Image result for MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HOA KỲ

Đặc điểm của giáo dục đại học Hoa Kỳ là tính ĐA DẠNG, TỰ CHỦ, CẠNH TRANH, TIẾP CẬN BÌNH ĐẲNG. Điều này được thể hiện qua những điểm như:

  • Nhiều loại đại học công, tư (lợi nhuận và phi lợi nhuận), mô hình và cấp trường đáp ứng nhu cầu người học và thị trường ngành nghề, công việc của xã hội và nền kinh tế.
  • Chính quyền liên bang có vai trò rất ít trong giáo dục, trách nhiệm giáo dục nằm ở cấp Bang.
  • Tổ chức xã hội (6 tổ chức hiệp hội cấp vùng) đóng vai trò kiểm định và công nhận chất lượng khoa, ngành trường đại học; ngoài ra còn có các tổ chức kiểm định đào tạo ngành chuyên môn.
  • Các chương trình nghiên cứu, đào tạo gắn liền với nhu cầu của thị trường nhân lực và cộng đồng.
  • Chương trình học linh động, thực tiễn và học suốt đời (life long learning) dành cho nhiều độ tuổi, thành phần, …

1.   Về tính đa dạng trong hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ

Hiện nay, hệ thống đào tạo sau bậc trung học[1] ở Hoa Kỳ có khoảng 6.500 trường, trong đó có 1.100 trường đào tạo nghề chuyên môn được cấp chứng chỉ[2]; 1.530 trường cao đẳng[3];  2.870 trường đại học. Cụ thể là:

  1. Trường đạo tạo nghề sau bậc trung học: Thay vì chọn học cao đẳng hay đại học, học sinh tốt nghiệp trung học có thể học một nghề chuyên môn tại một trường nghề, thời gian học thường từ 6 tháng đến 2 năm và được cấp chứng chỉ sau tốt nghiệp.
  2. Trường cao đẳng: Mục tiêu chính của loại trường này là đào tạo các chương trình 2 năm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chương trình học cao đẳng chia thành 2 hệ. Một là đào tạo theo chương trình 2 năm đầu và liên thông lên đại học 4 năm. Hai là đào tạo sâu vào lĩnh vực chuyên môn, có khả năng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng nếu muốn liên thông lên đại học thì thường phải mất một năm.
  3. Đại học. Cấu trúc đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên tổng thể của nền kinh tế và xã hội, hay từng phân khúc ngành nghề chuyên môn. Đại học được chia thành các loại[4] gồm:
    Đại học thiên về nghiên cứu: Khoảng 300 đại học thiên về các loại nghiên cứu, đứng đầu là Havard, MIT, Stanford, … đào tạo trình độ cử nhân lên đến tiến sĩ, quy mô đào tạo thường khoảng từ 10.000 đến 30.000 sinh viên, ngoại trừ một số viện nghiên cứu quy mô nhỏ như Caltech…
    Đại học khai phóng (Liberal Arts): Khoảng 650 đại học theo loại này, hầu hết chỉ đào tạo bậc cử nhân. Chương trình giảng dạy chú trọng phần đại cương, tư duy, kiến thức nền về khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn, … và chuyên ngành rộng. Thường quy mô đào tạo chỉ nằm trong khoảng 2.000 đến 3.500 sinh viên.  Phần lớn các trường này là chuẩn bị cho sinh viên học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp.
    Đại học vùng: Khoảng 1.200 đại học tập trung đào tạo các ngành nghề chuyên môn ở cấp đại học, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc mà thị trường cần. Quy mô đào tạo ở các trường này trong khoảng từ 3.500 đến 25.000 sinh viên.
    Đại học chuyên ngành ứng dụng: Loại trường đào tạo theo các chuyên ngành ứng dụng, có khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc tại khu vực. Thường số sinh viên ở các trường này không quá 5.000 sinh viên.

