“… Ngành tư pháp là ngành bảo vệ quyền tự do và tài sản của chúng ta theo Hiến pháp”
– Charles Evans Hughes,  Chánh án Tòa án Tối cao 
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,
Diễn văn đọc tại Elmira, New York, 1907

Là ngành thứ ba trong chính quyền liên bang, ngành tư pháp, bao gồm một hệ thống tòa án rải trên khắp đất nước, đứng đầu là Tòa án Tối cao Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Hệ thống các tòa án của bang đã tồn tại từ trước khi Hiến pháp được dự thảo. Trong số các đại biểu tới dự Hội nghị Lập hiến, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề liệu một hệ thống tòa án liên bang có cần thiết không, và liệu nó có nên thay thế các tòa án bang không. Cũng giống như trong nhiều vấn đề được tranh luận khác, cuối cùng người ta cũng đạt được một sự thỏa hiệp theo đó tòa án các bang vẫn được duy trì, trong khi Hiến pháp trao cho tòa án liên bang một quyền lực hạn chế. Điều III của Hiến pháp nêu rõ cơ sở của hệ thống tòa án liên bang như sau: “Quyền lực tư pháp của Hợp chúng quốc được trao cho một Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp”.

Hệ thống tòa án liên bang

Với quan điểm chỉ đạo đó, Quốc hội đầu tiên đã chia quốc gia thành các quận và lập ra các tòa án liên bang cho mỗi quận. Từ bước mở đầu đã tiến dần đến cấu trúc hiện nay: Tòa án Tối cao, 13 tòa phúc thẩm, 94 tòa các quận và 2 tòa xét xử đặc biệt. Quốc hội ngày nay vẫn nắm quyền thành lập và bãi bỏ các tòa án liên bang, cũng như quyền quy định số lượng thẩm phán trong hệ thống xét xử liên bang. Tuy nhiên, Quốc hội không được phép bãi bỏ Tòa án Tối cao.

Quyền tư pháp được mở rộng đối với những trường hợp phát sinh theo Hiến pháp, một đạo luật của Quốc hội, một hiệp ước của Hợp chúng quốc; các trường hợp liên quan tới các đại sứ, công sứ, và lãnh sự của nước ngoài tại Hoa Kỳ, các cuộc tranh cãi trong đó chính quyền Hợp chúng quốc là một bên; và các cuộc tranh cãi giữa các bang (hoặc các công dân của các bang) với nước ngoài (hoặc các công dân hay người dân của nước ấy). Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 11 đã loại bỏ khỏi thẩm quyền xét xử của các tòa liên bang những vụ trong đó các công dân ở một bang là nguyên đơn còn chính quyền của một bang khác là bị đơn. Điều sửa đổi này không làm xáo trộn thẩm quyền xét xử của các tòa liên bang đối với các vụ trong đó chính quyền của một bang là nguyên đơn và công dân của một bang khác là bị đơn.

Quyền của các tòa liên bang mở rộng cả đến các hành vi dân sự đối với những thiệt hại và những trường hợp đền bù khác, cũng như đến các vụ hình sự phát sinh theo luật liên bang. Điều III đã dẫn tới một tập hợp các mối quan hệ giữa các tòa án bang và các tòa án liên bang. Thông thường, các tòa án liên bang không xử các vụ phát sinh theo luật của từng bang riêng lẻ. Tuy nhiên, một số trường hợp mà các tòa liên bang có quyền tài phán cũng có thể được các tòa án bang xét xử và kết án. Do vậy, mỗi hệ thống tòa án này trong một số lĩnh vực đều có quyền tài phán riêng, và trong một số lĩnh vực khác hai hệ thống này lại có quyền tài phán chung.

Hiến pháp bảo vệ sự độc lập trong xét xử bằng việc quy định rằng các thẩm phán liên bang sẽ tại chức “khi có hạnh kiểm tốt” – trên thực tế là cho tới khi họ chết, nghỉ hưu hay từ chức, mặc dù một thẩm phán nếu phạm pháp trong khi đương chức có thể sẽ bị luận tội giống như đối với tổng thống hay các quan chức khác của chính phủ liên bang. Các thẩm phán của Hợp chúng quốc do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn. Quốc hội cũng xác định thang lương của thẩm phán.

