Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt và đi vào lòng dân chúng nhiều nhứt trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín trong một quốc gia lúc đó dân số chưa đầy 15 triệu với đường xá lưu thông không thuận tiện, sách báo in ở Sàigòn lưu hành ra Trung và Bắc không phải là chuyện sanh lợi.
Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in với số lượng bao nhiêu thì phải nói là cơ man. Khi chữ quốc ngữ phát triển đã vững vàng thì quyển sách nầy lại là món hàng được các nhà xuất bản ưa chuộng.Tại sao quyển truyện khổ nhỏ mỏng chưa tới 100 trang nội dung thì chẳng có gì gọi là hấp dẫn lại có sức thu hút như vậy?
1- Giáo dục về luân lý. Cho người đọc thấy những bài học tốt dùng trong cách ở đời của cả nam lẫn nữ, các ứng xử phải đạo vào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin, chớ cho rằng mình hay giỏi…
2- Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện cố gắng làm văn chương một cách kịch cỡm, mặc dầu làm văn chương không hẵn là xấu, ông chỉ sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của giới bình dân (lo đái ra cây, tưởng đã xong đời, dồi quách, lẻo đẻo theo quấy, đút trây, trơ trơ mặt địa, đói xơ mép…). Người đọc đón nhận nồng nhiệt cũng vì lẽ đó. Nó gần gũi với người đọc trong từng câu chuyện đã đành, nó còn không cách xa về ngôn từ để kén chọn độc giả như là những tác phẩm bác học kiểu Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tần Cung Nữ Oán Bái Công, Lưu Nữ Tướng, Dương Từ Hà Mậu, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lôi Phong Tháp, Tây Du Diễn Truyện…. Nó cũng dễ bắt ta tiếp tục đọc cho tới hết quyển, trái với những tác phẩm lớp trung lưu mà những nhà làm văn học sử gọi là tác phẩm bình dân như Trần Đại Lang, Trinh Thử, Trê Cóc, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lý Công, Nữ Tú Tài, Nhị Độ Mai, Phan Trần…
Đó là nói về lời văn. Ở mặt sự kiện trong truyện, tác giả còn khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng hầu hết là vào đầu thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy, không thể hiểu cho tường tận do sự thay đổi của xã hội (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, đèn ló của ăn trộm, mõ ống, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể, thách cưới, ăn chè trưa, thầy pháp trừ tà…).
Sách viết hơn trăm năm trước, bằng tiếng dùng hằng ngày của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự giải thích những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời. Bản đánh máy được cẩn thận dò theo bản in năm 1914 được phóng lớn để tránh sơ sót và có thể đính chánh một vài trường hợp chữ in sai của bản in 1914.
Trong sự chú giải chúng tôi chú trọng trên những từ địa phương miền Nam vốn càng ngày càng xa lạ với người Trung, Bắc. Những cách nói địa phương cũng được lý giải nếu bỏ qua người đọc sẽ khó hiểu. Một vài cách nói nay đã thay đổi, một vài trường hợp chữ nay đã biến mất chúng tôi cũng ghi nhận mặc dầu có vẽ như hơi xa mục đích của chú giải.
Về phần nội dung thì đại khái nhân vật được nói đến có hai loại, Người và thú vật.
Chuyện thú vật tương đối ít, chỉ có 13 chuyện trên tổng số 74 như: Con chồn với con cọp-c1, Con cóc tía với con cọp và con khỉ-c3, Cọp bị đá-c25, Cọp mắc đuôi trong buội dừa nước-c26, Ăn trộn và Cọp rình nhà-c27, Con chó và con gà-c31, Cọp mắc bẩy không ai thèm cứu-c53, Ruồi, muỗi chim sắc với con rùa-c54, Con cóc với chuột-c55, Hữu dõng vô mưu-c56, Mưu trí hơn là sức mạnh-c62, Con thỏ gạt con cù-c65, Cọp mắc mưu thỏ-c66, Chó sói và chồn-c71.
Với tỷ số 13/74 truyện loài vật, quá ít so với truyện con người nên ông Trương Vĩnh Ký có lý khi đặt tên quyển sách của mình là Chuyện Đời Xưa mà không phải là Chuyện Ngụ Ngôn. Nhìn chung hầu hết là chuyện về con cọp, với chuyện con cù phụ thêm: mạnh nhưng không khôn, thường bị chúng gạt tới bị gánh nạn cũng như bị lợi dụng. Chắc chắn rằng ông Trương có dụng ý gì đó ngoài sự dạy khôn người đời, chẳng hạn như sức mạnh của thực dân Pháp không bằng trí khôn của chồn, của thỏ, của người nông phu tượng trưng cho dân Việt. Điều nầy có thể tin được nếu ta để ý đến nhiều yếu tố khác ngoài đời của tác giả, hay hành động can trường của ông khi cho đăng bài Vè Nằm Dỏ trên Miscellannées số 4 năm 1889 có những câu rất là nhạy cảm:
Từ ngày có giặc Lang Sa, Muôn dân thiên hạ nhà nhà đảo điên. Dân tình ai nấy ưu phiền, Sưu cao thuế nặng quan truyền vô đây. Ngày thì bồi lội đông tây, Tối thì ra dỏ, roi dây hẵn hòi…
Truyện loài vật chiếm 13, nhưng chuyện cọp gần cả chục, lý do vì thời Trương Vĩnh Ký cọp quá nhiều ở Đồng Nai và vùng lân cận, sách Đại Nam Thống Nhứt Chí, Lục Tỉnh Nam Việt biên thuật trước đó vài chục năm ghi nhận nhiều chuyện về cọp tới sát nách chỗ dân cư.
Chuyện về người tương đối nhiều 61/74 kể đủ thứ: Người khờ khạo, người ‘đi bạn’ khùng, anh sợ vợ, tên nói láo gạt người, gả hà tiện tới chết không chừa, kẻ ba xạo để kiếm chút cơm, người tham ăn với con với dâu với vợ, ông thầy dốt chữ tham ăn, ông thầy pháp sợ ma, quan lại ăn hối lộ bị nói xâm chưởi xéo, con gái ham chồng làm quan lớn…. Đủ hết bức tranh xã hội về mặt tiêu cực của mọi thời. Chọn mặt tiêu cực nhiều vì như ông đã nói trong phần Ý Sách chuyện Đời Xưa: ‘… ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn nết ở cho tử tế.’
Đây không phải là Chuyện Giải Buồn, cũng không phải là Chuyện Tiếu Lâm, đây là những chuyện có tính cách luân lý, khác với những chuyện của Thọ An Phạm Duy Tốn (Tiếu Lâm An Nam, Ích Ký, Hanoi, 1924) khác xa với những chuyện của Trần Phong Sắc và Huỳnh Khắc Thuận (Tân Tiếu Lâm, J. Viet, Saigon, 1918).
Tiện đây cũng xin chép lại phần quan trọng trong lời tựa quyển sách của Trần Phong Sắc: ‘Phàm chuyện Tiếu lâm, Khôi hài, là chê sự xấu, biếm kẻ lỗi, làm cho người có tịch ấy biết mất cở mà sửa mình, chớ không phải coi cho nực cười mà thôi. Bởi cớ ấy, nên các nước đều có sách Tiếu lâm, chuyện Khôi hài. Một là sửa phong tục hai là giúp sự vui cho mấy vị trưởng lão, có tuổi tác không đi chơi bời đặng thì nghe con cháu đọc chuyện ấy mà cười cho vui.’
Trương Vĩnh Ký chỉ chú ý đến mặt luân lý sửa đời, Phạm Duy Tốn cũng như Trần Phong Sắc thêm yếu tố làm cho người ta nực cười nên sự châm chọc mạnh bạo hơn, tính chất dung tục nhiều khi cũng đậm đà trong khi đó sự châm chọc bao biếm ở Trương Vĩnh Ký nhẹ nhàng và yếu tố tục không có….
Bản in nầy cũng nhằm đáp ứng lời yêu cầu của một vài cựu học sinh trường Petrus Ký khi họ tỏ ra tiếc rằng mình không hiểu nhiều chỗ khi đọc quyển Chuyện Đời Xưa hay thậm chí không tìm thấy quyển nầy để đọc.
Nhân kỳ in nầy chúng tôi cũng xin cúi đầu tạ ơn nhà văn hóa Vương Hồng Sển, vị thầy cũ của tôi ở trường Đại học Văn Khoa Sàigòn ngày trước, nhờ ông trân trọng giữ gìn bản in quí năm 1914 nên chúng tôi mới có cơ hội sửa đúng lại theo nguyên văn bản cũ.