Mặc dù loại vi-rút gây bệnh cảm lạnh không nguy hiểm nhưng bệnh cảm lạnh làm cho bạn có cảm giác khó chịu. Để điều trị bệnh cảm lạnh một cách nhanh chóng, điều quan trọng là phải phát hiện được bệnh sớm. Ngay khi nghi ngờ bản thân bị nhiễm cảm lạnh, hãy lập tức thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Tăng cường bổ sung vitamin, làm dịu cổ họng và loại bỏ dịch nhầy trong đường hô hấp. Các biện pháp này sẽ trang bị cho cơ thể khả năng đối phó với bệnh cảm lạnh một cách tốt nhất và giúp rút ngắn giai đoạn của bệnh. Ngoài ra, bạn cũng cần nghỉ ngơi thư giãn thật nhiều. Hãy nhớ không dùng thuốc kháng sinh, vì cảm lạnh là do vi-rút gây ra, chứ không phải do vi khuẩn nên thuốc kháng sinh không có tác dụng trị cảm lạnh.

Phương pháp 1: Điều trị bệnh cảm lạnh một cách nhanh chóng

1. Phát hiện bệnh sớm

Ngay sau khi vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể bạn, các triệu chứng cảm lạnh sẽ lập tức xuất hiện. Những biểu hiện thông thường của bệnh cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, rát họng, ho, nghẹt mũi, đau người, sốt nhẹ và kiệt sức. Để mau chóng khỏi bệnh, bạn cần hành động thật nhanh bởi chỉ sau 12 giờ đầu tiên, bệnh cảm lạnh đã tiến triển đủ mạnh để kéo dài thêm nhiều ngày. Vì vậy, hãy củng cố lại hệ miễn dịch của bạn nhé.

2. Sử dụng thuốc ức chế phản ứng ho

Dùng thuốc ức chế phản ứng ho (cough suppressant) khi cơn ho khan xuất hiện. Loại thuốc này có chứa hai hợp chất là dextromethorphan và codeine. Riêng codeine, bạn cần sử dụng theo đơn vì thuốc này có thể khiến bệnh nhân uể oải và táo bón. Còn dextromethorphan được bào chế ở hai dạng: viên nén và si-rô uống, thường dùng kèm với thuốc long đờm. Lưu ý không nên dùng thuốc ức chế ho đối với những cơn ho gây “tức ngực” và ho ra đờm, vì chúng có khả năng gây nhiễm trùng trong khoang ngực. Do đó, hãy trao đổi với dược sĩ về việc sử dụng thêm một loại si-rô long đờm.

3. Dùng thuốc trị nghẹt mũi

Các loại thuốc trị tắc nghẽn đường hô hấp ở hai dạng: dung dịch và viên, đều giúp các mạch máu bên trong màng mũi co lại khiến ống mũi mở rộng ra. Phenylephrine (như Sudafed PE) và pseudoephedrine (Sudafed) là hai loại thuốc trị nghẹt mũi đã được kiểm chứng và bán không cần toa tại các quầy thuốc.

  • Có thể sử dụng thuốc xịt thông mũi có bán tự do tại quầy thuốc, chỉ cần xịt 1-2 lần, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả ngay tức thì. Thuốc xịt thông mũi thường chứa oxymetazoline, phenylephrine, xylometazoline, hay naphazoline, do đó chỉ nên dùng nếu được chỉ định. Hơn nữa, nếu sử dụng quá 3-5 lần/ngày sẽ khiến cảm giác nghẹt mũi của bạn càng thêm tồi tệ.
  • Thuốc thông mũi có thể khiến bạn khó ngủ, choáng váng hoặc tăng huyết áp. Đặc biệt, không dùng thuốc dạng uống nếu bạn mắc bệnh tim hoặc cao huyết áp. Nên sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh về tuyến giáp, tăng nhãn áp và bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt.

4. Thuốc long đờm

Thuốc long đờm cũng là loại thuốc không kê đơn, có tác dụng làm sạch xoang mũi bằng cách làm loãng dịch nhầy và đờm tắc trong phổi, giúp bạn cảm thấy dễ chịu và hô hấp dễ dàng hơn.

