1. Nước Việt Thường trong sử sách xưa và nay
Trong cổ thư Trung Quốc, Thượng Thư (thế kỷ 3 TCN) là tác phẩm đầu tiên chép chuyện nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Chu. Tiếp đó, Tiền Hán Thư ( thế kỷ 5 SCN) lại chép việc nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Hán. Một cuốn sách thời Thanh còn chép chuyện nước Việt Thường cống rùa lớn, trên mai có chữ khoa đẩu (hình con nòng nọc) cho vua Nghiêu nhà Hạ.
Truyện Bạch Trĩ trong Lĩnh Nam Chích Quái kể :
Đời Chu Thành Vương (1042-1021TCN), Hùng Vương sai bề tôi xưng là người Việt Thường đem bạch trĩ sang cống… Chu Công hỏi: “Vì sao người Giao Chỉ lại cắt tóc ngắn, xăm mình, đi chân đất, để đầu trần, nhuộm răng đen?”. Sứ đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi lại trong rừng, xăm mình để giống hình Vua Rồng bơi lội dưới sông khiến giao long không phạm tới, đi chân đất để tiện leo cây, để đầu trần để khi đốt nương tránh lửa bén, ăn trầu cau để cho sạch miệng nên răng đen “…
Trong đoạn trên, có hai điểm đáng chú ý: 1-Hùng Vương vốn là vua nước Văn Lang nhưng bề tôi lại xưng là người Việt Thường, tức người Việt Thường cũng là người Văn Lang; 2-Chu Công hỏi sứ giả Việt Thường về người Giao Chỉ, tức người Việt Thường cũng là người Giao Chỉ.
Về điểm 1, Nguyễn Văn Tố (1) (1997:440) giải thích: trong 15 bộ của nước Văn Lang có bộ Việt Thường. Sử Hoa gọi tắt nước Văn Lang là nước Việt Thường.
Về điểm 2, Toàn Thư giải thích: “Bách Việt ở châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đó. Từ đời Chu Thành Vương, Giao Chỉ mới gọi là Việt Thường, tên Việt bắt đầu có từ đấy”.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng nước Việt Thường thời Chu ở châu Dương, nằm trên một phần đất của nước Xích Quỉ thời Thương.
Tuy nhiên, sử sách cả Việt lẫn Hoa lại xác định địa danh Việt Thường ở khá nhiều nơi, hoặc ở Thanh- Nghệ-Tĩnh, hoặc ở Bình-Trị-Thiên; hoặc ở Quảng Ninh và Hà Nội, từ đó đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về lịch sử của nước Việt Thường.
Trong cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Đào Duy Anh (1950:19) nêu một giả thuyết, theo đó Việt Thường là tên một nước đã có từ thời Thương, trên đất cũ của nước Tam Miêu, ở khoảng giữa hồ Phiên Dương và hồ Động Đình. (2) Lãnh thổ nước Việt Thường bao gồm châu Kinh và châu Dương. Nước Việt Thường cũng có tên là Việt Chương (từ chỉ hai nước đó trong tiếng Hoa đồng âm với nhau). Nước Việt Thường suy từ khi nước Sở xuất hiện, đến thế kỷ 9 TCN thì bị Sở thôn tính. Mối liên hệ giữa người Giao Chỉ và người Việt Thường không rõ nhưng cả hai đều là người Việt, khi tên Việt Thường xuất hiện thì tên Giao Chỉ không còn.
Tuy nhiên, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam ra đời 7 năm sau, Đào Duy Anh (1957/2010:200-219) lại đưa ra một giả thuyết khác. Trước hết, ông bác bỏ hai luận điểm phổ biến trong sử sách Trung Quốc và Việt Nam coi nước Việt Thường ở trên đất Việt Nam ngày nay và nước Việt Thường đó cũng cống chim trĩ cho nhà Hán.
Về luận điểm thứ nhất ông vạch rõ: một loạt sách kinh điển của Trung Quốc đã xác định Giao Chỉ trước thời Hán là ở Nam Trung Quốc, khác với Giao Chỉ vào thời Hán là ở Bắc Việt Nam. Cụ thể, Giao Chỉ trước thời Hán là tỉnh An Huy, vì thế, nói Việt Thường ở Nam Giao Chỉ tức là nói Việt Thường ở Nam An Huy.
