Phép lịch sự là điều tôi hy vọng tất cả các công ty du lịch và du học ở Việt Nam nên giới thiệu cho khách hàng của mình. Điều này sẽ nâng cao vị thế của chính người Việt chúng ta. Bài viết này nói về 3 phép lịch sự mà bạn khó có thể tìm thấy trong sách vở, đặc biệt dành cho các du học sinh tương lai.

—————————–

Hôm rồi Mik có tiễn mẹ ra sân bay, trong lúc chờ, tôi ngồi quan sát xem vì sao ở một góc sân bay Frankfurt, khu vực gần VietnamAirlines lại có vẻ khác thường như vậy. Khu vực này không chỉ có người Việt, mà còn nhiều người Trung đang tất bật đi làm thủ tục hành lý. Nhìn những bà cô xách lỉnh kỉnh hàng hiệu ở tay, mặc đầy các bộ váy áo nhãn mác nhưng gọi nhau ý ới, đi va đập vào người khác thản nhiên, chen hàng, đứng lố nhố… mà tôi lắc đầu. Vậy đấy, hoá ra những thứ đắt đỏ đến đâu cũng không che giấu được sự vô duyên, bất lịch sự…, giàu mà không sang.

Lúc ấy, tôi tự nhủ là: mình đã không giàu nữa thì phải cố vớt vát một chút kiến thức về phép ljch sự khi ra quốc tế vậy. Ngoài việc biết xếp hàng và không hét hò nơi công cộng, hôm nay Mik xin chia sẻ 3 quy tắc lịch sự cho những ai không giàu mà thích sang:

1. ”Cấm dính” – Tạo khoảng cách an toàn với người khác

Gần như 99% số lần xếp hàng ở sân bay Việt Nam tôi đều thấy người đứng sau mình có hành vi ‘dính’ chặt vào người khác. Điều này vô cùng bất lịch sự. Mik không hiểu tại sao mọi người hồn nhiên ‘chạm da đụng thịt’ vào người khác như thế, hoặc để ba lô, túi xách chạm vào người khác. Thông thường, việc xâm chiếm không gian an toàn của người khác xảy ra khi quấy rối tình dục hoặc trộm cắp mà thôi. Trừ phi chen chúc trên xe bus, còn nếu bạn không có hai ý định này, thì hãy giữ một khoảng cách đủ để người phía sau hoặc trước xoay người thoải mái nhé.

Quy tắc này cũng áp dụng cho việc ngồi ghế ở nơi công cộng. Trong tuyến xe buýt vắng lên Hồ Gươm, tôi đã rất hoảng hốt khi giữa hàng chục hàng ghế trống, có một người thanh niên tiến thẳng tới ngồi ngay sau tôi. Tôi lập tức nghĩ tới nguy cơ bị sàm sỡ, móc túi, tán tỉnh…blah blah… Thực tế là anh ta chẳng làm gì, chỉ là hơi không lịch sự lắm thôi. Nếu không có ý định ‘làm gì’ ai, thì hãy cân nhắc ngồi cách người khác một vài chỗ, đừng để bị hiểu lầm!

2. Giữ cửa cho người phía sau

Ở Việt Nam, trước đây chưa có những loại cửa đóng tự động vậy nên nhiều người không quen thuộc với việc đẩy cửa-> nhìn ra sau xem có ai không-> giữ/thả tay. Nhưng gần đây, những loại cửa này được lắp nhiều trong các toà nhà, tuy nhiên, nhiều người đi qua vô tư mở rồi đi thẳng, không hề để ý có người ở sau, vô tư thả tay khiến người sau… đập mặt.

Tôi học cách giữ cửa này trong quán cafe trên đường Lý Quốc Sư nhiều năm trước. Khách hàng ở đây khi đi qua sẽ giữ cửa lại nếu thấy phía xa xa có cô nhân viên đang bê đồ sắp tới. Từ lúc sang Đức, số cửa này xuất hiện ở tần suất lớn, và tôi rất quen với việc người đi trước sẵn sàng đứng lại 3-5 giây giữ cánh cửa cho tôi đi qua. Chỉ cho nhau vài giây cuộc đời, chúng ta thể hiện được sự quan tâm của mình tới người xung quanh, cũng là cách ứng xử rất văn minh.

Chúng ta cần tránh lỗi này nhất là khi du lịch. Khi ra nước ngoài, sẽ không ai chạy ra nhắc mình ”Please hold doors open for other people”, họ chỉ để lại một ánh nhìn và một cái lắc đầu thôi.

IMG_1174-2

3. Nhường người ở trong thang máy ra trước, rồi mình mới bước vào

Qui tắc này rất nhỏ bé, nhưng thú thật đi ở các toà nhà hiện giờ tôi vẫn hay gặp cảnh mình chưa chui ra mà người ta đã ùa vào. Nhiều khi là mọi người không để ý chỉ theo quán tính: cửa mở thì vào. Nhưng như vậy không được lịch sự cho lắm, và thiếu khả năng quan sát. Hôm rồi, có vụ một người vội bước vào thang máy, đúng lúc thang máy bị lỗi mở cửa mà thang chưa lên, thế là xảy ra tai nạn.

Ở Đức, không những quan sát đợi ở trong có ai ra không, mà mọi người còn cất tiếng chào hoặc nhoẻn miệng cười với người cùng đi thang máy. Hành trình ngắn ngủi ấy khiến ai cũng vui vẻ vì được tôn trọng bởi người khác.

Ngoài ra còn cơ số phép lịch sự khác mà phụ huynh người Việt ít có điều kiện được biết tới để dạy con cái. Trong thời đại này, người trẻ chúng ta nên tự học, rồi cùng nhau bắt đầu những phép lịch sự cho sang chảnh lên nào