Nguồn gốc dân tộc là một đề tài khoa học, phức tạp và còn nhiều tranh cãi. Điển hình là cuộc thảo luận trực truyến ở Diễn đàn Diễn đàn Lịch sử Trung Hoa (China History Forum) về nguồn gốc của cư dân hiện nay đang sống tại hai tỉnh miền Nam nước CHND Trung Hoa (Quảng Đông và Quảng Tây) và xa gần liên hệ đến nguồn gốc người Việt Nam. Cuộc tranh luận có hai nhóm rõ rệt. Một là nhóm người Trung Hoa, đa số là ở lục địa và nhóm thứ hai, đa số là người Việt hải ngoại – kể cả những người di tản sau năm 1975, trong đó có cả người Việt gốc Hoa.

Mời bạn đọc muốn tham khảo thêm ghé thăm trang đọc thêm Diễn đàn Lịch sử Trung Hoa và đọc bài của tác giả Lê Đỗ Huy, “Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng?”, Tạp chí Xưa & Nay số 295, 11/2007 tr. 30-33 đăng lại trên talawas và có thêm chú thích.

Từ một bản đồ hàng hải cổ luận bàn về danh tính nước Việt

Trong bài này tác giả Lê Đỗ Huy tường thuật về một nhận định chung của cả hai nhóm và những nhà nghiên cứu nước ngoài là:

Nghiên cứu DNA do các trung tâm ở Thượng Hải, Côn Minh và Hoa Kỳ (Center for Genome Information, Department of Environmental Health, University of Cincinnati, Cincinnati, Ohio 45267, USA) chỉ ra rằng người Bắc Trung Hoa (Tây An và Bắc Kinh) và người Nam Trung Hoa (Quảng Châu, Thượng Hải) có cùng mẫu ADN.

Nhận định này khác với ý kiến sau đây của tác giả Nam Phan:

“Ngược lại, chỉ số sọ giữa người Trung Quốc Hoa Nam và người Trung Quốc Hoa Bắc (thuộc Hán tộc thuần chủng) lại khác nhau hoàn toàn. Và sự khác nhau này cũng đã được DNA di truyền học hiện đại xác định.”

Gần đây, từ trong nước cũng như ngoài nước, đã có khá nhiều sách báo khảo cứu về nguồn gốc văn hóa và dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có câu trả lời hoàn hảo và nhất thống về nguồn gốc xuất phát và về thời gian hình thành.

Ba ngàn năm, bốn ngàn năm, hay hơn nữa? Từ trong dòng máu Trung Hoa, hay thuộc một chủng khác, độc lập và có văn hóa riêng, hoặc pha chủng cả hai và vay mượn văn hóa của nhau? Hoặc pha chủng với nhiều chủng tộc khác nữa, như Thái, Mường, Mèo, Dao, Tày chẳng hạn, nhưng lại chịu ảnh hưởng vượt trội của Trung Hoa? Hoặc ngược lại, và nói như cố Giáo sư Kim Định: “Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu”(1).

Những điều băn khoăn như thế thật ra cũng rất dễ hiểu, nhất là đối với những người không chuyên khảo lịch sử. Bởi lẽ, nói một cách tổng quát, người Việt chúng ta xưa nay vẫn tin mình là “con cháu Lạc Hồng”, có “bốn ngàn năm văn hiến”, và rằng đất nước đã được vua Hùng dựng lên đầu tiên, với quốc hiệu Văn Lang, tại vùng châu thổ sông Hồng miền Bắc.

Tuy vậy, cũng qua sách vở học hành, chúng ta lại được biết khá nhiều chuyện kể lẫn tên gọi về các thủy tổ dân tộc, như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, hay Âu Cơ, Hùng Vương, đều nghe ra có vẻ Tàu, hoặc nửa Tàu nửa Việt. Rồi nào, cả ở Việt Nam lẫn bên Trung Quốc đều cùng có những địa danh Hà Nội, Hà Bắc, Sơn Tây, Bình Dương… hay những họ Trần, Phạm, Trịnh, Đặng, v.v…. rất giống nhau.

Ngay cả câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn…”, mọi người Việt Nam chúng ta đều thuộc, nhưng ít ai biết núi Thái Sơn nằm ở tận vùng Đông bắc Trung Quốc. Còn sông Lạc, một chi nhánh của sông Hoàng Hà, cũng chảy xuyên qua vùng này. Và cũng tại nơi đây đã từng xảy ra những trận đánh đầu tiên giữa các bộ lạc của Hoàng Đế Hoa tộc với các hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông cách nay hơn bốn ngàn năm, để mở màn việc chiếm đất và mở rộng bờ cõi xuống phía Nam của Hán tộc phương Bắc.

