Đi trên Quốc lộ 1 từ bắc vào nam, khi đến trụ km 1513 thuộc tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh sẽ gặp 3 cái cầu và cái này cách cái kia không bao xa, cùng nằm trên Quốc lộ 1. Đó là cầu Trà Long; cầu Suối Giữa; cầu Suối Hinh. Nước từ trên nguồn đổ ra vịnh Cam Ranh bằng ba cái ngòi nước ấy. Nằm về phía tây cạnh Quốc lộ 1 đoạn từ cầu Suối Giữa (lý trình: km1513+374) và cầu Suối Hinh (lý trình: km 1513+713) có một ngôi mộ cổ và trên ngôi mộ cổ là một cây cổ thụ, rễ cây bao trùm cả ngôi mộ. Người dân địa phương quen gọi ngôi mộ cổ này là Mả Ông Tướng. Dưới chân Mả Ông Tướng có tấm bia mộ bằng chữ Hán rất rõ ràng, có nhiều đoàn nghiên cứu đến Mả Ông Tướng nhưng khi hỏi đến danh tánh của người nằm dưới mộ thì người trả lời thế này, kẻ trả lời thế nọ không có sự thống nhất

1- Địa danh Ba Ngòi – Tam Độc

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định soạn xong năm Gia Long thứ năm (1806) ghi về đường trạm dinh Bình Hòa (năm 1808 đổi đơn vị hành chính “dinh” thành “trấn” và năm 1832 đổi đơn vị hành chính “trấn” thành “tỉnh”), phần trạm Hòa Do (sách này chỉ có phần phiên dịch và phần ghi chữ Hán, không có phần phiên âm- tôi xin phiên âm): “…chí Ba Ngòi kiều, thuộc Vĩnh Xương huyện, Hạ tổng, Tân Lập thôn. Đệ Nhất Ngòi kiều, kiều trường bát thập cửu tầm, thử ngòi hàm thủy triều tịch, triều trướng thủy thâm phỏng nhị tầm, triều lạc thâm tam tứ xích… ; chí Đệ Nhị Ngòi kiều, kiều trường ngũ thập tầm, thử kiều hàm thủy triều tịch… kỳ lộ tịnh tế sa, tây hữu Tiền Cai cơ Khoa Đăng hầu lăng mộ; chí Đệ Tam Ngòi kiều, kiều trường lục thập thất tầm, thử kiều hàm thủy triều tịch… Thử xứ hữu câu tương liên, cố danh Ba Ngòi kiều” (Đến cầu Ba Ngòi, thuộc thôn Tân Lập, tổng Hạ huyện Vĩnh Xương. Cầu Ngòi Nhất (cầu Trà Long – TG) dài 89 tầm, nước ở đây luôn luôn mặn, khi triều dâng nước sâu chừng 2 tầm, triều xuống sâu chừng 3-4 thước… Đến cầu Ngòi Nhì (cầu Suối Giữa – TG), cầu dài 50 tầm, nước ở đây luôn luôn mặn, đường cái đi ở đây toàn cát mịn, ở phía tây của đường đi có lăng mộ của Tiền Cai cơ Khoa Đăng hầu. Đến cầu Ngòi Ba (cầu Suối Hinh- TG), cầu dài 67 tầm, nước ở đây luôn luôn mặn… là nơi mà ba cái ngòi liền nhau, nên có tên là cầu Ba Ngòi) (1)

Ba Ngòi là tên gọi theo chữ Nôm, còn nếu đọc theo âm Hán – Việt là Tam Độc. Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì “Ngòi” có nghĩa là: “đường nước chảy tự nhiên, thông với sông hoặc đầm, hồ”

Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì “Độc” có nghĩa là cái ngòi; “Câu” có nghĩa là cái ngòi (rãnh), ngòi nước qua các cánh đồng
Qua đoạn văn dịch trên ta chú ý giữa cầu Ngòi Nhì và cầu Ngòi Ba thì: “ở phía tây của đường đi có lăng mộ của Tiền Cai cơ Khoa Đăng hầu”