Về luận điểm thứ hai, ông nhận xét: chuyện nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Hán có các chi tiết giống hệt chuyện nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Chu. Có lẽ, vào thời Hán, đã có một nước nào đó ở phương Nam dâng chim trĩ cho nhà Hán. Sử quan Hán, vì muốn nịnh Vương Mãng nên đã lấy tích nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Chu xưa viết thành chuyện nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Hán nay, qua đó ngầm ví Vương Mãng với Chu Công (người được coi là công thần khai quốc của nhà Chu, rất nổi tiếng về tài cao đức trọng).
Nhắc đến gợi ý của học giả Pháp Chavannes: phải chăng nước Việt Thường trong Trúc Thư (nước cống chim trĩ cho nhà Chu) là nước Việt Chương trong Sử Ký (nước vua Sở phong cho con út), Đào Duy Anh nhất trí với ý kiến của Lê Chí Thiệp (3): nước Việt Thường xưa là nước Việt Chương thời Sở ở Nam Xương, Giang Tây, thời Hán là quận Dự Chương. Trong tiếng Hoa, các tên Việt Chương, Dự Chương và Việt Thường đồng âm hay gần âm với nhau. Nước Việt Chương đó thuộc châu Dương, nơi có đặc sản là rùa lớn, chim trĩ và trước thời Hán cũng nằm ở phía Nam Giao Chỉ.
Mặt khác, do không thấy nước Việt Thường trong danh sách các nước chư hầu của nhà Chu ở vùng Dương Tử, Đào Duy Anh lại ngờ rằng nước Việt Chương ở Giang Tây chỉ là một nước nhỏ, ở xa nên không phải là nước triều cống cho nhà Chu. Từ đó, ông kết luận: các sử gia Trung Quốc cũng như Việt Nam xưa, thấy tên Việt Thường có từ Việt, nên coi đó là một tên xưa của nước Việt Nam hoặc coi nước Việt Thường có quan hệ với nước Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có người Việt Nam có truyền thuyết tổ tiên cống chim trĩ cho nhà Chu. Sách Điền Hệ cho biết một tộc thiểu số ở Vân Nam tên là Sản Lý hay Xa Ly cũng có truyền thuyết kể tổ tiên họ sai sứ giả đến triều cống Chu Thành vương, khi về được ban cho xe chỉ Nam, vì thế họ lấy tên là Xa Lý ( Xe đi đường xa !). Người Lão Qua (Lào) cũng có truyền thuyết kể thời nhà Chu tổ tiên họ ở nước Việt Thường. Sách Điền Nam tạp chí lại viết Việt Thường xưa là nước Miến Điện. Những dân tộc đó đều có thể là con cháu của người Bách Việt. Nước Việt Thường, một nước của người Bách Việt ở Nam Dương Tử xưa có thể là một nước có thực nên nay các dân tộc gốc Bách Việt đó, trong đó có dân tộc Việt Nam vẫn ghi nhớ và coi đó là nước của tổ tiên mình.
Các học giả Trung Quốc hiện nay, đa số vẫn khẳng định Việt Thường là một nước xưa nằm trên đất Việt Nam như cổ thư ghi, còn thiểu số cho rằng đó là một nước xưa hoặc ở Trung Quốc, hoặc ở Miến Điện, Lào, thậm chí ở tận châu Phi xích đạo (!). (4) Họ cũng coi Việt Chương và Việt Thường là hai nước khác nhau.