Hơn nữa, sông Lạc cũng là nơi vua Đại Vũ nhà Hạ đã gặp rùa và nhận “Lạc thư” chỉ giáo về cách cai trị thiên hạ, mà bấy lâu nay truyền thuyết lịch sử của Trung Quốc đã tự nhận là một triều đại lớn của họ. Nhưng ngày nay qua nghiên cứu sự mâu thuẫn nội tại từ trong nội dung lịch sử, chúng ta lại nhận thấy vua Đại Vũ không phải là người Hoa Tộc. Chẳng hạn, ông là người Cối Kê – nay gọi là Kế Châu, tỉnh Giang Tô, thuộc vùng hạ lưu sông Dương Tử. Mà vùng này trong thời kỳ ấy đang còn là đất của các tộc Bách Việt. Chính Việt Vương Câu Tiễn được kể là dòng dõi Hạ Vũ, trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng đã lên ngôi lập nghiệp tại đây.

Thành thử, có khả năng cả hai địa danh Thái Sơn và sông Lạc, cũng như nhiều địa danh và nhiều điển tích khá quen thuộc khác gọi là của Trung Quốc đều có mối liên hệ lịch sử với tổ tiên Bách Việt nói chung và tổ tiên Lạc Việt chúng ta nói riêng.

Điều này có nghĩa là có thể vì cái quá khứ lịch sử của tổ tiên dân tộc ta đã bị giấu nhẹm hoặc bị tráo trở vay mượn trong hàng ngàn năm, do quá trình “nam tiến” đồng hóa và thống nhất của Hán tộc phương Bắc, cũng như sau đó do quá trình đô hộ gần một ngàn năm nữa trên phần đất chủ quyền của Việt Nam thời bấy giờ, khiến những gì văn minh, văn hóa của kẻ bị thua Việt tộc nay đã trở thành di sản của kẻ chiến thắng Hán tộc và đã bị quên lãng.

Điển hình là hơn 70 đến 80% người Trung Quốc hiện nay còn phát âm theo giọng Việt (Kim Định, sđd, tr. 8). Đồng thời, song song với tiếng Quan Thoại có nguồn gốc ngôn ngữ Hán tộc phương Bắc và được dùng như ngôn ngữ quốc gia chính thức hầu hết các cư dân Trung Quốc ở vùng Hoa Nam đều có ngôn ngữ địa phương riêng của họ và được gọi chung là Việt ngữ.

Khoa nghiên cứu về sọ não gần đây cũng cho thấy: Giữa người Trung Quốc ở miền Hoa Nam và người Việt Nam chúng ta đều có chỉ số sọ gần giống nhau. Ngược lại, chỉ số sọ giữa người Trung Quốc Hoa Nam và người Trung Quốc Hoa Bắc (thuộc Hán tộc thuần chủng) lại khác nhau hoàn toàn(2). Và sự khác nhau này cũng đã được DNA di truyền học hiện đại xác định (chúng tôi sẽ trình bày rõ chi tiết hơn vào dịp khác).

Cho nên, nói như học giả Kim Định “Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu”, đó là điều không sai.

Hơn nữa về sau này, kể cả trong thời kỳ Việt Nam hoàn toàn tự chủ trên chính đất tổ hình chữ “S” của mình, nhưng vì không có chữ viết riêng (hoặc bị hủy mất như đã có một số tác giả gần đây nêu lên), giới sĩ phu chúng ta nói chung và các sử gia nói riêng đều đã phải học cả chữ Nho lẫn nội dung văn hóa của hệ thống tư tưởng, triết lý và chính trị của Trung Hoa, nên các biên khảo lịch sử đất nước chúng ta đã không sao tránh khỏi những điều thiếu sót, mù mờ, hoặc sai lầm. Phần nhiều những công trình nghiên cứu lịch sử này đều phải dựa vào truyền khẩu của các truyện tích, ca dao, tục ngữ, hoặc dựa vào suy đoán từ sử sách chữ Hán của Trung Hoa.

Mãi đến thế kỷ 14, những truyện kể về họ Hồng Bàng mới được một vài sử gia đương thời biên soạn và đưa vào trong hai tác phẩm Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam Trích Quái. Sau đó, vào khoảng cuối thế kỷ 15, Ngô Sĩ Liên là sử gia đầu tiên mới chính thức đưa truyền thuyết họ Hồng Bàng vào quốc sử qua bộ Đại Việt Sử ký Toàn Thư của ông(3), mặc dù chính ông đã nghi ngờ tính xác thực nội dung của truyện kể(4).

Dĩ nhiên, những điều ngờ vực về tính xác thực như thế không phải là không có lý của nó. Đó không phải là điều vô bổ đối với những hiểu biết khai trí cho hậu duệ chúng ta trong nỗ lực tìm hiểu căn cước thật của Việt Nam bởi lẽ đã là truyền thuyết, nhất là truyền thuyết về đất nước, về dân tộc thì tự bản chất của nó ít nhiều đều chứa đựng tính chất hoang đường, thần thoại. Không những Ai Cập, Hy Lạp, hay Do Thái, Ấn Độ, mà ngay cả Trung Quốc – một đất nước có nền văn hóa rất gần gũi với văn hóa chúng ta, và có khá nhiều sử liệu được ghi chép rất sớm – cũng không sao thoát khỏi tính chất thần thoại hoang đường. Dường như đó cũng là một thứ tiền lệ tri thức của nhân loại, đặc biệt là trong thời kỳ khoa học chưa khởi sắc.

Những thiếu sót và sai lầm về lịch sử dân tộc Việt Nam như thế không chỉ từ trong nước và từ những kẻ đô hộ, mà còn do sự tin tưởng chung của thế giới trước đây. Một nhận xét trong bài viết “New Light on a Forgotten Past”(5) của Wilhelm G. Solheim II, Giáo sư Nhân chủng học Đại học Hawaii, đăng trong tạp chí National Geographic tháng 03/1971 có đoạn:

“European and American historians generally have theorized that what we call civilization first took root in the Fertile Crescent of the Near East, on its hilly flanks. There, we have long believed, primitive man developed agriculture and learned to make pottery and bronze. Archeology supported this belief, partly because it was in the region of that Fertile Crescent that archeologists did their most extensive digging”.

(Lý thuyết của các sử gia châu Âu và châu Mỹ thường cho rằng những gì gọi là văn minh đều bắt nguồn đầu tiên tại vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu ở Cận Đông, trên những sườn đồi. Đã lâu rồi, chúng ta tin tưởng người cổ sơ ở đó phát triển nông nghiệp và học hỏi làm đồ gốm và đồ đồng. Khảo cổ học đã hỗ trợ niềm tin này, một phần vì các nhà khảo cổ học chỉ loanh quanh đào bới trong khu vực Lưỡi Liềm Phì Nhiêu ấy mà thôi).

Nhưng thật ra, cũng theo tác giả Solheim, những khám phá khảo cổ học gần đây ở vùng Đông bắc và Tây bắc Thái Lan, cũng như tại Đài Loan, tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam, thậm chí cả những khám phá khảo cổ học ở Mã Lai, Phi Luật Tân và vùng Bắc Úc, cũng cho thấy nhiều dữ kiện và thông tin khả tín để khẳng định: Nền văn minh Hòa Bình cổ xưa nhất đã xuất hiện tại vùng Đông Nam Á cách nay hơn 10.000 năm và đã có nguồn gốc từ Việt Nam.

Những điều khám phá và khẳng định trên của Solheim còn tỏ ra phù hợp với công trình nghiên cứu của Stephen Oppenheimer (1998), được viết trong cuốn “Eden in the East”(6) của ông. Căn cứ vào hải dương học, địa chất học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, thần thoại học, và một phần công trình nghiên cứu di truyền học của bản thân, Oppenheimer đã đi đến những kết luận hết sức mới mẻ mà chúng tôi xin tóm lược thành ba điểm có liên hệ nhất với bài viết này như sau:

Điểm 1: Cách nay khoảng 20.000 – 18.000 năm, Đông Nam Á là một lục điạ rộng lớn gấp đôi lần ngày nay, bao gồm Đông Dương, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, và kéo dài đến các vùng mà nay đã trở thành những nhóm quần đảo Sumatra, Java và Borneo. Bởi lẽ mực nước biển của thời bấy giờ thấp hơn ngày nay 120 – 130 mét, nên các khu vực ấy đều là đất liền khô ráo. (tr. 10, 17-8, 29, 80).

Điểm 2: Đông Nam Á đã là trung tâm đầu tiên của các nguồn gốc văn hóa và văn minh của thế giới trong thời kỳ tiền sử (tr. 17). Nhưng vì trải qua 3 giai đoạn băng tuyết tan rất lớn của thời kỳ cuối Băng Hà đã xảy ra cách nay khoảng từ giữa 14.000 đến 8.000 năm (tr. 24), nên các nền văn hóa và văn minh tiền sử này đã bị chôn vùi theo với thêm lục địa Đông Nam Á bị ngập sâu dưới lòng biển (tr. 18, 62-3). Đây là điều đã ám ảnh trong các câu chuyện “Đại Hồng Thủy” gần như được phổ biến rộng khắp thế giới từ Đông sang Tây (tr. 24-5).