2 – Các thông tin trước đây về Mả Ông Tướng

Vào năm 1993 tác giả Lâm Quang Trực có bài viết: “Phải chăng đây là nơi yên nghỉ của Bình Tây Phó Nguyên soái?” trong đó có đoạn: “Nhiều người trong dòng họ Phan khẳng định đây là mả của ông Phan Trung đã từng tham gia chống thực dân Pháp xâm lược và trên đường ra kinh đô Huế, đến đây ông đã bị bệnh mà mất và được chôn cất ở đây”(2). Và ghi ngày giỗ của ông Phan Trung là ngày mùng 8 tháng 11 âm lịch

Sau bài viết của tác giả Lâm Quang Trực, một cán bộ Bảo tàng huyện Cam Ranh là ông Nguyễn Văn Thanh có bài viết: “Đi tìm tông tích một ông tướng”(3), tác giả dẫn nhiều lời truyền khẩu khác nhau:

Người thì nói chủ nhân nằm dưới mộ là một ông tướng người Chàm bị giặc chém bay đầu về đây, nên mộ chỉ có đầu mà thôi
Kẻ thì nói chủ nhân nằm dưới mộ không phải là người Chàm mà là một ông tướng Tây Sơn bị giặc chém bay đầu. Ngựa của ông mang xác ông về cầu Suối Giữa và con ngựa mới gục ngã chết. Dân địa phương thương xót an táng ông tướng và xác con ngựa cũng được chôn cất cách mộ ông tướng khoảng 100 mét.

Một thuyết khác bảo đó là mộ của ông Phan Trung. Người cháu gọi ông Phan Trung bằng chú ruột tên là Phan Lành (Phan Lành là con của Phan Danh), hưởng ứng phong trào Cần Vương bị giặc Pháp bắt chém bêu đầu vào tháng 8 năm 1886, nên Phan Trung bị liên lụy và vua Đồng Khánh cho gọi ông Phan Trung về kinh để hỏi tội. Nếu ông đi thì chết, nhưng cãi lệnh vua thì bị tru di tam tộc(?). Phan Trung khăn gói lên đường và khi đi đến địa điểm cầu Suối Giữa, ông uống thuốc độc tự vẫn (4) vào ngày 08/11/1886 thọ 81 tuổi. Người nhà an táng ông tại đây và sau đó một thời gian thì lại cải táng về vùng Gò, thôn Thành Tín, xã Phước Hải, tỉnh Ninh Thuận hiện nay.

Trong tác phẩm “Địa danh Khánh Hòa xưa và nay” ở đề mục “Mả Ông Tướng” tác giả Ngô văn Ban cũng chép lại nội dung như bài viết của tác giả Nguyễn văn Thanh và ở cuối mục ghi thêm nguồn trích dẫn mà thôi (5).

Trang “Cổng thông tin điện tử thành phố Cam Ranh” có bài viết “Khái quát về một số di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn thành phố”, trong đó có viết về “Mộ Ông tướng” như sau: “Về thân thế và lai lịch của Ngài đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu song không biết tự bao giờ mộ Ông Tướng được nhân dân trong làng tín ngưỡng thờ cúng và trở thành nơi linh thiêng của người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh”

Gần đây trên các trang báo mạng cũng có viết về Mả Ông Tướng, nhưng quanh đi quẩn lại cũng các nghi vấn của các tác giả trên  kèm theo đôi mẩu chuyện thêu dệt có vẻ huyền bí về ngôi mộ chứ chẳng có thêm phát hiện mới nào cả!

3- Kiểm nghiệm lại các lời truyền khẩu

Nếu nói chủ nhân nằm dưới ngôi mộ là ông tướng người Chàm thì hoàn toàn không có cơ sở, vì ở mộ có tấm bia đá và được ghi bằng chữ Hán chứ không phải chữ Chăm

Lời truyền khẩu nói ngôi mộ này là của một vị tướng Tây Sơn thì càng không thể chấp nhận. Bởi vì vua quan triều Nguyễn làm sao có thể chấp nhận một ngôi mộ của một vị tướng của “ngụy triều” (6) nằm sát cạnh đường Thiên lý mà kẻ qua người lại hằng ngày được!
Nếu nói ngôi mộ này là của ông Phan Trung như con cháu của ông xác nhận thì càng cần phải xem xét lại. Theo lời con cháu ông Phan Trung thì ngày giỗ của ông Phan Trung là ngày mùng 8 tháng 11 âm lịch, trong khi đó tấm biển ghi các ngày lễ trong năm dựng ở Mả Ông Tướng thì ghi ngày giỗ của Ông Tướng là ngày 24-25 tháng 2 âm lịch