Một trong những người có quan điểm nước Việt Thường xưa nằm ở Trung Quốc là học giả gốc Hồ Nam Hà Quang Nhạc. Trong cuốn Nguồn gốc người Bách Việt (1989), ông cho rằng: người Việt Thường có lịch sử rất lâu đời nhưng nguồn gốc không rõ lắm. Có thể, họ là con cháu người Thường Nga từ ấp Thường, Sơn Đông đi xuống hòa hợp với người Việt ở Nam Dương Tử thành người Việt Thường. Thời Chu Thành Vương, nhà Chu mới ra đời nên chỉ người Việt ở Nam Dương Tử mới có thể biết và có quan hệ với nhà Chu. Tại Tương Tây (Hồ Nam) có một vùng mang tên Việt Thường có nhiều chim trĩ và chính người Việt Thường ở đó đã đem chim trĩ cống cho nhà Chu. Đến thời Xuân Thu (722-481 TCN), người Việt Thường mới đi xuống phía Nam tới vùng Trung Bộ Việt Nam, nơi có huyện Việt Thường sau thuộc nước Lâm Ấp, sau sang Lào, Thái Lan. Như vậy, người Việt Thường là ở Hồ Nam. (5)
Về nước Việt Chương, trong cuốn Nguồn gốc nước Sở, Hà Quang Nhạc (2005:248-258) dựa vào Sử Ký khẳng định: nước Việt Chương được lập ra khi vua Sở Hùng Cừ đánh Dương Việt, phong cho con út làm Việt Chương Vương (nhưng như chúng ta sẽ thấy ở dưới, đó chỉ là sự khống phong). Người Việt Chương cũng được gọi là người Chương/Dự Chương, là một nhóm Dương Việt.
Dựa trên các địa danh Chương/Dự Chương là các tên gọi khác của Việt Chương, Hà Quang Nhạc xác định nước Việt Chương xưa ở huyện An Lục (Hồ Bắc). Tuy nhiên, các học giả khác lại xác định nước Việt Chương nằm ở huyện Đồng Lăng (Nam An Huy), huyện Đồ (Tây An Huy), thành phố Nam Xương (Bắc Giang Tây). Có người còn cho rằng nước Việt Chương chính là gốc của nước Ư Việt ở Chiết Giang.
Vậy Việt Thường và Việt Chương là hai nước hay một nước? Lãnh thổ của Việt Chương -Việt Thường ở đâu?
2. Nước Việt Chương ở Ngô Thành Giang Tây
Trong Chương 5, chúng ta đã xác định nước Việt có kinh đô Ngô Thành nằm bên bờ sông Cám (Gan) hay sông Dự Chương/Việt Chương là nước hạt nhân hay bá chủ của nước Xích Quỉ-một liên minh các nước Bách Việt ra đời vào cuối thời Thương.
Việc lớp cuối của di chỉ Ngô Thành đầy vết tích chiến tranh và không có dấu tích người ở vào đầu thời Chu cho thấy kinh đô nước Việt Chương đã bị hủy diệt sau một trận chiến khiến toàn bộ người ở đây đều phải di tản đi nơi khác. Họ đã đi đâu?
Chắc chắn, Nam Xương, có tên cổ cũng là Dự Chương tương ứng với Việt Chương và cũng nằm bên bờ sông Cám, chỉ cách Ngô Thành khoảng 100 km về phía Bắc đã là nơi người Việt Chương di tản đến và dựng lại nước của mình. Với vị trí trên, nước Việt Chương nằm ở phía Nam An Huy, nằm giữa hồ Động Đình và hồ Bà Dương, đúng như Lê Chí Thiệp-Đào Duy Anh và một số học giả Trung Quốc xác định. Vùng đất đó sau thuộc về nước Ngô, điều cũng phù hợp với quan điểm của các học giả Trung Quốc coi nước Việt Chương là gốc của nước Ngô, văn hóa Ngô Thành là văn hóa gốc của văn hóa Ngô, người Cám là tộc người chủ thể của nước Ngô (Phụ lục 4 D, 6 A).
Tuy nhiên, đúng như quan điểm của Đào Duy Anh và Hà Quang Nhạc, nước Việt Chương ở Nam Xương không phải là nước Việt Thường đã cống chim trĩ cho nhà Chu. Hà Quang Nhạc cho rằng nước Việt Thường đó ở Hồ Nam. Chúng ta sẽ xác định rõ hơn, nước Việt Thường đó có kinh đô ở Thán Lý Hà, Ninh Hương.
3. Nước Việt Thường ở Hồ Nam
Như chúng ta đã biết, tại Thán Hà Lý, Ninh Hương, Hồ Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều lễ khí đồng cao cấp, biểu tượng cho vua chúa có niên đại cuối thời Thương cùng dấu tích của một tòa thành có niên đại đầu thời Chu chứng tỏ đó chính là kinh đô của nước Việt Thường (Chương 5).
