Người xưa có câu: “Trời có đạo, thì nhật nguyệt rõ ràng. Người có đạo thì xã hội tất sẽ bình an”. Đạo đức hay luân lý đạo đức không chỉ là cái gốc của làm người, mà còn là nguyên tắc chỉ đạo trong việc “trị quốc an thiên hạ”. Xã hội ngày nay sở dĩ xuất hiện nhiều sự tình loạn bậy, không có tôn ti trật tự là bởi vì người ta không còn chú trọng giáo dục luân lý đạo đức truyền thống, trong tâm không còn sự ước thúc của quy phạm đạo đức nữa. 

Cổ nhân coi trọng đạo đức, để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội phù hợp với luân lý đạo đức, người xưa đã đưa ra một hệ thống các nguyên tắc đối đãi cho ba mối quan hệ chính là quân và thần, cha và con, chồng và vợ.

(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Cho đến nay, nguyên tắc này vẫn là cái gốc của lễ nghi, là kiến thức tổng quát của xã hội trên toàn thế giới, thể hiện ở mọi phương diện trong xã hội phương Đông và phương Tây. Càng ở vào trường hợp trọng đại thì nguyên tắc ấy càng được coi trọng.

Trong kỳ 1, chúng ta cùng tìm hiểu về nguyên tắc đối đãi giữa quân và thần của người xưa.

Nguyên tắc đối đãi giữa Quân và thần như thế nào?

Trong “Luận ngữ. Bát dật” có ghi chép rằng: : “Định Công vấn viết: “Quân sử thần, thần sự quân, như chi hà?” Khổng Tử đối viết: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung.”

Giải nghĩa: Một lần, vị vua thứ 26 của nước Lỗ là Lỗ Định Công hỏi Khổng Tử: “Vua sai khiến bề tôi, bề tôi phục vụ (thờ) Vua, như thế nào?”

Khổng Tử đáp: “Vua phải dựa vào yêu cầu của ‘lễ’ để sai khiến bề tôi, bề tôi phải lấy ‘trung’ để phục vụ Vua.” (trung thành, hết lòng).

Từ đó về sau, “Quân đối đãi với bề tôi phải dùng lễ, bề tôi đối đãi với Vua phải dùng trung” được coi là nội dung chính yếu của nguyên tắc đối xử giữa quân và thần thời cổ đại. Bậc Quân vương thì có lễ, có nhân mà bậc tôi thần thì trung thành hết lòng, như vậy tắc thì Quân sẽ an tâm mà thần sẽ vui mừng.

Trình bày và phân tích về quân thần, trong “Tư trị thông giám”, Tư Mã Quang viết: “Chu Văn Vương diễn dịch ‘Dịch Kinh’, đặt ‘kiền khôn’ đứng đầu. Khổng Tử giảng giải rằng: Trời cao Đất thấp, ‘kiền khôn’ theo đó mà được định ra. Cao thấp được đặt ra mà sang hèn được lập theo.” Điều này muốn nói rằng, địa vị của Quân và thần là do địa vị của Trời Đất lập ra, không gì có thể thay đổi được. Do đó, nguyên tắc xử thế giữa Quân và thần cũng được xác lập trước tiên là căn cứ vào địa vị.

(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

 

“Quân đối đãi với bề tôi phải dùng lễ”, từ ngôn từ mà xét, Khổng Tử vẫn là yêu cầu nặng đối với người làm Quân vương hơn, nhấn mạnh việc Quân vương phải dùng “Lễ” để đối đãi với bề tôi, thần dân của mình. Quân vương phải hiểu lễ, phải có đức độ, phải biết tu thân: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn” (ý nói, từ Thiên Tử xuống cho đến hạng dân thường đều phải lấy sự tu thân làm gốc.)

“Bề tôi đối đãi với Vua phải dùng trung”, “Trung” ở đây không phải là “ngu trung”, cũng không phải chỉ đơn giản là sự trung thành của bề tôi đối với Vua, càng không phải là bề tôi trung thành một cách vô nguyên tắc đối với Vua. Trong mắt dân chúng, Vua là Thiên tử, nhưng bên trên còn có Trời. Vua cũng không phải là vĩnh viễn đúng, cho nên triều đình mới phải thiết lập Gián quan để chỉ ra sai lầm của Vua. Đồng thời chế độ tín sử của Trung Hoa cho phép Sử quan ghi chép lại từng lời nói, từng việc làm của Vua.