Điểm 3: Cũng từ đó, cách nay khoảng từ 8.000 đến 7.000 năm, đã có nhiều đợt di dân từ các vùng ngập nước, phải phân tán đi vào Châu Úc, hoặc đi vào các nhóm quần đảo Pacific và Ấn Độ, hoặc theo hướng Bắc để vào sâu trong lục địa châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng (tr. 10). Trong khi di tản họ đã đem theo các tập tục văn hóa và văn minh tiền sử của họ, trong đó có những kinh nghiệm trồng trọt và thuần thục gia súc (tr. 71).

Dẫu vậy, ở đây chúng ta không nên nhầm lẫn vùng Đông Nam Châu Á là cái nôi xuất phát thủy tổ nhân loại như đã có một số nhà nhân chủng học tin tưởng theo thuyết tiến hóa tại nhiều địa phương (multiregionalism theory).

Thật sự, đó chỉ là một trung tâm văn minh rất sớm của thời kỳ tiền sử, mà phát khởi của nó là nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúa nước. Nhiều nghiên cứu di truyền học mới đây, được nhà di truyền học hàng đầu Spencer Wells(7) đúc kết và viết trong cuốn “The Journey of Man ” xuất bản năm 2002, đã cho biết: Tất cả mọi người trên khắp thế giới ngày nay đều là hậu duệ của một cặp thủy tổ quê quán tại Châu Phi.

Đặc biệt, trong cuốn sách này còn có một công trình nghiên cứu DNA lấy từ hơn 12.000 cư dân bản địa sinh sống trên khắp vùng Đông Á, do nhà di truyền học Li Jin (Lý Huỳnh) và các đồng nghiệp của ông thực hiện, đã khẳng định: Tất cả huyết tộc của 12.000 người này đều có chung nguồn gốc tổ tiên xuất phát từ Châu Phi cách nay khoảng 50.000 năm (tr. 119-20).

Như vậy, mặc dù Việt Nam ta không có hoặc không còn những di tích theo kiểu kiến trúc vĩ đại Trường Thành của Trung Quốc hay Kim Tự Tháp của Ai Cập để lại, nhưng lòng tin của người Việt mình là dòng giống Lạc Hồng, là con Rồng cháu Tiên và đã có bốn ngàn năm Văn Hiến – hay nói như học giả Kim Định “Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu” – đều đã có cơ sở. Dường như lòng tin này đã có sẵn trong “gene” di truyền của chúng ta.

Bản thân chúng tôi trước khi nghiên cứu viết những giòng lịch sử này có thể cũng giống như nhiều người Việt Nam khác, đã không sao hiểu nổi núi Thái Sơn ở đâu mà lại hiện diện trong câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn…”. Nhưng nhờ tìm đọc sách báo và nghiên cứu ngọn ngành như đã khái lược ở trên, nên bây giờ chúng tôi mới vỡ lẽ ra những điều như sau:

Thứ nhất, dân tộc ta thuộc một chủng tộc riêng, không những khác với Hán tộc Trung Hoa, mà còn hiện diện trên đất nước Trung Hoa trước họ. Tuy nhiên, dân tộc ta cũng không thuần chủng, mà là một hợp chủng của hai dòng tộc chính là Lạc Việt và Âu Việt, đồng thời đã có nguồn gốc xuất phát từ quê tổ Việt Nam và ngày nay đã được nhìn nhận là chủ nhân của nền văn hóa Hòa Bình.

Thứ hai, không những vua Vũ nhà Hạ, mà cả Phục Hy, Thần Nông, Nữ Oa, Đế Nghiêu, Đế Thuấn… đều là những nhân vật vừa có tính cách lịch sử và cũng vừa có tính cách huyền thoại. Tất cả các nhân vật này đều phản ánh từ nguồn gốc văn hóa phương Nam của các tộc nông nghiệp Bách Việt, tức không là Hán tộc và khác với Hán tộc.

Thứ ba, Hán tộc là nhánh chủng tộc du mục có gốc Thổ (Turk) và Mông Cổ, xuất phát từ những thảo nguyên ở miền Trung Á và Siberia đến. Họ chỉ mới có mặt ở vùng trung lưu Hoàng Hà, sớm nhất là thời Hoàng Đế (theo truyền thuyết được Sử Ký Tư Mã Thiên đề cập), tức sau thời kỳ Phục Hy và Thần Nông. Nhưng có phần rõ ràng hơn cả, có lẽ họ xuất phát từ thời nhà Chu và cũng chỉ bắt đầu bành trướng Trung Quốc xuống đến vùng Hoa Nam trong thời kỳ nhà Tần và Hán.