Hệ thống các trường đào tạo sau trung học ở Hoa Kỳ được phân làm các loại như vậy cho thấy đặc điểm chung của đại học Hoa Kỳ có tính linh động, sáng tạo, đa dạng và thực tiễn, bao gồm cả hệ liên thông[5], học bán thời gian (Part time), ngoài giờ trực tuyến (online) … nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng yêu cầu của thị trường.

2.    Tính Tự Chủ

Quản lý giáo dục và giáo dục đại học công là trách nhiệm của chính quyền bang, mỗi bang có cơ chế hoạt động riêng. Điển hình như:

(a) Bang Massachusetts có Hội đồng Giáo dục đại học (HĐGD) gồm 13 thành viên do Thống đốc bang bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm. Thành viên bên ngoài[6] chiếm đa số. Hội đồng Giáo dục xây dựng các chính sách, chiến lược, kế hoạch tài chính, nhân sự chung cho toàn bộ hệ thống 15 trường cao đẳng, 14 đại học công trong phạm vi bang. Bộ Giáo dục Đại học bang[7] là đơn vị thực thi chính sách của HĐGD và phối hợp với các trường trong hệ thống trường công của bang để thực hiện.

Mỗi trường cao đẳng hay đại học công đều có một Hội đồng trường cũng do Thống đốc bang bổ nhiệm, họ ra chủ trương và quyết định các vấn đề của trường như nhân sự, tài chính hoạt động, đầu tư, quy chế tuyển sinh và cấp bằng… Hiệu trưởng là người trực tiếp điều hành tất cả hoạt động của trường và chịu trách nhiệm với Hội đồng trường.

Ngoài hệ thống trường công, bang Massachusetts còn có 79 trường tư phi lợi nhuận (non-profit) và 5 trường lợi nhuận (for profit), mỗi trường hoạt động độc lập.

(b) Bang California có Hội đồng Giáo dục bang ở 3 cấp khác nhau: Hội đồng cho hệ thống 10 trường UC (University of California); Hội đồng cho hệ thống 23 trường CSU (California State University); và Hội đồng cho 113 trường CC (Community College). Mỗi Hội đồng có khoảng 25 thành viên, bao gồm Thống đốc bang, Chủ tịch Hạ viện Bang… và đại diện các trường thành viên. Nhiệm kỳ của các hội đồng này là 4 năm và không theo nhiệm kỳ của Thống đốc, người bổ nhiệm.

Hội đồng của từng hệ thống trường đề ra các quyết sách, chính sách và quyết định lớn cho các trường trong hệ thống UC, CSU, và CC thực hiện. Các trường trong hệ thống UC và CSU không có Hội đồng riêng, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm với Hội đồng Giáo dục của hệ thống trường.

Riêng hệ thống trường Cao đẳng vì có quá nhiều (113) trường, nên dưới Hội đồng Giáo dục còn có các Hội đồng Khu vực chịu trách nhiệm đối với khoảng 5 đến 7 trường. Hiệu trưởng báo cáo lên Hội đồng trường Khu vực.

Ngoài ra còn có 157 trường tư phi lợi nhuận và 147 trường tư lợi nhuận trong bang California, mỗi trường hoạt động độc lập.

(3) Bang Texas thì hệ thống tổ chức đại học công có phần phức tạp hơn, có 35 trường công, có 31 trường nằm trong 6 tổ chức trường như: Texas State System, Texas A&M, Houston University System, ..

Hội đồng Giáo dục bang gồm 9 thành viên do Thống đốc bang bổ nhiệm, nhiệm kỳ 6 năm (mỗi 2 năm bổ nhiệm lại 3 người) quản lý chung cho cả hệ thống, và mỗi hệ thống có Hội đồng trường hay Hiệu trưởng điều hành trường và báo cáo lên Hội đồng Giáo dục của hệ thống,

Ngoài ra còn có hệ thống 55 trường Cao đẳng và Kỹ thuật công, và 108 trường tư hoạt động độc lập.

