Phải nói tôi là một trường hợp khá may mắn khi được gặp gỡ quen biết với nhạc sĩ Mặc Thế Nhân từ rất sớm. Thuở đầu thập niên 2010, nhạc sĩ còn rất khỏe và minh mẫn, ông hay tâm sự với tôi chuyện đời, chuyện nghề của ông từ trước 1975 tới nay. Trong các sáng tác của ông, tôi đặc biệt rất thích bài “Trả Tôi Về”, và cũng nhân đó tôi đã được nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tâm sự cho nghe về sự ra đời của ca khúc này như sau:

Ông kể rằng quê gốc của ông ở đây từ đó giờ (xưa là Gò Vấp – Gia Định, nay thuộc quận 12), ông có một người chị và một người em rất thương nhau và ông cũng rất thương mẹ mình. Thời trẻ ông lên Sài Gòn đi học và lập nghiệp, thỉnh thoảng mới về nhà thăm mẹ. Tiếp theo đó, vào năm 1968, chiến cuộc lan tràn, gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân nước Việt.

Nhìn những đau thương mất mát xung quanh, những sự lừa dối, hờn oán điêu ngoa xảy ra khắp nơi, những cuộc tranh giành quyền lực, thanh trừng lẫn nhau làm cho nhạc sĩ cảm thấy mệt mỏi và chán nản với thời cuộc. Trong một chút suy tư ông bỗng nhớ về thời thơ ấu êm đềm sống bên mẹ và gia đình, vui vẻ bên những bữa cơm chiều trong mái tranh nhỏ thắm đượm tình quê. Nhớ về những lũy tre làng, những ruộng lúa bờ đê, và những buổi chiều thơ thẫn bên dòng sông nhỏ chảy ngang nhà ông. Thuở đó ông đã làm gì biết buồn, biết suy tư, hằng ngày chỉ đi học và vui với những cánh diều bên những người bạn tuổi thơ đầu xanh.

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trình diễn khẩu cầm Hamonica khi còn là sinh viên năm 1958.

Những kỷ niệm ngày xưa đó chợt ùa về, và tất cả đã tạo cảm hứng cho ông đã viết nên ca khúc Trả Tôi Về này. Nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản như vậy, khi đi xin phép phát hành ca khúc Trả Tôi Về lại gặp một số trục trặc. Chính quyền thời đó sau khi xem qua đã kết luận rằng bài hát này có ca từ hơi ủy mị, phản chiến, và nếu phát hành dễ dẫn đến việc người lính nghe nhạc xong có cảm giác chán nản, mất hết tinh thần chiến đấu, họ kêu ông về sửa lại.

Và ông đã sửa đi sửa lại rất nhiều lần, nhưng hai lần đi lên xin phép phát hành vẫn không được duyệt. Phải cho đến lần thứ 3 ông phải nhờ một người đàn anh trong nghề ra mặt giới thiệu và đích nhân ông mặc quân phục hải quân (lúc đó ông đang là lính Hải Quân) đến xin phép thì ca khúc này mới được duyệt phát hành.

Theo trí nhớ của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân thì sau đó, nhạc sĩ Châu Kỳ có dẫn ca sĩ Thiên Trang đến giới thiệu và mua tác quyền sử dụng ca khúc này, ông bán với giá 20 ngàn và dành cho ca sĩ Thiên Trang thu âm đầu tiên. Sau này khi ra hải ngoại, ca sĩ Thiên Trang có thu âm lại ca khúc này trong cuốn CD Làng Văn 85 – Đêm Trao Kỷ Niệm. Nay xin gửi quý vị thưởng thức lại ca khúc này qua giọng hát của ca sĩ Thiên Trang, tôi tin rằng sẽ có một trời kỷ niệm trở lại trong lòng của mọi người. Trân Trọng!

Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1939 ở Gò Vấp – Sài Gòn trong một gia đình tầng lớp trung lưu. Về bút danh Mặc Thế Nhân, ông lý giải có nghĩa là “Góp giọt mực cho đời” chứ không phải theo nghĩa đen như nhiều người nhầm tưởng. Ngoài ra ông còn có bút hiệu khác là Nhã Uyên.

