Giới kiến trúc trong và ngoài nước đánh giá trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là công trình kiến trúc độc đáo hàng đầu trong số hơn 2.000 công trình cổ do người Pháp xây dựng còn lại ở Đà Lạt.

Tọa lạc ở số 29 Yersin, thành phố Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là công trình kiến trúc duy nhất của Việt Nam được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) đưa vào danh sách 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20.

Ngôi trường này được xây dựng từ năm 1926 cho tới năm 1935 mới hoàn thành và lấy tên Lycée Yersin để ghi nhớ bác sĩ người Pháp gốc Thụy sĩ Alaxandre Yersin – người đã khai sinh thành phố Đà Lạt. Đây là trường dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có theo học.

Điểm nổi bật trong kiến trúc của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm 3 tầng lầu với 24 phòng học. Gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang. Mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp, hiện đã được thay thế do các tấm ngói cũ đã không còn sử dụng được nữa.

Đầu dãy nhà hình vòng cung là một tháp chuông cao 54m. Phía bên ngoài tháp chuông từng có một chiếc đồng hồ cổ nhưng sau thời gian trường tồn đến nay chỉ còn có thể thấy vết tích in lại trên nền gạch đỏ.

Trên đỉnh tháp có một lầu chuông, nhưng không còn chuông do đã bị tháo dỡ trong quá khứ.

Nằm trọn trong lòng thành phố Đà Lạt đầy mộng mơ, ngôi trường nổi bật giữa không gian rộng rãi, thoáng đãng và tràn ngập cây xanh, tạo nên một khung cảnh bình yên và lãng mạn.

Gần như đứng ở bất cứ điểm cao nào của thành phố Đà Lạt nhìn về trung tâm người ta cũng có thể nhìn thấy tháp chuông và biểu tượng kiến trúc cong cong vòng cung của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Giới kiến trúc trong và ngoài nước đánh giá trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là công trình kiến trúc độc đáo hàng đầu trong số hơn 2.000 công trình cổ do người Pháp xây dựng còn lại ở đây.

Có thể nói công trình này là một “báu vật kiến trúc” không chỉ của riêng Đà Lạt mà là của toàn Việt Nam nói chung.