Tên gọi đèn ông sư bắt nguồn từ đâu? Vì sao chiếc đèn này khiến cho trẻ em Việt Nam thế hệ 7X, 8X “phát cuồng” vào mỗi dịp Tết Trung thu?
Đèn ông sư là một món đồ chơi Trung thu truyền thống từng khiến trẻ em Việt Nam các thế hệ 7X, 8X thích mê mẩn mỗi khi đến ngày Rằm tháng 8.
Tên gọi của đèn ông sư xuất phát từ hình dáng của nó, với chiếc chao đèn có 6 cánh, trông từa tựa như chiếc mũ của các vị hòa thượng Phật giáo.
Đèn ông sư còn một tên gọi khác là đèn cù vì nó có thể quay như cái cù – tức con quay, một loại đồ chơi truyền thống của trẻ em xưa.
Để làm được một chiếc đèn cù mất khá nhiều công đoạn, bắt đầu bằng việc chẻ nứa vót nan cắm vào bánh xe, dán giấy bóng màu, sửa lại bằng kéo…
Tiếp đến là vẽ hình trang trí bằng sơn, tra then ngang, buộc lõi dây thép và cắm vào đai đèn một bánh xe gỗ. Đèn ông sư có thể quay được nhờ bánh xe một cạnh tiếp xúc với đế đèn, cạnh kia lăn trên đất.
Khi chơi, trẻ em cắm nến vào giữa chao đèn, cầm cán đẩy đèn trên mặt đất. Ánh đèn chiếu qua chao đèn dán giấy bóng xoay tròn sẽ tạo ra những hình ảnh rực rỡ trên mặt đất, nhìn rất vui mắt.
Mỗi mùa Trung thu xưa, trẻ em ở khắp các phố phường làng xóm lại kéo những chiếc đèn ông sư lấp lánh chạy khắp nơi, cười đùa ríu rít…
Ngày nay, đèn ông sư vẫn được sản xuất bày bán phổ biến vào dịp Tết Trung thu.
Những cơ sở sản xuất đèn ông sư chủ yếu là làng nghề truyền thống Báo Đáp ở tỉnh Nam Định và một số làng ở huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đứng bên những món đồ chơi Trung thu hiện đại bóng bẩy, những chiếc đèn ông sư hiện lên khá khiêm nhường, nhưng vẫn mang một nét quyến rũ riêng của một món đồ chơi dân gian.
Với những người từng trải qua thời thơ ấu thời kỳ đất nước còn khó khăn, hình ảnh chiếc đèn này sẽ gợi lại hoài niệm êm đềm về những mùa Trung thu mộc mạc, nay đã trở thành dĩ vãng…