Lời truyền khẩu cho rằng trên đường ra kinh đô Huế đến địa điểm này ông bị bệnh chết và an táng ở đây thì lại càng khó tin, vì từ Ba Ngòi về lại quê ông ở Ninh Thuận đâu có bao xa. Vả lại ông là một vị trọng thần của triều Nguyễn và đã từng được vua Tự Đức triệu về kinh, vời vào tiện điện hầu chuyện, chẳng lẽ triều đình không ra lệnh cho các quan địa phương đưa linh cữu của ông về quê an táng hay sao?

Còn nếu nói trên đường ra kinh đô, khi đến đây ông uống thuốc tự tử để khỏi bị triều đình xét hỏi thì chúng ta cần phải xem lại sách Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn viết về ông: “Niên hiệu Kiến Phúc năm đầu(1884)vì tuổi già xin nghỉ hưu rồi mất năm 71 tuổi (7)

4- Giải mã tấm bia ở Mả Ông Tướng

Tác giả Nguyễn Văn Thanh cho biết là cụ Trần Đắc Tường (ông được tôn làm Tiền hiền mộ Tướng quân, ông sinh năm 1922, mất năm 1997) đã phiên âm và dịch nghĩa tấm bia nơi Mả Ông Tướng như sau: “Sắc cố Minh Nghĩa công thần trì tấn bổ quốc Thượng tướng quân Cẩm y thực Chương kỳ vinh quới hầu chi mộ” (nghĩa là: Phong cho người tài giỏi đã chết có công nghĩa lớn đối với đất nước chức Thượng tướng quân, có áo mão hưởng lộc triều đình được lập mộ vinh hiển đời đời”. Hàng chữ Hán khác ghi: “Giáp Tý niên, trọng thu nguyệt khắc” (nghĩa là: Lập mộ vào ngày rằm tháng 8 năm Giáp Tý)

Trên tấm bia đá có hai dòng chữ Hán và hai dòng có hai nét chữ khác nhau. Dòng chính giữa bia đá có tất cả 26 chữ Hán, chữ viết to nhưng nét không sắc sảo; dòng bên trái của tấm bia có tất cả là 7 chữ Hán, chữ viết nhỏ nhưng sắc nét. Trong chữ Hán có nhiều chữ có tự dạng gần giống nhau cho nên dễ nhầm từ chữ này sang chữ nọ. Bởi vậy ông bà ta có câu: Đọc chữ “tác” ra chữ “tộ”; chữ “ngộ” ra chữ “quá” là vậy đó! Dòng chữ Hán chính giữa bia đá xin được phiên âm lại như sau: Sắc cố Minh Nghĩa công thần Đặc tiến (tấn) Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Chưởng cơ Tống quý hầu chi mộ”.

Đây là thụy hiệu và chức hàm của người nằm dưới mộ có tước Hầu mang họ Tống. Những thụy hiệu và chức hàm này thường gặp vào đầu triều nhà Nguyễn. Ví dụ như ông Nguyễn Phúc Đồng – em trai vua Gia Long- chết năm 1777 hoặc ông Mạc Tử Sanh-con của ông Mạc Thiên Tứ- chết năm 1788, cả hai đều chết trận khi giao chiến với quân Tây Sơn đều được vua Gia Long tặng: Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chưởng vệ sự Chưởng cơ. Với thụy hiệu và chức hàm được ghi trên tấm bia đá ở Mả Ông Tướng ta có thể suy luận vị họ Tống được ban tước Hầu này có liên hệ với triều Nguyễn. Tôi cố gắng xem trong bộ Đại Nam nhất thống chí được soạn dưới thời vua Tự Đức, trong phần “Nhân vật” của mỗi tỉnh trong khắp cả nước có ai họ Tống đã chết tại Tam Độc (Ba Ngòi) không?

Nhưng chẳng tìm thấy nhân vật nào cả! Tôi đọc tiếp bộ Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Duy Tân và khi đọc đến phần nhân vật tỉnh Thanh Hóa có ghi chép về một nhân vật tên Tống Văn Khôi: “Ông nguyên quán người quý huyện, sau thiên cư vào Nam, ở tại Gia Định.

Ông là người dũng cảm quả quyết, làm quan tới chức Thống suất trong thời Duệ Tông(1773). Sau nhân bị tội giáng làm Cai đội. Tới khi Tây Sơn nổi đánh ở Phú Yên và Khánh Hòa, ông ra giao chiến trong trận Tam Độc thì bị tử trận” (8).Từ đó tôi xem thêm sách Đại Nam liệt truyện thì thấy chép về Tống Văn Khôi rõ ràng hơn: “Tống Văn Khôi (có chỗ chép là Nguyễn Cửu Khôi) tiên tổ người quý huyện, tỉnh Thanh Hóa, sau dời vào ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Khôi là người can đảm quả quyết, làm quan dưới triều Duệ Tông, dần thăng đến Thống suất Điều khiển tướng sĩ năm doanh Gia Định, sau vì tội phải giáng làm Cai đội. Năm Ất Mùi(1775) “giặc” Tây Sơn lấn cướp khoảng Phú Yên- Khánh Hòa, Khôi đem quân từ Gia Định tiến ra Khánh Hòa, đánh nhau với giặc ở Tam Độc, Khôi bị chết trận” (9)

Lưu bản nháp tự động

Qua các sử liệu trên chúng ta khẳng định chủ nhân nằm dưới ngôi mộ tại Ba Ngòi hiện nay chính là ông Tống Văn Khôi, chết trận khi giao chiến với quân Tây Sơn vào năm Ất Mùi (1775). Vị trí ngôi mộ hiện nay trùng khớp với sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, nhưng Lê Quang Định lại viết người nằm dưới lăng mộ lại là “Tiền cai cơ Khoa Đăng hầu”. Thời các chúa Nguyễn và đầu triều Nguyễn khi phong tước thường lấy tên của người được phong đi kèm với tước ban cho.

Ví dụ tướng Nguyễn Văn Thành khi được phong tước Quận công là Thành Quận công, hoặc tác giả cuốn Mạc thị gia phả là Vũ Thế Dinh khi được ban tước hầu là Dinh Đức hầu, hoặc ở xã Trường Lộc Thượng (nay là thôn Trường Lạc, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) vào đầu triều Nguyễn có ông Phạm Ở và ông Lê Đức Thái phục vụ trong quân đội được phong tước là Ở Đức hầu và Thái Tài bá (ghi theo bài vị thờ ở miếu Tiền hiền nằm cạnh đình Trường Lạc). Đối với “Tiền Cai cơ Khoa Đăng hầu” chắc là Lê Quang Định ghi nhầm. Trong cuốn Mạc thị gia phả, tước của Tống Văn Khôi là Khôi Đức hầu, chức của ông khi giáng xuống là Cai đội chứ không phải Cai cơ. Trong quân đội xưa không có chức nào là “Tiền Cai cơ” như dịch giả đã dịch cả! Chữ “tiền” là tác giả viết để phân biệt người có chức vụ ấy thuộc về triều đại trước chứ không phải đương triều.

5- Hành trạng của Tống Văn Khôi

Sách Đại Nam thực lục tiền biên khi ghi về Tống Văn Khôi thì ghi là Nguyễn Cửu Khôi (y như sách Đại Nam liệt truyện đã chú thích) và cho biết là vào tháng 10 năm Bính Tuất(1766) ông đang giữ chức Thống Suất(10); Tháng 8 năm Tân Mão(1771) ông giữ chức Điều khiển và cũng trong tháng này Mạc Thiên Tứ được tin nước Xiêm La kiểm duyệt binh giáp, định ngày đến lấn đất Hà Tiên, bèn chạy hịch xin viện binh ở Gia Định: “Điều khiển Nguyễn Cửu Khôi cho rằng năm trước Hà Tiên đã báo hão tin biên cấp, chỉ làm mệt cho quan quân, nên không cho binh đến cứu” (11). Do không đem binh đến cứu viện nên quân Xiêm La chiếm Hà Tiên. Vì lỗi không đem quân cứu viện nên tháng 2 năm Nhâm Thìn(1772), Nguyễn Cửu Khôi bị giáng xuống làm Cai đội (12)