Hệ thống trường tư phi lợi nhuận (non-profit) và lợi nhuận (profit) trên toàn nước Mỹ hoạt động độc lập với hệ thống trường công và không phải trực tiếp báo cáo hay chịu trách nhiệm với cơ quan nhà nước nào. Trách nhiệm chính của họ là thực hiện Kiểm định chất lượng Vùng, khi vấn đề chất lượng giáo dục trường hay ngành học được đặt ra. Trách nhiệm của tổ chức trường đã quy định rõ trong luật.

Đại học tư phi lợi nhuận (non-profit) hoạt động như một tổ chức xã hội[8]. Một Hội đồng trường hay Hội đồng Tín Thác (hay cả hai) quản lý và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của trường. Trách nhiệm của Hiệu trưởng là điều hành trường và báo cáo lên Hội đồng trường. Các đại học tư phi lợi nhuận này thuộc sở hữu tổ chức trường, không có cổ phần hay chia cổ tức cá nhân. Loại trường này được hưởng các quy chế ưu đãi về thuế, đất đai…Cá nhân hay công ty đóng góp tài chính vào loại trường này sẽ được miễn thuế cho phần đóng góp, nên họ tận dụng được nguồn đóng góp từ xã hội và các ưu đãi khác. Hội đồng trường hay/và Hội đồng tín thác và đơn vị có quyền và trách nhiệm cuối cùng cho tất cả các hoạt động của trường.

Khác biệt với mô hình đại học tư phi lợi nhuận là loại đại học tư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

3.    Tính Cạnh Tranh

Đặc thù của Giáo dục là đào tạo con người, tuy nhiên sản phẩm giáo dục, đào tạo nhân lực không thể tách ra khỏi sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Nhưng nếu không có cơ chế tạo sự cạnh tranh lành mạnh thì sớm muộn gì cũng bị thui chột.

Các tổ chức, công ty lớn nhỏ đều cần người có trình độ và khả năng quản lý, chuyên môn, giúp họ phát triển. Đầu ra của thị trường nhân lực cũng phải cạnh tranh buộc người học phải nghiêm túc mới mong tìm được công việc và khả năng thăng tiến trong sự nghiệp.

Các đại học cũng phải cạnh tranh đầu vào, chất lượng đào tạo tốt, gắn liền với nhu cầu thực tiễn ngành nghề thị trường cần. Nếu không thì uy tín của đại học sẽ giảm, không có người học dẫn đến buộc phải cắt giảm. Ví dụ Đại học Harvard chỉ nhận 4.9% số đơn nộp, có trường nhận 60% và cũng có trường không đủ sinh viên buộc phải cắt giảm hay đóng cửa.

Do đó các đại học Mỹ dù là công hay tư, luôn năng động, sáng tạo, chủ động lập chiến lược và kế hoạch phát triển để tồn tại và duy trì cũng như luôn tìm lợi thế cạnh tranh cho phát triển bền vững.

Nhìn chung, cạnh tranh nguồn nhân lực theo sự vận hành của cơ chế thị trường buộc các bên phải làm tốt nếu muốn tồn tại. Giáo dục đại học cũng không ngoại lệ.

4.    Tính Bình Đẳng

Hoa Kỳ du nhập nền giáo dục tinh hoa của nước Anh rất sớm, sau có du nhập mô hình giáo dục nghiên cứu, ứng dụng từ nước Đức. Song nước Mỹ cũng du nhập nhiều dòng triết, mô hình giáo dục khác, kết hợp với sự phát triển trong nước, các tranh luận giáo dục rất sôi nổi qua nhiều thời kỳ, đặc biệt trong thế kỷ 19 và 20, hình thành mô hình giáo dục Mỹ hiện nay.

Giáo dục Hoa Kỳ chiếm vị trí hàng đầu trong thế giới gần một thế kỷ qua, và sẽ giữ vị trí này ít nhất vài thập niên tới. Không đơn thuần là nước Mỹ giàu có hay tài nguyên phong phú, mà tính năng và chủ động được hình thành trong xã hội. Nước Mỹ luôn khát khao tìm kiếm, sáng tạo cái mới, thay đổi hiệu quả và cạnh tranh hơn. Người ta nói nước Mỹ luôn trẻ trung là điều không hề sai.

