Theo số liệu còn giữ được thì trong thập niên 1930 ở Nam Kỳ có khoảng gần 4000 trẻ mồ côi trên tổng số dân chưa đầy 4 triệu. Thế nhưng các cô nhi viện, ấu trĩ viện và các nhà giữ trẻ (the crèche) còn rất hạn chế và hầu như đều do người Pháp hoặc các nhà dòng đảm nhận. Vì trẻ mồ côi rất nhiều mà viện mồ côi thì quá ít nên đa số trẻ con không được chăm sóc kỹ lưỡng, tình trạng bệnh tật và tử vong rất cao[1]. Vì thế các ký nhi viện và cô nhi viện, thường gọi là viện Dục Anh, được thành lập là một giải pháp tốt giúp các trẻ bất hạnh và các gia đình nghèo gặp khó khăn trong vấn đề nuôi dưỡng, chăm sóc con em mình.

Tên Dục Anh đã có từ hai thế kỷ trước. Năm 1852, ở Bùi Chu, một viện mồ côi có tên là Nhà Dục Anh hay Cô Nhi Viện Thánh An (cũng gọi là cô nhi viện Bùi Chu) đã được Thánh Giám Mục Tử Đạo Diaz Sanjurjo An thành lập năm 1852. Nhà Dục Anh này khác với các Viện Dục Anh được thành lập ở Nam Kỳ trong thập niên 1930 mà chúng tôi đề cặp trong bài viết này

Viện Dục Anh ở Cầu Kho do tờ tuần báo Phụ Nữ Tân Văn sáng lập được xem là Viện Dục Anh đầu tiên ở Miền Nam do người Việt thành lập và điều hành bởi người Việt.

Mặt khác người Sài Gòn trước 1975 có lẽ rất quen thuộc với Viện Dục Anh hay Hội Dục Anh tọa lạc ở ngã năm Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão. Đây chẳng những là nơi giữ trẻ mà còn là một Cô Nhi Viên rất nổi tiếng thời ấy và cũng là Viện Dục Anh cuối cùng của Sài Gòn.

Trong bài này chúng tôi viết về hai Viện Dục Anh đầu tiên và cuối cùng của Saigon kể trên và chứng minh hai Viện này là một vì Viện chỉ thay đổi địa điểm mà thôi.

Hội Dục Anh và Viện Dục Anh của Phụ Nữ TânVăn

Thành lập Hội Dục Anh

Đầu năm 1931 một Viện Dục Anh do các phụ nữ Pháp thành lập, tọa lạc tại số 1 đường Jean Mazet (tức đường Đặng Dung Tân Định) [2]. Ba tháng sau PNTV đăng một bài phóng sự mô tả cách nuôi dạy rất khoa học và tân tiến của nhà trẻ này kèm theo những hình ảnh bụ bẫm sạch sẻ của các bé ở đây. Điều này tác động mạnh mẽ đến các phụ nữ trí thức cấp tiến thời bấy giờ. Nó đã mở ra cho họ một hướng hoạt động từ thiện hữu ích mới: mở một ký nhi viện mà Tuần báo PNTV đã giữ vai trò then chốt. Để có nhân sự và tài chánh, đầu tiên Bà Nguyễn Đức Nhuận, người sáng lập tờ Phụ Nữ Tân Văn, đã đề xướng thành lập Hội Dục Anh (Société d’entr’Aide Maternelle) mà các hội viên đầu tiên là những phụ nữ giàu lòng từ thiện, có học thức và thuộc thành phần cấp tiến. Bà Nguyễn Đức Nhuận đã dùng tờ tuần báo Phụ Nữ Tân Văn để vận động kêu gọi việc thành lập Hội một cách hợp pháp và đã được chính phủ Pháp cấp giấy phép ngày 7/11/1931. Lúc đó tuy Hội có Ban Trị Sự tạm thời nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động vì thiếu kinh phí. Theo tin đăng trong Phụ Nữ Tân Văn (PNTV) số 120 ra ngày 25 tháng 2 năm 1932 mục đích của Hội là sẽ thành lập “sở nuôi con nít, mở ấu trỉ viện, phổ biến cách nuôi dạy trẻ theo khoa học và bày các cuộc chơi cho nhi đồng v..v…tóm lại là kiếm cách nuôi nấng trông nom, giúp đỡ cho con cái các nhà nghèo.”[3]

Lúc đầu trụ sở của Hội Dục Anh được đặt tại số 65 Rue de Massiges (nay là đường Mạc Đỉnh Chi). Ban trị sự đầu tiên gồm

Hội Trưởng: Bà Nguyễn Trung Thu

Hội Phó: Bà Lưu Văn Lang

Từ Hàn (tức tổng thơ ký): Bà Nguyễn Đức Nhuận

Thủ Quỷ: Bà Trịnh Đình Thảo.

