Đến đầu thế kỷ 19, Sơn Nam Hạ vẫn là một trong những trọng trấn của cả nước. Năm 1822, trấn Sơn Nam Hạ đổi thành trấn Nam Định. Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính trên quy mô toàn quốc, chia cả nước thành 30 tỉnh, trấn Nam Định được đổi thành tỉnh Nam Định.
Vua Gia Long có chủ trương từ Gia Định trở ra, nơi nào có trụ sở hành chính của tỉnh thì phải xây thành. Thành Nam Định ban đầu được đắp bằng đất, hình vuông theo kiểu Vauban, đến năm Minh Mệnh 14 (1833) được xây bằng gạch, trên địa phận làng Vị Xuyên và Năng Tĩnh, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Khu nội thành hình vuông, bên trong thành có điện Kính Thiên, chùa Vọng cung, đình Vọng cung, dinh Tổng đốc, dãy nhà kho lương thảo. Sát cửa phía Tây là nhà tù, trại giam. To lớn hơn cả là Cột cờ (còn gọi là Kỳ đài), khởi dựng vào năm Nhâm Thân, Gia Long thứ 11 (1812), đến năm Quý Mão (1843) thì hoàn thành. Năm Tự Đức 26 (1873), bộ Công đã chi “22 quan 9 mạch” để mua vải, thuê thợ may cờ mới “Bộ Công tâu: Ngày 15 tháng này, nhận được tư văn của tỉnh thần Nam Định Nguyễn Hiên trình rằng, Kỳ đài tỉnh đó trước có phụng giữ một lá cờ vải màu vàng, do may lâu năm nên đã cũ rách, không thể treo được nữa. Thần tỉnh đó đã kiểm tra thấy đúng, nghĩ nên chi vật liệu theo mẫu để sử dụng, đã chi 22 quan 9 mạch tiền kho để mua 67 thước vải rộng 1 thước 2 tấc, vải Tây dương loại vải thô hạng 3 và 3 tiền chỉ tơ thuê 2 công thợ theo đúng mẫu để may cờ. May xong thì giao cho Kỳ đài phụng giữ, còn cờ cũ xin tiêu hủy…”.[1]
Trích bản Tấu của bộ Công ngày 19 tháng 9 năm Tự Đức 26 về việc chi tiền may cờ mới để treo ở Kỳ đài tỉnh Nam Định/TTLTQGI
Sơ đồ Thành cổ Nam Định do Henri Rivière vẽ năm 1883/Bảo tàng tỉnh Nam Định
Sự xuất hiện hàng loạt các công trình dinh thự, công sở của nhà nước và sự mở rộng khu vực sinh sống, buôn bán của người dân đã làm thay đổi diện mạo và quy mô của tỉnh lỵ Nam Định. Tỉnh lỵ Nam Định trở thành một trong những đô thị trọng điểm của miền Bắc Việt Nam – đô thị Thành Nam.
Sau khi chiếm được Nam Định, người Pháp đã cho bạt thành lấp hào, quy hoạch lại thành phố.[2]
Thư số 245 ngày 05/7/1905 của Công sứ Nam Định gửi Thống sứ Bắc Kỳ xin lấp sông, bạt thành, lấy đất để quy hoạch và chỉnh trang thành phố/Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân công của nhiều làng nghề dệt thủ công truyền thống, người Pháp đã đầu tư xây dựng tại Nam Định một nhà máy dệt lớn nhất cả nước.[3]
Sơ đồ Nhà máy Dệt Nam Định/Bảo tàng tỉnh Nam Định
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã biến Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bắc Kỳ nói riêng và toàn xứ Đông Dương nói chung. Trên cơ sở đó, ngày 17/10/1921, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập thành phố Nam Định[4]. Nghị định này cũng chính là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, trường học, nhà máy, xí nghiệp lớn đồng thời thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu phố[5].
Bản đồ thành phố Nam Định năm 1924/ Sưu tầm
Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, diện mạo đô thị Thành Nam đã có nhiều đổi thay với sự kết nối hài hòa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Thành Nam, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn riêng cho mảnh đất và con người Thành Nam nay.
[1] TTLTQGI/CBTBN/Tập 253 tờ 358;
[2] TTLTQGI/RST/59882;
[3]TTLTQGI/Tư liệu/S988;
[4]TTLTQGI/RST/78821;
[5]TTLTQGI/RST/78837;