Hỏng biết tép bò có nguồn gốc từ đâu? Nhưng nếu mưa xuống ruộng ngập nước, lúa lên cao là có tép bò. (Có nơi gọi là tép rong).

Hồi đó năm 1970-1971 buổi sáng tụi tôi đi học, tan trường 11g30 về đến nhà 12 giờ hơn một chút. Buông cặp lùa vội tô cơm, nhiều khi cơm chưa kịp tiêu trong bao tử là cả đám í ới gọi nhau đi tìm kiếm trò chơi cho cái buổi chiều. Trong rất nhiều trò chơi quậy phá tốt hay không tốt lắm của tuổi hoa niên, là thú vui đi kéo lưới, số là tôi có một ông cha nuôi người Phúc Kiến nhà ở đường Gia Phú Q6. Ông hành nghề mua bán bao bố cũ ở dốc cầu Palicao, nghề nầy làm chơi mà ăn thiệt, một vốn mà hỏng biết bao nhiêu là lời, người Hoa họ hành nghề buôn đồ nát, nhưng trái lại thì hốt tiền lành. Biết bao nhiêu đại phú đi lên bằng nghề thu mua đồ nát.

Tép Bò (khay 260g) | Saithanhfoods

Saigon có Hui Bon Hoa tức là Chú Hoả. Chợ Lớn thì có Quách Đàm tức là ông Thông Hiệp chủ chợ Bình Tây. Chịu chơi đến nổi cất nguyên cái chợ rồi hiến cho luôn chính phủ. Nghe nói chính phủ Trung Hoa thời đó cấm dòng họ ông về Tàu.

Ông cha nuôi thương tôi lắm, muốn gì chìu nấy, mua cho tôi nguyên một cây lưới kéo bằng nhợ ny lon lỗ 10 ly. Cao gần 1m80 dài đâu khoảng 4 đến 5m. Hôm nào siêng thì lên cầu Mỹ Thuận ùn xuống sông kéo dài dài về gần đến nhà, thì nước cũng vừa trở lớn. Ngày nào kéo cá thì nấu cháo ăn với chuối cây non, rau muống đỏ trồng từng giề cặp mé sông hàng hà sa số

Hôm nào nghịch nước thì lên một cái hồ khá lớn, tầm một hai mẫu đất ,nằm sát cạnh tường rào hãng sơn Huê Phát. Hồ nầy nước sâu khỏang 1,5m. Nó là hồ nước mưa thiên nhiên nên nước rát ư là lạnh, mà hồi nhỏ hồn nhiên gọi là lạnh teo bugi. Phía dưới là đất sét. Đám tụi tôi hồi đó gồm Tôi, Sĩ Dũng (giờ có vợ ở Cần Giuộc). Siếu (mất 3 năm) Cu lớn(giờ ở Phú Quốc) Cu Hí (không biết về đâu) 2 anh em A Lèng A Ký (đều mất hết) Cu Nhỏ, Ba Siêng, Lý, A Sừng, Tư Lùng (anh5 Siếu). Chỉ cần mang lưới lên kéo hơn một tiếng đồng hồ là được gần đầy xô nhựa loại 10 lít. Tép bò này là tép bò thiên nhiên, hỏng biết từ đâu mà có, vì cái hồ nầy lọt thỏm vào chính giữa khu đất, một bên chữ L là tường rào hãng sơn và con đường đất đỏ nay là đường Trần Văn Kiểu P10Q6. Một bên chữ L là đất trống toàn là cây tranh (rễ nấu nước sâm, lá thì mấy quán cà phê mua về làm chòi). Cái hồ lọt thỏm bên trong hoàn toàn kín đáo và vắng vẻ, xung quanh là ruộng, xa xa mới có 1-2 căn nhà lẻ tẻ, phần nhiều là nhà lá. Của một vùng đất nữa quê, nữa thành, của vùng ven đô Saigon hoa lệ.

