Khi nghe tiếng động cơ phản lực lao trên đường băng, bạn sẽ trải qua cảm giác hẫng khi bắt đầu rời khỏi mặt đất và di chuyển hàng tiếng đồng hồ ở độ cao hàng chục nghìn mét so với mặt nước biển, ai cũng bật lên trong đầu câu hỏi: Đi máy bay có an toàn không?

Những con số “biết nói” về an toàn hàng không 

Thống kê trên thế giới cho biết, với những người mắc bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong sẽ là 50%; với người hút thuốc trước tuổi 35, tỷ lệ là 1/600 người; tỷ lệ tai nạn chết người đường bộ liên quan đến ô tô là 1/14.000, liên quan đến xe đạp là 1/88.000. Tỷ lệ tử vong do tai nạn đường sắt là 1/1 triệu; do sét đánh là 1/1,9 triệu; do ong châm là 1/5,5 triệu và con số đối với hàng không chỉ là 1/7 triệu lượt hành khách.

Kể từ năm 2011 đến 2018, số lượng các chuyến bay hàng không trên thế giới đã tăng khoảng 20 lần, nhưng tỷ lệ tai nạn và tử vong trên loại phương tiện này vẫn chỉ ở mức quanh mức 1/7 triệu. Điều này cho thấy mức độ an toàn của ngành không vận thương mại thế giới ngày càng cao.

Cuối năm 2018, 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar đã được Airlineratings.com (website uy tín thế giới về việc đánh giá mức độ an toàn, chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu) đánh giá và xếp hạng đạt mức an toàn cao nhất (7/7 sao). Như vậy, ngành Hàng không Việt Nam đã và đang duy trì tốt thành tích 21 năm liên tục đảm bảo an toàn không để xảy ra tai nạn tàu bay được cộng đồng quốc tế công nhận.

An toàn hàng không - Đi máy bay an toàn đến mức nào? - Ảnh 1.

Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines – ba hãng hàng không của Việt Nam được xếp hạng cao nhất 7/7 sao về an toàn hàng không quốc tế bởi tổ chức uy tín AirlineRatings.

Những tiêu chí “khắt khe” của an toàn hàng không

Máy bay hiện đại được thiết kế, thử nghiệm và sản xuất nhằm đạt tới các tiêu chuẩn an toàn cực cao. Để được phê chuẩn một thiết kế, các nhà chế tạo phải chứng minh được khả năng an toàn của phương tiện ngay cả khi bộ phận, máy móc chính gặp sự cố hoặc hư hỏng trong khi đang vận hành.

Trong quá trình thử nghiệm và phê chuẩn máy bay, các phi công thử nghiệm có lúc phải tắt hết động cơ trong khi bay để kiểm tra, đo đạc tính năng “lượn” và hạ cánh không động cơ. Họ còn thực hiện nhiều đề bài thử nghiệm nguy hiểm khác để đảm bảo thiết bị bay an toàn trước khi đem ra sử dụng thương mại.

Tháng 12/2018, một chiếc máy bay đã mất không chỉ một mà cả 2 động cơ khi bay từ Kinshasha đến Brussels (Bỉ). Động cơ bên trái dừng hoạt động khiến phi công phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và hạ độ cao từ 40.000 ft xuống 27.000 ft để hỗ trợ động cơ hoạt động trở lại. Khi tiếp tục hành trình, động cơ bên phải lại gặp sự cố, và lần này, phi công đã cho máy bay quay về nơi xuất phát và hạ cánh an toàn.

Một số sự cố không mong muốn vẫn thường xảy ra như việc máy bay quay đầu kiểm tra kỹ thuật, hay chuyến bay chuyển hướng do thời tiết, kéo theo việc trễ hoặc hủy chuyến. Chắc chắn hãng hàng không nào cũng muốn đảm bảo đúng thời gian và lịch bay đã cam kết, tuy nhiên, so với điều đó thì các tiêu chí an toàn bay vẫn luôn được đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn dù chi phí thiệt hại rất lớn.

An toàn hàng không - Đi máy bay an toàn đến mức nào? - Ảnh 2.

Các hãng hàng không Việt Nam nỗ lực không ngừng để đảm bảo an toàn hàng không.