Tự trọng là cơ sở của nhân cách, giúp con người luôn tuân theo lẽ phải và hành xử đúng mực. Lòng tự trọng trong cuộc đời giống như chiếc la bàn đối với người thuyền trưởng trên con tàu viễn dương. Người tự trọng là người trung thực, nhưng muốn là người trung thực trước tiên phải trung thực với chính bản thân mình. Người tự trọng luôn kiên trì với những chuẩn mực đạo đức, những giá trị và nguyên tắc xã hội. Mỗi lần chiến thắng được bản thân để giữ vững phẩm giá và nhân cách là một lần nâng cao lòng tự trọng của mình. Thiếu lòng tự trọng thì khó mong người khác coi trọng mình, vì vậy lòng tự trọng phải thể hiện ngay từ những lời nói và cách hành xử hằng ngày của mình.

Thiếu lòng tự trọng con người dễ có những hành động nông nỗi, vi phạm đạo đức xã hội vì những lợi ích của bản thân. Người thiếu lòng tự trọng dễ lao vào những việc làm phi đạo đức để trục lợi như sống lươn lẹo, nịnh hót, dối trá, lừa gạt… Họ luôn là gánh nặng trong xã hội. Phải chăng vấn nạn tham nhũng hối lộ tràn lan hiện nay là biểu hiện của quá nhiều người có chức vị trong xã hội đã tự đánh mất lòng tự trọng của mình, trong khi biện pháp ngăn chặn còn chưa thật hiệu quả?

Lòng tự trọng không phụ thuộc vào lứa tuổi, trình độ học vấn, giàu nghèo, chức vụ. Trong khi tình trạng thiếu trung thực trong thi, kiểm tra xảy ra khá phổ biến trong trường học, thì một học sinh cương quyết từ chối hành vi gian lận để có điểm cao là người tỏ rõ lòng tự trọng của mình. Lòng tự trọng cũng thể hiện rõ ở những người sống theo phương châm “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Người có nhân cách biết tự trọng và sống bằng sức lao động của mình. Người có lòng tự trọng nói năng, úng xử có văn hóa trong giao tiếp, không dùng những lời lẽ thô tục.

Lòng tự trọng ngày càng mai một

Eleanor Roosevelt, chính khách, phu nhân của tổng thống Fanklin D. Roosevelt từng nói: “Không một ai có thể làm cho bạn cảm thấy mình thấp kém nếu không có sự đồng ý của bạn”.Người có lòng tự trọng sẽ biết xấu hổ và tự nhận trách nhiệm khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trên thế giới không ít quan chức nắm giữ chức vụ cao đã không ngần ngại nhận trách nhiệm và từ chức khi xảy ra những bất ổn trong lĩnh vực mình phụ trách. Có trường hợp bộ trưởng từ chức vì chuyện một cây cầu lớn bị sập, còn vị bộ trưởng quốc phòng từ chức vì chuyện một người lính quẩn trí đã xả súng giết hại nhiều đồng đội của mình, dù đó không phải là những cái sai mình trức tiếp gây ra.

Có những sự việc mà ở ta chỉ xem là chuyện nhỏ, nhưng vì lòng tự trọng họ vẫn xin từ chức, như vị Bộ trưởng Bộ Môi trường và Thay đổi khí hậu New Zealand Nick Smith bất ngờ xin từ chức sau khi thừa nhận đã “cảm tính” trong công việc; Bộ trưởng Nội vụ Romania Ioan Rus đã từ chức sau khi Bộ Nội vụ Romania bị phát hiện đã sử dụng bản danh sách cử tri sai lệch so với thực tế trong cuộc trưng cầu dân ý; Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Dinesh Trivedi đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Manmohan Singh vì kế hoạch tăng giá cước của ngành đường sắt bị phản đối.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Argentina Juan Pablo Schiavi từ chức sau một tai nạn giao thông đường sắt; Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich đã tuyên bố từ chức, sau tai nạn máy bay gần Smolensk làm Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski thiệt mạng. Còn có thể kể ra rất nhiều trường hợp tương tự ở nước ngoài. Điều khó hiểu là vì sao văn hóa từ chức ấy cho đến nay hầu như vẫn vắng bóng ở nước ta, mặc dù nhiều quan chức cũng có không ít sai sót làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước và đời sống của người dân.

Người tự trọng là người có dũng khí tự nhận trách nhiệm một cách thiết thực những sơ sót xảy ra trong lĩnh vực mình đảm nhiệm, chứ không chỉ dừng lại ở lời nói suông “tôi xin nhận trách nhiệm” một cách nhẹ tênh rồi để đó. Tự trọng phải là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo, thể hiện ở sự trung thực, giữ lời hứa, thực hiện đúng các cam kết của mình và nhất quán trong lời nói và hành động.

Người lãnh đạo có lòng tự trọng phải biết xấu hổ và nhận lấy trách nhiệm của mình trước cảnh nghèo khổ của dân, trước tình cảnh phát tiển chậm chạp của đơn vị mình, địa phương mình, đất nước mình đến mức ngày càng tụt hậu xa hơn thiên hạ. Biểu hiện nhận lấy trách nhiệm thiết thực nhất là biết từ bỏ kiểu tư duy theo lối mòn và hành động theo thói quen để chọn hướng đi mới hiệu quả hơn, thực chất hơn. Chỉ có như vậy mới có thể hình thành nên một đội ngũ lãnh đạo có đủ tài đức của nước nhà. Ai cũng ao ước những điều tốt đẹp nhất luôn đến với đất nước mình, nhưng nếu có nhiều điều không tốt đẹp xảy ra thì phải có người chịu trách nhiệm cụ thể với dân và có những biện pháp thiết thực vì lợi ích của dân, đặt lợi ích của dân của nước lên trên hết