Từ thời xa xưa, với điều kiện thiên nhiên trù phú, Người Việt sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tự nhiên. Vì vậy, việc thờ cúng thiên nhiên đã sớm trở thành tập tục lâu đời và quan trọng trong đời sống tôn giáo. Hơn nữa, Việt Nam lại là ngã ba nơi giao lưu của nhiều tộc người, của nhiều luồng văn minh. Mỗi tôn giáo khi được du nhập vào Việt Nam đều được cải biên, trở nên gần gũi hơn với tập tục và tư tưởng bản địa.

Tín ngưỡng phồn thực xuất hiện từ thuở sơ khai của sử Việt. Với sự quan trọng của ngành lúa nước, nuôi trồng, chăn nuôi, các tộc người Việt tôn thờ biểu tượng về âm – dương, sự dung hòa giữa trời và đất, và sự nảy nở sinh sôi của vạn vật. Tín ngưỡng phồn thực (phồn nghĩa là nhiều, thực nghĩa là nảy nở) được tìm thấy trong tranh ảnh dân gian như tranh Đông Hồ, Bắc Ninh, với hình ảnh trâu, lợn, gà, cá; hay trong các sản phẩm văn hóa lâu đời như hình ảnh nam nữ đang giao phối được khắc trên mặt trống đồng tìm được ở làng Đào Thịnh (Yên Bái), có niên đại 500 TCN. Phong tục “giã cối đón dâu” cũng là một biểu hiện cho tín ngưỡng phồn thực, chày và cối là biểu tượng cho sinh thực khí nam và nữ. Ngoài ra một số nơi còn vừa giã cối (rỗng) vừa hát giao duyên.

Tín ngường sùng bái tự nhiên: Thiên nhiên của người Việt chính là mẹ, là hình tượng vị nữ thần vạn năng đem lại no ấm, trù phú và bảo hộ cho từng con dân. Điều này được tìm thấy rõ nét trong tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu, được hình thành từ ảnh hưởng của Đạo Giáo Trung Hoa, kết hợp với tập tục thời Nữ Thần từ thời tiền sử. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được thờ phụng, là điều khá đặc biệt khi đặt vào bối cảnh đất nước chịu nhiều giáo điều, lễ nghi Nho giáo.

– Thờ tam phủ, tứ phủ: Bà Trời (hay Mẫu Thượng Thiên), Bà Chúa Thượng (hay Mẫu Thượng Ngàn), Bà Nước (hay Mẫu Thoải) và Mẫu Địa Phủ.
– Thờ tứ pháp:
Pháp Vân (thần mây) thờ ở chùa Bà Dâu
Pháp Vũ (thần mưa) thờ ở chùa Bà Đậu
Pháp Lôi (thần sấm) thờ ở chùa Bà Tướng
Pháp Điện (thần chớp) thờ ở chùa Bà Dàn

Tín ngưỡng nhân thần: Người Việt coi trọng sự sống chết, tin rằng bản thể con người gồm 2 phần: hồn và xác. 3 hồn gồm có: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Các câu nói trong dân gian như “sống khôn chết thiêng” giải thích về yếu tố thờ nhân thần mạnh mẽ trong đời sống tâm linh Người Việt. Người Việt Nam thờ tự cẩn trọng từ tổ tiên ông bà, thành hoàng làng, tổ nghề, tứ bất tử, đến các danh nhân và anh hùng.

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt cha ông không thờ. (Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên)

Tuy Người Việt nói chung vẫn giữ những phong tục như thờ tự, lễ bái, xong hầu hết lại không theo một giáo lý, hay tôn giáo nào cụ thể. Sự pha trộn của tôn giáo và các tín ngưỡng dân gian, với sự mù mờ về niềm tin liệu có trở thành một vấn nạn cho dân tộc? Hay sẽ là không gian cho Việt Nam phát triển về mặt kinh tế và hội nhập về mặt tri thức?

Nhưng suy cho cùng, sự thờ tự đối với tự nhiên tất sẽ mang đến một nền tảng đạo đức vững vàng đối với công cuộc phát triển bền vững. Hay như việc ghi nhớ công ơn của tổ tiên ông bà, và những anh hùng, hào kiệt chính là cơ sở của truyền thống uống nước nhớ nguồn và là phẩm chất quý giá của dân tộc Việt Nam.