Trên 3000 năm trước đã có hệ thống giáo dục tiểu học và đại học đào tạo tất cả tri thức, kỹ năng và phẩm đức cần thiết trong đời sống xã hội, đào tạo ra nhân tài rường cột cho quốc gia, có một số mặt còn vượt xa giáo dục hiện đại…
Sách Chữ viết trên mai rùa xương thú (Giáp cốt văn) có ghi lại rằng: “Ngày Bính Tý bói, tốt lành, nhiều con đi học, khi trở về gặp mưa lớn?”
Trong chiêm bói có câu: “Nhiều con đi học, khi trở về gặp mưa lớn?”, do đó có thể thấy, vào thời nhà Thương đã có giáo dục trường học rồi.
Tuổi nhỏ đã bắt đầu rời nhà đi học nội trú
Thời Tây Chu đã xây dựng được chế độ giáo dục trường học khá hoàn thiện, chia làm 2 giai đoạn: thứ nhất là tiểu học, xây dựng gần khu vực Hoàng cung, thứ hai là đại học, xây dựng ở khu vực ngoại ô. Sách Đại Đới lễ ký có viết: “Khi Thái tử hơi lớn một chút thì vào học tiểu học, là cung điện dành cho người nhỏ tuổi”.
Sách này cũng viết: “Xưa 8 tuổi thì xa nhà vào học xá, học tiểu nghệ, thực hành lễ tiết nhỏ. Đến tuổi búi tóc thì vào đại học, học học vấn lớn, thực hành đại lễ tiết”.
Có thể thấy, nhi đồng quý tộc 8 tuổi là phải rời xa cha mẹ, sống ở ký túc học tập, đến năm 15 tuổi làm lễ búi tóc, trở thành người vị thành niên thì vào đại học. Các sử sách ghi chép về tuổi vào học tiểu học, đại học có chút khác nhau, nhưng khác biệt không lớn.
Trẻ em hơn 3000 năm trước học gì?
Sách Lễ ký cho chúng ta biết rằng: Khi trẻ 6 tuổi, cần phải dạy chúng chữ số và phân biệt phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi trẻ 7 tuổi, cần dạy chúng con người có sự khác biệt giới tính nam, nữ, ăn, ngồi không cùng nhau. Khi trẻ lên 8 tuổi, cần giáo dục chúng đạo lý kính nhường người bề trên. Khi trẻ lên 9 tuổi, cần dạy chúng nhìn trăng ngày mồng một và ngày rằm, và dùng can chi để ghi chép ngày. Khi trẻ lên 10 tuổi, bé trai cần rời xa gia đình đến trú ở ký túc xá trường tiểu học, theo thầy học chữ, toán thuật và học các lễ nghi tiến lui, quét dọn, sắp xếp buổi sáng và buổi tối. Khi trẻ 13 tuổi thì bắt đầu học tập nhạc khí, múa thược và đọc tụng thơ ca. Khi trẻ 15 tuổi (vào học đại học), thì cần phải học múa tượng, bắn cung và đánh xe. Khi trẻ đến 20 tuổi thì cử hành lễ gia quan (đội mũ), biểu thị đã trưởng thành, bắt đầu học tập 5 loại lễ nghi là Cát, Giai, Tân, Quân và Hung.
Kinh thi có ca tụng Chu Vũ Vương xây dựng kinh đô Cảo Kinh, thiết lập “tích ung” (trường đại học), khắp bốn phương không nơi nào là không quy phục. Trường đại học thời Tây Chu, do thiên tử lập ra gọi là “tích ung”, chư hầu lập ra gọi là “phán cung”. Trường đại học được xây dựng khá sơ khai, là nhà tranh kiểu sảnh đường, được xây dựng ở ngoại ô, xung quanh có hồ nước bao quanh, gần khu rừng rộng lớn – nơi có chim chóc muông thú cư trú. Tại sao phải có hồ nước và khu rừng? Vì để tiện cho việc luyện tập tập bắt cá và săn chim thú và võ nghệ.
Các tri thức và kỹ năng cần học ở trường đại học là “lục nghệ”, gồm: lễ, nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa (đánh xe), thư pháp và toán pháp, trong đó chủ yếu là lễ, nhạc, bắn cung và cưỡi ngựa. Người dạy được gọi là “thầy” (sư).
Thời Tây Chu, các võ quan cao cấp được gọi là “sư thị”, hoặc gọi đơn giản là “sư”. Các học giả cho rằng, người thầy dạy học thời Tây Chu sở dĩ được gọi là “sư” là do người thầy dạy học có khởi nguồn từ võ quan. Tiêu chuẩn người thầy của trường đại học thời sơ khai là do võ quan cao cấp bảo vệ vua đảm nhiệm, phụ trách dạy bắn cung, còn dạy nhạc thì do nhạc quan đảm nhiệm, cũng gọi là nhạc sư. Đây là chế độ giáo dục “quan – sư hợp nhất” của nhà Tây Chu.
Đại học nhà Tây Chu ngoài việc là nơi con em quý tộc học tập ra, còn là nơi các thành viên quý tộc cử hành các hoạt động công cộng, ví dụ như: lễ uống rượu hương ẩm, lễ bắn cung hương xạ. Ý nghĩa của lễ uống rượu hương ẩm là kính lão, dưỡng lão, do đích thân thiên tử tự thực hiện để giáo dục con em các chư hầu. Ý nghĩa của lễ bắn cung hương xạ là luyện tập võ nghệ và học tập lễ tiết bái chào, lễ nhượng. Mà những lễ này đều phải có “nhạc” tấu kèm theo.
Con em quý tộc trước khi trưởng thành đều được bồi dưỡng, đào tạo tất cả tri thức, kỹ năng và phẩm đức cần thiết trong đời sống xã hội ngay ở trường tiểu học và đại học. Những người nòng cốt trong quân đội và quản lý quốc gia tương lai cũng đều là người trong những học trò này mà ra.
Trung Dung (biên dịch)