Nước Pháp nhận thức tầm quan trọng Hoàng Sa, Trường Sa đối với phòng thủ Đông Dương, đã tiếp quản 2 quần đảo này với tư cách nhà nước bảo hộ.
Cuốn sách của Luật sư người Pháp Monique Chemillier-Gendreau, giáo sư công pháp quốc tế của Trường Đại học Paris, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu, dưới nhan đề“Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, được xuất bản tại Paris tháng 3/1996. Cuốn sách dựa trên việc nghiên cứu các hồ sơ gốc các giao dịch của chính phủ Paris và chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, cũng như các tài liệu của phía Việt Nam được gửi về Paris để nghiên cứu cơ sở pháp lý của việc Pháp chiếm hữu Trường Sa, cũng như Hoàng Sa.
Bà Monique Chemillier-Gendreau viết: “Đối với các đảo Trường Sa, sự tồn tại của chúng chắc chắn đã được biết đến. Không có gì cho phép khẳng định rằng Trung Quốc đã chiếm hữu các đảo này. Việc quản lý các đảo Trường Sa (Spratleys) đồng thời với các đảo Hoàng Sa (Paracels) của các chúa Nguyễntừ thế kỷ XVIII là một giả thuyết có thể thừa nhận. Trong hồ sơ không có dấu hiệu về mối quan tâm của Indonesia, Malaisia hay Philippines đối với quần đảo này trong thời kỳ đó.
Theo sách của bà Monique Chemillier-Gendreau, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp hỏi lãnh sự Pháp ở Manila về những yêu sách có thể có của Philippines. Ngày 22/3/1929, ông này đã phúc đáp nhấn mạnh đến việc không quan tâm của Philippines.
Trung Quốc không có chút yêu sách nhỏ nào
Đối với quần đảo Trường Sa, trong hồ sơ của Pháp “không có chút yêu sách nhỏ nào của Trung Quốc trong suốt thời kỳ thuộc địa”.
Các hồ sơ và giao dịch của Chính phủ Pháp và giữa Paris với các chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, được Luật sư Chemillier-Gendreau công bố trong Phụ lục cuốn sách của mình, cho thấy từ năm 1929-1930, trước các mưu toan của Nhật Bản xâm chiếm các đảo thuộc Trường Sa có thể tạo nên sự uy hiếp đối với Đông Dương, nước Pháp đã thực hiện chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và thiết lập quyền kiểm soát hành chính trên các đảo chiếm đóng, kể cả đảo Ba Bình ngày nay do Đài Loan chiếm đóng. Cờ Pháp đã được kéo lên hòn đảo chính. Một cột mốc kỷ niệm trong đó có các tư liệu liên quan đến việc chiếm hữu đã được dựng lên. Việc chiếm hữu đã được đăng trên Công báo của Cộng hòa Pháp và sáp nhập Trường Sa vào một huyện hành chính của An Nam thuộc tỉnh Bà Rịa. Các nước ngoài đã được thông báo về việc này. Nước Anh đã ghi nhận mặc dùhọ nhận xét rằng trước đây đã có một tàu Anh đến thăm quần đảo này. Bộ thuộc địa, thống nhất với Bộ Ngoại giao Pháp, đã quyết địnhthể hiện sự có mặt của nước Pháp ở quần đảo Trường Sa bằng cách phái đếnđó những lính cảnh vệ An Nam đồn trú. Pháp đã đặt ở đó một trạm vô tuyến điện, và những người ở đó được tiếp tế định kỳ bằng một tàu chở hàng từ Trung Kỳ tới. Về phương diện ngoại giao, Chính phủ Pháp, trong các cuộc trao đổi với Chính phủ Nhật Bản đã viện dẫn Hiệp ước Nhật-Pháp 1907, khẳng định tính hợp pháp của các quyền của mình đối với quần đảo và để tránh không làm cho cuộc xung đột trở nên gay gắt hơn, thậm chí đã xét đến việc đưa vấn đề lên một cơ quan trọng tài quốc tế. Nhưng người Nhật Bản đã từ chối.
Ngày 19/3/1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty Phosphat mới của Bắc Kỳ.
Ngày 8/3/1929, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp điện cho Thống đốc Nam Kỳ, viết rằng “đồng ý với ông, tôi không phản đối việc cấp giấy phép thăm dò mỏ cho Công ty phốt phát Bắc Kỳ trên đảo Trường Sa… Do đó, tôi yêu cầu coi đảo Trường Sanhư được sáp nhập về mặt hành chính vào Bà Rịa”.