Thứ tư, các từ ngữ văn minh, văn hóa và văn hiến, cùng với những ý nghĩa của chúng, đều có nguồn gốc xuất phát từ một đất nước đã được mang tên là Văn Lang. Văn Lang thật sự không phải là một đất nước có biên giới rành rọt theo quan niệm quốc gia mà ngày nay chúng ta hiểu. Đó là một miền đất nước được ranh định tại những nơi đã có sự định cư, định canh của các chi tộc Bách Việt và nằm trong phạm vi lãnh thổ Đông Nam Á, phía Bắc tiếp giáp với Trung Nguyên miền Hoa Bắc và phía Nam bao gồm Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương. Nét văn hóa độc đáo của Văn Lang là tục xâm mình và dùng rìu búa, một loại dụng cụ vừa dùng để chặt đẽo, nhưng cũng vừa dùng như là vũ khí.

Để hiểu biết rành mạch và chi tiết hơn về căn cước thật của Việt Nam, chúng tôi sẽ lần lượt tháo gỡ và trình bày những nguyên nhân nhầm lẫn lịch sử giữa Trung Quốc và Việt Nam ta trong những chương kế tiếp, nếu điều kiện cho phép. Và để đạt được những điều như thế, dĩ nhiên trong tiến trình biên khảo, chúng tôi sẽ phải mượn và trích lại thật nhiều những phần ý, hoặc văn, hoặc cả ý lẫn văn, của một số tác giả mà chúng tôi đọc được trên mạng điện toán, cũng như trong sách báo.

Mặt khác, với chủ đích không nhằm đạt chất lượng chuyên khảo, mà chỉ phổ biến kiến thức phổ thông, chúng tôi sẽ tránh tối đa những phần nghiên cứu và từ ngữ quá chuyên môn, hoặc những từ ngữ chẳng những không còn thích hợp với tri thức mới ngày nay mà còn có thể gây ngộ nhận về ý nghĩa lịch sử đích thực.

Tiện đây, chúng tôi xin cám ơn trước các tác giả có những phần trích ý, trích văn, đồng thời cũng mong được sự thông cảm về vấn đề tác quyền, nếu có. Vì thật sự đây cũng chỉ là nghĩa vụ chia xẻ tri thức chung đến với mọi người mà thôi.

Phần 2: Căn cước Việt Nam qua khám phá DNA và Khảo cổ học

Như chúng ta đã biết, với chủ trương Đại Hán thống trị và thống nhất của các triều đại Trung Hoa từ ngàn xưa, mọi dấu tích văn hóa và lịch sử dân tộc nguyên thủy của Việt Nam đều đã bị xóa bỏ hoặc bị tráo trở vay mượn để biến thành một phần văn hóa và dân tộc quan trọng của Trung Hoa. Rất may là máu huyết và lòng đất vẫn còn lưu giữ các quá khứ lịch sử văn hóa và dân tộc ấy một cách hết sức trung thực.

Vì thế, trước khi muốn tìm hiểu lại về căn cước thật Việt Nam qua truyền thuyết cũng như sử liệu, chúng tôi muốn đưa vào phần 2 này những khám phá về di truyền học DNA và khảo cổ học để có cơ sở khoa học xác thực hơn.

Để có một cái nhìn tổng thể trong bối cảnh tiến hóa chung của nhân loại, chúng tôi xin mạn phép lược trích từ sách The Journey of Man của tác giả Spencer Wells (1) về những dấu tích thiên di của các tổ tiên nhân loại đã để lại trong DNA của tất cả mọi người hiện nay trên thế giới. Qua đó, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá đâu là sự khác nhau và giống nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các căn cứ để cố học giả Kim Định đã khẳng định “Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu”.

Bản đồ thế giới vẽ bằng DNA:

Theo khảo sát DNA được tổng kết từ nhiều công trình nghiên cứu của các nhà di truyền học đứng hàng đầu thế giới, trong đó có tác giả Spencer Wells, thì tất cả mọi người đang sống trên khắp trái đất đều có huyết thống từ một cặp thủy tổ xuất hiện ở Châu Phi cách nay khoảng 60.000 năm (tr. 55 & 71).

Sau đó, có thể vì lý do thời tiết và môi trường sống thay đổi, cũng như sinh đẻ đông đảo (tr. 95 và 108), nên hầu hết hậu duệ của hai cụ đã lần lượt rời Châu Phi ít nhất là trong hai đợt chính như sau:

Đợt một rời cách nay khoảng 60.000 – 50.000 năm, đi dọc theo bờ biển phía nam Châu Á, ngang qua Ấn Độ, và đến định cư tại Đông Nam Á trước khi chuyển tiếp đến Châu Úc và các vùng phụ cận (tr. 69, 72, 75 và 100). Trong số này, về sau cũng có những nhóm tiếp tục men theo bờ biển phía Đông Trung Quốc để vào tiếp Bắc Mỹ (tr. 72–3).