Việc xuất hiện một tòa thành mới ở Thán Lý Hà vào đầu thời Chu cùng thời với sự biến mất của kinh đô Ngô Thành cho thấy có vẻ nước Việt Thường đã thôn tính nước Việt Chương. Lịch sử cũng sẽ cho thấy giữa các nước Bách Việt, xen kẽ những thời kỳ đoàn kết, liên minh với nhau là các thời kỳ xung đột và thôn tính lẫn nhau.
Chúng ta còn có một số bằng chứng khác chứng tỏ nước Việt Thường ở Hồ Nam chính là nước Việt Thường cống chim trĩ cho nhà Chu. Đó là:
-Cổ thư ghi Chu Công cấp cho sứ giả Việt Thường xe có la bàn chỉ hướng Nam để về nước. Hướng Nam của kinh đô Chu ở Lạc Dương, Hà Nam chính là Hồ Nam.
-Như đã nêu, tại phía Tây Hồ Nam có một địa danh Việt Thường, nơi có nhiều chim trĩ.
Truyền thuyết kể người Việt Thường cống rùa lớn cho vua Nghiêu, vị vua trong truyền thuyết đã nhường ngôi cho vua Thuấn. Mặt khác, truyền thuyết cũng kể vua Thuấn đến thăm nước Thương Ngô ở Quảng Tây, chết trên đường về và được chôn ở núi Thương Ngô ở Hồ Nam. Vua Thuấn cũng được coi là thần sông Tương. Hiện, nhiều truyền thuyết và thơ ca về hồ Động Đình có liên quan đến vua Thuấn và hai ái phi là Nga Hoàng và Nữ Anh. Tất cả đều phản ánh mối liên hệ lịch sử xa xưa giữa cư dân Hồ Nam với các vương triều phương Bắc, tức người Việt Thường ở Hồ Nam.
Tóm lại, nước Việt Thường ở Hồ Nam đã ra đời vào cuối thời Thương và là một nước trong liên minh Việt Chương-Xích Quỉ. Vào đầu thời Chu, nước Việt Thường trở nên hùng mạnh và thôn tính nước Việt Chương ở Ngô Thành. Với vị thế mới đó, nước Việt Thường đã có quan hệ ngoại giao và “cống” chim trĩ cho nhà Chu thời Chu Thành Vương (1042-1006 TCN). Thời đó, với sự giúp sức của Chu Công Đán, nước Chu đã trở thành một nước lớn mạnh làm bá chủ Trung Quốc, vua Chu tự xưng là Thiên tử.
Mặt khác, cũng đúng như cách lý giải của Đào Duy Anh và Hà Quang Nhạc, việc tên gọi Việt Thường và truyền thuyết Việt Thường cống chim trĩ có tại nhiều nơi đã phản ánh sự phát tán của người Việt Thường do sự bành trướng của nước Sở.
4. Sự bành trướng của Sở
Theo Sử Ký, năm 887 TCN, vua Sở Hùng Cừ sau khi bình định được người Dương Việt ở vùng Giang – Hán, tuyên bố không nhận thụy hiệu của nhà Chu, phong cho 3 con trai làm vua 3 nước ở vùng Dương Tử, trong đó có nước Việt Chương.
Dựa vào Sử Ký, nhiều học giả cho rằng, từ thế kỷ 9 TCN, nhà Sở đã bành trướng tới khắp vùng trung lưu Dương Tử bao gồm khu vực quanh hồ Động Đình ( Anrouseau 1923:263, Đào Duy Anh 2010: 218, Chamberlain 1999:18).
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây, dựa trên các tư liệu khảo cổ lại cho thấy, điều Sử Ký viết là không thực.
Theo Blackeley (1999: 14) nước Sở chắc chắn chỉ bắt đầu bành trướng sau khi nhà Chu suy yếu từ năm 770 TCN, tức sau khi nhà Chu chuyển đô về Lạc Dương, mở đầu thời Đông Chu. Trong khoảng từ 706-690 TCN, Sở mới phát động một loạt các cuộc tấn công vào các nước quanh sông Hán, trong đó có các nước La, Lô Nhung, Giao. Năm 622, Sở ký một hòa ước với Ngô và Việt, hai nước mạnh thời này ở Giang Tô và Chiết Giang. Vào đầu thế kỷ 6 TCN, Ngô vẫn kiểm soát vùng trung và hạ lưu sông Hoài, một vùng đệm bảo vệ cho các nước phía Nam. Khoảng 505-506 TCN, Ngô thậm chí còn đánh chiếm kinh đô Sở, khiến vua Sở phải chạy về vùng Đông sông Hán. Tuy nhiên, lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ nước Ngô, được sự hỗ trợ của Việt từ phía Đông và Tần từ phía Tây, Sở đã dần hồi phục. Năm 473, Sở giúp Việt diệt Ngô. Năm 333, Sở diệt nốt Việt.
Tư liệu khảo cổ cũng cho thấy sự xâm nhập của văn hóa Sở ở vùng Giang Tô, Chiết Giang chỉ thể hiện rõ vào cuối thế kỷ 5 TCN. Các ngôi mộ mang hoàn toàn đặc trưng Sở chỉ xuất hiện sau khi Sở thôn tính Việt.
Theo Cook-Major (1999: 30-33): vào khoảng thế kỷ 7 TCN, Đông Hồ Bắc vẫn là vùng của văn hóa Việt. Tại Giang Đông, địa bàn hai nước Ngô-Việt, các mộ có các di vật Sở chỉ xuất hiện sau khi Sở diệt Việt. Tại Giang Nam, trước khi các yếu tố Sở thẩm thấu xuống đó vào cuối thời Xuân Thu, phần lớn vùng này vẫn thuộc về văn hóa Việt trừ vùng Tây Bắc Hồ Nam có những yếu tố của văn hóa Ba. Chỉ đến đầu thời Chiến Quốc (thế kỷ 5 TCN), các yếu tố Sở mới lan rộng, nhất là ở Hồ Nam. Trong số 3000 ngôi mộ Sở ở Nam Dương Tử được khai quật đến những năm 1990, gần 70 % nằm ở Hồ Nam. Từ giữa thời Chiến Quốc, di chỉ và mộ Sở xuất hiện dày dặc ở Bắc Hồ Nam. Các mộ lớn phân bố trên một vùng rộng từ Nhạc Dương tới tận chân dãy Lĩnh Nam và đặc biệt ở Trường Sa, mộ Sở dày đặc y như ở vùng kinh đô Sở ở Hồ Bắc.
Từ những điều trên, có thể thấy việc vua Sở Hùng Cừ phong đất cho các con làm vua 3 nước ở bờ Dương Tử chỉ mang tính tượng trưng hay là sự “khống phong”. Trong Sử Ký, sự kiện này gắn với việc vua Sở tuyên bố mình là Man Di, không nhận chức tước của Chu. Thời đó, phong đất-phong vương là một đặc quyền của “thiên tử” nhà Chu, vì thế, việc vua Sở tự phong vương cho các con chỉ là một thông điệp thể hiện sự độc lập của Sở với Chu cũng như tham vọng “xưng hùng xưng bá” của Sở.
Cũng theo Blackeley, cổ thư Trung Quốc có rất ít tư liệu về sự bành trướng của Sở ở Nam Dương Tử. Tuy nhiên, đến thế kỷ 4 TCN, từ một nước nhỏ, Sở đã thôn tính sáp nhập hơn 60 nước và nhiều bộ tộc, trở thành một đế chế có lãnh thổ bằng nửa Trung Quốc thời nay.
Sự bành trướng của Sở đương nhiên đã dẫn đến sự di tản, phát tán của nhiều nhóm Việt Thường tới các vùng đất phía Nam và Tây Nam, với truyền thống của mình đã lập ra một số nước mới.
5. Sự phát tán của người Việt Thường
Bằng chứng cho sự di tản, phát tán của người Việt Thường là sự xuất hiện nhiều nhóm người, nhiều nước có tên gọi họ hàng với Việt Thường.
- Dương Việt
Theo Meacham (1996:93): tên Dương Việt vào cuối thời Tây Chu (thế kỷ 8 TCN) còn thấy ở vùng trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình), nhưng đến cuối thời Chiến Quốc (thế kỷ 3 TCN) lại thấy ở Nam nước Sở (Nam Hồ Nam), đến thời Tần – Hán thì thấy ở Quảng Đông và tận Quế Lâm, Quảng Tây.
