Ẩm thực Sài Gòn là sự kết tinh của nhiều món ngon, độc đáo đến từ nhiều nét văn hóa khác nhau. Hòa trộn giữa Phương Đông với phương Tây, giữa hiện đại với truyền thống, bình dị mà vẫn thu hút biết bao người.

Vừa nghe nhắc đến Sài Gòn, con người ta dễ nhớ đến những địa danh nổi tiếng gắn liền với mảnh đất này như Chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập, nhà hát Thành Phố hay con đường Nhà Thờ Đức Bà bất kể ngày đêm vẫn tấp nập người. Và với những góc phố rợp bóng cây, với những con người cần cù lao động bất kể mưa nắng, với những cơn mưa bất chợt, để rồi khi vội vã, ta dìu nhau tìm một góc nhỏ để trú thì trời lại tạnh tự lúc nào.

Tình yêu tôi với thành phố này có chút gì đó “lạ lạ”; vẫn da diết và cháy bỏng, vẫn nồng nàn và trọn vẹn ký ức; nhưng thú thật, lý do to-bự khiến tình tôi mãnh liệt, đó là nhờ nét đặc sắc của ẩm thực Sài Gòn. “Con đường nhanh nhất đến trái tim là đi qua dạ dày” các cụ nói quả không sai, hột xoàn, kim cương tuổi gì mà sánh bằng, chí ít với tôi là vậy!

Cuốn hút du khách và làm bất cứ ai cũng phải đắm chìm trong cảm xúc tuyệt vời, ẩm thực Sài Gòn tuy bình dị nhưng có sức mạnh lay động lòng người đến kinh ngạc. Phải nói là, không đâu khác ngoài Sài Gòn người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh quán xá với những gánh hàng rong nhiều đến như vậy. Có những hôm ra đường phải làm theo cả danh sách 10 món mà bạn không thể bỏ qua.

Trải nghiệm về ẩm thực Sài Gòn sẽ là một ký ức tuyệt vời của mỗi du khách khi đến đây và mang đến một cảm giác họ chính là một người con của vùng đất này. Và nếu bạn cũng như tôi, cũng yêu cái nồng nàn của thành phố này, còn chần chừ gì mà không lên kế hoạch cùng đồng bọn và tác chiến ngay? Dù bạn là ai và có kén ăn thế nào, rồi cũng sẽ ngất-ngây-con-gà-tây ngay từ lần thử đầu tiên, tôi dám cam đoan như vậy.

Ốc

Đặc trưng ở Sài Gòn là phải kể đến ốc. Không hiểu vì sao ở Sài Gòn ăn ốc lại tuyệt đến vậy. Dù ở mặt bằng lớn hay hẻm sâu hun hút mà quán nào cũng nghẹt cứng người. Cũng một phần ở chỗ, không nơi đâu có chủng loại ốc phong phú đến vậy, phần khác là do cách chế biến khá hấp dẫn, món nào cũng thơm lừng khó cưỡng và mang vị rất đặc trưng. Lần đâu tiên ăn ốc ở Sài Gòn cũng là lần đầu tôi nhận ra mình trót yêu “dại khờ”.

Ốc dừa xào tỏi thơm nức mũi ngày mưa, lạ miệng với vị điềm điệp nướng, ốc giác xào rau muống lần nào ghé cũng phải gọi, hay cay xé với món ốc cà na nướng, nghêu hấp thái thì mang một sắc thái khác khiến thực khách không sao quên được.

Cơm tấm

Có người nói, “ẩm thực Sài Gòn là sự pha trộn giữa các vùng miền, vì thế để tìm một món đậm hương vị thì thật khó khăn”. Có phải vậy không khi tôi đố bạn có thể tìm được cảm giác và hương vị của món cơm Tấm sườn, bì chả như ở TPHCM. Một dĩa cơm được kết hợp hài hòa giữa cơm tấm- loại gạo trắng, hạt nứt, rời và khô với các món ăn kèm cơ bản thông dụng như sườn nướng, chả trứng, trứng opla, bì và nhiều món khác, ăn kèm với loại nước mắm tự pha chế gọi là “bí quyết gia truyền” chua chua ngọt ngọt. Mùi thịt nướng thơm ngào ngạt quyến rũ, xớ thịt dai mềm “cắn” một miếng thì phải sướng biết bao!

Một trải nghiệm cực thú vị cho du khách: Nếu quá mải mê với cuộc vui bên bạn bè, cuộc chơi kéo dài đến hơn 12h đêm mà bao tử lại đang gào thét dữ dội thì phải làm thế nào? Trải nghiệm thú vị và thật khó quên nếu bạn dừng chân trước một quán cơm tấm bên đường. Vừa ăn, vừa ngắm nhìn thành phố thưa thác chỉ vài bóng người và mọi thứ chuyển động xung quanh – một đêm ghi đầy dấu ấn.

Đặc biệt, gần như 100/100 các quán ở Sài Gòn đều bán cơm tấm rất ngon, nhưng nếu muốn thưởng thức đúng chất ẩm thực Sài Gòn thì nên ghé quán Ba Ghiền (Đặng Văn Ngữ), cơm tấm đêm chợ Tân Định, khu An Dương Dương (Q5)…

Hủ tíu

Thật là một thiếu sót lớn nếu nói đến tình yêu dành cho ẩm thực Sài Gòn mà Hủ tíu lại không được liệt kê trong danh sách. Hủ tíu ban đầu là món ăn của người Hoa tại khu vực Chợ Lớn, sau thời gian cải biên cho hợp khẩu vị người Việt, ít dầu mỡ béo ngậy hơn, hủ tíu trở thành món ăn phổ biến và chiếm được cảm tình của nhiều người.

