Lợn trong văn học Việt Nam

Có thể nói, lợn là một trong lục súc rất quen thuộc với đời sống của người dân quê Việt Nam. Sự gần gũi này đã được ghi rõ trong những câu ca dao tục ngữ hay những câu ví von phản ánh sinh hoạt hàng ngày nơi thôn dã. Nói về những món ăn quen thuộc như thịt gà, thịt chó, thịt heo …, tục ngữ ta có câu sau đây để chỉ rõ những gia vị cần phải có cho mỗi loại thịt:

“Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”

Phần sính lễ nhà trai cần đem tới nhà gái để làm đám cưới, các cụ ta nhắc nhở:

“… Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đòi chiếu em nằm,
Ðôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo”

Ðôi chằm là đôi bông tai. Theo tục lệ xưa, tiền cheo là tiền đàng trai phải nộp cho làng để được phép làm đám cưới. Còn con “lợn béo” cũng bắt buộc phải có để đàng gái đãi quan viên hai họ và các chức sắc, kỳ mục trong làng. Do đó ca dao còn có câu:

“Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”

 Một chàng trai tán tỉnh cô gái đi chợ, nói xa nói gần bằng những câu gợi tình bóng bẩy kèm nụ cười thông minh:

“Cô kia đi chợ Hà Ðông
Ðể anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng”

 Theo tục lệ ngày xưa, mỗi khi cưới hỏi, ngoài tiền sính lễ, nhà trai thường phải mang tới nhà gái heo gà để làm tiệc đãi quan viên hai họ, vì vậy con gái trong nhà đôi khi “nạnh” với mẹ về quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”:

“Mẹ ơi sinh trai mà chi
Ðầu gà má lợn đem đi cho người
Mẹ sinh con gái như tôi
Ðầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ ăn”

Nhưng đôi khi, vì tham tiền tham tiền bạc mà nhiều bà mẹ đã làm lỡ duyên con gái khiến nhiều cô phải than:

“Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng?”

Chuyện cheo cưới ngày xưa là một tục lệ đáng yêu, có lẽ nhân dịp hôn nhân của đôi trai gái để làng nước và hai họ đánh chén góp vui cùng cô dâu chú rể. Tuy nhiên, có nhiều cặp trai gái yêu nhau nhưng vì nghèo không đủ nộp cheo đành phải xa nhau, hoặc nếu gắng vay mượn để nộp đủ lệ bộ cho quan viên làng nước thì sẽ phải mang nợ mang nần như anh trai nhà nghèo than:

“Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế anh liều anh lo
Cưới em anh nghĩ so đo
Con lợn chẳng có, con bò thì không”

Ngày xưa nước ta có tục đa thê, một ông thường có hai ba bà, còn tì thiếp, nàng hầu vào ra không kể. Ai cũng tưởng mấy ông nhiều vợ này sung sướng lắm, nay vọc bưởi Biên Hòa, mai mò cua Vàm Láng, mốt nặn vú sữa Bình Dương, nhưng thật sự các đấng trượng phu này thường xuyên chịu cảnh trên đe dưới búa, ra bị bà này lườm, vào gặp mệ kia nguýt, muốn trốn yên một chỗ cho đỡ khổ tấm thân già cũng không yên vì bị bà ba ngắt véo. Một thân xác hom hem mà phải đóng ba bốn thứ thuế thì chịu đời sao thấu? Cám cảnh cá chậu chim lồng, mấy ông này lấy kinh nghiệm mình dạy khôn con cháu:

“Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm”

