Cái yếm rất thô sơ, thô sơ nhưng lại rất thơ mộng làm nguồn cảm hứng cho thi văn lãng mạn và trữ tình tạo nên sắc thái văn hóa được biểu hiện qua luồng thi văn bình dân dưới hình thức ca dao rất mộc mạc, dễ hiểu. Thí dụ như:
Hỡi cô yếm thắm đeo bùa,
Bác mẹ có bán anh mua nửa người.
Cái yếm thì gợi tình được diễn tả bằng thi văn tao nhã, tế nhị giữa đàn ông và đàn bà đối đáp văn chương hữu tình với nhau. Đàn ông thường mượn cái yếm để tỏ tình vì vậy mà cái yếm trở thành chủ đề lãng mạn trong thi ca tình tứ của dân tộc.
Cách mặc áo yếm
Áo yếm che hững hờ trước ngực, vừa kín vừa hở rất là gợi cảm nên thơ, còn lưng thì để trống. Áo yếm thường làm bằng một mảnh vải hình vuông, một góc cắt lẹm đi rồi đính 2 dải vải buộc vào sau gáy. Hai góc trái và phải cũng đính 2 dải vải gọi là dải yếm, dài đủ dài để buộc ra sau lưng. Bên ngoài yếm là áo cánh trắng, mỏng được chiếc thắt lưng giữ với cạp váy. Ngoài cùng khoác áo tứ thân. Cái yếm ở miền Trung thì có hình tam giác.
Mầu vải yếm
Yếm của các bà lao động nghèo thì bằng vải thô, màu nâu. Vào ngày lễ hội thì yếm đủ màu sắc: yếm trắng, yếm thắm, yếm hồng bằng nhiễu, chúc bâu, lụa…
Hỡi cô yếm thắm lòa lòa,
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là chúc bâu.
Hay là luạ bạch bên Tàu,
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.
Hỡi cô mặc áo yếm hồng,
Đi trong đám hội có chồng hay chưa.
Các loại yếm (1)
Các thi nhân thường phân loại yếm theo đặc tính của yếm: yếm xạ hương, yếm ém trầu, yếm hở lườn, yếm gặp mưa, dải yếm phải gió…
Yếm đeo bùa xạ hương
Bùa là xạ hương (tỏa mùi thơm như nước hoa ngày nay) đựng trong cái túi buộc vào cổ yếm. Cô gái có cổ yếm đeo bùa (túi đựng xạ hương) tỏa ra hương thơm ái tình (giống như mọi sinh vật trên trái đất) đứng hàng thứ 5 trong mười thương:
Năm thương cổ yếm đeo bùa.
Dù đọc kinh nhắm mắt bịt tai nhưng mũi phải mở để thở nên nhà sư dễ dàng thất điên bát đảo khi ngửi thấy hương thơm của bùa đeo ở cổ yếm hòa quyện với mùi da thịt.
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Bùa mùi hương của cơ thể ấp ủ trong yếm cũng làm cho chàng trai si tình phải thốt lên:
Đêm nằm đắp chục chiếc chăn,
Làm sao sánh được ấm bằng yếm em.
Vào ngày mưa gió giá lạnh, anh chàng si tình đã chiếm được lòng cô gái thì ở nhà ôm dải yếm hít hà mùi hương cơ thể ấp ủ trong dải yếm mà mơ màng.
Trời mưa trời gió kìn kìn,
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.
Cái yếm ém trầu
“Khẩu trầu dải yếm” là miếng trầu được “ém” trong dải yếm đem ra mời người tình.
Khi chàng trai hợp nhãn đến chơi thì cô gái mời trầu để mở đầu câu chuyện.
Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.
Nàng có 3 loại trầu: trầu túi (trầu đựng trong túi), trầu khăn (trầu gói trong khăn), trầu dải yếm (trầu ém trong dải yếm) và hỏi chàng rằng:
Trầu này trầu túi, trầu khăn,
Cùng trầu dải yếm anh ăn trầu nào?
Nếu chàng trai chọn trầu trong túi trong khăn tức ẩn ý chỉ là bạn hữu. Nếu chàng trai chọn trầu dải yếm tức khẩu trầu dải yếm có nghĩa đã thuận tình nhau mong cùng nàng kết nhân duyên thì cô gái mở gói trầu buộc ở dải yếm đem ra mời chàng. Ăn xong miến trầu thì nàng mới hỏi:
Trầu em buộc dải yếm đào,
Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?
