Nhiều người khi nhắc đến từ này sẽ nghĩ về “sách” trong “hạch sách”, “sách nhiễu” và đi đến kết luận “sách mé” là cách dùng đúng. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: “Kêu xách mé: Nhè tên tộc mà kêu, vô phép”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng cho biết “xách mé” hay “xách khoé” là “hỏi tên tộc ra” như trong “gọi xách khoé”.

Như vậy từ đúng phải là “xách mé”, với nghĩa ban đầu là “gọi thẳng tên tộc (tên chính của bố mẹ) ra nói (vốn là điều được cho là vô phép)”, sau dần mở rộng ra thành “nói năng hỗn xược, thiếu lễ độ”. Nhưng tại sao là “xách” mà không phải “sách”? Lối viết của Việt Nam tự điển cho ta một gợi ý rất lớn về điều này. Tại đây, hai chữ “xách” và “mé” được liên kết bằng gạch nối, và trong tư liệu này thì cách viết đó cho thấy “xách” và “mé” là hai từ độc lập có nghĩa gần giống nhau.

Học giả Lê Văn Đức có giảng: “Xách: Phần dây rút lên. Xách nước giếng”. Đây chính là nghĩa rộng khai triển từ nghĩa gốc “nắm quai dở hông lên” như trong “xách đồ”. Còn “mé” được học giả này giải thích là “bìa, bờ, tiếng chỉ nơi chỗ dọc theo một dây dài. Mé biển, mé rừng, mé sông”. Như vậy cả “xách” và “mé” đều có ý chỉ những phần ở góc, ở rìa của một thứ gì đó. Vậy “gọi xách mé” là lôi những thứ “ở trong góc”, hay những thứ nhỏ, khuất ra mà nói, do đó mới được liên tưởng đến cách đưa tên tộc ra chửi bới hay sau này là việc cư xử thô lỗ. Trong tiếng Việt cũng có một từ khác cũng được xây dựng theo lối này, đó là “cạnh khoé”.
“Cạnh” là phần biên của một hình, một vật (cạnh bàn), còn “khoé” là một góc của thứ gì đó (khoé miệng, khoé mắt…), nên nói “cạnh khoé” là đụng chạm tới tận cùng, như một sự chì chiết, soi mói. Và như thế “xách khoé” cũng mang nghĩa tương tự.

Tóm lại, “xách mé” mới là từ chính xác, với nghĩa thuần là “đụng chạm, săm soi đến từng góc cạnh”, rồi đến nghĩa chuyển là “đưa tên tộc ra gọi” và nghĩa rộng sau này là “ăn nói thô lỗ, xấc xược”.