Để có được sự ủng hộ từ phía chính phủ thuộc địa, Hội đã tặng danh hiệu Hội Trưởng Danh Dự cho Bà Thống Đốc Krautheimer và Bà Quyền Thống Đốc Eutrope[4].

Mặc dù đây là một hội từ thiện nhưng các hội viên cũng phải đóng hội phí hằng năm 5 đồng. Nếu ai tài trợ từ 50 đồng trở lên thì sẽ được nhận là Hội Viên Tán Trợ (membres bien faiteurs). Phương tiện thông tin và quảng cáo chính của hội là tờ PNTV. Hoạt động tích cực nhất để gây quỹ là tổ chức Hội Chợ Phụ Nữ suốt ngày 3 từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 5 năm 1932 trong khuôn viên Tổng Cục Thể Thao Annam, ở góc đường Mayer (tức đường Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu) và Laregnière (nay là đường Bà Huyện Thanh Quan). Hội chợ với nhiều gian hàng, nhiều trò chơi, đấu xảo nữ công gia chánh và độc đáo nhất là lần đầu tiên tổ chức các cuộc tranh tài về thể thao cho nữ giới. Chẳng những các hội viên Hội Dục Anh và các nhân viên tờ PNTV hưởng ứng mà còn có sự tham gia nhiệt tình của các viên chức đương đại, thân hào nhân sĩ, các hiệp hội khoa học và đồng hương, các điền chủ, thương gia và cả báo giới thời đó. Hội chợ thành công mỹ mãn, gây được một số tiền khá lớn, giúp Hội Dục Anh đủ điều kiện thực hiện mục tiêu của mình. Ngay sau khi hội chợ bế mạc, Hội Dục Anh tổ chức đại hội lần thứ nhất vào ngày 15 tháng Chín năm 1932 để bàn chuyện thành lập Viện Dục Anh  

Viện Dục Anh của Phụ Nữ Tân Văn  

Theo bài báo “Một ngày đáng nhớ trong lịch sử phước thiện ở xứ này” thì  vì mục tiêu của Hội là giúp đỡ những gia đình nghèo trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con em cho nên Hội đã thuê căn nhà số 58 đường Huỳnh Quang Tiên (nay là đường Hồ Hảo Hớn, Quận I) ở xóm Cầu Rạch Bần, khu Cầu Kho làm Viện Dục Anh. Vì thế tên Viện thường đi kèm với địa danh Cầu Rạch Bần. Ngôi nhà rất khang trang có kiến trúc kiều Pháp với nhiều phòng ốc và cả vườn cho trẻ chơi. Bài báo cũng nhấn mạnh rằng đây là Viện Dục Anh đầu tiên do người Việt thành lập ở Nam Kỳ. Cần nói rõ là vào thới ấy Cầu Kho là xóm của các anh em thợ thuyền, phu khuân vác… nói chung là  thành phần nghèo ít học. Viện Dục Anh khai trương vào ngày 28 tháng Mười Một năm 1932, và cũng từ lúc đó trụ sở của Hội Dục Anh được dời về nơi này. Ngay khi khai trương đã có nhiều trẻ nhỏ được đem đến ký gửi. Viện nhận cả con nít còn nằm nôi lần trẻ con đã biết đi biết nói cho đến trước tuổi đi học. Công việc của họ lúc đầu là chỉ giữ trẻ vào ban ngày để cha mẹ chúng rảnh tay lo sinh kế, đồng thời Hội Dục Anh cũng nhân đó mà giảng giải cách chăm sóc, nuôi nấng trẻ nhỏ một cách khoa học, theo đúng phép vệ sinh. Điều kiện gửi trẻ được đưa ra rất rõ ràng: trẻ phải có giấy khai sanh, phải đưa đón con em đúng giờ giấc: sáng mở cửa lúc 6 giờ để bắt đầu nhận trẻ, chiều đóng cửa lúc 18 giờ. Sau đó do nhu cầu của nhiều gia đình thợ thuyền không có khai sinh cho con, lại thêm ý kiến của đọc giả gửi đến cho Tờ PNTV, Hội đã sửa đổi vài điều lệ cho dễ dàng hơn như không cần phải có giấy khai sinh cũng được gửi con, đồng thời mở rộng hoạt động của Viện để giữ trẻ qua đêm hoặc nhiều ngày khi gia đình có nhu cầu. Viện được quản lý và kiểm soát trực tiếp bởi các bà trong ban trị sự. Những hội viên tích cực đã cùng ban trị sự thay nhau có mặt hằng ngày để điều hành và chăm sóc trẻ. Bằng tình thương và lòng thành họ đã làm việc với cả trái tim và tri thức. Dưới đây là một đoạn trong bài viết tả thái độ làm việc của Hội Dục Anh:

