Con người sống trên thế gian quý nhất là có thể thủ giữ được “trung, hiếu, lễ, nghĩa”. Làm người được như vậy mới có thể “ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn với người”, mới có thể ngẩng đầu lập thân giữa trời đất.

Lưu bản nháp tự động
(Tranh minh họa qua Kknews.cc)

Một người bình thường rất khó tránh khỏi việc có lúc làm sai sự tình nào đó, sau rồi lại thấy hối hận khôn xiết. Sự thất bại trong sự nghiệp hay sự thiếu hụt về kỹ thuật sẽ không khiến người ta bị hổ thẹn quá lâu trong lòng. Nhưng con người một khi đã làm ra chuyện thất đức hoặc chuyện xấu tổn hại thiên lý thì lương tâm người đó sẽ không được bình an. Thậm chí đời này, người ấy sẽ sống trong lo âu, thấp thỏm và hổ thẹn mãi không thôi. Quả thực là trong lòng có hối hận cũng không còn kịp!

Bởi vậy, cổ nhân vô cùng coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cá nhân, xếp việc “tu thân” là đứng đầu trong “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Họ luôn tâm niệm trong mình đạo làm người “Ngưỡng bất quý vu thiên, phủ bất tạc vu nhân”, ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn với người.

Một người nếu có thể lấy “ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn với người” làm chuẩn tắc đạo đức làm người, làm việc, thời thời khắc khắc ước thúc tư tâm và dục vọng của bản thân thì cuộc đời người ấy sẽ không lâm vào cảnh “hổ thẹn không dám ngẩng mặt nhìn người”.

“Ngưỡng bất quý vu thiên, phủ bất tạc vu nhân” nguyên là câu nói xuất ra từ cuốn “Mạnh Tử. Tẫn tâm thượng”. Câu nói mang hàm nghĩa rằng, nếu một người mà trong đối nhân xử thế luôn thẳng thắn vô tư, chính trực thì trong tâm người ấy sẽ không cảm thấy hổ thẹn với trời đất, với người khác.

Cảnh giới suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, cho nên mỗi người sẽ có cách nhìn nhận về sự khoái hoạt, sung túc là khác nhau. Đối với sự khoái hoạt, Mạnh Tử cũng có những yêu cầu không giống với một người bình thường. Trong “Mạnh Tử. Tẫn tâm thượng”, Mạnh Tử viết: “Người quân tử có ba loại niềm vui, trong đó làm vương thiên hạ không phải là niềm vui của người quân tử. Niềm vui thứ nhất là cha mẹ khỏe mạnh, anh em không gặp phải tai họa. Niềm vui thứ hai là ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không hổ với người. Niềm vui thứ ba là giáo dục được nhân tài vĩ đại.”

Tư tưởng này của Mạnh Tử cũng tương đồng với tư tưởng của Khổng Tử về hạnh phúc “Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiểu giả hoài chi”, nghĩa là người bề trên an lòng, bạn bè tin tưởng tín nhiệm, con trẻ yêu mến.

Các bậc thánh hiền thời cổ đại có cái nhìn rất đơn giản về sự khoái hoạt và sự sung túc. Theo họ, sự khoái hoạt và sung túc của một người là gắn liền với cảnh giới tinh thần của người đó. Bởi vậy, trong cuộc sống, nếu một người muốn thực sự hạnh phúc và đầy đủ trong tâm thì phải bắt đầu từ việc thực sự tu tâm dưỡng tính, lấy “ngửa mặt không thẹn với trời, cúi mặt không thẹn với người” làm kim chỉ nam để làm người.

Từ tư tưởng, suy nghĩa của một người cũng có thể hiểu được nhân phẩm, học vấn, tu dưỡng và khát vọng của người ấy. Nếu một người mà đường đường chính chính, lòng mang thiện lương, khoan dung nhường nhịn, thì tự nhiên sẽ không hổ thẹn với lương tâm, cũng sẽ không khó để làm được “cúi mặt xuống không thẹn với người”.

Nhưng một người muốn làm được “ngửa mặt lên không thẹn với trời” thì phải hiểu biết thiên lý, đạo lý nhân sinh. Nhà Phật có câu chuyện cổ kể rằng, xưa kia có một nho sinh trẻ tuổi đến gặp một vị cao tăng để xin chỉ dạy. Anh ta hỏi rằng vì sao trong cuộc sống, có rất nhiều việc sau khi anh ta làm xong rồi lại thấy hối hận mãi.

Vị cao tăng đáp rằng: “Đời người có mười loại hối hận. Gặp thầy mà không học, gặp người hiền tài mà không kết giao, không hiếu thuận với người bề trên, không trung thành với chủ, gặp việc nghĩa mà không làm, thấy người gặp nguy mà không cứu giúp, có tài năng mà không kịp thời thi triển, yêu nước mà không kiên trung, không tin nhân quả, gặp chính đạo mà không tu.”

Vị cao tăng nói xong lại hỏi nho sinh kia: “Vậy cậu xem, trong mười loại ấy, cậu thuộc loại nào?”

Nho sinh nghe xong, liền đáp: “Xem ra mười loại hối hận này, tôi có đủ cả. Nhưng tôi không biết phải làm người như thế nào mới cải biến được, xin cao tăng khai thị chỉ giúp!”

Vị cao tăng cười và đáp: “Điều này rất đơn giản! Trong mười loại hối hận ấy, cậu chỉ cần thay chữ “không” thành chữ “phải” là được. Làm được như vậy, đời này cậu sẽ không phải hối hận!”

Kỳ thực, đời người có những sai lầm là có thể nhận ra sửa chữa được, nhưng có những sai lầm thì vĩnh viễn không thể sửa chữa và vãn hồi được tổn thất. Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, rất nhiều người vì bị đắm chìm trong danh, lợi, tình mà mê lạc mất sinh mệnh của mình, làm ra những chuyện “thương thiên hại lý”. Một người chỉ có coi trọng đức, hiểu được mục đích chân chính của làm người, kiên trì bước đi trên con đường hướng tới mục đích ấy thì mới có thể thực sự không hối hận.

Theo SecretChina.com