Xuyên suốt nghệ thuật Ba Tư, con rồng xuất hiện trong nhiều bức họa, nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh tự nhiên khác nhau, mang tới những cảm hứng tuyệt vời…
Rồng là loài vật huyền thoại trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong các truyền thuyết thời trung cổ và sử thi, người phương Tây coi rồng như một loài vật độc ác và quỷ quyệt đến từ địa ngục, với đôi cánh lớn và khả năng phun lửa. Trong khi đó, rồng phương Đông lại là loài linh vật được tin là sẽ mang tới phúc phận và sự trường thọ, được dùng như một biểu tượng quyền uy của đấng thiên tử đứng trên vạn chúng.
Ít được nhắc đến hơn cả có lẽ là loài rồng thuộc vùng Trung Đông và Nam Á, đặc biệt là rồng Ba Tư. Nhưng dẫu được nhắc đến như một truyền thuyết trong sách vở và thần thoại, hay như một biểu tượng đẹp trong trang trí nghệ thuật, thì các ghi chép lâu đời về rồng cũng để loại cho nhân loại không ít ẩn đố.
Truyền thuyết cổ đại
Theo những tài liệu Ấn Độ cổ đại như kinh Vệ Đà có từ hơn 3000 năm trước đây, thì con rồng Vrtra đã bị Thần Indra tiêu diệt, khiến cho nước có thể chảy từ thiên giới xuống trái đất.
Theo các truyền thuyết của vùng Lưỡng Hà thì Thần Marduk đã chiến đấu với con rồng Tiamat để phân định quyền cai trị nhân loại.
Còn trong Hỏa giáo tại Iran thì rồng lại là một loài bò sát tà ác, ăn thịt ngựa và ăn thịt người, với nọc độc có thể ăn mòn bất cứ ngọn giáo sắc bén nào.
Rồng Ba Tư
Vài thế kỷ sau, loài rồng xuất hiện rất nhiều trong các cung điện Hồi giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tận Nam Á. Vào thời trung cổ và cận đại, chúng được đưa vào văn hóa Ba Tư, trong các câu chuyện cổ tích hay các tín ngưỡng.
Được sáng tác vào cuối thế kỷ thứ 10, đầu thế kỷ 11, thần thoại nổi tiếng của Ba Tư là thiên sử thi Shahnama đã kể về các trận chiến của những người anh hùng với rồng xen lẫn trong các câu chuyện huyền bí về vũ trụ, về Hồi giáo, và về các nền văn minh.
Một trong những người anh hùng nổi bật nhất là Bahram Gur được lấy hình tượng phỏng theo vị vua Bahram V của đế quốc Sassanid. Bahram Gur thường được vẽ trong một trận chiến với rồng.
Con rồng Ba Tư có những đặc điểm giống với rồng Trung Hoa, với thân hình dài và đứng trong ngọn lửa. Có lẽ thông qua việc giao thương buôn bán, mà hình tượng rồng Trung Hoa đã tới thế giới Ba Tư.
Kết quả của điều đó là những con rồng đặc biệt xuất hiện ở tận vương quốc Ottoman tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ như con rồng lượn quanh tán lá được vẽ bởi danh họa Shah Quli vào thế kỷ 16. Tất nhiên, con rồng Ba Tư dù mang dáng dấp của rồng Trung Hoa, nhưng trông lại rất độc ác và dữ tợn, mất đi tính cách của rồng Trung Hoa.
Thời kỳ hoàng kim
Sau này, rồng cũng xuất hiện trong các bức tiểu họa Hồi giáo. Nhưng nghệ thuật trang trí rồng Ba Tư không lên tới đỉnh điểm ở Trung Đông, mà lại bước vào giai đoạn hoàng kim ở tận Ấn Độ, dưới vương triều Mughal.
Trong trường ca Shahnamah viết vào thế kỷ 19, người anh hùng Bahram Gur đang mổ bụng một con rồng để giải cứu một người đàn ông. Con vật trong tranh dù được gọi là rồng, nhưng lại giống một loài thằn lằn khổng lồ hơn. Bức vẽ này dựa trên một truyền thuyết khác từ tận thế kỷ thứ 5, được cải biên vào thế kỷ thứ 11 trong sử thi Ba Tư, và rồi lại tiếp tục được tái hiện thông qua nghệ sĩ Ấn Độ vào thế kỷ 19.
Dù có du nhập và trộn lẫn hình tượng rồng Trung Hoa, nhưng rồng Ba Tư không có được những phẩm tính thiêng liêng như rồng Trung Hoa. Hành động hiền lành nhất của rồng Ba Tư là việc đua tài cùng các con vật, xem ai sẽ xứng đáng là loài linh thú làm chủ rừng xanh.
Đôi khi điều đó khiến người ta tự hỏi rằng loài rồng trong 12 con giáp mà chúng ta quen thuộc và yêu mến có phải là một loài vật hoàn toàn khác với loài bò sát tới từ địa ngục mà người phương Tây mô tả? Liệu có xảy ra sự sai lệch trong quá trình phiên dịch và giao lưu văn hóa Đông Tây?
Bạch Tuyết