“Bà nào bà nấy cũng đều vui vẻ mà chăm nom cho trẻ nhỏ từng chút. Cái lòng từ thiện nó biểu lộ ra một cách rất rõ rệt trên cái vẻ tươi cười, ai có trông thấy mấy bà làm việc rồi mới tin rằng đối với đám con nít nhà nghèo kia mấy bà cũng yêu quý nâng niu không khác gì con cháu ruột”[5]

Trích đoạn dưới đây của bài báo cho ta thấy cách suy nghĩ tích cực và tính dân tộc của Hội trong vấn đề giúp trẻ em  nghèo

“Cái cách nâng niu, cái vẻ âu yếm của mấy bà đối với đàn trẻ kia hình như bảo cho ta biết rằng: “cái đàn trẻ con này đây tuy đã chẳng may mà sanh hạ vào cửa nhà nghèo, ba má chúng nó mãi lo đi làm để nuôi miệng, đến nỗi phải bỏ chúng nó bù lóc bù lăn, mặt mày lem luốc, nhưng mà trong mình chúng nó cũng vẫn chảy những mạch máu Việt Nam, nghĩa là cũng chung một hòn máu với chúng ta mà xắn ra đấy, nên ta phải ráng mà tắm rửa cho chúng được sạch sẽ, mà nuôi nấng cho chúng được khỏe mạnh. Cái thân thể của chúng nó có tráng kiện thì sau này cái tinh thần của chúng nó mới tốt tươi và chúng nó mới có thể làm những người dân hữu dụng cho tổ quốc.”

Chẳng những Viện được quý bà giàu lòng từ thiện giúp sức, mà cả nhiều ông thời ấy cũng ủng hộ hết lòng. Bác sĩ Trần Văn Đôn cùng ba vị bác sĩ khác là bác sĩ Thinh, bác sĩ Tân và bác sĩ Đỗ là những người chăm sóc sức khỏe cho Viện. Bài báo “Bốn Ông Y Khoa Tấn Sĩ đối với Viện Dục Anh” viết “Bốn ông Đốc Tơ: Đôn, Thinh, Tân và Đỗ  thay nhau mỗi người đến Viện 1 tuần mỗi tháng. Như vậy hằng ngày Viện Dục Anh ở Cầu Rạch Bần đều có ông Đốc Tờ ghé đến một lượt”[6]

Một bài báo đăng trong PNTV số 200, ra ngày 18 tháng 5 năm 1933 đăng tin một đứa bé bị bỏ rơi ở Viện Dục Anh: “một người lạ mặt đến gửi một đứa bé trai tên Nguyễn Văn Viên, mới ba tháng tuổi, đến Viện Dục Anh, Cầu Rạch Bần gửi rồi không trở lại nữa.”. Em Viên được Hội Dục Anh gọi là thằng 27 vì mỗi trẻ ở Viện đều có một số riêng đeo trên áo và đây là số của bé. Cũng theo bài báo này của Bà Nguyễn Đức Nhuận thì “Viện đương lo về việc này, theo phương diện pháp lý”. Về sau ngoài việc giữ trẻ, Viện Dục Anh còn nuôi trẻ mồ côi và là nơi rất tin cậy của những gia đình hiếm muộn muốn tìm con nuôi. Số lượng trẻ mồ côi ở Viện Dục Anh rất hạn chế. Các bé này được giáo dục rất chu đáo, sinh hoạt có nề nếp để trở thành những đứa con ngoan trong gia đình cha mẹ nuôi sau này.

vien duc anh o saigon 01
Bé Viên bị bỏ rơi ở Viện Dục Anh- Cầu kho (Ảnh đăng trong PNTV số 200)

Ngoài việc nuôi trẻ mồ côi và giữ trẻ em nghèo, Hội Dục Anh còn tổ chức những buổi tuyên truyền, thuyết giảng về phương pháp dưỡng nhi, vấn đề vệ sinh thường thức trong gia đình đề phòng tránh bệnh tật cho trẻ con. Hội còn tổ chức phát quà, sữa, thuốc cho con em các gia đình nghèo. Theo các tài liệu còn lưu giữ ngoài kinh phí có được từ các nhà hảo tâm, Hội Dục Anh còn gây quỹ bằng cách nhiều cách, điển hình như sau:

  • Tháng Tư năm 1933 Hội Dục Anh tổ chức đấu xảo nữ công và đã được đông đảo quý bà, quý chị em phụ nữ gần xa ủng hộ. Hầu như tất cả các thành phẩm đem đấu xảo dù có bán được hay không đều được biếu tặng Viện Dục Anh.
  • Tháng 10 năm 1934 tổ chức Tuần Lễ Nhi Đồng kéo dài 5 ngày với những hình thức hoạt động văn hóa nghệ thuật hữu ích. Ví dụ như trình diễn những vở tuồng đang ăn khách, tổ chức một buổi hòa nhạc tây có khiêu vũ và hài hước cho người lớn, chiếu phim trẻ em ở nhà hàng Majestique, một tiệc trà với bánh ngọt ở Hội Quán An Nam. Tổ chức những trò chơi hào hứng hữu ích cho trẻ em ở Soái Phủ Nam Kỳ… tất cả đều có thu phí để tặng cho các hội từ thiện. Và đặc biệt là tổ chức miễn phí cho khách đến tham quan Viện Dục Anh.
  • Cuối năm 1934 tổ chức một buổi hát cải lương do hai nghệ sĩ tài danh thời bấy giờ là Cô Năm Phỉ và Cô Bảy Phùng Há tình nguyện giúp gây quỹ. Bài báo đăng ở số 261 ra ngày 4 tháng 10 năm 1934 cho biết là Cô Năm Phỉ và Cô Bảy Phùng Há vừa lập một gánh hát riêng, tên là Phỉ Phùng. Đêm hát thiện nguyện giúp gây quỹ cho Hội Dục Anh sẽ là đêm thứ hai còn đêm thứ nhất hát khai trương.[7]

Hội Dục Anh càng lúc càng phát triển có thêm nhiều hội viên như các bà Trương Vĩnh Tống, Cao Thị Cường, Triệu Văn Yên, Trương Thị Vượng, Dương Văn Giáo, Nguyễn Hảo Ca…. Các Bà là phu nhân của những nhà trí thức hoặc chức sắc đương đại.

Viện Dục Anh ở Cầu Kho là tiền thân của Viện Dục Anh ở đường Cống Quỳnh

Chứng cớ thứ nhất: Hội Dục Anh ở Cầu Kho dời về đường Nguyễn Trãi

Năm 1935 tờ tuần báo PNTV đình bản vĩnh viễn và sau đó Ông Bà Nguyễn Đức Nhuận rời Việt Nam sang Pháp định cư. Nhiều tin tức đưa rằng Viện Dục Anh đã đóng cửa vì mất đi hai nhân tố tích cực. Nhưng trên thực tế Viện chỉ thay đổi địa chỉ mà thôi vì quý bà hội viên Hội Dục Anh vẫn tiếp tục giữ vững Viện, thực hiện mục tiêu ban đầu của Hội. Bài phóng sự của Tế Xương với tựa đề “Đi thăm bầy con của xã hội”[8] đăng ở nhật báo Sài Gòn, số 14134, ngày 14 tháng 11 năm 1938 cho biết Viện Dục Anh dời từ Cầu Rạch Bần về đường Frères Louis. Sau đây là một trích đoạn của bài báo:

 “Một tờ tuần báo ở đây có đăng tin rằng Viện Dục Anh ở Cầu Rạch Bần đã đóng cửa và than phiền rằng thật là một sự chẳng may cho trẻ con nhà nghèo ở xóm ấy….Nhưng đến khi chúng tôi hỏi thăm thì không phải vậy, Viện Dục ở Cầu Rạch Bần đã dời về đường  Frères Louis và vẫn ở dưới quyền quản đốc của Bà Trương Vỉnh Tống mà hẳn nhiều người đã nghe là một nhà từ thiện  sốt sắng với trẻ em nghèo”

Phóng Viên Tế Xương và các bé của Viện Dục Anh đường Frère Louis Ảnh đăng báo Sài Gòn ngày 14 tháng 11 năm 1938

Bà Trương Vĩnh Tống, nhủ danh là Trần Thị Lộ, sinh năm 1890, mất năm 1967, là con dâu út của nhà Bác Ngữ Học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Cần nói thêm rằng kết quả của một phiên họp tường trình về tài chánh được công khai trong PNTV số 252 ngày 2 tháng Tám năm 1934 có tên  Bà Trương Vĩnh Tống trong danh sách hội viên của Hội Dục Anh. Điều này cho thấy vị giám đốc dời Viện từ Cầu Kho về Frère Louis đã là hội viên ít nhất là từ năm 1934, thời Bà Nguyễn Đức Nhuận còn làm tổng thơ ký. Phóng viên còn cho biết vì cơ sở của Viện Dục Anh ở Cầu Rạch Bần rất khang trang rộng rãi nên khi dời đi, ban trị sự phải mướn 2 căn phố trệt trên đường Frères Louis (thời Việt Nam Cộng Hòa đổi thành đường Võ Tánh, và bây giờ là đường Nguyễn Trãi) số 189 và số 45 mới có đủ chỗ cho hơn 60 trẻ nhỏ. Nơi đây chính là ngã năm Thái Bình, là giao điểm của 3 con đường Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh (Nguyễn Trãi) và Cống Quỳnh. Nhà văn Hoàng Hải Thủy trong bài “Sài Gòn Mới ngày xưa” cũng xác nhận Hội Dục Anh nằm ở “ nơi gặp nhau của ba đường Nguyễn Trãi, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão”[9].  

Như vậy đây là chứng cớ thứ nhất cho thấy Hội Dục Anh của Phụ Nữ Tân Văn là tiền thân của Hội Dục Anh nằm trên ngã năm Thái Bình, trước địa chỉ thuộc đường Nguyễn Trãi, sau thuộc đường Cống Quỳnh

Chứng cớ thứ hai: chuyền về Cụ Bà Lê Thị Ẩn

Chúng tôi có duyên may được hầu chuyện với Ông Đoàn Bá Cang, cựu Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Úc Châu[10], sau khi được biết Cụ Bà Lê Thị Ẩn, thân mẫu của ông, có một thời làm việc ở Viện Dục Anh ở đường Cống Quỳnh. Ông Đoàn Bá Cang xác nhận:

“Đúng, Mẹ của Bác ở trong ban giám đốc và có tham gia điều hành Viện Dục Anh từ thập niên 1940, đến đầu thập niên 1970. Thời đó Viện Dục Anh có nuôi trẻ mồ côi nên người ta còn gọi là Cô Nhi Viện. Gia đình Bác ở gần chợ Thái Bình, rất gần với Hội Dục Anh ở ngã năm Thái Bình cho nên thuở nhỏ Bác thường hay đến đây chơi và có biết nhiều bà trong Hội như Bà Nguyễn Đức Nhuận.”

Ông Đoàn Bá Cang cho biết thêm rằng Cụ Bà Lê Thị Ẩn là hội viên Hội Dục Anh thời bà Nguyễn Đức Nhuận còn trong ban trị sự. Ông cũng nói rằng Bà Dương Văn Giáo, một người bà con của ông, có làm việc với Cụ Bà Lê Thị Ẩn và cũng là một trong những mạnh thường quân đã từng giúp Hội Dục Anh từ khi PNTV còn xuất bản. Theo tin đăng trên báo Sài Gòn số 1282, ra ngày 23 tháng 12 năm 1937 bà Trạng Sư Dương Văn Giáo tên thật là Huỳnh Ngọc Hồ, cháu ngoại của Bà Trần Thị Thọ. Gia đình này nổi tiếng là nhân từ, thi ân bố đức, xây nhà thương, giúp tế bần và cũng từng giúp Viện Dục Anh nên đã được Đức Đại Nam Hoàng Đế ân tứ biển vàng đề bốn chữ “Hảo Nghĩa Khả Gia” cùng với kim tiền kim bội[11].

Khi hỏi về vấn đề tài chánh để điều hành Viện, Ông Đoàn Bá Cang cho biết

“Theo Bác biết thì chính phủ có trợ giúp một ít, nhưng khi người Mỹ có mặt ở Miền Nam thì các tổ chức xã hội của họ và quốc tế đã trợ giúp rất nhiều cho những hoạt động của Viện. Họ cũng đã giúp di tản một số trẻ mồ côi ra nước ngoài trước ngày 30 tháng Tư năm 1975”.

Theo chúng tôi hai chứng cớ trên đủ để kết luận Hội Dục Anh và Viện Dục Anh của PNTV là tiền thân của Hội Dục Anh ở ngã năm Thái Bình, Sài Gòn trước năm.

Viện Dục Anh vẫn hoạt động cho đến năm 1975 và được nhiều người  sống ở Sài Gòn thuở đó còn ghi nhớ đến nay.

Thông tin từ Ông Đoàn Bá Cang dẫn chúng tôi đến việc tìm lại chứng cớ xác nhận về hoạt động cuối cùng của Viện Dục Anh, đó là việc di tản các trẻ mồ côi trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Hình Hội Dục Anh ở đường Cống Quỳnhtrước năm 1975. Nguồn internet

vien duc anh o saigon 04

Hoạt động cuối cùng của Hội Dục Anh

Chiến dịch không vận trẻ mồ côi Babylift và Viện Dục Anh

Chiến dịch Babylift, một chiến dịch nhân đạo di tản với quy mô lớn của Mỹ trong nhưng ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 3 đến ngày 26 tháng Tư 1975 để đưa trẻ sang Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Canada. Tại các nước này các trẻ em đã được nhiều gia đình nhận làm con nuôi. Tính đến khi chuyến bay cuối cùng rời khỏi Nam Việt Nam, đã có trên 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em được di tản.

Người khởi đầu chiến dịch Babylift là ông  Edward J. Daly,  người sáng lập Hãng Hàng không World Airways. Hãng World Airway giữ vãi trò then chốt trong hợp đồng quân sự với Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hãng có đặt cơ sở chính ở sân bay quốc tế Oakland để thực những chuyến bay giữa các vùng quân sự[12].

Vào cuối thàng 3 năm 1975 Ông Daly được Cô nhi viện Friends For All Children tại Boulder, bang Colorado nhờ giúp họ đưa những đứa trẻ mồ côi Việt Nam tránh làn đạn chiến tranh trong giai đoạn chót. Ngày 2 tháng 4 năm 1975 Ông điều động một chuyến bay, do phi công trưởng Bill Keating điều khiển, đưa 550 trẻ mồ côi rời Việt Nam đến Los Angeles. Trên máy bay có 4 bác sĩ, 17 y tá thuộc nhiều quốc tịch như Mỹ, Châu Âu, Úc….

Sau khi chuyến bay đầu tiên thành công, vào ngày 3/4/1975 Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố phải đưa tất cả trẻ em Việt được xác định là mồ côi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay càng sớm càng tốt. Đó là chiến dịch không vận Baybylift.

Hội Dục Anh đường Cống Quỳnh cũng đã đưa một số trẻ mồ côi di tản trong chiến dịch này. Đây có thể xem là hoạt động cuối cùng của Hội Dục Anh.

Trẻ sơ sinh trên một chuyến bay do Babylift di tản
Các bé lớn được chèn gối để thắt dây an toàn

Tin về hai trong số những trẻ em của Hội Dục Anh được di tản bởi chiến dịch Babylift

Trong số các trẻ em của Viện Dục Anh được di tản năm 1975 có hai người xác nhận mình đã từng là cô nhi ở Hội Dục Anh. Đó là Chị Dương Thị Kim Lan và Dương Thị Bữu Châu. Hiện nay hai chị này đang nổ lực tìm lại nguồn gốc của mình ở Việt Nam.  

  1. Chị Kim Lan Carlson:

Năm 2010 Cô Trista Goldberg, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu, là người sáng lập và khởi xướng và thực hiện Chiến Dịch Đoàn Tụ với phương pháp thử nghiệm ADN để giúp những trẻ được đưa đi di tản năm 1975 tìm lại người thân của mình. Hai chị em mồ côi Trista Goldberg và em trai cũng đã được người Mỹ đưa đi di tản theo chiến dịch Babylift.

Một trong những người đã đi cùng Trista Goldberg về Việt Nam trong chiến dịch Đoàn Tụ Gia Đình là Kim Lan Carlson. Chị kể: 

“Tên Việt Nam của tôi là Dương Thị Kim Lan, mẹ nuôi tôi tên Sandy Howard, một phụ nữ độc thân ở Michigan. Tôi không biết gì về cha mẹ ruột cũng như gia đình ruột thịt bên Việt Nam, chỉ nghĩ rằng có thể vì chiến tranh nên bố tôi là người Mỹ lấy mẹ tôi là người Việt rồi sinh ra tôi. Nhưng không ngờ kết quả ADN cho thấy tôi 100% Á Đông. Có thể cha mẹ tôi đều là người Việt, hoặc giả bố tôi người Đại Hàn, Philippines hoặc Nhật Bản gì đó. ADN của tôi cũng trùng khớp với ADN của một người bà con gần.

Tuy chị chỉ tìm được người bà con gần ở Việt Nam, nhưng chị cũng tạm hài lòng nên đã tâm sự “tôi như nguôi ngoai phần nào khi nhìn thấy nơi chốn mình ở lúc còn bé xíu, đó là viện mồ côi ở Saigon mà trước 1975 người ta gọi là Hội Dục Anh. Nơi này bây giờ là trường mù chứ không còn là cô nhi viện nữa”[13] . 

vien duc anh o saigon 07
Ảnh chị Kim Lan năm 2010. Dưới bức hình này có chú thích rằng chị được đua đi trong chiến dịch Babylift
vien duc anh o saigon 08
Hình bé Kim Lan chụp ở Viện Dục Anh
  1. Chị Dương Thị Bửu Châu:

Không được may mắn như chị Dương Thị Kim Lan, chị Dương thị Bửu Châu cũng tìm lại nguồn cội của mình nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trên trang facebook của mình, với nick Châu Dương, chị kể “Tôi tên là Dương Thị Bửu Châu, sinh ngày 26.6.1974 ở Thạnh Mỹ Tây, Gò Vấp, Gia Định (cũ) bây giờ là một phường ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt Nam. Tôi đã từng sống ở trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh (bây giờ là trụ sở của Hội người mù TP.HCM, địa chỉ 185 Cống Quỳnh, quận 1) một thời gian trước khi tôi được cha mẹ nuôi đưa về Thụy Sĩ vào tháng 4 năm 1975”. Chị Châu cũng gửi đăng trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), trên Fanpage của báo Thanh Niên (bằng tiếng Việt), trang Pinterest (bằng tiếng Anh) bài tỏ nguyện vọng tìm lại người thân. Chị đăng hai tấm hình chụp ở Viện Dục Anh và viết “Trong suốt quá trình tìm kiếm bà con huyết thống của mình, tôi cũng cầu mong rằng những người trong hình có thể sẽ được nhận dạng. Chẳng hạn người phụ nữ trong hình bế tôi trên tay, hoặc là người khác chụp chung hình với tôi trên các tấm hình khác[14]

Sau đó Chị Bửu Châu đã tìm được người trong hình, nhưng vì thời gian đã lâu Bà không còn nhớ chị được đưa đến Viện như thế nào.

vien duc anh o saigon 09
Ảnh bé Dương Thị Bửu Châu chụp ở Hội Dục Anh
vien duc anh o saigon 10
Bé Dương Thị Bửu Châu và một cô bảo mẫu ở Hội Dục Anh

 

Lời kết

Hội Dục Anh hay Viện Dục Anh là một nét đẹp về hoạt động xã hội của người Sài Gòn từ thời Pháp thuộc cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa. Hội đã góp phần rất lớn trong việc tạo dựng một xã hội lành mạnh đầy tình thương. Có biết bao gia đình, trẻ em đã nhận được sự chia sẻ, sự cưu mang đùm bọc của những tấm lòng vàng mà chúng ta hết sức trân trọng. Tiếc thay, sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 Viện Dục Anh bị xóa sổ và Hội Dục Anh cũng tan rả theo.