Năm 13 tuổi, ông đã tham gia văn nghệ học đường.

Năm 17 tuổi, ông thọ giáo nhạc lý các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân tại Trường Ca Vũ Nhạc Phổ thông Sài Gòn. Hai năm sau ra trường, ông gia nhập ban Hoa Niên. Ngoài ra ông còn cộng tác với ban nhạc Xuân Bình trình diễn nhạc trên đài truyền thanh.

Năm 1958, ông sáng tác ca khúc đầu tiên là bài Trăng quê hương và tiếp theo là bài Vui tàn ánh lửa năm 1959. Giai đoạn này ông đứng ra thành lập và điều khiển các ban văn nghệ thông tin Quận 1, Tổng hội Sinh viên – Học sinh Đô thành, ban Luân Vũ để đi trình diễn lưu động cho chính quyền Sài Gòn. Bên cạnh đó ông còn là ký giả tân nhạc kịch trường cộng tác với nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Bình Dân với bút hiệu Mộng Thu, Giang Ái Sĩ.

Sự nghiệp sáng tác của ông tiêu biểu có nhiều bài hay như Cho vừa lòng em, Em về với người, Mùa xuân cưới em, Ngày xuân vui cưới…

Khi đã có tên tuổi trong làng nhạc, ông thực hiện băng nhạc Nhã Ca nổi tiếng và mở lớp nhạc Mặc Thế Nhân tại Dakao – Sài Gòn.

Ngoài ra, Mặc Thế Nhân còn có sở thích là nghiên cứu tâm linh.

Sau sự kiện 30/4/1975, ông ở lại Việt Nam cho đến nay

Về bài Cho vừa lòng em nổi tiếng, lần xuất bản đầu tiên có tên là “Cho em vừa lòng” tuy được Mặc Thế Nhân giới thiệu là bài hát tâm đắc nhất của ông nhưng không được giới mộ nhạc chú ý. Mặc Thế Nhân đã nhờ nhạc sĩ Nhật Ngân sửa lời lại và ký tên là Phan Trần. Ngoài ra có 2 bài nữa cũng ký tên Phan Trần là Một lần dang dở & Cho người vào cuộc chiến.

Tác phẩm

An phận
Biển động
Chiều mưa anh đưa em về
Cho người vào cuộc chiến (Phan Trần)
Cho vừa lòng em (Phan Trần)
Cho một người đi xa
Chuyện buồn tình yêu
Đường trần còn ai đó không
Đừng
Điệu buồn của Thúy
Giọt sầu (Nhã Uyên)
Hỏi bạn ngày xuân
Em đi trong chiều mưa
Em về với người (Nhã Uyên)
Lời ru của mẹ
Mùa hoa học trò
Mùa xuân cưới em
Ngày xuân vui cưới
Người em hải đảo
Nhìn đời
Những ngày cắm trại
Những ngày chiến cuộc
Nếu có em
Nụ xuân hồng
Khóm trúc lầu mây
Quê hương tìm giấc ngủ
Rồi một ngày
Ru em tròn giấc ngủ
Say sóng
Sầu đất tổ (1960)
Sầu nhân thế (1960)
Tháng mấy trời mưa
Thế hãy còn xa lắm (1960)
Tàu neo bến lạ
Thủy thủ ca
Thư về em gái Dạ Lan
Trăng quê hương (1958)
Trả lại em
Trả tôi về
Trời cao cho cánh chim bay
Tương tư (10 bài, nổi tiếng nhất là bài thứ tư)
Tôi thương tiếng hát học trò (Mặc Thế Nhân – Trần Anh Mai)
Tôi sinh nhầm thế kỷ
Tiễn người ra khơi
Tiếng vạc sầu đêm
Vui tàn ánh lửa (1959)
Vùng ngự trị
Xin trả tôi về