Sự di chuyển của tên gọi Dương Việt đó đã phản ánh sự thiên di liên tục về phía Nam của người Việt Thường dưới sức ép bành trướng của Sở xuống Hồ Nam, mạnh nhất vào thế kỷ 5 TCN. Dương Việt chính là một tên gọi khác của Việt Thường cũng như của các tên gọi Thương Ngô và Tường Kha.
- Thương Ngô và Tường Kha
Người Dương Việt ở Lĩnh Nam thời Tần chính là tổ tiên của người Choang ( tên Hán Việt: Tráng), hiện là tộc người đông dân nhất (hơn 20 triệu) trong các tộc ít người ở Trung Quốc, cư trú chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Quí Châu.
Trong một bài viết năm 1963, học giả Trung Quốc Từ Tùng Thạch cho biết, trước đó 20 năm, không ai, kể cả người Choang, biết ý nghĩa của tên gọi Choang. Sách Quảng Tây thông chí viết Choang có gốc từ chuang- tu hay Chàng đột (tức người tự phụ, hay va chạm, gây sự với người khác!). Sau khi nghiên cứu, ông tin rằng tên gọi Choang có liên hệ với tên quốc gia đầu tiên của người Choang là Thương Ngô (Tsang Wu) với các bằng chứng sau:
-Một cuốn sách của Khổng Tử (551-479 TCN) nhắc đến người Thương Ngô Lão. Một cuốn sách được cho là của Quản Trọng (725- 645 TCN) nói về một vua Tường Kha ở Quí Châu nhận bá chủ là nước Tề. (6)
-Khoảng thế kỷ 3 TCN, Tần Thủy Hoàng đánh chiếm và sáp nhập cả Thương Ngô và Tường Kha vào đế quốc Tần. Tiếp đó, Hán Vũ Đế (140-85 TCN) lập quận Thương Ngô ở phần lớn Quảng Đông, Quảng Tây và một phần Hồ Nam, lập quận Tường Kha ở một phần Quảng Tây, Quí Châu và Vân Nam. Thời Hán Vũ Đế, có sông Tường Kha nay là sông Tây Giang. Thời Thanh, toàn bộ sông Châu vẫn được gọi là sông Tường Kha. Điều đó chứng tỏ Thương Ngô và Tường Kha là tên của một tộc người sống ở toàn bộ lưu vực sông Châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quí Châu, Đông Vân Nam và một phần Hồ Nam. (7)
– Từ thế kỷ 4 TCN, người Thương Ngô, nhất là nhóm ở Quảng Đông dần bị Hoa hóa. Một số nhóm thiên di về phía Nam tới bán đảo Đông Dương. Những người không bị Hoa hóa được gọi là Chàng Cổ Lão hay Chàng Nhân chính là người Thương Ngô thời Xuân Thu. Thương Ngô, Tường Kha, Chàng Cổ là những biến thể của cùng một tên, được phát âm và ký âm bằng các chữ Hoa khác nhau.
– Dựa vào ngôn ngữ và địa danh, có thể xác định tổ tiên người Choang xưa ở Hồ Nam, An Huy, Bắc Giang Tô, Sơn Đông. Vùng đất gốc của họ là toàn bộ vùng lưu vực sông Hoài, vùng hạ lưu sông Hoàng và sông Dương Tử.
Rõ ràng, vùng đất gốc của người Choang nêu trên về cơ bản khớp với vùng đất của người Việt Thường/Việt Chương/Chương. Có điều, trong bài viết trên, rốt cuộc, Từ Tùng Thạch cũng vẫn không nêu ra nghĩa gốc của tên gọi Choang.
Trong thư tịch Trung Quốc, tên người Choang được ghi bằng nhiều chữ khác nhau như Chàng, Đồng, Trọng, Lang, Nông, từ năm 1962, với chữ Tráng 壮 (Mạnh Mẽ).
Có thể thấy, tất cả các tên gọi trên đều có gốc Yang=Người và tương ứng với tên gọi tắt Chương của người Việt Chương, Việt Thường. Tên gọi gốc đầy đủ của người Choang chính là Ya Yang, tương ứng thuận với các tên tộc người, tên nước Việt Chương, Việt Thường và tương ứng nghịch với các tên tộc người, tên nước, tên sông, tên quận Dương Việt–Thương Ngô-Tường Kha – Chàng Cổ.