Chiến dịch chiếm hữu đảo Trường Sa bằng tàu Malicieuse được đề nghị vào tháng 10/1929 đã bị hoãn lại do điều kiện khí hậu không thuận lợi. Cuối cùng nó cũng đã bắt đầu được thực hiện vào ngày 13/4/1930,hải quân Pháp đã đổ bộ và chiếm các đảo nhỏ, đá ngầm giữa vĩ tuyến 7o và 12o Bắc và ở phía Tây vùng tam giác của Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp biết rằng việc chiếm hữu các đảo nhỏ này là “để tránhviệc một cường quốc nước ngoài yêu sách chủ quyền trên đó”… Việc chiếm đóng này là “đủ để khẳng định chủ quyền của chúng ta trên hầu như toàn bộ khu vực đã được biết rõ của quần đảo này”.
Thư của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Thượng tướng P. Jacquot, gửi Tổng trưởng phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết của chính phủ Pháp, ngày 16/6/1955, đã làm rõ việc Pháp chiếm hữu đảo Ba Bình và quần đảo Trường Sa, nêu rõ: “Đảo Ba Bình “vô chủ” trước kia đã được sáp nhập về mặt hành chínhvào Nam Kỳ năm 1929. Việc chiếm hữu chính thức được pháo hạm “Malicieuse” thực hiện ngày 18/4/1930 và công bố trong Công báo ngày 26/5/1933. Đảo Ba Bình đã được một phân đội lính cảnh vệ của Nam Kỳ đóng giữ trong thời gian 1938-1940. Một trạm khí tượng của Pháp có lẽ đã được đặt ở đây khoảng năm 1938… Một bản ghi chú của Vụ Pháp luật Bộ Ngoại giao đề ngày 6/12/1946 khẳng định rằng việc quần đảo “vô chủ” thuộc Pháp là không gì phải tranh cãi… Mặc dùcó những ý đồ được nhắc đến ở trên (của Philippines, Trung Quốc) người ta có thể chấp nhận rằng chủ quyền của Pháp trên quần đảo Trường Sa là không thể tranh cãi được. Tuy nhiên, có thể các yêu sách của Việt Nam đối với quần đảoTrường Sa sẽ trở nên rõ ràngvới lý do là các đảo này từ xưa đã được sáp nhập vào Nam Kỳ”.
Việc chiếm hữu các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được tiếp tục trong năm 1933:
Ngày 7/4/1933, chiếm hữu đảo An Bang.
Ngày 10/4/1933, chiếm hữu nhóm đảo Song Tử.
Ngày 11/4/1933, chiếm hữu đảo Loại Ta.
Ngày 12/4/1933, chiếm hữu đảo Thị Tứ.
Theo Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á của Sở nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam (Trung Quốc), kỳ I/2011, riêng năm 1933, Pháp chiếm 9 đảo ở Trường Sa.
Pháp thực thi quyền bảo hộ
Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26/7/1933 cho biết các đơn vị hải quân Pháp đã chiếm đóng một số hòn đảo thuộc Trường Sa. Và trong các thư của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ngày 24/8 và 14/9/1933 đã thông báo việc sáp nhập các đảo và đảo nhỏ thuộc nhóm Trường Sa hay Bão Tố.
Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định xác định đảo có tên là Spratly và các đảo nhỏ Caye d’Amboine (An Bang), Itu-Aba (Ba Bình), cụm Song Tử,Loại ta và Thị Tứ phụ thuộc vào đảo đó, nằm ở Biển Đông được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa.
Ngày 15/6/1938, Pháp xây dựng xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước và trong Chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945, Nhật Bản chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cứ điểm tiến đánh các thuộc địa của Anh, Pháp và Mỹ ở Đông Nam Á và kiểm soát các con đường biển ngang qua Biển Đông. Tại Hiệp ước San Francisco ngày 8/9/1951, Nhật Bản đã từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách trên quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa và chính quyền thuộc địa Pháp và chính quyền Bảo Đại đã tái thiết lập sự kiểm soát trên các quần đảo này.
Theo Hiệp định ngày 8/3/1949, Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Côn Đảo cho chính phủ Quốc gia Liên hiệp Việt Nam của Bảo Đại. Nhưng theo bức thư đề ngày 16/6/1955 kể trên của Cao ủy Pháp tại Đông Dương, P. Jacquot, Pháp vẫn “dành cho mình các quyền trên quần đảo Trường Sa”. Khi Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn đã tiếp quản các đảo thuộc các quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa.