Xung đột giữa cha mẹ và con cái thường vào lúc con em ở tuổi thanh thiếu niên. Nếu không khéo thì tình cảm cha-con/mẹ-con có thể rạn nứt, có khi đổ vỡ. Nỗi đau của những vết thương này thường đậm nét hơn nơi các bậc phụ huynh. Còn với tuổi thanh thiếu niên con em sẽ từ từ tránh xa cha mẹ, và phụ huynh mất dần ảnh hưởng tới con em.

Thương con, cha mẹ nào cũng lo lắng cho tương lai hạnh phúc của con. Lý do là vì quá thương, quá sốt ruột khi thấy một vài điều sai sót nơi con trẻ; vì bực bội, hoặc không chú ý đủ đến tâm tình và ý nghĩ rằng chúng còn nhỏ, nên phụ huynh thiếu cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, trong nhận định, uốn nắn, dạy dỗ…Những điều này trẻ cảm nhận rất nhạy bén. Một số phản kháng bằng hành vi, một số cãi lại, một số khác giữ im lặng nhưng trong lòng bất mãn khó chịu, có khi chống đối ngầm. Vì thế, có con em ở tuổi thanh thiếu niên, phụ huynh luôn nhắc nhở mình: “Không bao giờ gây tổn thương cho con”.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em

Có thể thấy, tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn mà lòng tự tin dễ bị lung lay. Những lời trách mắng nặng nề, thiếu cơ sở hay những nhận định mang tính tiêu cực của cha mẹ thường làm cho con em cảm thấy bị xúc phạm, không được tôn trọng. Ngoài nỗi buồn, nhiều hơn, con em còn nhìn về bản thân một cách tiêu cực. Điều này sẽ gây cản trở lớn cho một cuộc sống lành mạnh về sau. Phụ huynh nên hết sức chú ý khía cạnh này ở con em để có hành động đúng, không gây tổn thương cho con. Một vài chú ý đến các bậc phụ huynh học sinh:

– Không phủ nhận những tâm tình mà con em đang có (chẳng hạn: buồn, vui, thích, giận…)
– Tránh tranh cãi với con em về những kinh nghiệm mà con em đang trải nghiệm (chẳng hạn: con em thích một kiểu thời trang hay cảm thấy chán vì phải theo cha mẹ đi thăm một người họ hàng…)
– Không nên phủ nhận hoặc cho rằng những điều các em nghe, thấy, cảm…là sai (chẳng hạn khi cha mẹ nói: không phải thế, sao con ngớ ngẩn dại dột thế…)
Trẻ không có lời để đáp lại nhưng ngấm ngầm sẽ bất bình, “chiến tranh lạnh” có thể đang âm thầm xảy ra trong nhà.

Có lẽ cách tốt nhất để gần gũi và dạy dỗ được tuổi thanh thiếu niên là năng hỏi han tại sao mà con em nghĩ như thế, để tạo dịp cho con em giải thích, giãi bày. Trước hết là để hiểu chúng, rồi sau đó nhẹ nhàng bổ sung hoặc góp ý thêm về những điều trẻ nghĩ. Cha mẹ nên lưu ý ở tuổi thanh thiếu niên, trẻ hay trở chứng nên rất cần vừa dạy vừa dỗ như ông bà mình đã để lại kinh nghiệm.

Phụ huynh có nhiều điều để giúp con em điều chỉnh cái nhìn, nhưng cũng cần để ý là con em có nhiều quan điểm, cách nghĩ khác người lớn, khác cha mẹ. Khác vì tuổi tác, vì môi trường sống, vì nền giáo dục chúng được học ở trường…

Để có thể đối thoại hữu hiệu, nên chăng các bậc phụ huynh hãy đặt câu hỏi gợi ý cho trẻ suy nghĩ về những gì chúng nghĩ, nói và nêu lên cách phụ huynh nghĩ nhưng không chê bai, phê phán…Khi con em hỏi han hay thắc mắc điều gì, cha mẹ chưa vội đưa ra đáp số, giải pháp mà cần gợi ý cho chúng suy nghĩ để tự tìm ra. Nghĩa là giúp chúng sử dụng trí tuệ, biết cách tự giải quyết. Đó cũng là cách tập cho trẻ biết dần dần độc lập trong cách nghĩ, biết làm chủ mình và làm những gì mình muốn.

Tuổi thanh thiếu niên có cách sống, cách nói và hành động vụng về nhưng cũng rất tích cực. Điểm này, cha mẹ cần tìm cho ra để thừa nhận, để động viên, hay ít ra cũng nhận biết thiện chí của chúng. Nếu nhẹ nhàng và bình tĩnh, sự bực dọc sẽ dịu dần và con em sẽ lắng nghe cha mẹ.

Tóm lại, khi trao đổi với con em tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ có thể theo các bước gợi ý tham khảo:

– Hỏi ý con em tránh phê bình, chỉ trích. Nên đặt câu hỏi để làm sáng tỏ, khơi gợi cho chúng giải thích thêm (bố mẹ thấy có lý nhưng bố chưa hiểu hết ý, con giải thích thêm về điều này…)
– Chăm chú lắng nghe (rồi sao nữa…con nói tiếp đi…)
– Tóm ý vừa được nghe, con em sẽ thấy mình được hiểu, chúng sẽ tự tin và tin vào phụ huynh hơn (có phải con muốn nói như thế không?)
– Sau đó trình bày quan điểm của cha mẹ một cách rõ ràng, đơn giản (Phần bố/mẹ thì nghĩ như thế này…)
Nếu muốn con em nghe mình, xin phụ huynh để ý là:
– Hãy nên lắng nghe con em trước (con không hài lòng hay còn thắc mắc điều gì nào?)
– Cần đáp lại bằng những lời cảm thông (con có lý khi nói điều đó…/ Bố (mẹ) hiểu tại sao con lại nghĩ và nói như thế…)
– Phụ huynh sẽ chinh phục được sự nể trọng của con em khi lời nói và tình cảm của phụ huynh trung thực và nhất quán.
– Ý con không phải cần giải thích thêm mà không phủ nhận ý của trẻ (như vậy có nghĩa là…Bố (mẹ) cũng có ý như thế này nữa…)
– Khi cảm thấy ý nghĩ hay nguyện vọng của mình đã được hiểu đúng (có phải con muốn nói như thế này/ đề cập đến chuyện này…), trẻ sẽ lắng nghe phụ huynh và sẵn sàng chấp nhận vô điều kiện những gì chúng ta muốn dạy dỗ, khuyên lơn chúng…

Thừa nhận và phản hồi tình cảm là một kỹ năng giao tiếp và giáo dục rất hữu ích đối với tuổi thanh thiếu niên, nhất là khi có sự quan tâm, trung thực và tôn trọng đi kèm, hơn hết là tất cả tình yêu thương bố mẹ dành cho con. Nếu phụ huynh biết cách trao, con em sẽ rất sung sướng và biết ơn khi nhận lãnh./.