 Nói tới chuyện vợ chồng, đám cưới, còn có nhiều mục liên quan đến heo. Những người làm mai mối cho đôi trẻ nên duyên chồng vợ, thường được đôi tân hôn biếu cho chiếc đầu heo để tỏ lòng biết ơn đã giúp đôi trẻ thả giàn làm chuyện con heo hợp pháp. Vì vậy, những ông Tơ, bà Nguyệt thường được gọi là làm nghề “ăn đầu heo”. Ngoài ra, sau đêm tân hôn, chàng rể còn phải đưa cô dâu mới về nhà cha mẹ vợ để vấn an nhạc phụ, nhạc mẫu và cũng để người vợ mới cưới đỡ cảm thấy bơ vơ lạc lõng bên gia đình chồng. Trong dịp này, chàng rể thường cho người đội theo một con heo quay để bên vợ đãi tiệc nhị hỉ. Ngoài đặc điểm của một con heo quay ngon như da giòn màu đỏ tươi, thịt vừa chín tới không mềm không cứng, không quá nhiều mỡ …, đặc biệt đôi tai của con heo quay là điều vô cùng quan trọng, ai ai cũng để ý tới. Nếu con heo còn đủ đôi tai, vểnh lên như hai chiếc quạt gió, đó là dấu hiệu chàng trai cưới được cô gái còn “xuân” như trong bài thơ của Nguyễn Bính:

Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần

Bằng ngược lại, nếu đôi tai heo bị cắt cụt, đây là mật hiệu trong đặc lệnh truyền tin phát thinh không nhằm phổ biến tổng quát cho bà con cô bác, quan viên làng nước biết rằng cô dâu đã vào “thu” hoặc đã sang “đông” không chừng với hàng tấn bụi trần. Nói khác đi, chàng rể đã lấy phải cô dâu ít ra cũng đã là “second hand”! 

Heo không những được đề cập nhiều trong những câu ca dao, tục ngữ, mà còn thường được nhắc nhở trong những câu phương ngôn, ví von. Ðể xem tướng người, các cụ ta thường nói:

Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon

Tục ngữ ta còn có câu: “Nói toạc móng heo” để diễn tả những câu nói thẳng, không vòng vo tam quốc. Ðây là lối nhập đề “trực khởi’, đi thẳng vào vấn đề không cần rào trước đón sau. Còn những kẻ trung gian, môi giới chuyên mua bán nước miếng được gọi là “mượn đầu heo nấu cháo“.

Heo là gia súc dễ nuôi lại mắn đẻ, sinh lợi nhiều giống như gà nên thường được dân ta nuôi, đúng như câu “giàu lợn nái, lãi gà con”. Heo và gà đều là biểu tượng của sung túc và giàu có nên ngày trước trẻ con có những con heo đất để dành tiền tiết  kiệm. Theo kinh nghiệm, nuôi heo thịt hay heo nái đều dễ sinh lợi:

“Lợn bột thì thịt ăn ngon
Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời”

Lợn bột là lợn đực tơ, nếu được thiến thì béo trắng như công tử bột vì không bị hao tổn chân khí cho các nàng heo nái nên bao nhiêu sinh lực đều dồn vào việc phát triển bắp thịt. Ngược lại, mấy anh heo đực rựa chuyên nghề nhảy nái, được tôn là sư phụ heo nọc thì thịt vừa hôi vừa dai, chỉ còn xương bọc da. Ðúng là “Tốt mái, hại trống” như các cụ ta thường nhắc.

Tuy nhiên khi mua heo làm giống cần phải lựa chọn kỹ càng, kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác đã cho thấy:

“Con lợn mắt trắng thì nuôi
Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi”

 Vì rất gần gũi với đời sống con người nên ngoài ca dao, tục ngữ, hay ví von, heo còn được “nhân cách hóa” hay nhắc nhở trong những lĩnh vực văn chương nghệ thuật dân gian. Cách đây không lâu, mỗi năm vào dịp Tết, tại các phiên chợ vùng quê miền Bắc đều thường có những gian hàng bán tranh Tết. Những bức tranh Tết này mang nhiều màu sặc sỡ, thường vẽ cảnh “kê cúc” (con gà đứng gần bụi cúc) để tượng trưng cho sự an nhàn, gia đình êm ấm. Tranh “lý ngư” (cá chép vượt sóng) mục đích khuyến khích học trò nên chăm chỉ để thi đỗ làm quan đạt được công danh hoặc những bức tranh “đám cưới chuột” màu sắc xanh đỏ rất vui mắt. Heo cũng là một dề tài chính của những bức tranh Tết này. Những bức tranh heo thường vẽ cảnh một bầy heo gồm heo mẹ và nhiều heo con. Tranh heo rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì tượng trưng cho cảnh no ấm sung túc, con cái đầy nhà. Tranh dân gian, tranh Tết truyền từ đời này sang đời khác bằng kỹ thuật in bản gỗ, còn gọi là mộc bản. Tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng có: Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây), Nam Hoành (Nghệ An),  Làng Sình (Huế)… nhưng lâu đời và nổi tiếng hơn cả là tranh Ðông Hồ.