Khổng Tử viết: “Nếu Quân vương có thể dùng lễ để đối đãi với bề tôi thì bề tôi sẽ tận tâm làm phần việc mà mình đảm nhận.” Cho nên, có thể thấy nguyên tắc bề tôi phục vụ Quân vương là trước tiên phải xét xem vị Quân vương ấy là “minh Quân” (Vua anh minh sáng suốt) hay “hôn Quân” (Vua ngu dốt), việc mà Vua sai bảo có  phù hợp với lễ không.

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử viết: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”, có nghĩa là “vua phải ra vua” tức là làm đúng bổn phận hay đúng vai trò của ông vua. Quan phải ra quan tức phải làm đúng bổn phận của ông quan. Cha phải ra cha tức là khi làm cha mình phải đóng đúng vai trò của người cha. Và con phải cho ra con tức phải làm hết bổn phận của một người ở địa vị làm con.

Khi học trò Tử Lộ hỏi thầy Khổng Tử về đạo phụng sự của bề tôi đối với Quân vương, Khổng Tử đáp: “Vật khi dã. Nhi phạm chi”, ý nói rằng, trung thần không lừa gạt Quân vương, nhưng Quân vương làm việc sai trái thì không ngại mạo phạm mà khuyên can.

Mạnh Tử cũng viết: “Trách nan vu quân vị chi cung, trần thiện bế tà vị chi kính”, nghĩa là có thể dũng cảm chỉ ra điều sai trái của Quân vương mới là thể hiện sự cung kính của bề tôi trung thành, có thể giảng giải cho Quân vương hiễu rõ về đức, tránh những hành vi không tốt thì đó mới là thể hiện lòng tôn kính của bề tôi trung thành.

“Quân có lễ, thần tận trung” cũng là nói lên cái nghĩa của Quân – thần, Vua – tôi, người cấp trên – người cấp dưới.

Trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều bậc Quân vương, trọng thần vì hành xử theo phép tắc, lễ nghĩa mà được bề tôi tận trung. Dưới đây xin trích dẫn câu chuyện về Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng giữ chữ tín, binh lính một lòng phụng sự

(Tạo hình nhân vật Gia Cát Lượng trong phim)
(Tạo hình nhân vật Gia Cát Lượng trong phim)

 

Gia Cát Lượng là nhà quân sự, mưu lược nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ông còn được biết đến là người nổi tiếng dùng binh lấy tín làm gốc.

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng lệnh cho người chế tạo ra trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển quân lương ra chiến trận. Lần thứ tư Gia Cát Lượng xuất binh ra Kỳ Sơn đánh Ngụy, Ngụy Minh đế Tào Duệ tự mình đến Trường An chỉ huy chiến trận, lệnh cho thống soái Tư Mã Ý dẫn 30 vạn đại quân tiến đến Kỳ Sơn. Đối mặt với tình thế “binh nhiều tướng mạnh”, khí thế hung hăng của quân Ngụy, Gia Cát Lượng không dám một chút có ý khinh địch, lệnh cho binh lính chiếm cứ địa thế hiểm yếu, bày thế trận sẵn sàng đón chờ quân địch.

Trưởng Sử của nhà Thục là Dương Nghi cho rằng, mấy lần trước khởi binh, toàn bộ quân sĩ đều ra trận một lần nên rất mệt mỏi, việc tiếp tế lương thảo cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông đề nghị chia quân ra làm hai tiểu đội, lấy kỳ hạn thay phiên là 3 tháng. Ví như có 20 vạn binh, chỉ dẫn 10 vạn lên Kỳ Sơn, ở đó 3 tháng rồi sau đó lại dẫn 10 vạn binh còn lại lên thay thế, tuần hoàn hoán đổi như vậy. Theo cách này thì binh lực sẽ không bị thiếu khi chinh chiến lâu dài, sau đó từ từ mà tiến, như vậy có thể chiếm được Trung Nguyên.

Gia Cát Lượng cho rằng đánh Trung Nguyên không phải là việc ngày một ngày hai, cách của Dương Nghi đúng là cách dùng quân lâu dài nên tiếp thu kế sách này. Ông chia quân làm hai cánh, lấy kỳ hạn là 100 ngày, tuần hoàn thay đổi. Người nào vi phạm quy định thời hạn này sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Thời hạn 100 ngày như quy định đã đến, Dương Nghi báo cho Gia Cát Lượng: “Thừa tướng vốn ra lệnh cho binh lính 100 ngày hoán đổi một lần, nay đã đến hạn rồi. Quân Hán Trung đã ra khỏi cửa Xuyên, công văn đã đưa đến, chỉ còn chờ hội quân đưa đến để thay thế. Hiện ở đây có 8 vạn quân, trong đó 4 vạn được đổi về.” Gia Cát Lượng nói: “Đã có lệnh như vậy, lập tức cho họ về.” Quân lính nghe tin, ai nấy đều thu xếp chuẩn bị lên đường.

