Là một trong những người Việt Nam đầu tiên du học ở Pháp về, Hoàng Trọng Phu đã có một tầm nhìn mới về văn hóa và kinh tế đương thời. Quan trọng và đáng quý là ông đã có nhiều đóng góp thiết thực để phát triển kinh tế và văn hóa ở Hà Đông mà ông có gần 30 năm làm Tống đốc.

Tổng đốc Hoàng Trọng Phu: từ làng nghề Hà Đông đến lập ấp ở Đà Lạt

Trạm xe điện trên con đường chính ở Hà Đông, thập niên 1920

Tổng đốc Tây học

Hoàng Trọng Phu (1872 – 1946) tự Văn Mệnh, hiệu Hoa Liễu Lâu, quê ở làng Đông Thái, xã Việt Yên hạ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay là làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con Hoàng Cao Khải – Khâm sai Kinh lược Bắc ký; em Hoàng Mạnh Trí – Tổng đốc Nam Định. Bố vợ cả của Hoàng Trọng Phu là Phan Đình Vận, em trai Phan Đình Phùng; bố vợ thứ là Tổng đốc Đỗ Hữu Phương.

Năm 1888, Hoàng Trọng Phu được chính quyền thuộc địa Pháp cử sang học trường Thuộc địa (École Coloniale) tại Paris (Pháp) cùng với Thân Trọng Huề và Lê Văn Miến.

Lúc mới về nước, vì có cha đang làm quan, nên ông chỉ làm thông ngôn cho vua Thành Thái một thời gian ngắn. Năm1897, ông làm Án sát Bắc Ninh, giảng dạy trường Hậu bổ rồi Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên). Năm 1906, ông làm Tổng đốc Hà Đông đến năm 1937 thì về hưu và mất năm 1946. Do có nhiều công lao với Nam triều, ông được phong Võ hiển điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo, nên được gọi là cụ Thiếu Hà Đông.

Theo một số nhà nghiên cứu thì bên cạnh việc thực thi nhiệm vụ của một quan chức trong chế độ lúc đó, ông là người có tinh thần dân tộc. Ông cùng với anh trai Hoàng Mạnh Trí là Tổng đốc Nam Định đều âm thầm hỗ trợ Phong trào Đông Du bằng cách làm lơ cho Hội Duy tân tuyển chọn và đưa người sang Nhật du học trên địa bàn hai tỉnh này (?).

Hoạt động văn hóa xã hội

Hoàng Trọng Phu làm Tổng đốc Hà Đông nhưng tham gia nhiều hoạt động chính trị văn hóa xã hội có tư tưởng tiến bộ. Ông cổ súy phong trào chấn hưng Phật giáo tại Bắc kỳ những năm 1930. Ngày 18/11/1934, Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập, Hoàng Trọng Phu là Danh dự Hội trưởng (người Nam) và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc xuất bản các Tập Kỷ Yếu (4 số) tạp chí Đuốc Tuệ (255 số) của Hội. Tạp chí này do ông Nguyễn Năng Quốc làm Chủ nhiệm, sư cụ Phan Trung Thứ và sư cụ Dương Văn Hiền thay nhau làm chánh chủ bút, Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký, được đánh giá có nội dung vượt trội hơn so với các báo chí Phật giáo khác bởi có sự tham gia của nhiều trí thức uyên thâm nổi tiếng như Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Thiều Chửu…

Ông còn cho trùng tu các danh thắng như chùa Trầm ở Chương Mỹ, chùa Bút Tháp phủ Thuận Thành (Bắc Ninh); Chùa Bảo Đài (thuộc quần thể chùa Hương tích (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Tại đây vẫn còn lưu bia ghi về việc này. Ông mở mang xây dựng ấp Thái Hà, đặc biệt khu lăng mộ của Hoàng Cao Khải và gia tộc họ Hoàng với kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1961.

Ông là thành viên Hội đồng quản lý Hội Khai trí Tiến đức – một hiệp hội tư lập từ năm 1919 với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam, chủ trương mở rộng con đường thâu nhận kiến thức Tây phương để phát triển xã hội, đề cao tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, danh nhân văn hóa.

Ông còn là Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Bản xứ Bắc Kỳ.

Với “Nghề truyền thống Hà Đông”

Tổng đốc Hoàng Trọng Phu là người rất yêu và dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu và phát triển các nghề truyền thống ở Hà Đông. Ông nhìn thấy không chỉ các giá trị văn hóa độc đáo của các nghề, làng nghề mà cả ý nghĩa, vai trò kinh tế của nó với đời sống dân sinh. Ông đã viết cuốn Les Industries Familiales de Hadong (Nghề truyền thống Hà Đông) mô tả chi tiết về các làng nghề truyền thống của tỉnh Hà Đông. Ông thống kê được toàn tỉnh Hà Đông có 136 ngành nghề thủ công với nhiều sản phẩm nổi tiếng, nhất là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren. Trong Lời nói đầu, đề tại Hà Đông ngày 15-7-1932, ông viết: “Trong các tỉnh ở Bắc Kỳ, hình như Hà Đông tập hợp được phần lớn các nghề có tầm quan trọng đặc biệt bởi sự đa dạng và sự phát triển của ngành nghề. Những đồ dùng bằng đồi mồi, đồ gỗ, và nhất là the lụa và hàng thêu của Hà Đông được tất cả người sành ưa chuộng”.

Không dừng lại đó, ông đã đóng góp nhiều công sức phát triển các làng nghề, góp phần giải quyết vấn đề dân sinh. Ông đã khôi phục các làng nghề cho tỉnh Hà Đông vốn đã nổi tiếng với “the La, lụa Vạn, chồi Phùng”. Ông quan tâm phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc trở thành một “mô hình” mẫu về kinh tế làng nghề thủ công. Ông mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Nhân Hiền, phủ Thường Tín về làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bách nghệ; thành lập Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Ông cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự triển lãm tại Paris (Pháp). Nhiều lần chính ông đã chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham gia triển lãm ở Paris. Nhờ đó làng nghề ngày càng phát triển, sản phẩm ngày càng nhiều, càng tốt, đời sống của người dân khấm khá hơn nhiều.

Để mở mang thêm ngành nghề và nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, ông còn chọn các nghệ nhân đưa sang Trung Quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc, nghề bạc. Để tôn vinh và quảng bá sản phẩm, ông mở bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân ở La Cả, La Khê.
Khi đã về hưu, vì muốn có người tâm huyết tiếp tục phát triển các ngành nghề thủ công tại Hà Đông nên ông đã đề nghị với triều đình Huế đưa con rể là Tiến sĩ Luật khoa Hồ Đắc Điềm lúc đó đang là Án sát tỉnh Bắc Ninh về làm Tổng đốc vào năm 1941.

Lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt

Năm 1937, Quản đạo Đà Lạt là Trần Văn Lý nhận thấy Đà Lạt là vùng khí hậu mát mẻ, nhiều đất hoang chưa khai phá, nhu cầu rau quả tươi sống của người Pháp cũng tăng lên, trong khi nông dân miền Bắc lại thiếu đất canh tác nên đã đề nghị Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đồng thời kiêm Chủ tịch Ủy ban Tương tế xã hội Trung ương Bắc Kỳ di dân vào lập ấp tại Đà Lạt. Ông nhận lời đề nghị này và giao cho Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông là Lê Văn Định xây dựng kế hoạch và chuẩn bị thực hiện.

Ngày 29/5/1938, nhóm cư dân Hà Đông đầu tiên gồm 33 người (27 nam, 6 nữ) là những nông dân khỏe mạnh thạo nghề làm vườn của các làng xã ven Hồ Tây được huấn luyện kỹ càng thêm phương thức canh tác tiên tiến theo mô hình châu Âu lên tàu hỏa vào Đà Lạt. Đầu năm 1939, thêm 19 người vào ấp. Từ năm 1940 đến năm 1942, lại thêm 47 người. Nhiều người đã chủ động xin vào ấp, có trường hợp đích thân Tổng đốc Hoàng Trọng Phu viết giấy giới thiệu vào. Cuối năm 1943, ấp Hà Đông đã có 57 gia đình và trở thành những người đầu tiên mở ra nghề trồng hoa và trồng rau của Đà Lạt.

Năm 1940, Hoàng Trọng Phu vào thăm ấp. Bà con xin được lấy tên ông đặt tên cho ấp nhưng ông đã khéo léo từ chối và đề nghị bà con nên lấy tên là ấp Hà Đông để mai sau con cháu nhớ về cội nguồn.

Trước đó, khi làm Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), Hoàng Trọng Phu đã lập ấp Quế Võ (Bắc Ninh), tuyển chọn và đưa dân làng Đông Thái (thuộc xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) ra khá đông.

Mới đây, trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926 – 2010), NXB Hà Nội (2014) đã dẫn lại đánh giá về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu của viên Công sứ Pháp ở Hà Đông như sau: “Bằng cách đem lại mối lợi, ông đã thành công trong việc thắt chặt dây liên lạc giữa các gia đình, hướng tâm trí người ta vào việc làm ăn, xua đuổi sự nhàn rỗi thường là nguyên nhân sinh ra nhiều tật xấu. Nền kinh tế phát triển giúp cho ông quan đầu tỉnh bản xứ rất lớn trong công việc cai trị về phương diện chính trị”.

Tổng đốc Hoàng Trọng Phu là một trường hợp khá đặc biệt trong hàng ngũ quan lại dưới chế độ thuộc Pháp. Vượt lên chức trách cai trị của một vị quan, chắc hẳn ông có một tầm nhìn sâu sắc về văn hóa và kinh tế mới có thái độ và những việc làm hữu ích.