Chữ Hỷ (喜) là một từ gốc Hán, được cấu thành từ bộ sĩ (士)nghĩa là kẻ sĩ, 2 bộ khẩu(口)nghĩa là cái miệng, bộ bát(八)nghĩa là số 8, bộ nhất(一)nghĩa là số 1. Các bộ này được kết hợp lại theo nguyên tắc bút thuận từ trên xuống, trái sang phải, trong ra ngoài để tạo lên chữ hỷ (喜) mang ý nghĩa là vui vẻ.

Chữ Song Hỷ (囍) được ghép lại từ 2 chữ Hỷ (喜), trong đó chữ Song có nghĩa là haiHỷ mang ý nghĩa mừng vui; khi ghép lại, Song Hỷ mang ý nghĩa niềm vui nhân đôi.

Chữ Hỷ phiên âm trong tiếng Hán là xi, tuy nhiên vì theo cách đọc 2 chữ giống nhau của người Trung Quốc thường không đọc là xixi mà sẽ đọc là shuangxi nên phiên âm ra sẽ là Song Hỷ. Ngoài ra, do có nguồn gốc từ Trung Quốc nên chữ Song Hỷ vẫn giữ nguyên cách viết theo tiếng Trung khi được treo trong các lễ cưới của người Việt Nam.

Biểu tượng Song Hỷ trong phong thủy - Báo Gia Đình & Xã Hội

Sự ra đời của chữ Song Hỷ liên quan đến giai thoại của Vương An Thạch (王安石 Wang Anshi) – một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 20 tuổi, Vương An Thạch lên kinh dự thi. Khi qua một vùng nọ, họ Vương thấy mọi người tập trung rất đông với lời ca tiếng hát tưng bừng. Thì ra là có một viên ngoại treo câu đối kén rể, câu đối như sau:“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ
(
走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步 
Tạm dịch: Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân). 

Câu đối này vẫn chưa ai đối được. Vì còn phải đi cho kịp kì thi, Vương An Thạch dù bị hấp dẫn nhưng đành ghi nhớ vế đối trong lòng rồi tiếp tục lên đường. Vào hôm mở khoa thi, viên chủ khảo cũng ra đề là một câu đối:

Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân
(飛虎旗,旗虎飛,旗卷虎藏身
Tạm dịch: Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).

Vương An Thạch bỗng sáng mắt, bèn khớp với vế đối kén rể của viên ngoại nọ thì thành một câu đối rất hoàn chỉnh, liền trình lên quan chủ khảo. Quan chủ khảo vô cùng tán thưởng, cho đỗ đầu kỳ thi đó.

Trên đường về, ghé lại vùng nọ, Vương An Thạch thấy câu đối vẫn chưa có người đối được bèn mang vế đối của chủ khảo ra khớp:

Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân
(走馬燈,燈馬走,燈熄馬停步
飛虎旗,旗虎飛,旗卷虎藏身)

Viên ngoại vô cùng mừng rỡ, thấy vế đối rất chỉnh, rất khéo lại ẩn ý khoe tương lai nên nói với Vương An Thạch rằng: “Vế đối là của con gái lão, nó kén chồng nên thách đối như thế, nếu ai đối được nó mới đồng ý lấy làm chồng. Để lão gọi con gái lão ra cho hai đàng giáp mặt.

Sau đó đám cưới được tổ chức linh đình tại nhà viên ngoại. Vương An Thạch cưới được vợ tài giỏi và giàu có, ở luôn tại nhà Viên ngoại.

Ngay liền trong ngày đó, triều đình đăng bảng, Vương An Thạch đậu Trạng nguyên, được triều đình gọi lên kinh đô nhậm chức.

Thế là chàng họ Vương nhờ may mắn mà đạt được một lượt hai điều vui mừng: cưới được vợ tài giỏi giàu có và đậu Trạng nguyên. Vương An Thách bèn hứng chí ngâm nga:

Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.

Sau đó, ông lấy giấy viết hai chữ Hỷ rất to trình lên nhạc gia và gửi về gia đình mỗi nhà một bản, thông báo lại hai việc cực kỳ may mắn, tốt lành là đại đăng khoa (thi đỗ) và tiểu đăng khoa (lấy vợ).

Ngày nay, việc sử dụng chữ Song Hỷ trong các lễ cưới mang ý nghĩa như lời chúc phúc mong muốn cho đôi vợ chồng trẻ sẽ luôn hòa thuận, vui vẻ và sau khi kết thúc lễ cưới niềm vui sẽ được nhân đôi khi đôi vợ chồng sẽ sớm đón con đầu lòng.