Năm Gia Long thứ 9 (1810) định thứ vị cho các công thần trung tiết và trong 114 vị, Tống Văn Khôi xếp vị trí thứ 105 (13). Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) cho xây miếu Trung tiết công thần, ở gian chính giữa có tất cả 13 bài vị và bài vị của Tống văn Khôi xếp vị trí thứ 13 (14)

6- Năm lập mộ Tống Văn Khôi

Dòng chữ Hán ghi năm lập mộ là “ Giáp Tý niên ,trọng thu nguyệt khắc”( tháng 8 năm Giáp Tý). Vậy năm Giáp tý tương ứng với năm dương lịch là năm nào? Từ sau năm Ất Mùi(1775)là năm Tống Văn Khôi tử trận có các năm Giáp Tý tương ứng với các năm dương lịch sau: 1804, 1864, 1924. Theo như tác giả Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cho biết là vào năm 1806 đã có khu lăng mộ tại địa điểm Mả Ông Tướng hiện nay rồi. Vậy chúng ta có thể khẳng định năm lập mộ tương ứng với năm dương lịch là năm 1804.

7- Hậu duệ của Tống văn Khôi

Theo các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thì Tống Văn Khôi có hai người con trai là Tống Văn Phúc và Tống Văn Thịnh.
Tống Văn Phúc giữ chức Thống binh Cai cơ. Vào tháng 5 nhuận năm Tân Sửu (1781) theo quan quân đi đánh nghịch đảng Đông Sơn (thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhơn- TG) ở sông Lương Phú, Phúc bị chết trận, được truy tặng Chưởng cơ, cùng cha là Khôi được thờ ở hai miếu Hiển Trung và Trung tiết công thần (15).

Tống Văn Thịnh lấy công chúa Ngọc Thục (công chúa là con gái của Duệ Tông). Tháng 3 năm Bính Thìn (1796) thăng từ Phó Vệ úy lên Vệ úy vệ Uy vũ. Sau đi đánh giặc và chết trận. Còn công chúa Ngọc Thục mất vào tháng 7 năm Mậu Dần (1818), khi mất nhà vua cho 300 quan tiền, 150 phương gạo, cấp cho 4 người mộ phu (16). Con Tống Văn Thịnh là Tống Văn Minh, làm quan đến Nghĩa vũ phó Vệ úy. Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834) bọn Phòng Ngự sứ Trấn Ninh, Nghệ An là Kiệu Huống và Phòng ngự Đồng tri là Khâm Khuyết làm phản , ban đêm đánh úp đồn sở quân ta Tống Phúc Minh và Quản cơ Trương Văn Sử cố sức đánh đều bị chết. Truy tặng Tống Phước Minh làm Vệ úy, trật chánh tam phẩm, theo phẩm mới mà cấp tiền tuất, lại thưởng cho Tống Phúc Minh 30 lạng bạc. (17)

Con Tống Văn Minh là Tống Văn Triều được ấm thụ Cẩm y hiệu úy(18)

Sau khi bài viết “Đi tìm danh tính Mả Ông tướng” của tôi được công bố trên tạp chí Xưa&Nay số 408 tháng 7/2012, tôi có photocopy bài viết và tặng cho ông Nguyễn Ngọ- Trưởng ban Quản lý mộ Tướng quân ở Ba Ngòi- một bản và cuối bản photocopy tôi có ghi thêm số điện thoại bàn của tôi.

Từ bên Nhật Bản, bác sĩ Tống Thị Kim Đính- hậu duệ của ông Tống Văn Khôi- đọc được bài viết của tôi trên trang web và đã về nước tìm đến Ba Ngòi viếng mộ tổ tiên vào tháng 4/2013, sau nhiều năm thất lạc. Tại mộ tổ tiên, ông Nguyễn Ngọ có đưa bài viết mà tôi đã photocopy cho bác sĩ Đính xem, nhân đó bác sĩ Đính mới biết được số điện thoại của tôi. Bác sĩ Đính đã cung cấp cho tôi thêm nhiều tài liệu liên quan đến ông Tống Văn Khôi.

Từ đường Tống Phước tọa lạc tại số 55 đường Võ Thị Sáu -Huế. Người đang quản thủ từ đường là ông Tống Phước Cầu là anh ruột của bác sĩ Tống Thị Kim Đính

Trong gia phả họ Tống Phước được dịch ra quốc ngữ ghi: “Họ ta nguyên là Tống Văn, đến đời tổ thứ 4 là ông Tống Văn Minh, trùng tên với điện Văn Minh trong nội, nên vâng lời vua Minh Mệnh đổi ra là Tống Phước.