Trong bài thơ “Bên kia Sông Ðuống”, thi sĩ Hoàng Cầm viết:

“Tranh Ðông Hồ, gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
…. 
Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả”

Ngoài tục ngữ ca dao, văn chương Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm nói đến lợn. Truyện Lục Súc Tranh Công nội dung kể lại sáu loài gia súc tranh nhau kể công đối với loài người. Heo cho rằng mình có công nhất vì đã là thức ăn chính không thể thiếu trong các buổi lễ lớn như đám cưới, đám cúng giỗ trong giới bình dân. Ngay cả vua cũng cần đến heo khi cúng Nam Giao vì phải có Tam sanh là dê, lợn, trâu. Ngoài ra, hội hè đình đám, quan hôn tang tế cũng không thể thiếu heo:

Vua ngự lễ Nam Giao đại đột,
 Phải có heo mới gọi tam sanh,
 Ðừng đừng quen lời nói lanh chanh,
 Bớt bớt thói chê ai ăn ngủ,
 Kìa những việc hôn nhân giá thú.
 Không heo ra, tính đặng việc chi?
 Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,
 Cũng không thấy một người thấp thoáng.
 Việc hòa giải, heo đầu công trạng,
 Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.
 Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu, 
Giận nhau đánh giập đầu, chảy máu.
 Làng xã tới lao đao, láu đáu,
 Nào thấy ai gỡ rối cho xong, 
Khiêng heo ra để lại giữa dòng,
 Mọi việc rối liền xong trơn trải.
 Phải chăng, chăng phải,
 Nghĩ lại mà coi, 
Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi 
Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.” 

Trong giai thoại về Trạng Quỳnh, cũng có câu chuyện liên quan tới lợn. Trạng Quỳnh nổi tiếng thông minh mẫn tiệp ngay từ thuở nhỏ, nhưng lại rất nghịch ngợm, rắn mắt. Một hôm có người chú tên Cát đã đậu khoa thi Tú Tài nên được mọi người kính trọng gọi là ông Tú Cát đến nhà chơi. Ông Tú Cát là người hơi kênh kiệu, lúc nào cũng muốn khoe danh vị Tú Tài của mình, nhân dịp thấy cháu còn nhỏ mà không biết lễ nghĩa chào hỏi, liền nhéo tai Trạng Quỳnh rồi ra một câu đố, nói rằng nếu đối được thì sẽ không mách tội vô lễ với cha mẹ Trạng. Ông Tú Cát ra câu đối như sau: 
“Trời sinh ông Tú Cát” 

Câu này tỏ ý hợm hĩnh muốn khoe tước vị Tú Tài của mình. Trạng Quỳnh liền đối lại: 

“Ðất nứt con bọ hung” 

Về văn tự, Ðất đối với Trời, Hung đối với Cát thật chỉnh; ngoài ra về ý tứ, Trạng tỏ vẻ coi ông Tú không ra gì, chỉ như một con bọ hung là loài vật sinh ra từ đống phân trâu.

