Cuối năm 1892, một năm sau chuyến thám hiểm cao nguyên Đăk Lăk, bác sĩ Alexandre Yersin quyết định thực hiện một chuyến thám hiểm từ Sài gòn lên Di Linh, nơi ông đã đến trong chuyến đi không thành công vào năm 1891. Trong những chuyến thám hiểm này, nhiệm vụ của ông – một nhà thám hiểm và chuyên gia đo đạc do Toàn quyền bổ nhiệm – là “trên đường đi nghiên cứu tìm những con đường mới cho việc thương mại, chỉ ra những nơi thích hợp để nuôi gia súc, kiểm kê tài nguyên rừng và khoáng sản” như lời nhà văn Patrick Deville.

Image result for daà lạt xưa

Patrick Deville đã kể về những chuyến thám hiểm của Yersin và thời khắc ông khám phá cao nguyên Lang Bian vào năm 1893: “Anh đã đến những ngôi làng người Chăm, thâm nhập nền văn minh Champa cổ xưa. Trong vòng 2 năm, anh biết đến những bình minh lạnh giá co ro trên đỉnh Trường Sơn. Trong rừng rậm, ban đêm cắm trại ở giữa vòng lửa để xua đuổi thú dữ…

Trong hành trình lần thứ hai, sau khi đoàn người trèo lên một ngọn núi tua tủa lá kim, một bình nguyên đầy cỏ xanh mở ra trước mặt họ, trải rộng đến tận chân trời, ở độ cao trên 1000 mét, trong cái lạnh. Ở chính giữa là một dòng sông. Khung cảnh thật giống xứ Thụy Sĩ. Khi trở về, Yersin nhớ rằng “cảnh tượng gợi nhớ mặt biển đang cồn lên dưới một đợt sóng lừng uốn lượn màu xanh lục” (Yersin – Peste & choléra, tr. 99, 101).

Bác sĩ Alexandre Yersin

Alexandre Yersin đã ghi chép trong nhật ký hành trình: “3h30: grand plateau dénudé mamelonné” (3g30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi). Thế nhưng mãi đến 4 năm sau, người Pháp mới chú ý tới cao nguyên này vì toàn quyền Paul Doumer đã có dự án xây dựng một khu nghỉ dưỡng cho người Pháp. Thành phố Dalat (Đà Lạt) được xây dựng sau 4 năm quan trắc (từ năm 1897) với “những ngôi nhà tiện nghi được xây lên, các thác nước được nắn dòng chảy và sử dụng để xây dựng một nhà máy cần thiết cho các công việc xây dựng khu nghỉ dưỡng” theo lời Paul Doumer trong hồi ký của ông.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh trong tác phẩm “Đà Lạt năm xưa” xuất bản vào năm 1993, vào dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt, “trong nhật ký ngày 21.6.1893, bác sĩ Yersin không ghi tên buôn Đạ Lạch – xuất xứ của tên Dalat – chỉ ghi tên buôn Đăng Kia. Đăng Kia là buôn lớn nhất trên cao nguyên Lang Bian lúc bấy giờ. Trong bản đồ Đông Dương in trong hồi ký của Toàn quyền Paul Doumer, không thấy ghi Dalat, nhưng có địa danh Dangkia…” (Đà Lạt năm xưa, tr. 47, 48).

Thủ bút của Yersin

Tên Dalat được dùng để gọi thành phố trên cao nguyên Lang Bian có nguồn gốc từ hai chữ Đạ Lạch. Theo Nguyễn Hữu Tranh, suối Cam Ly chảy qua thành phố Dalat có 3 đoạn mang 3 tên khác nhau:
– Từ thượng nguồn đến ao Pàng Đờng ở vị trí hồ Than Thở ngày nay, dòng suối mang tên Dà Pàng Dờn.
– Từ ao Pàng Dờng đến thác Liêng Tô Sra (nay là thác Cam Ly), dòng suối mang tên Đạ Lạch.
– Từ thác Liêng Tô Sra đến sông Đạ Dờng, dòng suối mang tên ông Mlơi.
Về sau, K’Mlơi nói trại thành Cam Ly, Đạ Lạch thành Đà Lạt…” (Đà Lạt năm xưa, tr. 47)

“Địa phương chí Dalat” (năm 1965) do ông Phạm Gia Triếp biên soạn chép:

I. LỊCH SỬ
Dalat, một thành phố thơ mộng, một trung tâm thắng cảnh, khai sinh do nhiều giả thuyết truyền khẩu. Vài giả thuyết sau đây được xem như là hữu lý và chính xác:

a/ Giả thuyết thứ nhất:

Khi bác sĩ Yersin đến suối Cam Ly ngày nay gặp nhiều thổ dân đang tắm rửa, hỏi tên con suối ấy, họ đáp là DAK LAT .Dak là suối và Lát là một bộ lạc Thượng, và Dak Lat có nghĩa là suối của người Lat.

b/ Giả thuyết thứ nhì:

Khi bác sĩ Yersin có ý định lập thành phố, có hỏi ý kiến một người Việt học thức rộng. Ông này đáp: “Giá cất đây một thành phố thì vui lắm, nào là sông, hồ, đồi, suối…” Vậy , dịch chữ “ vui lắm” , đặt tên cho thành phố ấy. Đó là chữ “Đa Lạc”. Đa là nhiều ,lạc là vui, do đó, sau này được viết trại ra là Đà Lạt.

c/ Giả thuyết thứ ba:

Bác sĩ Yersin vốn biết nhiều về La tinh, nhận thấy Dalat thích hợp với mọi người, ông cho là nơi đây “giúp cho người này nguồn vui, kẻ khác một thời tiết tốt” ( donner aux uns la joie, aux autres la température) rồi ông dịch thành tiếng La tinh “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem”, đoạn lấy những chữ đầu ghép lại thành danh từ Dalat ngày nay.