Tòa án Tối cao

Tòa án Tối cao là tòa án cấp cao nhất của Hợp chúng quốc và là tòa án duy nhất do Hiến pháp đặc biệt lập ra. Quyết định của Tòa án Tối cao thì không thể được chuyển lên phúc thẩm ở bất kỳ tòa án nào khác. Quốc hội có quyền ấn định số thẩm phán trong Tòa án Tối cao, và với những giới hạn được đặt ra, quyết định loại vụ việc nào Tòa án Tối cao có thể xét xử, song Quốc hội không thể thay đổi các quyền mà chính Hiến pháp đã trao cho Tòa án Tối cao.

Hiến pháp không đề cập đến tiêu chuẩn của các thẩm phán. Mặc dù không có quy định rằng các thẩm phán phải là luật sư, nhưng trong thực tế, tất cả các thẩm phán liên bang và thẩm phán Tòa án Tối cao đều là thành viên của ngành luật.

Kể từ khi Tòa án Tối cao được thành lập cách đây 200 năm, đến nay đã có hơn 100 thẩm phán Tòa án Tối cao. Tòa án Tối cao ban đầu gồm một chánh án và 5 thẩm phán. Trong 80 năm kế tiếp, con số các thẩm phán thay đổi, cho tới năm 1869 nó được cố định là một chánh án và 8 thẩm phán. Chánh án là quan chức điều hành của Tòa, nhưng khi phán quyết thì chỉ có một phiếu như các thẩm phán.

Tòa án Tối cao có quyền xét xử nguyên thủy chỉ trong hai loại trường hợp: những vụ liên quan tới các quan chức cao cấp người nước ngoài và những vụ trong đó có một bang là một bên. Tất cả các vụ khác do các tòa ở cấp thấp hơn chuyển lên Tòa án Tối cao.

Trong số vài nghìn vụ được đệ trình hàng năm, Tòa án Tối cao thường chỉ xử khoảng 150 vụ. Hầu hết các vụ này đều liên quan tới cách hiểu về luật hay ý định của Quốc hội trong việc thông qua một điều luật nào đó. Tuy nhiên, một khối lượng quan trọng trong công việc của Tòa án Tối cao bao gồm việc xác định liệu các đạo luật về lập pháp và hành pháp có tuân thủ Hiến pháp hay không. Quyền thẩm định lại luật như thế không được Hiến pháp quy định cụ thể. Đúng hơn, nó là nguyên lý mà Tòa án Tối cao đã luận ra từ việc đọc Hiến pháp, và đã được nêu lên một cách mạnh mẽ trong vụ kiện mang tính điển tích là vụ Marbury kiện Madison năm 1803. Trong bản tuyên án của vụ này, Tòa án Tối cao cho rằng “một đạo luật về lập pháp đi ngược lại Hiến pháp thì không phải là luật”, và nhận xét tiếp rằng “chắc chắn chức trách và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là phải nói rõ luật là gì”. Nguyên lý này còn được mở rộng để bao gồm trong đó các hoạt động của chính quyền các bang và địa phương.

Kết luận của Tòa án Tối cao không cần phải được sự nhất trí hoàn toàn, chỉ cần đa số đơn giản tham gia vào quyết định, miễn sao ít nhất phải đạt được con số tối thiểu hợp pháp là 6 thẩm phán. Trong những quyết định không đạt được sự nhất trí cần thiết, Tòa án Tối cao thường đưa ra một ý kiến của đa số và một ý kiến của thiểu số – hoặc là ý kiến bất đồng – cả hai ý kiến này đều có thể tạo thành cơ sở cho các quyết định tương lai của Tòa. Nhiều khi, các thẩm phán sẽ viết ra những ý kiến nhất trí riêng biệt khi họ nhất trí với một quyết định, nhưng với những lý do không giống những lý do mà đa số viện ra.

Các tòa án phúc thẩm và tòa án quận

Cấp cao thứ hai trong việc xét xử liên bang gồm các tòa phúc thẩm, được thiết lập năm 1891 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp các vụ xét xử và giảm bớt gánh nặng cho Tòa án Tối cao. Quốc hội đã lập ra 12 tòa phúc thẩm cho các khu vực và Tòa Phúc thẩm Hợp chúng quốc cho liên bang. Số thẩm phán ngồi tại các tòa này chênh lệch nhau rất nhiều (từ 6 cho đến 28 thẩm phán), song hầu hết các khu vực có từ 10 đến 15 thẩm phán.

