Nghĩa gốc: Con sói giẫm lên miếng vải buộc ở cổ của nó (hoặc giẫm lên cái bóng của cái bờm trên cổ), chỉ tình trạng lúng túng, vương mắc, không có tiến triển.

Nghĩa biến đổi: Đa phần được hiểu là tình trạng lang thang, không ổn định, nay đây mai đó.

Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, lang bạt kỳ hồ nghĩa là “sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ”.

Nhiều từ điển tiếng Việt khác cũng có định nghĩa tương tự như thế vì bốn tiếng lang bạt kỳ hồ (thường được nói gọn thành lang bạt) đã trở thành một đơn vị từ vựng phổ biến trong tiếng Việt.

Tuy nhiên, cái nghĩa “sống trôi dạt đây đó” thông dụng hiện nay của lang bạt kỳ hồ chỉ là cách hiểu méo mó so với nghĩa gốc trong tiếng Hán. Thực chất, lang bạt kỳ hồ là một câu của bài thơ “Lang bạt 1” (狼跋 1) thuộc nhóm thơ Mân Phong 豳風 hoặc (Bân Phong) của phần Phong trong Kinh Thi(1) của Trung Quốc, nguyên văn như sau:

狼跋其胡Lang bạt kỳ hồ,
載疐其尾。Tái trí kỳ vĩ.
公孫碩膚、Công tốn thạc phu
赤舄几几。Xích tích kỷ kỷ

Tạm dịch:

Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ
Thoái lui thì đạp nhằm cái đuôi
Chu công từ tốn nhưng vinh quang to tát và đẹp đẽ
Ngài mang đôi giày đỏ một cách rất tự nhiên trang trọng

Bài thơ này được Chu Hi(2) chú giải như sau:

Chu công(3) dẫu bị lời phỉ báng nghi ngờ, nhưng cách xử trí của ngài không mất độ thường, cho nên mới được nhà thơ khen ngợi. Nói rằng: Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ, thối lui thì đạp nhằm cái đuôi (ý nói tiến thoái đều khó khăn). Còn Chu công gặp phải biến cố vì lời phao truyền phỉ báng, mà cách ăn ở đi đứng vẫn an nhiên tự đắc như thế, bởi vì với đạo cao đức cả ngài vẫn được yên vui, đức hạnh ấy không thể nào nói xiết được. Cho nên tuy gặp đại biến, ngài vẫn không mất độ thường.

Như vậy, nghĩa gốc của lang bạt kỳ hồ dùng để chỉ hình ảnh con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được); trong đó, “lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại từ thay thế cho danh từ “lang” còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú. Thành ngữ này thường được rút gọn thành lang bạt nhằm để chỉ cái thế mắc kẹt, không biết làm sao.

Về lý do lang bạt kỳ hồ từ nghĩa gốc trong tiếng Hán bị hiểu sai trong tiếng Việt có thể là do từ nguyên dân gian mà ra. Khi không biết được ý nghĩa đích thực của lang bạt kỳ hồ, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết. Theo đó, “lang” [chắc] là “lang thang”, “bạt” [chắc] là phiêu bạt“hồ” [chắc] là “giang hồ”. Từ đó, lang bạt kỳ hồ mới [bị] hiểu thành “sống rày đây mai đó” như cách hiểu thông dụng hiện nay.


Chú thích

(1) Kinh Thi (còn được gọi là Thi Tam Bách) là một bộ tổng tập thơ ca vô danh gồm khoảng 311 bài thơ của Trung Quốc – một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (tk 11–771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770–476 TCN). Trong số 311 bài thơ, có 6 bài chỉ có đề mục chứ không có lời, gọi là “dật thi” (tức thơ đã mất). Trong 305 bài thơ còn lại, Kinh Thi được chia thành 3 phần gồm Phong, Nhã, Tụng. Bài thơ Lang bạt 1 liên quan đến thành ngữ “lang bạt kỳ hồ” thuộc phần Phong.

(2) Chu Hi (hoặc Chu Hy) sinh năm 1130, mất năm 1200, là người đã phát triển học thuyết lí – khí của Trình Hạo và Trình Di, đã đưa lí học lên thành một hệ thống duy tâm khách quan hoàn chỉnh, được gọi là Trình Chu lí học. Lí học Chu Hi có ảnh hưởng lớn về sau ở Trung Quốc và trở thành tông phái chính của Nho học thời Minh – Thanh. Học thuyết của Chu Hi cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước khác ở Á Đông. Ở Việt Nam, thế kỉ XVI – XVIII, các nội dung lí học của Chu Hi thường được nhắc tới. Ở Nhật Bản, vào thời Đức Xuyên (1603 – 1867) việc nghiên cứu Chu Tử (Chu Tử học) rất thịnh hành.

(3) Chu Công (1043 TCN? – ?) tên thật là Cơ Đán, còn gọi là Thúc Đán, Chu Đán hay Chu Văn Công, là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ vương Cơ Phát lập ra nhà Chu, giành quyền thống trị Trung Hoa từ tay nhà Thương.

Sau khi Chu Vũ Vương chết, Cơ Đán đã giúp Tân vương là Chu Thành vương xây dựng và phát triển nhà Chu. Hình ảnh của ông tiêu biểu cho tấm lòng trung quân phò chúa, không sinh dị tâm, thường được hậu thế về sau nhắc đến cùng với Y Doãn nhà Thương. Nhà Chu dưới sự nhiếp chính của ông đã vươn lên thành một nước mạnh mẽ, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng nên nền Văn minh Trung Hoa rực rỡ về sau. Công lao to lớn của Cơ Đán với sự phát triển của Văn minh Trung Hoa khiến người ta gọi ông bằng chức vụ là Chu Công, quên đi cái tên Cơ Đán, khiến cho nhiều người lầm tưởng Chu Công là tên thật của ông.