Đám tụi tôi hồi đó thằng nào cũng khoái màn ăn sống tép bò. Hể kéo lưới lên bờ để hốt tép vô xô, là tụi tôi lựa những con mập ù, ú na, ú nần nắm bóp cái đầu bỏ, còn lại nguyên thân hình con tép bò là nhai ngõm nghẽm nó ngọt vô cùng. Hồi đó hỏng biết đứa nào bày đầu, môn ăn tép bò sống, lâu quá rồi cũng không còn nhớ được. Ban đầu còn ghê, còn gớm. Nhưng ăn thử rồi cũng thấy ngon, thấy lạ nên riết đâm ghiền, cả đám thằng nào cũng biết ăn. Nhiều hôm xách xô tép bò về nhà, mà nó vẫn còn nhảy soi sói, biểu diễn bắt một con bỏ vô họng nhai ngon lành, mấy chị, mấy dì trong xóm nhắm mắt, lắc đầu, rùng vai tỏ ra gớm, đám tụi tôi khoái tỉ cười xoà.

Sau năm Mậu Thân 1968 người ta đồn trong đợt 2 hay 3 gì đó, mấy ổng chết trong hãng sơn khá nhiều, mà không biết có thật hay không, thời đó báo chí Saigon đăng tin và hình nói là tướng Trần Độ (Bắc Việt) chết tại hãng sơn Huê Phát, ai ngờ sau năm 75 ông ta còn sống.

Tụi tôi và dân khu hãng sơn, hãng chén chỉ thấy thực tế là nguyên một toà nhà 3 tầng chi chít dấu đạn bom, đổ sập nằm ngỗn ngang hiện sờ sờ ra trước mắt. Ban đầu cũng hơi sờ sợ. Nhưng vì tép bò mà làm gỏi đu đủ ăn cũng ngon nhất là cuốn bánh tráng. Nên cái ăn, át bớt đi phần nào sợ hãi. Dù rằng những năm 70-71 khu vực hãng sơn rất ư là vắng vẻ, thưa thớt người qua lại. Chưa kể nơi đầu đường phía bên hãng chén (nay là ngã tư Lý Chiêu Hoàng – Trần văn Kiểu) còn có hai ngôi mộ của hai ông VC hồi chánh bị xử tử hồi tết 1968 nằm nữa trên bờ, nữa nằm dưới mép ruộng. Trông còn rờn rợn âm u hơn.

Đó là nói về tép bò, còn về đu đủ thì mấy đứa phải đạp xe lên gần đến nhà thờ Bảy Vàng ,gần Cầu Mỹ Thuận có nguyên một bãi rác lộ thiên, có hai cây đu đủ quá trời nhiều trái, mà hai cây này thấp tè chưa tới 2m mà trái xum xuê to tổ bố một trái nặng chừng hơn 2kg. Hai cây nầy nằm phía trong hàng rào kẻm gai, nên phải bò chui vô hái xong, chuyền ra ngoài mới vạch rào chui ra. Mà hồi đó phá phách thì phá thật, nhưng không có tính tham lam, dù là cây hoang vắng chủ nhưng đám tụi tôi chỉ hái một đến 2 trái đủ làm gỏi mà thôi, chớ không thèm hái cho cố sát ăn không hết rồi dìa bỏ…

Hãng sơn sau 3 lần đổ nát, phế tích không còn. Nhưng dư âm chắc sẽ còn vang vọng mãi . Cái hồ nước chứa tép bò nay là những dãy phố lầu nguy nga tráng lệ. Con đường đất đỏ hồi xưa là hẻm 84/45 nay là đường Trần Văn Kiểu, con đường to nhất, nhiều người qua lại dập dìu nhất của khu dân cư Bình Phú 2. Chỉ có đám bạn hồi xưa đứa mất, đứa còn, mà kẻ đầu non người cuối bóng ….Nếu gặp nhau rồi hỏng biết có ngượng ngùng khi gọi lại mầy tao, khi trên đầu đứa nào cũng ít nhiều hai thứ tóc …

TRẦN NGỌC HIẾU