Cần lưu ý là, người Hoa khi phiên âm và dùng các tên gọi gốc Bách Việt, trong một số trường hợp đã đảo lại theo ngữ pháp Hoa. Điều này cũng tương tự với việc người Việt, khi phiên âm và dùng từ Hoa, trong một số trường hợp, cũng đảo lại trật tự từ theo ngữ pháp Việt, có lẽ để thuận tai hơn với người Việt (ví dụ các từ sử tiền, hỉ hoan, thố thi, thích kích được đảo thành tiền sử, hoan hỉ, thi thố, kích thích). Ít nhất, chúng ta có hai ví dụ tiêu biểu về việc đảo tên nước.
– Tên Lạc Việt: Lã Thị Xuân Thu (viết xong năm 239 TCN) có câu: “Việt Lạc chi khuẩn”. Cao Dụ, thời Hán chú thích “Việt Lạc là tên nước, khuẩn là măng tre. Việt Lạc là cách nói trong tiếng Hoa, Lạc Việt là cách nói trong tiếng Việt.” (8)
– Tên Nam Việt: là tên nước của Triệu Đà và cũng được coi là tên nước cổ của Việt Nam. Nhưng từ thế kỷ 14, trong các tác phẩm của Hồ Tôn Thốc, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nam Việt đã được đổi thành tên Việt Nam. Cả hai tên đều có nghĩa là “người Việt ở phương Nam”, nhưng Nam Việt nói theo ngữ pháp Hoa, Việt Nam nói theo ngữ pháp Việt. (9)
Kết luận
1-Nước Việt Thường là một nước có thực có kinh đô ở Thán Lý Hà, Ninh Hương, Hồ Nam, ra đời vào cuối thời Thương, cường thịnh vào đầu thời Chu và bị Sở thôn tính vào cuối thời Xuân Thu-đầu thời Chiến Quốc.
2- Sự bành trướng của Sở xuống vùng Nam Dương Tử đã dồn ép người Việt Thường di tản liên tục xuống phía Nam và Tây Nam. Trên các vùng đất mới, với truyền thống dựng nước lâu đời, họ đã hòa nhập với cư dân bản địa cũng là người Bách Việt để lập ra một loạt nước với các tên gọi Tường Kha, Thương Ngô, đều là những biến thể của tên gọi Việt Thường. Các địa danh Việt Thường và truyền thuyết về nước Việt Thường ở người Việt Nam phản ánh sự thiên di của người Việt Thường tới Việt Nam vào nhiều thời kỳ trong lịch sử.
Tên gọi Văn Lang có vẻ cũng có họ hàng với Việt Thường, vậy vị vua Hùng đã dựng nước Văn Lang có liên hệ thế nào với nước Việt Thường? Chúng ta sẽ có câu trả lời trong Chương 7.
Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Tố (1889-1947) là nhà Hán học từng làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội thời Pháp. Ông là Chủ tịch Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946.
(2) Hồ Phiên Dương (Poyang) ở Giang Tây còn được gọi là hồ Bà Dương/ Phàn Dương/ Phiền Dương/Phồn Dương do chữ Po (鄱) có 5 cách phiên âm khác nhau.
(3) Đào Duy Anh cũng không rõ bài viết của Lê Chí Thiệp công bố năm nào. Năm 1973, Lê Chí Thiệp lại xuất bản cuốn Kinh Dịch nguyên thủy ở Sài Gòn, trong đó chứng minh Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Thường. Đáng tiếc, tôi chưa được đọc quyển sách này.
(4) http://baike.baidu.com/view/1035680.htm
(5) Dẫn theo Hà Vũ Trọng, viethoc.org/forum/3-5-2005.
(6) Đó là cuốn Quản Tử, được soạn lại vào đầu thời Tần và chỉnh lý vào thời Hán.
(7) Sông Châu Giang còn gọi Việt Giang.
(8) http://baike.baidu.com/view/2381.htm
(9) Việc năm 1802, nhà Nguyễn muốn lấy tên nước là Nam Việt nhưng nhà Thanh chỉ chấp nhận tên Việt Nam lại là một câu chuyện khác với một ý nghĩa khác.