Các tòa án phúc thẩm xem xét lại các quyết định của tòa án quận (các tòa xét xử với quyền tài phán liên bang) trong khuôn khổ khu vực của mình. Các tòa án này cũng có quyền xem xét lại các lệnh của các cơ quan quản lý độc lập, trong những trường hợp các cơ chế rà soát nội bộ của các cơ quan đã được sử dụng hết và vẫn còn sự bất đồng đáng kể đối với những quan điểm pháp lý. Ngoài ra, Tòa Phúc thẩm liên bang có quyền tài phán trong cả nước – xét xử phúc thẩm những vụ đặc biệt, như những vụ liên quan đến luật cấp bằng sáng chế và những vụ đã được quyết định bởi những tòa có quyền tài phán đặc biệt, bởi Tòa Thương mại quốc tế và Tòa án về Các yêu sách liên bang.

people walking on spiral staircase

Bên dưới các tòa phúc thẩm là các tòa án quận. Năm mươi bang và lãnh thổ của Hợp chúng quốc được chia thành 94 quận sao cho những người liên quan tới việc kiện cáo có thể được hưởng sự xét xử một cách dễ dàng. Mỗi tòa án quận có ít nhất 2 thẩm phán, nhiều tòa có vài thẩm phán, và những quận đông dân nhất có hơn 2 tá thẩm phán. Tuỳ thuộc vào các vụ thụ lý, một thẩm phán của quận này có thể tạm thời làm thẩm phán của một quận khác. Quốc hội ấn định đường ranh giới của các quận theo dân số, diện tích và khối lươùng công việc. Một số bang nhỏ tạo thành một quận, trong khi các bang lớn như New York, California và Texas, mỗi bang có bốn quận.

Trừ ở quận Columbia, các thẩm phán phải là người cư trú tại quận nơi họ phục vụ lâu dài. Tòa án quận duy trì các phiên xử theo định kỳ ở các thành phố khác nhau trong quận.

Hầu hết các vụ kiện tụng và tranh chấp do những tòa án này xét xử đều liên quan tới những sai phạm ở cấp liên bang như lạm dụng thư từ, trộm cắp tài sản liên bang, vi phạm các luật về vệ sinh thực phẩm, hoạt động ngân hàng và các hành vi làm tiền giả. Đây là những tòa án liên bang duy nhất nơi các hội thẩm đoàn “lớn” sẽ kết tội những kẻ bị buộc tội, và các hội thẩm đoàn “nhỏ” sẽ quyết định vụ nào đưa ra xử.

Mỗi quận về mặt tài phán còn có một tòa phá sản Hoa Kỳ, bởi vì Quốc hội đã quyết định rằng các vấn đề phá sản phải được xem xét tại các tòa liên bang chứ không phải tại các tòa án bang. Thông qua quá trình phá sản, các cá nhân hoặc các cơ sở kinh doanh không còn khả năng trả nợ các chủ nợ có thể hoặc yêu cầu thanh toán tài sản dưới sự giám sát của tòa hoặc cải tổ công việc tài chính của mình và đề ra một kế hoạch trả hết nợ.

Các tòa án đặc biệt

Ngoài các tòa án liên bang thuộc quyền tài phán chung, đôi khi cũng cần phải thiết lập các tòa án cho những mục đích đặc biệt. Những tòa án này được gọi là tòa án “lập pháp” do chúng được thiết lập bởi hành động của Quốc hội. Các thẩm phán của những tòa án này, cũng giống như đồng nghiệp của họ ở các tòa án liên bang khác, có nhiệm kỳ cả đời, do sự bổ nhiệm của tổng thống và được sự phê chuẩn của Thượng viện.

Hiện nay, có 2 tòa án đặc biệt có quyền tài phán trong cả nước đối với một số loại nhất định các vụ án. Tòa Thương mại Quốc tế sẽ xử những vụ liên quan đến thương mại và thuế quan quốc tế. Tòa án về Các yêu sách liên bang có quyền tài phán đối với hầu hết các yêu sách về thiệt hại tiền bạc đối với Hợp chúng quốc, những tranh chấp về các hợp đồng liên bang, những việc chính quyền liên bang “chiếm giữ” tài sản riêng một cách không hợp pháp, và nhiều loại yêu sách khác đối với Hợp chúng quốc.