”Vì tổ ta là đại công thần nhà Nguyễn, nhân dịp đổi chữ lót ấy, cả họ ta đều đổi ra họ Tống Phước”.

Do vậy ông Tống Văn Khôi khi ghi trong gia phả là Tống Phước Khôi.

Vị tổ cao nhất (đời thứ nhất) được thờ tại từ đường Tống Phước là ông Tống Phước Đạo, chức Tả Chưởng dinh, tước Quảng Tài hầu, mộ táng tại Gia Định. Ông có 9 người con trai và ông Tống Phước Khôi (Tống Văn Khôi) là người con trai thứ 5. Trong gia phả Tống Phước Khôi còn có tên Tống Phước Bình.

Đời thứ 2: ông Tống Phước Khôi kết hôn với bà Cao Thị Hương. Bài vị của ông Tống Phước Khôi ở từ đường ghi: ”Khâm sai Thống suất Điều khiển Gia Định ngũ dinh tướng sĩ Khôi Ngô hầu Tống Phước Khôi phủ quân thần chủ”, kế bên ghi: ”cửu nguyệt sơ thất nhật vong” (mất ngày 7 tháng 9). Ở tại Mả Ông Tướng ở Ba Ngòi giỗ ngày 24-25/2 âm lịch và trong tác phẩm “Mạc thị gia phả” ghi tước của ông Tống văn Khôi là Khôi Đức hầu.

Trong gia phả họ Tống Phước ghi ông Tống Phước Khôi tử trận tại Ba Ngòi nhưng táng tại Gia Định, nên lâu nay hậu duệ cứ mãi tìm kiếm ở Gia Định!

Theo truyền khẩu thì ống Tống Phước Khôi có khai sáng ra làng Tân Mỹ, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, Gia Định.
Ông bà Tống Phước Khôi- Cao Thị Hương sinh hạ 6 người con trai:

– Tống Phước Liêm, ông là thân phụ của bà Tả cung tần Tống Thị Lâu- vợ vua Gia Long.
– Tống Phước Chánh.
– Tống Phước Năng (còn có tên là Tống Văn Phước.Các sách phiên dịch ghi là Tống Văn Phúc).
– Tống Phước Toàn.
– Tống Phước Thạnh (Các sách phiên dịch ghi là Tống Phước Thịnh.
– Tống Phước Trị- giữ chức Lãnh binh Thái Nguyên.

Đời thứ 3:Tống Phước Thạnh kết hôn với công chúa Ngọc Thục sinh hai 4 người con trai:

– Tống Phước Minh, tước Minh Đức hầu.
– Tống Phước Chương.
– Tống Phước Thuận.
– Tống Phước Tiệp.

Đời thứ 4: ông Tống Phước Minh sinh hạ 6 người con trai:

– Tống Phước Thìn.
– Tống Phước Hy.
– Tống Phước Triều.
– Tống Phước Tuyền.
– Tống Phước Huy.
– Tống Phước Kỳ.

Trong 6 người con trai của ông Tống Phước Minh, có hai người con trai là Tống Phước Huy và Tống Phước Kỳ rời đất Gia Định ra kinh đô Huế sinh sống, từ đó mất liên lạc với các nhánh họ Tống Văn sống tại Gia Định.

Ông Tống Phước Huy sinh ra ông cố của ông Tống Phước Cầu (người đang quản thủ từ đường Tống Phước số 55 đường Võ Thị Sáu- Huế) và bác sĩ Tống Thị Kim Đính.

8- Công tác trùng tu bảo vệ Mả Ông Tướng

Trước năm 2004 khu vực Mả Ông Tướng được bao bọc bằng tường gạch trát xi măng, mặt nền chung quanh mộ cũng được tráng xi măng. Tuy cũ kỹ nhưng xem ra nó hài hòa với nấm mộ rêu phong bằng vật liệu hồ ô dước. Trên các trụ có ghi các câu chữ Hán (phiên âm):

Trợ quốc phò bang chân dũng tướng
Trấn Nam chinh Bắc thị hùng anh
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu
Nghĩa nhân tự cổ như danh tướng