Cái yếm mưa gió
Nếu bất chợt gặp cô nàng mặc yếm mỏng manh giữa trời mưa gió, thì mắt anh chàng mở to như hai cái tô say mê nhìn cảnh cái yếm chống lại mưa gió như thế nào.
Gió đùa yếm thắm đu đưa,
Mưa rơi ướt yếm, trái dừa đòi ra.
Đến khi gió nổi to quá, đánh vạt cái yếm thì mắt anh chàng sáng rực tưởng nàng hớ hênh.
Gió đánh yếm nàng, gió đè ngực nàng,
Mắt anh rực sáng vì nàng hớ hênh.
Lúc đó chàng trai mới tán tỉnh:
Trời mưa lấy yếm mà che,
Anh đây đứng gác còn e nỗi gì.
Cái yếm hở lườn, dải yếm phải gió
Mặc yếm để lộ ra phần lưng và yếm cắt hẹp lại để hở hai bên lườn trông thật hấp dẫn và được coi là đẹp và trữ tình nhất.
Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh.
Anh lái đò rạo rực lúc nhìn thấy yếm để hở lườn, dải yếm lại phất phơ trước gió, mà cao hứng tán tỉnh cô gái như thế này:
Thuyền anh ngược thác lên đây,
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo đò.
Cô gái biết anh chàng láu lỉnh ghẹo mình nên trả lời:
Ước gì dải yếm em to,
Để em buộc lấy mũi đò kéo lên.
Ước gi dải yếm em bền,
Để em buộc lấy kéo lên trên bờ.
Mối tình dải yếm bên sông
Cảnh dòng sông cách trở đôi bờ cũng làm chúng ta nhớ đến cô gái mơ tưởng đến người tình mà mơ màng cởi dải yếm làm cầu cho chàng sang chơi.
Ước gì sông hẹp bề ngang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Còn anh hàng xóm bên kia sông, ngày ngày thấy nàng phơi yếm mà gạ gẫm nàng:
Gần đây mà chẳng sang chơi,
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Khi nàng đã thuận tình nghĩ đến việc trăm năm thì cô gái mượn dải yếm mà ấp ủ duyên tình dải yếm bắt đầu bằng câu trả lời:
Mồng tơi chả bắc được đâu,
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang.
Thế là từ ngày nàng cởi dải yếm, duyên tình dải yếm làm anh chàng tương tư cái yếm suốt đời.
Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.
Yếm làm quà tặng
Nhìn thấy cô gái kia mặc yếm hoa chanh, đó là quà tặng của người yêu đấy.
Anh mua cho em cái yếm hoa chanh,
Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng.
Nhưng chẳng may, tình yêu lại ghé bến sầu, dải yếm đổi mầu nay thành lỗi hẹn, khiến chàng dỗi hờn đòi lại cái yếm.
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím,
Em có chồng rồi trả yếm cho anh.
Cái yếm lỗi hẹn thì trả lời rằng.
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh,
Yếm em em mặc, yếm chi anh đòi.
Chiếc áo yếm làm anh chàng xót thương, tiếc nuối mà nguyện ước rằng.
Kiếp sau đừng hóa ra người,
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân.
Có cái gì bên trong yếm?
Bài thơ “Gái rửa bờ sông” của thi hào Nguyễn Khuyến tả ông Hà Bá nhìn thấy vật đó bên trong yếm có hình thù như thế này.
Thu vén giang sơn một cặp tròn,
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn.
Biết chăng chỉ có ông Hà Bá,
Mỉm mép cười thầm với nước non.
_______________________________________
(1) – Tại số 38 Hàng Đào, Hà Nội, còn giữ lại tấm bia đá ghi lại đây vốn là đình thờ cụ tổ của những người bán yếm lụa có ghi hàng chữ nho “Đồng lạc quyển yếm thị” (Ngôi đình của chợ bán yếm lụa) tức là xưa kia Hàng Đào là nơi sản xuất và bán yếm lụa và bà Nguyễn thị Riệu Duyên là tổ sư nghề làm cổ yếm được thờ ở phố hàng Đào (Nguyễn Thế Long, Đình và đền Hà Nội, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội 2005, tr. 28)