Cũng nên nhớ là trong thời gian cuối Băng tuyết, eo biển Bering khô cạn và nối liền lục địa Châu Á với Châu Mỹ.

Đợt hai rời Châu Phi, đi ngang qua ngã Trung Đông khoảng 50.000 – 45.000 năm (tr. 109–110), sau đó di chuyển tiếp vào vùng đồng bằng Iran hoặc Nam Trung Á (tr. 111). Tại đây lại chia thành hai nhánh (tr.112). Một nhánh đi vòng lên hướng Bắc để vào Trung Á, tạo thành thị tộc Trung Á (tr. 113–4)), sau đó chuyển tiếp qua các thảo nguyên Nam Siberia (tr.118, 120). Về sau, nhánh cũng tách thành hai nhóm. Một nhóm đi về hướng Tây và vào đến Châu Âu khoảng 30.000 năm (tr. 132–3). Nhóm còn lại tiếp tục di chuyển về hướng Đông để vào Mông Cổ và vào miền Bắc Trung Quốc (tr. 110 và 120); số còn lại tiếp tục thiên cư đến Châu Mỹ qua eo biển Bering vào khoảng 20.000–15.000 năm (tr. 139).

Riêng nhánh thứ hai, sau khi tách ra khỏi đợt hai ở vùng đồng bằng Iran, đã tiếp tục di chuyển xuống hướng Nam để vào Pakistan và Bắc Ấn Độ (tr. 112–3). Tại đây nhánh này cũng tách ra làm hai nhóm hậu duệ chính. Một nhóm tiến sâu xuống tiểu lục địa Ấn Độ, hợp chủng với những di dân đường biển của đợt một Châu Phi đã đến trước, và trở thành thị tộc Ấn Độ cách nay khoảng 30.000 năm (113). Nhóm hậu duệ còn lại xuất phát từ phía đông núi Hindu Kush và Himalaya, tìm cách vượt những trở ngại của rừng núi cao, tiếp tục di chuyển về hướng đông, tạo thành thị tộc Đông Á (tr. 119).

Sau đó, trong khoảng thời gian 10.000 năm trở lại đây, các hậu duệ kế tiếp của nhóm thị tộc Đông Á này đã trở thành những nhà nông Trung Quốc đầu tiên và đã sản sinh đông đảo, tạo ra “Làn sóng Tiến bộ” lan nhanh quanh khu vực Đông Á (tr. 157).

Hiện nay các cư dân tại Đông Á có khoảng 60 – 90% huyết tộc của thị tộc Đông Á; còn các cư dân tại Đông Nam Á lại mang một hợp chủng huyết thống vừa của một chủng tộc địa phương và vừa của chủng tộc nông nghiệp Trung Quốc (tr. 119).

Mổ xẻ và nhận định.

Cũng theo các công trình khảo cứu di truyền học nói trên, cư dân Đông Á đã mang trong giòng máu của mình một sự pha chủng rất phức tạp.

“Huyết thống của đợt một di dân đường biển rời Châu Phi không những có một tần số khá cao khoảng 50% tại Mông Cổ, mà còn phổ thông xuyên suốt vùng Đông Bắc Á” (Wells, sđd, tr. 120). Để hiểu điều này hơn, Spencer Wells đã giải thích với một đoạn văn mà chúng tôi xin tóm lược ý như sau:

Có thể có những bộ phận di dân đường biển của đợt một Châu Phi, sau một thời gian định cư định canh tại Đông Nam Á, đã dần dà di chuyển tiếp lên hướng Bắc qua hàng ngàn năm để vào lục địa. Sau đó, có thể họ đã gặp và hợp chủng với hậu duệ của nhóm di dân đường bộ phương Bắc, nguyên thuộc nhánh thị tộc Trung Á xuất phát từ các thảo nguyên Nam Siberia và Mông Cổ đến.

Dầu vậy, những công trình khảo sát DNA của cư dân Đông Á do Luca Cavalli–Sforza và các cộng sự người Trung Hoa của ông thực hiện lại vẫn cho thấy có sự khác biệt huyết thống giữa người Trung Hoa miền Bắc và người Trung Hoa miền Nam. Thậm chí, tuy cùng thành phần của một nhóm chủng tộc, như người Bắc Hán và Nam Hán, họ sống bên nhau rất gần gũi về địa dư nhưng lại xa nhau về chủng tộc. Nhóm Bắc Hán quần tụ xen kẽ chung với những cư dân khác không Hán tộc, còn những người Hoa Nam (tức Nam Hán) thì tạo thành một nhóm riêng rẽ (Wells, sđd, tr. 120–1).

Đây cũng là điều phù hợp với khoa khảo sát sọ não mà trước đây trong chương Dẫn nhập chúng tôi đã có trích lược từ sách Nguồn gốc Việt tộc của tác giả Phạm Trần Anh (2) để dẫn chứng.

Theo đó, giữa người Trung Quốc ở miền Hoa Nam và người Việt Nam chúng ta đều có sọ tròn và có chỉ số sọ gần giống nhau. Ngược lại, chỉ số sọ giữa người Trung Quốc Hoa Nam (tức Nam Hán) và người Trung Quốc Hoa Bắc (tức Bắc Hán) lại khác nhau. Hơn nữa, duy nhất chỉ có người Bắc Hán là có sọ dài, giống như người Mông Cổ và Châu Âu (Phạm Trần Anh, sđd, tr. 323 và 328).

Đến đây, chúng ta nhận thấy sở dĩ đã có sự khác nhau giữa Bắc Hán và Nam Hán chắc chắn là do hệ quả của môi trường sống và lối sống khác nhau giữa du mục thảo nguyên Bắc Hán và nông nghiệp định cư định canh Nam Hán. Cho dù trước đó đều cùng thuộc đợt hai Châu Phi, nhưng từ thời điểm phân tách ra hai nhánh – một đi vòng qua các thảo nguyên Nam Siberia, Mông Cổ để vào Trung Quốc, và một vòng qua Ấn Độ, Himalaya, vào Đông Á hoặc vòng xuống Đông Nam Á để vào Trung Quốc – thời gian này đã trải qua một quá trình phân hóa hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn năm.

Xét điểm ý của Spencer Wells trong câu: “Trong khoảng thời gian 10.000 năm trở lại đây, hậu duệ của nhóm thị tộc Đông Á đã trở thành những nhà nông Trung Quốc đầu tiên và đã sản sinh đông đảo, tạo ra Làn sóng Tiến bộ lan nhanh quanh khu vực Đông Á” (sđd, tr. 156).

Theo thiển ý chúng tôi, có thể tác giả chỉ nhằm nói đến giai đoạn trồng lúa nước đã trở thành phổ thông sau khi các hậu duệ của nhóm thị tộc Đông Á đã học hỏi kinh nghiệm trồng lúa nước dọc trên hành lang di dân từ Tây sang Đông hoặc từ Nam lên Bắc.

Vì thời gian ấy chính là thời kỳ sau các đợt hồng thủy rút đi, tại các vùng ven sông và biển, nhất là từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống, đã hình thành nhiều vùng đầm lầy phù sa, lại có gió mùa và có thời tiết ấm áp, nên rất thuận lợi cho việc trồng lúa nước theo kiểu đại trà.

Để dẫn chứng cho lập luận trên, chúng tôi xin trích một vài khám phá khảo cổ học đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, nhà khảo cổ học người Thái Surin Pookajorn đã khám phá những hạt lúa với đồ gốm và những sản phẩm thủ công thời Đồ Đá Mới như rìu đá tại Hang Sakai (giáp với Mã Lai), có niên đại cách nay khoảng giữa 9260 và 7620 năm (Oppenheimer, sđd, tr.68).

Thứ hai, Joyce White, một nhà khảo cổ học Hoa Kỳ, lại khám phá một xã hội nông nghiệp (lúa nước) tại Ban Chiang ở miền Bắc Thái Lan, có niên đại khoảng 6 – 7 thiên niên kỷ TCN (Oppenheimer, sđd, tr. 69)(5).

Thứ ba, sau những công trình nghiên cứu khảo cổ học của bản thân cũng như của đồng đội tại vùng Non Nok Tha và những vùng phụ cận ở miền Bắc Thái Lan, Giáo sư Wilhelm G. Solheim II dạy tại Đại Học Hawaii (7) cũng nhận định:

Tôi (tức Solheim) đồng ý với Sauer (6) rằng chính cư dân của nền văn hóa Hòa Bình ở đâu đấy trong vùng Đông Nam Á đã biết trồng cây trong vườn nhà đầu tiên, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đã xảy ra sớm hơn 15.000 năm TCN (…)

Theo truyền thuyết lâu nay, người ta cứ cho rằng chính những làn sóng di dân từ phương Bắc xuống phương Nam đã mang theo sự phát triển kỹ thuật đáng kể cho vùng Đông Nam Á. Tôi gợi ý rằng chính nền văn hóa nguyên thủy thời đồ đá mới của miền Bắc Trung Quốc, được biết đến với tên văn hóa Ngưỡng Thiều, đã phát triển từ một chi lưu văn hóa Hòa Bình ở vùng phía bắc Đông Nam Á mà trước đó nó đã di chuyển lên phương Bắc vào khoảng sáu hay bảy thiên niên kỷ TCN.