Ai ngờ, biến động bất ngờ xảy ra, đúng lúc ấy, quân lính báo rằng Tôn Lễ dẫn 20 vạn binh mã ở Ung Lương đến đánh giúp cho quân Ngụy, tập kích ở Kiếm Các. Tư Mã Ý đang dẫn quân tiến công Lỗ Thành. Quân Thục đều vô cùng kinh hãi. Tại thời khắc nguy cấp ấy, Dương Nghi và các tướng lĩnh đều nhao nhao góp ý với Gia Cát Lượng: “Quân Ngụy đến quá gấp, Thừa tướng có thể giữ lại quân thay ca để đương đầu với quân địch, sau đó rồi hãy cho họ trở về.”

Gia Cát Lượng nói: “Không thể được! Ta dùng binh lấy tín làm gốc. Phàm đã có lệnh từ trước thì sao có thể thất tín được? Hơn nữa quân binh khi đi đều đã có dự tính cho quay về, cha mẹ, vợ con của họ đều dựa cửa trông mong. Ta giờ có đại nạn cũng quyết không giữ họ. Lập tức cho họ về!” Dưới sự thúc giục nhiều lần của tướng lĩnh, Gia Cát Lượng cũng không thay đổi.

Vừa hạ lệnh, toàn bộ tướng sĩ và quân lính ai nấy đều vô cùng cảm động. Những binh lính đến lượt được về, ai nấy đều yêu cầu được ở lại tham chiến, quên mình phục vụ. Họ nói: “Thừa tướng đối đãi với chúng ta ân trọng như vậy, ta nguyện thả không về, xả bỏ một mạng đại sát quân Ngụy để trả ân Thừa tướng.”

Gia Cát Lượng nói: “Những người chờ để về thì nên trở về, sao có thể ở lại?”

Binh lính đều đồng loạt nói: “Chúng thần xin ở lại, nguyện không trở về”

Thành tín cảm động trời đất! Binh lính ai nấy đều hăng hái, sĩ khí vang dội, chỉ đợi xông pha trận chiến.

Quân và ngựa Tây Lương đi vội mà đến, người và ngựa đều mệt, muốn dựng trại nghỉ tạm. Thục binh đồng loạt tiến vào, ra sức đánh một trận, quân Ung Lương chống chọi không được, thây xác nằm khắp ruộng, cuối cùng rút lui bỏ chạy, quân Ngụy đại bại. Tư Mã Ý cũng bị cưỡng bách dẫn quân rút lui.

Gia Cát Lượng nói, người không tín thì không làm được gì, đất nước không tín thì mất hết lòng dân. Tự bản thân mình có thể giữ chữ tín thì người mới tín mình, nếu bản thân không giữ chữ tín thì người sẽ không tín mình. Cho nên, Gia Cát Lượng cả đời dùng thành tín làm gốc. Điều mà ông chú trọng nhất chính là đức.

Nhân phẩm của ông khiến người đời đều kính trọng, ngưỡng mộ. Đúng như tướng lĩnh, binh lính Thục quân nói: “Thừa tướng trung thành vì nước, yêu dân như con, ân sâu nghĩa trọng, có nhân từ, có trí tuệ lại có dũng!” 

Kết luận

Quân – Thần: Đối với bậc Quân vương, suy rộng ra là người cấp trên, người lãnh đạo thì trước tiên phải là người có đạo đức tốt, hành xử theo phép tắc, lễ nghĩa, phải là tấm gương tốt, dẫn dắt và bảo hộ người bên dưới. Nếu Quân vương, người lãnh đạo mà mắc lỗi sai thì phải khiêm tốn tiếp nhận lời khuyên can của người bề tôi. Đối với thần (Bề tôi, thần dân), người cấp dưới, thân là người bên dưới phải thuận theo sự dẫn dắt của người bề trên, một lòng một dạ, tận tâm phụng sự, nếu có lỗi thì phải nhanh chóng cải sửa. Đó mới là đúng đạo Quân – thần, cấp trên – cấp dưới.

An Hòa