Image result for daà lạt xưa

Trước kia, vùng Dalat đặt dưới quyền cai trị của vị tù trưởng tài ba tên là Yagut đã từng chiến đấu chống lại thực dân trong thời kỳ đô hộ. Hiện nay, một đường phố của đô thị được mang tên vị danh nhân trên.

Cuối thế kỷ thứ 19, vùng Dalat chỉ là một biển đồi hoang vu nhấp nhô dưới ngọn núi Langbian (cao 2100 thước) quanh co một con đường mòn nhỏ, lác đác vài căn nhà sàn nghèo nàn của đồng bào thượng du.

Đến năm 1946, Dalat đổi hẳn thành một thị xã xinh đẹp với những con đường rộng mát, những ngôi nhà kiến trúc tân kỳ, ẩn mình sau những thửa vườn đầy hoa tươi muôn sắc.
Thêm vào đó, những cảnh trí thiên nhiên, nào thác hùng vĩ, nào hồ thơ mộng, nào rừng thông xanh ngát, điểm tô những nét chấm phá linh động hữu tình, biến Dalat thành một trung tâm du lịch danh tiếng của nước nhà và tại Đông Nam Á.

Trong cuộc Nam tiến, các vị tiền bối anh hùng đất Việt sáp nhập vùng sơn cước Dalat vào tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên , các vị tiền bối không chú trọng đến việc khai khẩn vì trên bước đường mở rộng cõi bờ, cần trước mắt một giải đất phì nhiêu bao la, Nam phần của ta ngày nay.

Vì vậy, sau khi người Pháp đến Việt Nam, mãi đến năm 1897, cuộc thám hiểm đã tìm được vị trí của thành phố. Nhận thấy Dalat có khí hậu tốt lành và phong cảnh xinh đẹp, Bác sĩ đề nghị cùng các nguyên Toàn quyền Pháp đương thời như: Pierre Pasquier, Roume, Maurice Long xây dựng thành phố Dalat, và công tác này được thực hiện qua 4 giai đoạn:

*Giai đoạn khai sinh: trước tiên, nguyên Toàn quyền Paul Doumer tán thành đề án của Bác sĩ Yersin và sau khi phái 2 đoàn thám hiểm vào năm 1897, năm 1898 do các ông Thouard, Cunhao và Guynot cầm đầu lên quan sát tại chỗ, liền cho xây dựng Sở Khí tượng và căn cứ thí nghiệm trồng trọt, đồng thời mở một con đường từ miền duyên hải Trung Việt lên vùng sơn cước.

Năm 1899, ông Doumer tự mình đến viếng thăm tình hình Dalat do ngã Phan Rang lên. Sau đó, dinh thự của viên Toàn quyền Pháp, đồn lính bản xứ bắt đầu dựng lên. Một viên Đốc lý thành phố được chỉ định để khuếch trương công tác mở rộng thành phố. Nhưng sau khi ông Doumer về Pháp, chương trình xây dựng này bị đình chỉ hẳn.

*Giai đoạn bừng tỉnh: Mãi vào cuối năm 1915, Toàn quyền Roume thức tỉnh Dalat khỏi cơn tê liệt hãi hùng và tiếp tục chương trình xây dựng của Paul Doumer . Nhờ thế, số nhà nghỉ mát tăng lên, vài ngôi dinh thự được tiếp tục kiến tạo như : Ty Bưu chính, Ty Ngân khố, khách sạn Palace… và đến năm 1920, thành phố Dalat có đầy đủ tiện nghi điện nước.

*Giai đoạn xây dựng: Năm 1923, Toàn quyền M. Long giao phó kiến trúc sư Hebrard phác hoạ án đồ mở rộng thành phố nhằm mục tiêu tô điểm Dalat thành một thủ đô “Liên Bang” và trung tâm thành phố quy tụ quanh Hồ Lớn Dalat. Đồng thời, đến năm 1933, quốc lộ số 20 dài 300 cây số có thể đưa khách du lịch từ Saigon đến viếng thăm Dalat trong vài giờ đồng hồ.

*Giai đoạn thịnh vượng:Từ năm 1940, Dalat mỗi ngày thêm phồn thịnh. Nhà cửa, công thự san sát, dân cư càng ngày càng tăng dần, khai khẩn những thửa đất hoang vu, lập thành thôn ấp.

Năm 1932, dân số dược 1500 người. Mỗi năm, cứ thế tăng lên mãi và hiện nay vượt con số 60.000 người.
Trong chương trình kiến thiết quốc gia, chính quyền địa phương cũng như Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà luôn luôn chú tâm xây dựng Dalat thành một đô thị kiểu mẫu của nước nhà trên mọi địa hạt, nhất là về lĩnh vực văn hoá, du lịch v.v…”

Huỳnh Duy Lộc