Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ quan trọng ở nước ta dưới chế độ quân chủ. Trải qua các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến Nguyễn, nghi lễ tế Xã Tắc đều được tiến hành vào mùa Xuân hàng năm nhằm cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình.
Nước ta từ lâu lấy nông nghiệp làm nền tảng, với quan niệm “Phi thổ bất lập, phi cốc bất thực, vương giả dỉ thổ, vi trọng vi thiên hạ cầu phúc báo công” ; nghĩa là: không có đất thì không thể trồng trọt, không có ngũ cốc thì không có gì để ăn, người làm vua lấy đất làm trọng vì thiên hạ cầu thần đất cho phúc lộc, may mắn . Do đó người xưa đã lập đàn Xã Tắc tế Thần Nông và Thần Hậu thổ để mong dân giàu nước mạnh.
Ở Huế, đàn Xã Tắc là nơi tế thần đất (xã) và thần lúa (tắc) của triều đình nhà Nguyễn. Theo các sách do Quốc Sử Quán biên soạn thì đàn được xây dựng vào tháng 3 năm Gia Long thứ 5 (1806) tại địa điểm phường Thuận Hòa, nằm trong khu vực Thành nội Huế hiện nay. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng nên khi xây dựng đàn, triều đình lệnh 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về để đắp nên công trình này.
Cụ thể như sau: dinh Quảng Đức (nay là phủ Thừa Thiên) 100 khiêng; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Hoà, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, mỗi dinh 50 khiêng; trấn Thuận Thành một khiêng; Phiên An (nay là tỉnh Gia Định), Biên Hoà, Vĩnh Thanh (nay là tỉnh Vĩnh Long), Định Tường 4 dinh mỗi dinh 50 khiêng, trấn Hà Tiên 2 khiêng; Bắc Thành: năm trấn ở trong mỗi trấn 50 khiêng, ở ngoài mỗi trấn 1 khiêng, dùng thuyền chở về Kinh để đắp đàn. Do đó, có thể nói đàn Xã Tắc là một biểu tượng gắn kết về lãnh thổ của Tổ quốc.
Đàn được đắp dựng với quy mô tương đối lớn gồm hai tầng, đều hình vuông. Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m, mặt nền tô năm màu theo ngũ phương (chính giữa màu vàng, nam màu đỏ, bắc màu đen, tây màu trắng, đông màu xanh). Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều có xây lan can gạch, cao hơn 90 cm; lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh. Mở cửa ở ba mặt: bắc, tây và đông. Trước đàn có đào hồ vuông làm Minh đường.
Tầng đàn chính, làm bằng gạch vồ dày 0,8m, hình vuông mỗi cạnh dài 30m, giữa bốn cạnh là bốn bậc cấp đi lên. Kết cấu của hệ thống gia cố móng bó tầng một được xác định gồm khoảng 12 lớp đất sét, vôi, cát và gạch ngói vỡ nén chặt.
Nền tầng một được cấu tạo bằng nhiều lớp đất khác nhau, được đầm một cách rất công phu, mỗi lớp dày khoảng 15 cm, phần đất sạch này là phần đất trên nhiều miền của Tổ quốc đóng góp về đây để lập nên đàn.
Tầng hai cũng hình vuông mỗi cạnh dài 74m, phần bó tạo bởi lớp đá gan gà chồng lên nhau dày 1,7-1,8m. Nền tầng hai gồm sáu tầng đất khác loại nằm chồng lên nhau theo chiều ngang. Cùng với bia “Thái xã chi thần” đang tồn tại, một chân bia đá thanh lớn cũng được phát hiện kèm theo rất nhiều hiện vật là chân tảng đá thanh và đá gan gà dùng để cắm tàn, lọng, cờ… nằm rải rác trong khu vực..
Ngày trước, đàn được tế lễ mỗi năm hai lần; vào mùa Xuân và mùa Thu. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào việc đại tự, chỉ sau lễ tế Nam Giao. Theo quy định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại, các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng (1820-1840) trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn nói chung đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc.
Nếu trong lễ tế Nam Giao, vua phải ăn chay trước ba ngày tại Trai Cung ở đàn Nam Giao, thì trong lễ tế Xã Tắc, nhà vua chỉ chay tịnh một ngày tại Hoàng cung. Vì thế bắt đầu từ sáng trước ngày tế một ngày, Thái thường tự đã dâng tượng đồng nhân lên để vua trai giới giữ mình. Tất cả bá quan văn võ, hoàng thân quốc thích và những người tham dự lễ đều phải trai giới: tắm gội, thay quần áo, không uống rượu, không ăn thức ăn mặn, không đi thăm người ốm, không viếng đám ma, không xử án…Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép:
“Năm Minh Mệnh thứ tư (1823), Thánh tổ Nhân hoàng đế thân đến đàn Xã Tắc làm lễ. Phụng chiếu một ngày ta đã trai giới ở trong cung, phàm các quan Bồi tự cũng phải trai giới ở công sự. Điển lễ cử hành lần này nguyên là vì cầu phúc, quan viên các người đều phải kính cẩn mà làm việc…”
Sau khi chế độ quân chủ cáo chung, đàn Xã Tắc ở Huế trở nên hoang phế một thời gian dài. Kể từ năm 2007, đàn đã được trùng tu như cũ, lễ tế đàn Xã Tắc được phục dựng với các nghi thức truyền thống mang ý nghĩa nhân văn mà nó vốn có. Đây chẳng những là việc bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống, mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc.