Phạm vi hoạt động của một chiếc xe điện là yếu tố vô cùng quan trọng khi chúng ta nói đến tính khả thi của chúng và cũng là điều mà bất kể khách hàng nào cũng sẽ quan tâm nếu nghía mắt đến những phương tiện kiểu này. Thực tế cho thấy xe điện gần như có thể di chuyển được quãng đường trung bình chỉ băng 1/2 so với xe chạy bằng động cơ đốt trong truyền thống. Và cũng bởi vì tính rộng khắp của các trạm sạc nhanh hiện không có cửa gì đối với mạng lưới trạm xăng/dầu, vì lẽ đó, phạm vi hoạt động luôn được xem xét và tính toán một cách rất kỹ lưỡng đối với xe điện.
Đa phần, các nhà sản xuất khi công bố phạm vi hoạt động đều có kèm theo một giải thích nhỏ cho biết đó là “phạm vi kết hợp chuẩn EPA”. EPA là viết tắt của Environmental Protection Agency, đây là cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ. Trong giai đoạn tiền sản xuất, các hãng xe sẽ thực hiện các bài kiểm tra riêng của họ, báo cáo số liệu cho EPA, sau đó EPA sẽ tiến hành thử nghiệm lại tại các phòng thí nghiệm của họ rồi cuối cùng là đưa ra chứng nhận về phạm vi hoạt động của một mẫu xe nào đó. Ví dụ trong năm 2020, có 33 mẫu xe điện nhận được đánh giá của EPA, cho ra những con số khác nhau chẳng hạn như 177 km đối với Mini Cooper Electric hay 600 km đối với Tesla Model S Long Range.
Ngoài EPA ra thì còn có 1 quy chuẩn khác để đánh giá phạm vi hoạt động của xe điện là WLTP, thường được sử dụng bởi các nước châu Âu. Về cơ bản thì số liệu cho ra bởi những tổ chức khác nhau cũng sẽ có sự chênh lệch chứ không giống hoàn toàn. Kiểu như Tinh tế test pin điện thoại thì số cho ra có vài tiếng trong khi GSMArena thì test ra mấy chục tiếng vậy á.
Cũng giống những phương tiện chạy bằng nhiên liệu hoá thạch, phạm vi hoạt động của xe điện cũng được chia ra thành phạm vi chạy trong phố và chạy trên đường trường, trong đó bao gồm cao tốc. Không giống như xe dùng động cơ đốt trong thường có mức tiêu hao nhiên liệu trên đường trường luôn thấp hơn khi đi trong phố, xe điện, ngoại trừ Porsche Taycan ra thì đều ngược lại.
Một phần giải thích vì sao lại có hiện tượng nghe có vẻ lạ này đó chính là nhờ vào hệ thống hồi năng lượng nhờ việc hãm bằng động cơ điện thay vì phụ thuộc quá nhiều vào phanh như đối với xe dùng động cơ đốt trong truyền thống. Ngoài ra, nhiệt độ cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến phạm vi hoạt động của xe điện. Kết quả một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi Hiệp hội Ô tô Mỹ cho thấy khi nhiệt độ môi trường giảm xuống mức -6,7ºC, quãng đường mà một chiếc xe điện có thể đi được sau mỗi lần sạc giảm trung bình 41%.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau lý giải cho chênh lệch này, nhưng đáng chú ý nhất có lẽ nằm ở việc hệ thống sưởi làm việc hết công suất trong thời tiết lạnh giá sẽ “bào” đáng kể dung lượng pin, khiến cho năng lượng dành cho hệ truyền động trở nên ít hơn. Ngoài ra, chất điện phân được dùng trong pin vốn ở dạng gel hữu cơ và khi nhiệt độ càng thấp, dòng electron di chuyển càng chậm, khiến cho pin không thể hoạt động theo cách tốt nhất.
Không chỉ với nhiệt độ thấp, thời tiết quá nóng cũng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của xe điện. Khi nhiệt độ môi trường ở mức 35°C, điều hòa bên trong xe cũng sẽ vận hành hết mức, lúc bấy giờ, quãng đường chạy được sau mỗi lần sạc của xe điện có thể giảm 17%, theo số liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ.
Bất lợi của xe điện so với xe dùng động cơ đốt trong truyền thống trong trường hợp này đó là thay vì tận dụng luồng nhiệt thải từ động cơ để phục vụ hệ thống sưởi, xe điện cần năng lượng cấp từ pin để chạy hệ thống sưởi cũng như điều hòa. Như một điều hiển nhiên, pin bị tiêu thụ nhiều hơn đồng nghĩa với việc bạn cần sạc nó nhiều hơn, cuối cùng là làm tăng chi phí để vận hành xe.
Tham khảo: Caranddriver
TH/ST