹ uốn nắn thường xuyên, kịp thời thì khi lớn lên sẽ đoan trang, trung chính đúng mực. Năm tháng tuổi thơ vốn là những năm tháng khám phá, tinh nghịch, trẻ em ở quê đôi khi ham chơi với bạn mà sang nhà hàng xóm trộm quả cam quả ổi, đó là điều dễ gặp. Nhưng với những thế hệ trước, một khi phát hiện con cái làm vậy các bậc cha mẹ đều không ngừng dạy bảo: “Nhỏ trộm quả ổi lớn trộm con trâu” ý tứ là nhỏ mà không quản lý dạy bảo, lớn lên sẽ hư hỏng, là mối lo cho xã hội.

Trước đây tại một vùng quê nhỏ có lưu truyền một câu chuyện như sau:

Có một cậu bé thông minh tinh nghịch, nhưng một hôm vì ham chơi, tinh nghịch nên sang nhà hàng xóm ăn trộm quả bưởi về nhà ăn. Mẹ cậu biết vậy nhưng không hề trách mắng lại khen con mình nhanh nhẹn. Kết quả sau này cậu không ngừng phạm phải những việc tương tự, để cuối cùng khi lớn lên sinh làm đạo tặc bị quan phủ bắt được xử tội chết. Trước lúc bị đưa đi xử tử, cậu đã cầu xin quan nha cho cậu gặp mẹ một lần, muốn được ăn bữa cơm của mẹ lần cuối. Vì nghĩ cậu sắp chết nên thương tình thông báo cho mẹ cậu chuẩn bị cơm mang vào cho cậu. Ngờ đâu khi mẹ cậu vừa mang cơm vào cho cậu, cậu liền ra tay sát hại mẹ mình. Cậu cho rằng nguyên nhân cái chết của cậu là bởi mẹ cậu đã quá nuông chiều, thấy con sai trái không khuyên bảo lại ủng hộ để sau này thành tính. Ở đây cái sai đầu tiên chính là sai ở mẹ cậu.

Tuân Tử là nhà Nho, nhà tư tưởng học nổi tiếng thời Chiến Quốc từng nói: “Nhân chi sơ, tính bản ác” Tuân Tử cho rằng con người sinh ra vốn đã có bản tính xấu, tránh khổ tìm sướng nó cũng chính là bản năng của sinh mệnh. Vậy nên cần phải được dạy dỗ cẩn trọng mới có thể nên người.

Kỳ thực con người ta thường trưởng thành trong vấp ngã hơn là trưởng thành trong chuẩn mực. Có sai lầm mới có thành công, chẳng thế mà xưa nay người ta vẫn nói “Thất bại là mẹ của thành công” đó sao?

Cha không nghiêm, con trẻ đua đòi, thân làm cha mẹ điều cốt lõi chính là phải biết hành xử đúng sai, làm tấm gương cho con cái nhìn vào. Khi yêu cầu nghiêm khắc với con cái 1 thì lại phải cần nghiêm khắc bản thân 10.

Một số bậc cha mẹ vì muốn con cái được vương trưởng, thành đạt, có chỗ đứng trong xã hội mai này nên thường dạy con cái kỹ năng khôn khéo, lanh lợi. Tuy nhiên con người ta càng khôn khéo lanh lợi thì lại càng rời xa trung thực, thiện lương, vì sợ bản thân chịu thiệt mà đẩy sang người khác. Khi chúng ta dạy bảo con cái như vậy cũng có nghĩa là bước đầu chúng ta đẩy con cái mình sang con đường sai trái. Con người làm bất kể việc gì đều sinh ra hai loại tác dụng, có được có mất. Bản năng làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình mạnh mẽ thành tài, có được mấy người khi con cái chịu thiệt chịu uất ức mà không dạy con mình phản kháng? Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ con ngày càng tự tư tự lợi, không biết suy nghĩ cho người khác. Thiết nghĩ con muốn nên người không chỉ đơn giản là phải dạy dỗ nghiêm khắc mà còn cần đến sự lấy thân làm mẫu cho con.

Có câu: “Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”. Thân làm cha mẹ, chỉ cần nhìn thấy con cái có chỗ chưa đúng thì chính là lúc cần phải xem lại bản thân mình. Khi cha mẹ tìm ra chỗ thiếu sót của mình, cha mẹ thay đổi con cái ắt cũng sẽ thay đổi. “Nuôi không dạy, lỗi mẹ cha“, nhưng nếu chỉ dùng lời lẽ giáo điều răn dạy thì cũng chưa chắc đã có tác dụng, mà cần bản thân cha mẹ chú ý lời nói, hành vi của mình sẽ là tấm gương cho con cái bắt chước noi theo.

Khải Chính