Từ cu li có lẽ đã xuất hiện trên văn bản bằng tiếng Việt từ trước năm 1909

Chực đường có trẻ cu-li (coolie),
Kêu đâu sảng đó đem đi lẹ làng.
(Nguyễn Liên Phong, 1909)

Năm 1936 từ cu-li được đưa vào từ điển của Đào Duy Anh (1950:335), cùng nghĩa với phu và tương đương với coolie của tiếng Pháp.

Lịch sử của từ coolie trong tiếng Pháp có thể được tóm tắt như sau:

Tiền thân của từ coolie trong tiếng Pháp là colles/ coles (mượn từ tiếng Bồ Đào Nha, được dùng trong tiếng Pháp lần đầu năm 1638, chỉ người kuli, một tầng lớp thấp hèn ở vùng Goudjerate/Gujurati thuộc miền Tây Ấn Độ), colys (năm 1666), coulis (năm 1758).

Người Bồ Đào Nha là những người đầu tiên dùng từ coles để ghi nhận nghĩa 1 là người kuli. (năm 1554). Đến năm 1581 thì từ coles của tiếng Bồ có nghĩa thứ hai là phu khuân vác. Người ta chưa rõ vì sao lại có sự chuyển nghĩa này.   Do ảnh hưởng quan trọng của Bồ Đào Nha ở châu Á thời đó, các dạng coles (năm 1548), kolis (năm 1584) của tiếng Anh với nghĩa 1 cũng chuyển thành coolie (năm 1638) với nghĩa 2. Có nhiều khả năng từ coolie của tiếng Anh được người Pháp mượn.

Từ coolie này (với nghĩa là phu) được sử dụng trong tiếng Pháp lần đầu vào năm 1857, trước khi người Pháp đánh Việt Nam không lâu. Trước đó, để chỉ nghĩa 2 (phu), người Pháp đã dùng koully (1699) và kuli trong tiếng crê-ôn ở đảo Maurice.   Từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19 rất nhiều người Trung Hoa được mộ đi phu ở nước ngoài: sang Mỹ đào vàng, sang Cuba trồng mía… Trong giai đoạn 1847-1862 có năm số phu mộ được lên đến 60 vạn người.

Từ coolie vì vậy trở nên rất quen thuộc với người Trung Hoa. Những người phu Trung Hoa đi “hợp tác quốc tế” thời đó được gọi là 苦 力 (pinyin: kǔlì, âm Hán Việt: khổ lực), tiếng Quảng ghi là 咕 喱 (âm Việt Bính là gu lei). Nói chung thì phát âm kiểu nào thì cũng na ná với coolie của tiếng Anh. Khi lên kế hoạch đánh Nam Kỳ, do nhu cầu đài tải vũ khí, lương thực, tản thương, đào đắp công sự…

Pháp phải mộ cu li Trung Hoa tháp tùng đạo quân viễn chinh. Trong trận đánh đồn Kì Hòa (đại đồn Chí Hòa) sáng 24 tháng 2 năm 1861, có 600 cu li người Trung Hoa đi trong đội hình tấn công. (Léopold Pallu de La Barrière, 1888)   Người Việt chắc chắn nghe được hai tiếng cu li từ sau trận giặc đó. Và cũng có điều chắc chắn là cả người Pháp và người Trung Hoa cùng góp phần phổ biến từ cu li ở Việt Nam.

Do đó rất khó có thể cho rằng cu li chỉ có một nguồn gốc duy nhất là tiếng Pháp.