Mainboard tính ra cực kì quan trọng vì nó là cái “nền” cho mọi linh kiện khác. Dù bạn tự build máy tính hay dùng laptop, máy tính build sẵn thì đều cần có mainboard trong đó, thậm chí điện thoại cũng có bo mạch chủ luôn (chỉ khác là nó được gọi là logic board). Giới thiệu với anh em những thông tin cơ bản về mainboard nhé.

Chiếc máy tính IBM Personal Computer ra đời năm 1981 được xem là chiếc máy tính đầu tiên dùng khái niệm bo mạch chủ, thời đó nó được gọi là planar. Ngày nay bạn có thể tự mua bo mạch chủ từ các hãng như Asus, Intel, ABIT, MSI, Gigabyte, Biostar… Các hãng cũng tự làm bo mạch chủ cho các máy build sẵn hoặc laptop của họ.

Trong một số máy tính có nhiều hơn 1 bo mạch thì cái chính sẽ là mainboard, còn cái phụ là daughterboard (con gái).

Mọi thứ trong máy tính đều phải kết nối vào bo mạch chủ bằng cách nào đó, chứ không thì chúng không thể biết cách hoạt động. Ổ cứng, CPU, RAM, bộ xử lý đồ họa, bộ nguồn, các cổng kết nối trên máy… đều đi về mainboard.

Trên mainboard có gì

pci_e_x1.jpg

Cơ bản thì một cái mainboard sẽ bao gồm các thứ đánh dấu như hình. Một số mainboard sẽ có nhiều cổng kết nối hơn, một số thì có thêm chức năng đặc biệt, tùy theo giá tiền bạn có thể chi ra. Sẽ có nhiều loại kích thước khác nhau, cái đó mình sẽ nói sau.

Đối với laptop, để tiết kiệm thì một số thành phần có thể được hàn chế lên mainboard chứ không có khe để bạn gắn linh kiện. GPU, CPU là những thành phần thường sẽ được hàn lên thẳng mainboard và bạn không thể tự thay thế. Một số dòng laptop mỏng nhẹ thì hàn luôn cả RAM, ông Apple chơi hàn luôn cả SSD.

Trên mainboard còn có một linh kiện tên là BIOS, nó là một con chip. Nó xử lý việc giao tiếp cơ bản giữa các thiết bị ngoại vi với hệ điều hành. Ngày xưa phần mềm dùng để con chip này giao tiếp với hệ điều hành cũng được gọi là BIOS, nhưng ngày nay người ta xài UEFI làm phần mềm giao tiếp để hỗ trợ một số chức năng nâng cao, ví dụ như khả năng dò lỗi ngay cả khi không có hệ điều hành nào được cài vào.

Ngoài ra còn có một cục pin tròn tròn, gọi là pin CMOS. Pin này cấp nguồn cho một bộ nhớ nhỏ chứa một số thông tin cơ bản, ví dụ như thông tin về giờ giấc, múi giờ… Các thông tin này vẫn sẽ còn được lưu trữ ngay cả khi bạn tắt máy. Cục pin CMOS thường được dùng là loại CR2032, và khi dùng làm pin CMOS thì thường được tận vài năm, bạn không cần quá lo lắng.

Các loại kích thước của mainboard

Trên laptop thì bạn không cần quan tâm, vì nhà sản xuất đưa sao thì bạn dùng thế thôi chứ không cách gì đổi được. Nó phải phù hợp với tổng thể thiết kế và kích thước của vỏ máy nữa.

Còn với máy bàn, có một số loại mainboard như thế này.
Motherboard-Size-Chart-780x405.jpg

Kích thước mainboard sẽ quan trọng khi bạn tự đi mua case, bạn phải biết case của mình hỗ trợ loại mainboard nào để mua về cho đúng, lắp vào mới vừa. Mini-ITX thường thấy trong các dòng máy tính nhỏ gọn, bé bé xinh xinh. Còn MicroATX, ATX hay EATX thì nằm trong các máy bàn hơi to một chút, có thùng máy to bự này kia.

Bo mạch to thì hơn thì sẽ có nhiều cổng, nhiều khe cắm hơn cho bạn, và thường nó cũng sẽ hỗ trợ thêm một số chức năng đặc biệt dành riêng cho một số mục đích cụ thể (ví dụ, máy món đồ gaming thì thường có thêm nhiều đồ chơi).

Mỗi loại mainboard hỗ trợ một số dòng CPU

Lúc mua mainboard, bạn cũng cần nhắm sẵn trong đầu mình là mình sẽ dùng dòng CPU nào, vì mỗi dòng CPU sẽ có socket và đòi hỏi chipset điều khiển riêng. Ví dụ, CPU Intel sẽ dùng socket khác so với CPU AMD, và bản thân các dòng CPU Intel cũng có sự khác biệt giữa các thế hệ với nhau.

Rồi có chipset hỗ trợ ép xung, có chipset thì tích hợp thêm Wi-Fi, và số cổng kết nối tối đa mà chúng hỗ trợ cũng khác nhau.

Ví dụ trong hình bên dưới là mainboard của Asus hỗ trợ CPU AMD.

AMD.png

Đấy, nên anh em mua thì nhớ cẩn thận nhé, kẻo mua nhầm thì phí tiền, hoặc mất công đem đi đổi.

Rồi, thông tin cơ bản thì nhiêu đấy thôi, anh em thấy mình thiếu cái nào thì bổ sung thêm nhé, hoặc sai cái nào thì cũng góp ý bằng cách comment vào bài này giúp mình..