  • Thuốc long đờm có bán tại các nhà thuốc thường có dạng dung dịch, đôi khi có dạng viên nén và dạng bột. Hiện nay, chỉ có duy nhất một loại tá dược long đờm không kê đơn đó là guaifenesin. Hãy tìm loại thuốc có chứa tá dược này và Mucinex là nhãn hiệu thuốc long đờm có chứa guaifenesin phổ biến nhất tại các nhà thuốc hiện nay.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc long đờm. Giống như các loại thuốc khác, thuốc long đờm cũng có tác dụng phụ đi kèm. Trong đó, phổ biến nhất là khả năng gây buồn nôn, nôn mửa và uể oải. Nếu xuất hiện những triệu chứng này, hãy lập tức ngưng sử dụng thuốc.

5. Bổ sung vitamin C

Vitamin C nổi tiếng với tác dụng ngăn ngừa bệnh cảm lạnh; hơn thế, vitamin C còn có khả năng rút ngắn các giai đoạn của bệnh.

  • Tăng cường lượng vitamin C bằng cách uống nước cam và ăn trái cây giàu vitamin C như dâu tây, kiwi và rau lá xanh.
  • Dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C và thuốc viên. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, liều dùng thích hợp một ngày đối với nam giới là 90mg và nữ giới là 75mg.

6. Đi khám bệnh

Dù cơ thể bạn “chiến thắng” hầu hết mọi loại cảm lạnh, đơn thuốc của bác sĩ cũng sẽ trợ giúp cơ thể rút ngắn các triệu chứng. Tất nhiên, không nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh bởi chúng không có tác dụng đối với các triệu chứng cũng như diễn biến của bệnh. Hãy đến phòng khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Đau tai/mất thính lực
  • Sốt hơn 39 độ C
  • Sốt hơn 38 độ C và kéo dài quá 3 ngày
  • Thở dốc/thở khò khè
  • Có máu trong đờm
  • Các triệu chứng chung kéo dài quá 7 đến 10 ngày
  • Rát họng kèm theo sốt, không ho, không sổ mũi. Đây có thể là triệu chứng của bệnh nhiễm liên cầu khuẩn ở họng, vì vậy cần kịp thời chữa trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn biến chứng sang tim.
  • Ho kèm theo sốt, không sổ mũi, không rát họng. Đây có thể là các dấu hiệu của bệnh viêm phổi, cần phối hợp với thuốc kháng sinh để điều trị.

Phương pháp 2: Điều trị nghẹt mũi

1. Hỉ mũi đúng cách

Hỉ mũi là phản ứng tự nhiên khi cảm thấy mũi bị nghẹt, khó thở. Tuy nhiên, cần hạn chế không hỉ mũi quá nhiều. Dù việc hỉ mũi giúp bạn tống các chất nhầy kẹt bên trong đường hô hấp ra ngoài nhưng nếu hỉ mũi quá mạnh hoặc quá thường xuyên sẽ phản tác dụng.

  • Thực tế, một số chuyên gia khẳng định việc hỉ mũi gây áp lực lên ngực do các chất nhầy bị kẹt cứng, có nguy cơ gây nhiều tổn thương khác cho đường hô hấp. Để tránh bị tổn thương, bạn chỉ nên hỉ mũi khi cần thiết và hỉ mũi đúng cách.
  • Hỉ mũi đúng cách là dùng ngón tay bịt một lỗ mũi và nhẹ nhàng thở ra bằng lỗ mũi còn lại để đẩy dịch nhầy ra khỏi lỗ mũi. Lặp lại tương tự với bên mũi còn lại. Phải đảm bảo rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào mũi để tránh phát tán vi khuẩn.
  • Tránh gây kích ứng do hỉ mũi quá nhiều bằng cách sử dụng khăn tay mềm hoặc dùng sáp dầu (petroleum jelly) để dưỡng ẩm và bôi trơn lỗ mũi.

2. Dùng thêm dung dịch rửa xoang mũi hoặc nước muối để làm sạch mũi

Dùng chai lọ hoặc bất cứ vật chứa nào có vòi nhỏ để nhỏ nước muối vào mũi.

  • Pha chế dung dịch nước muối: cho một nửa thìa cà phê muối tinh vào cốc nước và khuấy đều đến khi muối hòa tan hoàn toàn.
  • Đổ nước muối vào vật chứa, ngửa cổ lên và nghiêng về một phía (thực hiện bên trên bồn rửa tay), đưa vòi vào lỗ mũi và bơm dung dịch muối chảy vào trong. Đợi cho nước muối chảy vào sâu trong lỗ mũi trước khi bạn chuyển sang lỗ mũi còn lại. Khi nước muối đã vào sâu trong mũi, hãy hỉ mũi nhẹ và lặp lại với lỗ mũi còn lại.

