Sáo diều là nhạc cụ họ hơi, chi hơi lùa của dân tộc Việt. Đây là một thú chơi truyền thống lâu đời, xuất xứ từ vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, được chơi phổ biến ở Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Khi diều bay lên, sáo phát ra tiếng kêu như bản nhạc du dương. Gió càng mạnh thì diều càng lên cao, tiếng sáo càng vang xa.

Diều bản thân nó đã là thú tao nhã, chơi mùa nào cũng được, nhưng mùa hè và thu là mùa diều. Diều có nhiều loại, nhiều màu sắc, hình hài, thả lên trời tạo nên cái thú ngắm nhìn con diều bay lượn uyển chuyển trên không.

Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: HoangPhu.vn)

Diều truyền thống thường cố định khung, được làm bằng tre, phết giấy gió và không có đuôi, có hình dáng như trăng lưỡi liềm cong đều khi lên. Tre làm xương diều phải là tre già, nhẹ, chắc. Giấy diều là giấy bản, nhẹ và dai. Thời xưa để tạo nên thứ keo dán diều tốt, người ta dùng quả hồng mới lớn, giã nhuyễn, ngâm nước, tạo ra một thứ hỗn hợp màu nâu. Thứ keo này giúp các mảnh giấy dính chặt vào khung, tạo nên cánh diều căng, chịu sức gió.

Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Lí Học, Facebook Làng Việt xưa & nay)

Diều hiện đại thì chất liệu có thể tốt hơn, lại có thêm bánh lái giúp diều lên ổn định, có nơi còn thiết kể để diều xếp được vào, mang đi mang lại rất tiện.

Làm sáo diều thì còn khó hơn nữa. Người làm sáo diều tốt phải là người hiểu nhạc lý, lại phải khéo tay, kiên trì, tâm huyết.

Chọn ống sáo thì dùng cây mai, vầu, giang hoặc cây dùng già. Nếu may mắn kiếm được đoạn ống tre mà kiến làm tổ trong ống tạo nên độ sần sùi thì sáo sẽ cứng cáp, không bị vỡ cũng như sẽ dễ lấy tiếng sáo hơn so với các loại khác.

Miệng sáo thì sử dụng các cây gỗ có dạng xoắn thớ như mít vườn hơn 30 năm trở lên, lõi to, già, đảm bảo dai, rắn để khi khoét sáo, đục đẽo không bị vỡ. Bên cạnh gỗ mít có thể dùng gỗ sến, người cầu kỳ thì làm miệng sáo bằng sừng trâu.

Từng ống sáo ngăn đôi, mỗi đầu mang một mũ sáo, miệng sáo đón gió sẽ cất tiếng thanh tiếng trầm. Dàn sáo gắn thành hình tháp, có nhiều ống sáo khác nhau: 2, 3, 5, 7, có nơi lên đến 9, 11 hay 13 chiếc. Ống sáo có thể xếp theo thứ tự thang âm, cũng có nơi xếp sáo bỏ khuyết một thang, tùy thuộc vào mong muốn của người nghệ nhân làm sáo diều.

Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Lí Học, Facebook Làng Việt xưa & nay)
Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Lí Học, Facebook Làng Việt xưa & nay)
Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Lí Học, Facebook Làng Việt xưa & nay)
Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Lí Học, Facebook Làng Việt xưa & nay)

Sáo đổ chậm, dài tiếng, ngân vang thì được coi là sáo hay. Ngoài ra, việc phối hợp âm thanh cũng quan trọng. Có những bộ sáo mà người ở cách hàng chục cây số vẫn nghe thấy tiếng.

Vi vu tiếng sáo diều
(Ảnh: Thegioidisan.vn)

Sáo diều thường ngân vang trên xóm làng quê hương, trên cánh đồng bát ngát, vào những chiều hè gió mát, những đêm trǎng sáng, hay trong các dịp vui của làng.

An Nhiên