Năm 2004 với sự phát tâm cúng dường của ông bà Trần xuân Bạch – Phan Thị Lệ An ở tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) đã trùng tu lại toàn bộ khuôn viên Mả Ông Tướng. Toàn bộ tường, nền, chung quanh đế mộ được ốp gạch men. Các câu chữ Hán được xóa đi. Trước án phong có hai câu bằng chữ quốc ngữ:

Phước tại vạn dân công tại thế
Sanh vi quốc trụ hiển vi thần

Thoạt nhìn vào khu vực Mả Ông Tướng trông có vẻ sạch sẽ nhưng khi nhìn kỹ lại rất là tương phản, vì toàn bộ ngôi mộ bằng vật liệu hồ ô dước rêu phong cổ kính mà chung quanh mộ lại là gạch men tân kỳ! Nếu chung quanh được lát toàn bộ gạch bát tràng thì rất là hài hòa. Ngoài ra người dân địa phương đem nào tượng ông Địa, nào là tượng thần Tài hoặc tranh thờ hư hỏng để chung quanh chân mộ làm mất đi vẻ mỹ quan của khu vực Mả Ông Tướng.

Ông bà ta nói “vô tri bất mộ”, nhưng riêng với Mả Ông Tướng là một hiện tượng kỳ lạ, vì lâu nay chẳng ai biết danh tánh, thân thế sự nghiệp của Ông Tướng như thế nào, ấy vậy mà người dân địa phương (còn có cả khách thập phương) vẫn thành kính khói hương và thành lập Ban Phụng tự để lo giỗ chạp. Ước mong mọi người khi đến với Mả Ông Tướng với tấm lòng thành tín chứ đừng mê tín

Chú thích:

1-Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, trg 1666- 1665 ( phần chữ Hán đọc từ sau ra trước); phần phiên dịch trg 55.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí ,tập 3, Nxb Thuận Hóa ,trg 104.
2- Lâm Quang Trực, Phải chăng đây là nơi yên nghỉ của Bình tây Phó Nguyên soái?,Tạp chí Nha Trang số 17 tháng 3-4/1993, trg 81-82.
3-Nguyễn Văn Thanh, Đi tìm tông tích một ông tướng, Tạp chí Nha Trang số 20 tháng 9-10/1993, trg 84-86.
4- Tự vẫn: Nhiều người nhầm , vì tự mình uống thuốc độc mà chết không thể gọi là “tự vẫn”, vì “tự vẫn” là tự lấy dao đâm vào cổ hoặc tự cắt cổ mình; Còn “tự ải”là tự lấy dây thắt cổ mình. Tự uống thuốc độc chết gọi là tự tử, tự tận, tự sát.
5- Ngô Văn Ban, Địa danh Khánh Hòa xưa và nay, Nxb Văn hóa Thông tin, trg 284-285.
6- Ngụy triều:Triều đại Tây Sơn được sử sách triều Nguyễn gọi là “ngụy triều”
7- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4,Nxb Thuận Hóa- Huế,1993 , trg 257.
– Đại Nam nhất thống chí , quyển 12, Tỉnh Bình Thuận, phụ: Đạo Ninh Thuận (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Nxb Nha văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam cộng Hòa, 1965, trg 103.
8- Đại Nam nhất thống chí tập hạ, tập 5, Tỉnh Thanh Hóa (Á Nam Trần Tuấn Khải dịch), Nxb Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1965, trg 131.
9- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện , tập 1, Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, trg 132.
10,11,12- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, trg 171; 175; 176.
-Mạc thị gia phả ( Nguyễn Khắc Thuần dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, trg 38.
13- Đại Nam thực lục tập 1, sđd, trg 775.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb Thuận Hóa, trg 453.
14- Tủ sách dịch thuật, Công thần lục Công thần đời Gia Long( dịch giả: Nguyễn Thế Nghiệp), Bộ Giáo dục Trung tâm Học liệu xuất bản, in lần thứ nhất 1968, trg 42.
15- Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, trg 210.
-Đại Nam liệt truyện tập1, Sđd, trg 132.
16-Đại Nam thực lục tập 1, Sđd, trg 334; 972.
-Đại Nam liệt truyện tập 1, Sđd, trg 132-133.
17- Đại Nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục , trg 48-49
18- Đại Nam liệt truyện tập 1, Sdd, trg 132-133.