3. Dùng hơi nước nóng

Hơi nước nóng có hiệu quả làm thông các ống dẫn trong đầu bạn. Nhiệt độ từ hơi nước khiến chất nhầy bị loãng ra, tăng lượng nước dưỡng ẩm cho đường hô hấp đang bị khô. Dưới đây là hướng dẫn cách dùng hơi nước nóng để thông mũi:

  • Đun sôi nước và dùng hơi nước xông trực tiếp lên mặt (cẩn thận không để bị bỏng hơi nước): Đổ nước đun sôi ra một cái tô, cúi mặt xuống tô nước nóng, trùm khăn lên đầu để hơi nước không tỏa ra hết. Sau đó thêm vào tô nước vài giọt tinh dầu có công dụng làm sạch xoang mũi (như dầu chàm hoặc bạc hà) để khuếch đại khả năng thông xoang mũi.

4. Tắm nước nóng

Dù thời tiết có làm bạn cảm thấy khó chịu đến mức nào, bạn vẫn nên tắm rửa thường xuyên vì đó là cách hiệu quả giúp bạn mau khỏi bệnh cảm lạnh. Bật nước nóng đến nhiệt độ cao nhưng vẫn phải cảm thấy dễ chịu, để phòng tắm ngập tràn trong hơi nước nóng. Nếu hơi nóng khiến bạn cảm thấy choáng váng, mệt mỏi, hãy mang theo một chiếc ghế nhựa hay ghế đẩu vào.

  • Tắm nước nóng còn có tác dụng thần kì đối với bệnh cảm lạnh – không chỉ có công dụng trị nghẹt mũi, hơi nước nóng còn làm ấm và giúp cơ thể thư giãn. Lưu ý tắm nước càng ấm càng tốt. Nếu có gội đầu trước khi tắm, hãy lau khô tóc sau khi tắm (dù tắm bồn hay tắm vòi hoa sen), vì tóc ẩm sẽ làm hạ thân nhiệt của bạn, không tốt cho cơ thể khi đang bị cảm lạnh.

5. Dùng thức uống nóng

Một cốc nước ấm có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi đang bị cảm lạnh. Hơn thế, thức uống ấm còn giúp thông thoáng đường thở và làm dịu cơn đau họng.

  • Dùng các loại trà thảo mộc như trà cúc La Mã và trà bạc hà, không chỉ có khả năng xoa dịu mà còn bù nước. Các loại trà thông thường và cà phê cũng có thể giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn nhưng lại không có công dụng bù nước tốt.
  • Một bài thuốc dân gian đơn giản mà hiệu quả đó là nước chanh mật ong ấm. Nước ấm có công dụng thông đường hô hấp, chanh giúp tăng cường hệ miễn dịch và mật ong làm dịu cổ họng rát. Ngoài ra, cách pha chế rất đơn giản, chỉ cần pha một cốc nước chanh ấm và thêm mật ong vào sao cho vừa uống.
  • Từ lâu, súp gà là lựa chọn của các bệnh nhân cảm lạnh, không chỉ bởi súp gà dễ ăn và khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu. Khoa học còn tìm ra những bằng chứng cho thấy súp gà có khả năng hạn chế cơ thể sản sinh một loại tế bào bạch cầu góp phần gây ra triệu chứng của bệnh cảm lạnh.

Phương pháp 3: Nghỉ ngơi

1. Dành thời gian nghỉ ngơi thật nhiều

Cách hiệu quả giúp bệnh cảm lạnh ngừng kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần là dừng duy trì lịch trình bình thường để cơ thể được nghỉ ngơi hồi phục. Hãy nghỉ phép một vài ngày, tìm đến một nơi ấm áp và thoải mái để cơ thể hồi phục.

  • Ngay cả khi không muốn trì hoãn công việc của mình, hãy nghĩ đến đồng nghiệp của bạn, họ không muốn bạn mang vi trùng đến văn phòng!
  • Bên cạnh đó, vi khuẩn gây bệnh cảm lạnh còn tấn công và làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến bạn dễ mắc các chứng bệnh khác hoặc khiến bệnh cảm hiện tại của bạn thêm trầm trọng hơn. Vì vậy, nhà chính là nơi an toàn nhất dành cho bạn, hãy ở nhà ít nhất là đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn.