Ở Sài Gòn, người ta có bán rất nhiều loại hủ tíu khác nhau: Nam Vang, Sadec, Mỹ Tho, Bò viên, Hủ tíu mực… nhưng có lẽ, được lòng nhất là Hủ tíu gõ lề đường. Hình ảnh những chiếc xe hủ tíu gõ cùng tiếng lách cách rảo quanh khắp khu xóm, bất kể ngày mưa hay nắng đã tạo nên một ấn tượng rất mạnh với con bé như tôi ngày mới chập chững rời quê lên thành phố. Khắp các con phố, ngõ hẻm đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc xe hủ tíu nghi ngút khói, mùi thơm quyến rũ, thường chỉ bắt đầu lúc 5h chiều và kéo dài đến tận giữa đêm.

Mùi thơm nước lèo của những xe hủ tíu gõ thật khó mà cưỡng lại. Cách vài chục mét, tô hủ tíu dậy mùi thơm ngon đặc biệt, dù không đói nhưng ai cũng đồng thanh “chú ơi, giao con 1 tô”. Hủ tíu gõ ăn ngày mưa phải nói là “số dzách” ấm lòng hơn biết mấy, nước lèo thì ngọt thanh, sợi hủ tíu dai dai, miếng tóp mỡ béo ngậy với ít giá hẹ, Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy “cồn cào” mất rồi.

Lẩu

Dễ thấy rằng, người Sài Gòn rất thích ăn lẩu, món lẩu trở thành món ăn không thể thiếu trong mọi dịp tiệc tùng, thiếu lẩu coi như mất đi cái không khí “ăn nhậu”. Lẩu là sự hòa quyện trong văn hóa ẩm thực Việt, không chỉ dừng lại là một món ăn thông thường, nó còn thể hiện tinh thần người Việt.

Chua chua cay cay, vừa ăn vừa hít hà thì chỉ món Thái mới có thể mang lại, ăn “xả láng” mà không ngại lên cân với món lẩu Nấm “heo-thì” (healthy) đầy dinh dưỡng, dạn ăn hơn thì có thể chọn lẩu mắm miền Tây với mùi thơm đặc trưng khiến ai cũng phải bồi hồi,… mỗi món có một hương vị rất khác nhau nhưng vẫn đầy trái nghiệm thú vị.

Ngày mưa, thích nhất là ăn lẩu cá kèo. Lẩu có hương vị miền Nam đặc trưng và hương thơm thật khó quên. Cá kèo chín, ăn cả con, thịt có vị ngọt bùi với nước dùng khá ấn tượng: chút xíu chua chua, chút xíu chát chát khi được nấu cùng với lá giang. Chan nước lẩu đang sôi vào chén bún, thêm chút mắm, vừa thổi vừa ăn, vừa hít hà cái vị tổng hòa chua cay mặn ngọt thật dễ gây nghiện. Giây phút đó, không ai nói điều gì, bởi tất cả mọi người dường như đang “say trong men tình”, họ quá đỗi yêu thành phố này!

Món ăn vặt

Ẩm thực Sài Gòn là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau, ẩm thực đường phố với những món ăn vặt chính là một trong những nét đặc sắc của vùng này.

Và, xin một lần được về nhớ ký ức thời học sinh – sinh viên dữ dội. Được mệnh danh là “thiên đường của món ăn vặt”, các món ăn vặt ở Sài Gòn thì muôn hình vạn trạng, đủ loại hình thái khác nhau. Còn nhớ ngày ấy trước cổng trường đại học thơ mộng, cả đám thường hay tụ tập rồi ăn uống no say mà chỉ tốn vài chục đồng. Bánh tráng trộn không ngày nào là không nhớ; gỏi cuốn tôm thịt với chén mắm nêm hấp dẫn cho ca tan học buổi xế chiều, còn cả món bò lá lốt nướng kèm với thiệt nhiều rau sống tươi ngon, ôi, ta thốt lên câu “hết sảy”.

Chốn Sài Gòn phồn hoa đô thị, thu hút và níu chân không biết bao người. Và điều đó lý giải vì sao ẩm thực Sài Gòn lại hội tụ nhiều yếu tố và đa sắc màu đến thế. Đa dạng, phong phú là thế nhưng vẫn hài hòa, thấm đẫm tinh thần của người Sài Gòn, nét bình dị ấy làm mỗi món ăn nơi đây thêm đặc sắc và khó cưỡng lại.

Tuy không phải là người con của mảnh đất Sài Gòn, nhưng khoảng thời gian vừa qua, được tiếp xúc với người Sài Gòn thân thương nặng nghĩa tình, tôi chợt nhận ra mình yêu mảnh đất này đến chừng nào. Yêu từ chính những điều bình dị nhất, yêu cả những món ăn được bán ở đây. Thế đấy, trái tim tôi đã trật nhịp, và lần nữa, cho tôi mạn phép thể hiện tình yêu này với vùng đất đã cho tôi sự trưởng thành và gai góc hơn từng ngày.