Lễ hội Dinh Cô nằm trong hệ thống lễ hội thờ Mẫu – Nữ thần tiêu biểu của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhưng đây không đơn thuần chỉ thờ Mẫu – Nữ thần mà là sự kết hợp của lễ hội Cầu Ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi của người Chăm) và tín ngưỡng thờ Mẫu – Nữ thần của cư dân địa phương.

Nguồn gốc lễ hội Dinh Cô

nguồn gốc lễ hội dinh cô

Theo truyền thuyết, cách đây 200 năm có một cô gái tên Lê Thị Hồng Thủy (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thuyền gặp giông bão,cô bị rớt xuống biển tử nạn,xác trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô và lập đền thờ gần biển.Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành,diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 ngư dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là”Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”, đền thờ được dời đến chân núi Kỳ Vân chính là Dinh Cô ngày nay. Tại đây vào các ngày 10,11,12 tháng 2 âm lịch hằng năm đều có lễ hội lớn.

Diễn biến lễ hội Dinh Cô

Diễn biến lễ hội Dinh Cô

Ngày 10/2, vào lúc 6 giờ sáng, Ban quý tế và ngư dân tề tựu về Dinh Cô để chuẩn bị làm lễ. 7 giờ sáng cùng ngày, Ban quý tế tiến hành Thỉnh Long vị Bà Lớn (bà Thủy) và ông Nam hải (Cá ông) về Dinh. Lễ rước diễn ra trong hai tiếng, có học trò lễ, ban nhạc, bạn chèo (12 người) với trang phục áo đỏ, nẹp vàng, nón lá vàng, tay cầm chèo, 2 long đình (một ngôi Nghinh Bà Lớn, một ngôi nghinh cá Ông), cờ ngũ hành… Tiếp sau lễ Thỉnh Long vị Bà Lớn và ông Nam hải là đến lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Cuối cùng là lễ cầu quốc thái dân an.

Ngày 11/2, 8 giờ sáng, bắt đầu diễn ra hội thi chèo thúng và hội thi bơi lội. 16 giờ cùng ngày, hàng trăm ghe, thuyền của các làng cá thuộc thị trấn Long Hải và một số tỉnh miền Trung với cờ hoa lộng lẫy tấp nập neo đậu và hướng mũi thuyền vào Dinh Cô để thực hiện nghi thức chầu Cô, mong Cô phù hộ những chuyến ra khơi may mắn.

Ngày 12/2 là ngày giỗ chính. Ngư dân tổ chức lễ Nghinh Cô (ngoài biển) về nhập điện tại Dinh Cô. Đoàn ghe Nghinh Cô gồm hàng trăm chiếc, trong đó có 2 ghe chính, 6 ghe hộ tống. Hai ghe chính được chuẩn bị kỹ lưỡng, trang hoàng rực rỡ, có bày bài vị, hương án, cúng phẩm. Chủ tế, ban nhạc, 12 lễ sinh và 12 bạn chèo cùng ở trên ghe này. Đúng 7 giờ sáng, đoàn ghe Nghinh Cô bắt đầu khởi hành, tiến thẳng ra khơi. Khi đoàn ghe cách bờ khoảng 1km, chủ tế ra lệnh cho đoàn ghe dừng lại, bắt đầu thực hiện nghi lễ niệm hương. Sau khi chủ tế niệm hương xong, đoàn ghe tiếp tục diễu hành một vòng lớn trên biển, đi qua mộ Cô rồi trở về bãi biển phía tây, cách Dinh Cô khoảng 100m để đưa bài vị Cô nhập điện. Khoảng 21 giờ, đại lễ cúng Cô sẽ được tổ chức tại Dinh Cô.

Trong những ngày diễn ra lễ hội Nghinh Cô ở Bà Ria Vũng Tàu có các đoàn hát về diễn tuồng và hát bội. Các vở diễn cũng có nội dung giống như các vở diễn trong lễ Nghinh Cô. Ngoài ra, người ta còn tổ chức múa lân sư rồng, múa bông (mâm ngũ sắc, mâm vàng, mâm bạc) và các trò chơi dân gian khác như thi bắt cá, bắt lươn và các môn thi đua thuyền, đua thúng… Các trò chơi dân gian này thường thu hút đông đảo thanh niên ngư dân trong lòng tham gia. Vì vậy mà trò chơi này thường diễn ra rất hào hứng và sôi nổi vì sự cổ vũ nhiệt tình của người xem, giúp cho lễ hội thêm phần náo nhiệt và hấp dẫn.

Như vậy, có thể nói nét độc đáo của lễ hội Dinh Cô Long Hải chính là sự hội tụ, ngưng đọng của nhiều dòng, nhiều nét đẹp văn hóa và hương vị riêng của mọi miền. Và trong khoảnh khắc của không khí lễ hội thiêng liêng và tin cẩn này, người dự hội có cảm giác khoảng cách giữa thần linh và đời sống dân dã dường như không còn nữa. Chính sự quy mô và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự lê hội Nghinh Cô đã tạo ra một diện mạo và tác động tích cực đối với lễ hội khác ở địa phương và trong vùng.