Một trong những thay đổi tích cực là tính bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, vừa có tính nhân văn và vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế trí thức mà nước Mỹ đang đi đầu.  Cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo là điều tất yếu trong giáo dục Hoa Kỳ.

Ở Mỹ ai cũng có thể học và tốt nghiệp trung học, đại học hay sau đại học. Điều kiện tiếp cận nguồn tài chính[9] cho việc học rất thuận lợi.

Chương trình học mở và linh động, người giỏi thì được chọn vào các đại học hàng đầu, người bình thường thì vào các đại học trung bình, nặng về ngành chuyên môn hay vào trường cao đẳng để có khả năng tìm công việc ngay sau khi ra trường.

Hầu hết các đại học Mỹ đều có chương trình dạy bán thời gian, ngoài giờ, cuối tuần hay chương trình học online càng ngày càng phổ biến, trên 1/3 sinh viên Mỹ hiện nay học theo các chương trình này, hầu hết dành cho người đang đi làm hay không có điều kiện đến trường vào ban ngày. Người học có thể tiếp cận môn học, chương trình học ở bậc cao đẳng, đại học, thạc sĩ ở nhiều độ tuổi khác nhau, một phần của việc học suốt đời. Người khuyết tật, khiếm thị vẫn có điều kiện, phương tiện tiếp cận giáo dục đại học và tạo khả năng làm việc như người bình thường.

Nói chung, cấu trúc tài chính và chương trình đại học theo hướng mở, cho phép người học được tiếp cận dễ dàng mà không bị rào cản vì lý do gì. Yêu cầu: tuy nhiên phải là học thật, năng lực thật mới mong cạnh tranh được với thị trường công việc. Cạnh tranh để mọi người phát triển tốt và làm việc hiệu quả hơn.

Chính sách phát triển kinh tế – xã hội xây dựng trên cơ sở tạo điều kiện (cơ hội) cho mọi người trong xã hội tham gia và tận dụng năng lực của họ để phát triển. Giáo dục là nền tảng cốt lõi để phát huy sự bình đẳng trong xã hội.

 

[1]  Post secondary training: Đào tạo trình độ sau bậc trung học.

[2]  Các trường, chương trình đào tạo nghề sau bậc trung học, nhưng thấp hơn cao đẳng.

[3]  Tương đương rình độ đại học 2 năm và liên thông trực tiếp lên đại học 4 năm.

[4] Xếp loại các đại học nghiên cứu, đại học khai phóng, đại học vùng và chuyên sâu ngành (polytechnics) chỉ ở mức tương đối, đôi khi cũng có sự trùng lắp.

[5] Liên thông từ hệ cao đẳng lên đại học, từ đại học này sang trường khác là việc đương nhiên, phần còn lại là các yêu cầu như điểm trung bình (GPA) của mỗi trường.

 

[6] Bao gồm những người trong giới ngân hàng, doanh nghiệp, có uy tín trong cộng đồng, đại diện tôn giáo, cựu GS, cựu sinh viên, … quan tâm và có khả năng giúp trường phát triển.

[7] Mỗi bang hoạt động độc lập với chính quyền liên bang, nên dùng Bộ GD ĐH thay vì cấp Sở như Việt Nam.

[8]  Hoạt động theo điều 501©3 của Luật tổ chức Dân sự.

[9] Gồm trợ cấp học phí, học bổng, làm việc trong trường, chương trình vay tiểu bang, liên bang hay trực tiếp vay ngân hàng để trả học phí và trang trải chi phí trong thời gian học cao đẳng, đại học. Mặt khác, chính phủ Mỹ cũng đang gặp khó khăn về việc đưa ra chính sách hợp lý để xử lý khoảng nợ vay 1.560 tỷ đô la của 45 triệu sinh viên, cựu sinh viên.