2. Nghỉ giải lao thật nhiều

Lưu ý rằng cơ thể của bạn đã cố gắng hết sức kháng cự với vi khuẩn gây bệnh và nó cần thêm nguồn năng lượng để vượt qua bệnh. Những việc như: gồng mình làm việc nhà, chơi thể thao, đi du lịch và các hoạt động thể chất khác sẽ khiến bệnh cảm lẫn tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ hơn. Hãy đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng ban đêm và ngủ nhiều giấc ngắn trong ngày.

  • Nếu không ngủ được, chỉ cần ngả lưng trên ghế dài, đắp chăn lại và dùng một thức uống ấm, tranh thủ thời gian xem TV hoặc đọc hết bộ truyện Harry Potter.
  • Khi ngủ, hãy kê đầu cao hơn bằng cách chèn thêm gối bên dưới. Có thể bạn sẽ cảm thấy lạ lẫm nếu không quen ngủ như vậy, kê cao đầu sẽ khiến dịch nhầy chảy ngược vào bên trong mũi. Nếu tư thế này khiến bạn thật sự không thoải mái, hãy chèn gối dưới chiếu hoặc nệm, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

3. Giữ ấm cơ thể

Trái ngược với lạnh là gì? Đó là ấm áp! Mặc dù thời tiết lạnh hay “một cái rùng mình” không phải là thủ phạm gây bệnh (mà là vi-rút cảm lạnh), nhưng bạn vẫn cần giữ ấm cơ thể suốt quá trình hồi phục. Vậy nên hãy bật điều hòa sưởi ấm và đắp chăn khi đi ngủ – bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy khỏe hơn.

  • Tuy nhiên, nhiệt độ khô lại gây kích thích đường hô hấp đang sưng viêm và cổ họng đang đau rát. Vậy nên để tránh tình trạng trên, bạn có thể dùng máy tạo khí ẩm để thêm hơi nước vào không khí trong nhà sẽ giúp bạn hô hấp dễ dàng hơn.
  • Cần thận trọng vì máy tạo hơi ẩm có thể phát tán tác nhân gây bệnh và bào tử nấm mốc.

4. Uống nhiều nước

Hỉ mũi và đổ mồ hôi vì ủ trong chăn quá lâu sẽ khiến bạn bị mất nước, khiến các triệu chứng của bệnh cảm lạnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những cơn đau đầu, khô và kích ứng họng.

  • Khi bị bệnh, hãy cố gắng bổ sung nhiều nước hơn bình thường bằng cách uống trà nóng, ăn súp, ăn trái cây mọng nước và rau củ (như dưa hấu, cà chua, dưa leo, dứa) và uống nước lọc.
  • Để biết cơ thể có đang thiếu nước hay không, có một cách thủ công đó là kiểm tra nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu nhạt hoặc trong suốt nghĩa là bạn không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu nước tiểu sẫm màu hoặc có màu vàng đục, là do các chất thải trong cơ thể bạn chưa được hòa tan hoàn toàn và cần phải uống nhiều nước hơn.

Phương pháp 4: Xử lý các triệu chứng khác

1. Sử dụng thuốc hạ sốt/thuốc giảm đau

Nếu có dấu hiệu đau mình và sốt cao, thường có hai lựa chọn dành cho bạn, gồm acetaminophen (Tylenol) và NSAIDs (thuốc kháng viêm không chứa steroid như aspirin, ibuprofen và naproxen). Đặc biệt, không dùng thuốc NSAID nếu mắc chứng trào ngược axit hoặc viêm loét dạ dày. Nếu đang sử dụng thuốc thuộc nhóm NSAID để trị các chứng bệnh khác, hãy trao đổi với bác sĩ nếu muốn dùng thêm. Không được sử dụng vượt quá liều lượng được kê trong đơn thuốc hoặc in trên bao bì. Liều lượng lớn của hai loại thuốc trên có thể gây độc cho gan. Bạn sẽ không muốn một tình trạng khác diễn biến xấu đi trong khi đang cố gắng chữa trị tình trạng hiện tại phải không?