Bị nói móc, ông Tú hiểu ý, rất tức giận, liền ra một câu đối khác hiểm hóc hơn: 
“Lợn Cấn ăn cám Tốn”. Câu này ngoài ngụ ý chê bai Trạng chỉ biết ăn ngủ như heo, tốn cơm cha mẹ, còn dùng hai hai chữ Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái “Càn Khảm Cấn Chấn, Tốn Ly Khôn Ðoài”. Trạng ung dung đáp lại:“Chó Khôn chớ cắn Càn”. Ngoài dụng ý mắng khéo ông Tú Cát là chó, Trạng cũng dùng hai quẻ trong bát quái là Khôn (tây nam) để đối với Cấn (đông bắc) và Càn (tây bắc) để đối lại với Tốn (đông nam) thật rất chỉnh cả về lời lẫn ý.

Bị chê bai, ông Tú Cát vừa tức giận vừa thán phục tài ứng đối của Trạng Quỳnh nên từ đó không gây chuyện nữa.

Cùng với chuyện Trạng Quỳnh, văn chương bình dân ta còn có truyện Trạng Lợn. 

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có bài thơ xuân cuối cùng là bài “Vịnh tranh Gà Lợn”, làm vào dịp Tết Bính Thìn, 1976. Bài thơ được lan truyền nhờ được truyền khẩu, vì vậy có nhiều dị bản khác nhau, nhiều bản sai lạc, vô nghĩa. Bà Vũ Hoàng Chương đã ghi lại cho chính văn như sau:

Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành

 Gà lợn, om sòm rối bức tranh
 Rằng vách có tai, thơ có họa
 Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
 Mắt gà huynh đệ bao lần quáng 
Lòng lợn âm dương một tấc thành 
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn 
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh” 

Bà Vũ Hoàng Chương ghi chú: Thơ có họa có ba nghĩa: thơ có xướng thì phải có họa, gọi là thơ xướng họa; thơ phản nghịch là tai hoạ; và thơ họa (vẽ) ra tranh. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương nổi tiếng uyên bác, thơ ông thường sử dụng nhiều điển cố. Ðặc biệt bài này ông sử dụng tục ngữ, theo truyền thống Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Bà Vũ Hoàng Chương lưu ý đến những tục ngữ nhu “rừng có mạch, vách có tai “, “xanh vỏ đỏ lòng”. Nhưng còn nhiều thành ngữ, tục ngữ khác như “tranh tối tranh sáng”, “mắt xanh”, “mắt quáng gà”, “gà cùng một mẹ”, “lợn âm dương”, “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. “Khúc tân thanh” ngụ ý “đoạn trường”. Còn nhiều ý nghĩa, ngụ ý dí dỏm nhưng thâm trầm của từng câu, từng chữ.

Lợn trong văn học Trung Hoa

Heo cũng được nhắc nhiều trong các pho truyện cổ Trung Hoa. Tiểu thuyết chương hồi “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân thuật lại tích nhà sư Trần Huyền Trang tức Ðường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng có nhiều đoạn liên quan đến heo. Nguyên Ðường Tam Tạng có 3 đệ tử là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Trư Bát Giới nguyên cốt là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, nhưng vì tội uống rượu say, lại chọc ghẹo tiên nữ nên bị trời đày xuống trần. Bát Giới đầu thai trong bụng một con heo rừng, lấy tên là Trữ Cang Liệp, lập sào huyệt ở núi Phước Lăng, nước Ô Lư.

Sau đây là đoạn Trư Bát Giới tự khai về thân thế của mình:

Ðầu thai không nhằm nẻo,
 Lợn rừng có chửa, sinh.
 Lấy tên đèo làm họ,
 Trư Cang Liếp thị danh

 Trư Bát Giới vì mê nàng Túy Lan, con gái út của Cao lão nên nằng nặc đòi bắt cô này về làm vợ. Nhân lúc có thầy trò Tam Tạng đi qua, Bát Giới bị Hành Giả bắt và thâu phục làm đệ tử thứ nhì của Tam Tạng. Sau này, Bát Giới cũng lập được nhiều công, nhờ dùng cái mõm dài ủi đường khai lối giúp Tam Tạng sang tới Thiên Trúc. Khi việc thỉnh kinh thành công, Bát Giới được sắc phong thành Phật.

