Kim bảo (ấn vàng) “Hoàng đế chi bảo” là một trong 20 Bảo Tỷ quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Bảo Tỷ là chỉ “Con Dấu” của nhà vua được làm bằng vàng hoặc bằng ngọc (một số ít có thể được làm bằng bạc hoặc bạc mạ vàng). Bảo Tỷ là tượng trưng cho quyền lực của Hoàng đế, là báu vật quốc gia. Sở dĩ nói kim bảo “Hoàng đế chi bảo” là một trong những Bảo Tỷ quan trọng bậc nhất của nhà Nguyễn là bởi lẽ, đây là “bảo tỷ truyền quốc” tức loại ấn tín quốc gia được truyền từ đời này sang đời khác.
Chiếc ấn vàng quyền lực “Hoàng đế chi bảo”. Nguồn ảnh: www.millon.com
Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua từ năm 1802 đến năm 1945, triều Nguyễn đã chế tác và sử dụng hơn 100 loại Bảo Tỷ bằng vàng hoặc bằng ngọc, chưa kể ấn tín riêng của các vương công. Trong đó hầu hết các Bảo Tỷ quan trọng đều được chế tác dưới thời các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, bao gồm:
– Hoàng đế chi bảo (皇 帝 之 寶): dùng đóng trên các văn kiện trao đổi với ngoại quốc, các khánh tiết quan trọng và huấn dụ quan viên cao cấp của triều đình
– Sắc mệnh chi bảo (敕 命 之 寶): dùng đóng trên các loại Sắc văn phong tặng công thần
– Chế cáo chi bảo (制 誥 之 寶): dùng đóng trên các Chiếu văn sai phái quan lại, ban chiếu lệnh
– Quốc gia tín bảo (國 家 信 寶): dùng đóng trên các văn kiện triệu tập tướng súy, trưng phát quân lính
– Mệnh đức chi bảo (命 德 之 寶): dùng đóng trên các văn kiện khen thưởng quan viên, người có công
– Ngự tiền chi bảo (御 前 之 寶): dùng đóng trên các Chỉ Dụ thường ngày
– Văn lý mật sát (文 理 密 察寶): dùng đóng trên những chỗ ghi số mục, sửa chữa, viết thêm và chỗ giáp lai của văn bản
– Hoàng đế tôn thân chi bảo (皇 帝 尊 親 之 寶): dùng đóng trên các văn bản dâng tiến huy hiệu, thụy hiệu
– Sắc chính vạn dân chi bảo (敕 正 萬 民 之 寶): dùng đóng trên các văn bản để dạy bảo thần thứ, khuyên răn bốn phương, biểu dương người tiết hạnh hiếu nghĩa
– Thảo tội an dân chi bảo (討 罪 安 民 之 寶): dùng đóng trên các Chiếu văn sai phái tướng súy ra quân đánh dẹp
– Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo (大 南 協 紀 曆 之 寶): dùng đóng trên các Chiếu văn ban lịch chính sóc
– Khâm văn chi tỷ (欽 文 之 璽): dùng đóng trên các văn kiện biên tập thư tịch, mở trường học, lập khoa thi
– Duệ vũ chi tỷ (睿 武 之 璽): dùng đóng trên các văn kiện sửa sang binh nhung, mở khoa thi võ
– Hoàng đế chi tỷ (皇 帝 之 璽): dùng đóng trên các Chiếu văn quan trọng như đổi niên hiệu, đại xá, ban ân…
– Đại Nam thiên tử chi tỷ (大 南 天 子 之 璽): dùng cho các văn kiện về tuần thú các tỉnh, ban sắc thư và văn kiện cho ngoại quốc
– Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (大 南 受天永命傳國璽): dùng đóng trên những sắc mệnh quan trọng ban bố khắp thiên hạ
– Thần hàn chi tỷ (宸 翰 之 璽): dùng đóng trên các bài châu dụ ngự bút
– Hành tại chi tỷ (行 在 之 璽): dùng đóng trên các huấn dụ hoặc sắc thư trong những ngày tuần thú các địa phương
– Tề gia chi bảo (齊 家 之 寶): dùng đóng trên các huấn thị thưởng phạt trong nội tộc
– Vạn thọ vô cương (萬 壽 無 疆): dùng đóng trên các cáo văn ban ân, khánh chúc trong dịp đại lễ Vạn thọ
“Quốc gia tín bảo” một kim bảo quý được sử dụng khá nhiều trên Châu bản triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Ngoài ra có một số kim bảo được sử dụng riêng cho mỗi triều vua như: Thánh tổ Nhân Hoàng đế chi bảo (của vua Minh Mệnh), Tự Đức thần hàn hay Dực Tông Anh Hoàng đế chi bảo (của vua Tự Đức), Giản Tông Nghị Hoàng đế chi bảo (của vua Kiến Phúc), Khải Định thần hàn hay Khải Định Đại Nam Hoàng đế (của vua Khải Định)…
Kim bảo “Hoàng đế chi bảo” là một quả ấn được đúc bằng vàng ròng nguyên chất vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823). Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: Vua xuống Chỉ giao cho Bộ Lễ hội đồng với Phủ Nội vụ và Ty Vũ khố chọn ngày tốt để đúc ấn này. Ấn được làm bằng vàng 10 tuổi, đài chồng 2 núm rồng ngồi xổm, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân [1] .Mặt ấn khắc 4 chữ triện 皇帝之寶 (Hoàng đế chi bảo). Mặt trên của ấn, ở hai bên khắc chìm hai dòng chữ 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo) có nghĩa là: đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 4 và dòng chữ 拾成黃金重貳百捌拾兩玖錢貳分 (Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân) có nghĩa là: làm bằng vàng mười, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân (tương đương khoảng 10,7 kg).
So với các kim bảo được đúc cùng thời thì “Hoàng đế chi bảo” là quả ấn lớn nhất và có trọng lượng nặng nhất (ấn “Sắc mệnh chi bảo” có kích thước mặt ấn tương đương, vuông 3 tấc 2 phân, nhưng chỉ dày 3 phân 2 ly; ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo” vuông 3 tấc 2 phân, độ dày cũng chỉ 3 phân 6 ly; ngoài ra các ấn khác đều có mặt ấn nhỏ hơn).
Đặc biệt ấn “Hoàng đế chi bảo” đúc xong lại cho làm cái hòm bằng gỗ hoa lê chạm rồng mây, 4 góc bịt vàng, ổ khóa và chìa khóa đều làm bằng vàng nguyên chất[2].
Vua cũng ban Chỉ quy định: Phàm các khánh tiết ban ân xá tội và dự bảo thân huân, hay đi tuần thú xem xét các địa phương, cùng với các Sắc văn ban cho nước ngoài thì dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”. Có nghĩa ấn này rất quan trọng chỉ dùng trong các dịp đặc biệt hoặc đóng lên các văn thư trao đổi với ngoại quốc. Vì là ấn quan trọng nên mỗi khi nhà vua đi tuần hoặc xuất cung, theo lệ phải đem theo ấn này, còn các loại ấn khác thì do Nội các trước đó một, hai ngày dự bàn và làm sớ tâu lên[3].
Danh sách các kim bảo, ngọc bài, bảo kiếm quan trọng mang theo nhà vua trong lễ tế Nam giao trong đó đứng đầu là “Hoàng đế chi bảo”. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn
Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), sau khi đúc được quả ấn bằng ngọc quý khắc 4 chữ “Hoàng đế chi tỷ”, mới quy định lại: Phàm gặp những việc lớn như đổi niên hiệu, cho đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc “Hoàng đế chi tỷ”, để tỏ điển lễ long trọng. Phàm những tờ cáo dụ các bậc thân huân, bài huấn dụ cho các quan to trong ngoài khi vua đi tuần thú xem xét các địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, thì vẫn dùng ấn “Hoàng đế chi bảo”, cho có phân biệt[4].
Ấn ngọc “Hoàng đế chi tỷ” khắc năm Minh Mệnh 16 (1835) một trong những ngọc tỷ có niên đại sớm nhất và giá trị nhất của triều Nguyễn. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là biểu tượng quyền lực của triều Nguyễn trong suốt hơn 120 năm từ thời vua Minh Mệnh đến hết thời vua Bảo Đại. Ngày 30 tháng 8 năm 1945 tại lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn Huế, lễ tuyên cáo thoái vị của vua Bảo Đại đã diễn ra long trọng. Hai vật báu truyền quốc là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định đã được chọn làm biểu tượng để chuyển giao quyền lực giữa hai chế độ từ quân chủ nhà Nguyễn cho chính quyền Việt Minh. Cũng từ đây chiếc ấn vàng quyền lực này đã bước sang một trang mới với hành trình lưu lạc nhiều gian nan và đang được mong đợi một ngày sớm trở về cố hương./.
[1] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 83 (Sách ấn).
[2] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 83 (Sách ấn).
[3] Theo lệ nếu vua đi gần thì chỉ đem theo ấn “Ngự tiền chi bảo” và ấn “Văn lý mật sát” như lệ thường, giao cho quan Nội giám tâu xin đem đi theo (Đại Nam thực lục, chính biên, đệ Nhị kỷ, quyển 89).
[4] Đại Nam thực lục, chính biên, đệ Nhị kỷ, quyển 170.