Lịch sử của một thành phố gắn liền với các hoạt động về văn hóa, xã hội và giáo dục của thành phố đó. Sài Gòn không ngoại lệ và Viện Dục Anh chính là một trong những nét đẹp về Xã Hội góp phần xây dựng một Sài Gòn văn minh, bác ái trong suốt nửa thế kỷ. Chúng tôi nghĩ rằng cho dù người xưa không còn, dấu tích xưa đã mất nhưng giá trị tinh thần nên được truyền lưu mãi về sau. Vì vậy bài viết này được thực hiện với hy vọng ghi lại cho thế hệ sau một phần trong những di sản mà tiền nhân đã gây dựng. Hơn thế nữa chúng tôi cũng hy vọng góp phần nhỏ bé trong việc giữ gìn những giá trị tinh thần để thế hệ sau biết thêm về xã hội nhân bản và đầy dân tộc tính của Sài Gòn xưa.

Sydney tháng 5 năm 2018

Dương Thanh Bình.


Chú thích:

Các hình được sử dụng trong bài có nguồn từ internet

Tài liệu tham khảo

  • Childbirth,Maternity, and Medical Pluralism in French Colonial Vietnam, 1880-1945; Thuy Linh Nguyen; Rochester,NY: University ò Rochester Press, 2016
  • http://fr.guyderambaud.wikia.com/wiki/Jean_Krautheimer
  • https://luanproit.wordpress.com/2013/05/25/xem-hinh-xua-va-hien-nay/
  • http://dantri.com.vn/the-gioi/co-mot-chien-dich-babylift-khac-1430348599.htm
  • ttps://dongsongcu.wordpress.com/2017/05/31/chien-dich-di-tan-tre-em-mo-coi-viet-nam-1975-operation-babylift-1975/
  • https://www.warhistoryonline.com/featured/operation-babylift.html/2
  • Thư viện Quốc Gia Việt Nam
  • https://launiusr.wordpress.com/2016/12/05/the-wildness-of-world-airways-under-edward-j-daly/

[1] Childbirth,Maternity, and Medical Pluralism in French Colonial Vietnam, 1880-1945; Thuy Linh Nguyen; Rochester,NY: University ò Rochester Press, 2016

[2] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19310604.2.6&srpos=&dliv=none&e=——-vi-20–1–img-txIN——

[3] Chữ nghiêng là trích nguyên văn bài báo, vì tôn trong nguyên bản nên vẫn giữ nguyên lỗi chính tả.

[4] Krautheimer là Thống Đốc Đông Dương từ năm 1929 đến năm 1934. Eutrope giữ chức Quyền Thống Đốc từ năm 1931 đến năm 1932.

[5] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19321208.2.6&e=——-vi-20–1–img-txIN——

[6] Phụ Nữ Tân Văn, Số 182, 22 Tháng Mười Hai 1932

[7] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=HtCq19341004.2.5&srpos=&dliv=none&e=——-vi-20–1–img-txIN——

Chú thích của người viết bài: có lẽ gánh hát này không tồn tại lâu dài nên không tìm được một tài liệu nào nói rõ về sự kiện này, chỉ duy nhất một bài có đề cập đến việc Cô Năm Phỉ tự lập một đoàn hát riêng nhưng cũng không nói tên gánh hát là gì.

[8] vi%E1%BB%87n+d%E1%BB%A5c+anh—–

[9] https://hoanghaithuy.wordpress.com/category/sai-gon-vang-bong/

[10] Ông Đoàn Bá Cang là cựu đại sứ Việt Nam Công Hòa lần lượt ở các nước Nhật, Tân Tây Lan và là đại sứ cuối cùng ở Úc Châu. Hiện Ông đang sống tại Sydney.

[11] http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-bin/baochi?a=d&d=RbD19371223.2.28&srpos=165&dliv=none&e=——-vi-20–165–img-txIN-viện+dục+anh—–

[12] https://en.wikipedia.org/wiki/World_Airways

[13] https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/dna-projc-for-1975-babylift-04282011125409.html

[14] https://thanhnien.vn/doi-song/chuyen-cua-chau-duong-khat-khao-tim-lai-nguoi-than-448124.html