Truyện Tam Quốc Chí được liệt vào hàng “đệ nhất tài tử thư” của Trung Hoa cũng có đoạn đề cập đến chuyện heo và tên gian hùng Tào Tháo. Nguyên sau khi Tào Tháo hành thích hụt tên gian thần Ðổng Trác nên phải bỏ chạy. Trên đường tẩu thoát, Tháo bị quan huyện Trung Mâu tên là Trần Cung bắt được toan giải về kinh. Nhưng sau khi biết được chuyện Tháo mưu giết Ðổng Trác, Trần Cung đâm ra thán phục vì lầm tin Tháo là một trung thần hy sinh thân mình để phò nhà Hán. Sau đó, Trần Cung bỏ huyện cùng Tháo đi về quê lánh nạn.

Dọc đường, Tháo gặp được một người em kết nghĩa với cha mình tên là Lã Bá Sa. Ông lão họ Lã đem Tháo và Cung về nhà hậu đãi và còn dặn riêng người nhà giết heo làm tiệc lớn, nhưng đừng cho Tháo biết. Sau đó ông lên đường đi mua rượu. Ở nhà, Tháo nghe thấy tiếng mài dao và mọi người thì thầm to nhỏ “nhớ mài dao cho bén …, trói chặt lại” bèn cho rằng ông Lã đã lên đường báo quan lấy thưởng, còn cho người nhà bắt giết mình. Tháo liền tuốt gươm giết chết toàn gia họ Lã. Khi chém giết xong rồi mới nhìn thấy con lợn đang bị trói gô gần đó. Tháo biết mình đã giết lầm người tốt nên cùng Trần Cung bỏ chạy. Dọc đường gặp Lã Bá Sa đi mua rượu về cố cầm giữ Tháo ở lại để ăn thịt heo và uống rượu. Tháo nhất định khăng khăng bỏ đi khiến ông Lã đành về nhà một mình. Ði được một đoạn, Tháo quay lại đuổi theo rút gươm giết luôn cụ Lã. Trần Cung kinh hoàng hỏi Tháo tại sao đã giết lầm toàn gia họ Lã, nay lại giết luôn ông này, như vậy là đại bất nghĩa. Tháo trả lời: “Thôi thà rằng mình phụ người, còn hơn để người phụ mình”. Ðúng là miệng lưỡi và khẩu khí của một tên đại gian hùng!

Văn chương Trung Quốc còn nhắc tới chữ “nhân trệ” có nghĩa là “lợn người”, phát tích của Lữ hậu, vợ vua Hán Cao Tổ Lưu Bang đời Tây Hán. Lữ hậu tên Lữ Trĩ là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, vì ghen với hậu phi Thích Cơ trẻ đẹp hơn nên sau khi Hán Cao Tổ chết, Thích Cơ không người bảo bọc, Lữ hậu thừa dịp trả thù. Lữ truyền bắt Thích Cơ cùng một số cung nhân trước kia theo Thích Cơ, được nhà vua sủng ái đem ra hành hình rất bi thảm rùng rợn. Lữ bắt họ phải uống thuốc câm, rồi chặt tay chân, khoét mắt, cắt tai, giam vào chuồng xí dơ bẩn. Họ đau đớn quá nhưng bị câm, không thốt ra tiếng người được nữa, chỉ tru lên những tiếng ú ớ u ơ rất thê thảm. Lữ hậu lại bắt mọi người gọi những nạn nhân ấy là lũ “nhân trệ” (lợn người).

Thật là ghê gớm khi sư tử Hà Ðông trả thù!

Ngoài ra, còn có truyện ngụ ngôn “Lợn mẹ giết lợn con” như sau: 

Họ Tử Xa có con lợn nái sắc đen tuyền, đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay tâm thuật, hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thí bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau, kiên cố tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi làm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức, gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.”

Tử Hoa Tử còn bàn thêm lời bàn rằng: Cái thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng phải nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhơn đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!”./.