2. Súc họng bằng nước muối khi bị đau họng

Nghẹt mũi chưa phải là triệu chứng khó chịu duy nhất khi bị cảm lạnh. Đau họng, khô họng và ngứa họng cũng gây khó chịu tương tự. Vì vậy, cách đơn giản tự nhiên để đối phó với vấn đề này là súc họng với nước muối. Nước sẽ làm dịu cổ họng trong khi muối – chất diệt trùng, tiêu diệt các vết nhiễm trùng. Để pha chế dung dịch súc họng, hòa tan một thìa cà phê muối vào một li nước lọc (nếu dung dịch quá mặn, một ít muối nở có thể dịu vị mặn đó). Súc họng với dung dịch này khoảng 4 lần mỗi ngày và nhớ không được nuốt.

3. Si-rô từ quả cơm cháy

Quả cơm cháy nổi tiếng với công dụng tăng cường hệ miễn dịch, vì vậy nhiều người dùng quả cơm cháy để chữa trị bệnh cảm lạnh. Trong quả cơm cháy có các hợp chất flavonoid với công dụng chống oxi hóa và bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có một vài nghiên cứu được thực hiện trên cơ thể người nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có kết luận về hiệu quả thật sự của quả cơm cháy. Bạn có thể chế biến quả cơm cháy theo những cách sau:

  • Dùng một thìa si-rô cơm cháy mỗi sáng. Loại si-rô này có bán tại các tiệm thuốc tây.
  • Thêm một vài giọt tinh chất cơm cháy (mua tại các cửa hàng thực phẩm) vào nước uống hoặc nước trái cây.
  • Ủ trà – dùng hoa cơm cháy và lá bạc hà để pha trà uống.

4. Dùng mật ong nguyên chất

Mật ong nguyên chất cũng là một phương thuốc tăng cường hệ miễn dịch, nó có chứa các chất kháng siêu vi và làm dịu cơn rát họng vì vậy luôn có mặt trong các bài thuốc trị cảm lạnh tự nhiên.

  • Có thể ăn trực tiếp hoặc pha vào nước ấm hay trà ấm. Một phương thuốc trị cảm lạnh cực hiệu quả là pha một thìa đầy bột nghệ vào một li sữa rồi thêm một thìa mật ong đầy vào. Nên dùng loại mật ong nuôi ở địa phương để xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.

5. Ăn tỏi

Tỏi có rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe do có chứa chất kháng vi sinh vật, chất khử trùng và chất kháng sinh. Một số bằng chứng chứng minh tỏi sống có khả năng chữa trị các triệu chứng của bệnh cảm lạnh, rút ngắn thời gian phát tác của bệnh và tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể tránh tái lại bệnh.

  • Có thể bổ sung tỏi vào các món ăn, thức uống nhưng tốt nhất nên ăn sống. Nghiền nát một nhánh tỏi để trong nhiệt độ phòng khoảng 15 phút để hợp chất allicin sản sinh (allicin kháng khuẩn cực mạnh và là công dụng tuyệt vời nhất của tỏi)
  • Có thể ăn tỏi trực tiếp (nếu dạ dày khỏe mạnh) hoặc pha trong hỗn hợp mật ong hay dầu ô-liu và kẹp vào bánh quy ăn kèm.

6. Dùng thực phẩm chức năng tự nhiên

Có một số loại thực phẩm tự nhiên được cho là có khả năng trị các triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, những chất này không nhất thiết ”chữa lành” được các triệu chứng ngay lập tức nhưng có thể giúp các triệu chứng nhanh chóng biến mất.

  • Cây cúc dại là một loại thảo mộc được cho là có công dụng kháng siêu vi dùng chữa chứng nhiễm vi-rút đường hô hấp. Thuốc viên nén được bào chế từ loại thảo mộc này có khả năng rút ngắn thời gian bệnh, nếu bạn dùng thuốc ngay khi bệnh vừa phát tác.
  • Kẽm được chứng minh có khả năng rút ngắn thời gian phát tác bệnh cảm lạnh bằng cách ngăn cản sự sinh sản của các vi-rút gây bệnh. Hiện nay, kẽm được bào chế dưới dạng viên nén, viên hình thoi và si-rô.
  • Nhân sâm là một bài thuốc cổ xưa được khoa học hiện đại chứng minh có khả năng rút ngắn thời gian phát tác của bệnh cảm lạnh, đồng thời cải thiện hệ miễn dịch. Nhân sâm được điều chế thành dạng thuốc uống, hoặc bạn có thể đun rễ nhân sâm và dùng như trà.