Còn nền văn hóa gọi là Long Sơn gần đây hơn mà người ta tin tưởng đã xuất phát từ văn hóa Ngưỡng Thiều ở miền Bắc Trung Quốc, sau đó bùng lên phát triển về hướng đông và đông nam. Riêng phần tôi lưu ý rằng thật sự văn hóa Long Sơn đã phát triển ở miền Nam Trung Quốc và di chuyển lên phía bắc. Tất cả hai văn hóa này đều đã phát triển từ một căn bản văn hóa Hòa Bình.

Trong tác phẩm Eden in the East của mình, Stephen Oppenheimer (4) cũng đã có một lời kết luận tương tự:

”Thay vì theo mô thức “lấy Trung Hoa làm trung tâm” với thành kiến cây lúa nước do người Trung Hoa khám phá và trồng, ngày nay chúng ta phát hiện chính “những kẻ mọi rợ phương Nam” gốc Đông Dương, nói ngôn ngữ Nam Á (Austro–Asiatic speaking), đã dạy cho người Trung Hoa biết cách trồng lúa nước” (tr. 71) (7).

Ngoài ra, trống đồng còn là một khám phá văn hóa khá độc đáo của tổ tiên Việt tộc chúng ta, vừa phản ánh nét văn hóa nông nghiệp và vừa phản ánh nét văn hóa sông biển.

Chúng ta sẽ bàn đến điều này trong một chương khác để đạt chiều sâu hơn.

Kết luận.

Qua các nghiên cứu nói trên, chúng ta cũng đã bắt đầu thấy được những câu trả lời khá xác thực về nguồn gốc phức tạp văn hóa, cũng như huyết tộc của tổ tiên người Trung Hoa. Họ vừa có văn hóa và huyết tộc du mục thảo nguyên gốc Thổ và Mông Cổ xuất phát từ phương Bắc đến (tức thuộc thị tộc Trung Á), vừa có văn hóa và huyết tộc gốc du mục cao nguyên Tây Tạng, xuất phát từ Himalaya – nhóm này nguyên thuộc thị tộc Đông Á.

Họ còn hợp chủng và vay mượn cả văn hóa và huyết tộc của những người bản địa có nguồn gốc văn hóa từ phương Nam và đã đến Trung Quốc trước họ. Nhóm bản địa này nguyên thuộc đợt một rời Châu Phi, đi men theo đường biển. Chính Lạc Việt chúng ta phát xuất từ nguồn gốc dân tộc và văn hóa phương Nam này.

Kế đến, họ cũng còn hợp chủng với một nhóm khác nữa, nguyên cùng nguồn gốc thị tộc Đông Á xuất phát từ Himalaya đến, nhưng nhóm này lại đi men theo các sông lớn như Dương Tử, Tây Giang, Cửu Long… Đây chính là nhóm đã đem lại kinh nghiệm trồng lúa nước đầu tiên cho vùng Đông Nam Á, tức bao gồm từ miền cực nam Đông Nam Á đến vùng đồng bằng sông Dương Tử Trung Quốc, kể cả Vân Nam và Ba Thục.

Nhóm này về sau chính là tổ tiên của Âu Việt và đã được huyền thoại hóa qua truyền thuyết mẹ Âu Cơ.

Thế nhưng, Lạc Việt và Âu Việt là một tổng thể văn hóa và dân tộc Việt Nam, đã được thuật lại qua các truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, mà mới đây Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện Văn học Quốc gia tại Hà Nội, đã gọi là “văn hóa Viêm Việt” khi ông nhận định về triết gia Kim Định trong bộ Tự điển Bách khoa Văn học ấn bản năm 2003 – 2004 tại Việt Nam.


(1) Wells, Spencer : The Journey of Man. NXB Random House Trade Paperbacks, Nöõu Öôùc (2003).
(2) Phạm Trần Anh: Nguồn gốc Việt tộc. NXB Việt Nam Ngày Mai, 2007.
(3) Xin xem http://www.mevietnam.org/NguonGoc/fv–newlight.html
(4) Oppenheimer, Stephen: Eden in the East. NXB Weidenfeld and Nicolson, London , 1998.
(5) Khảo cổ học khám phá những làng nông nghiệp lúa mì và lúa mạch xuất hiện đầu tiên tại Jericho Cận Đông, chỉ có niên đại khoảng thiên niên kỷ thứ 5 TCN mà thôi (Wells, sđd, tr. 148–9)
(6) Sauer là một nhà địa chất Hoa Kỳ, vào năm 1952 đã nêu lên một giả thuyết tương tự, nhưng các nhà khảo cổ học hồi đó chưa chấp nhận.
(7) Từ nay, trong những bài viết chúng tôi, Austro–Asiatic được dịch là Nam Á; còn Austronesian được dịch là Nam Đảo. Tức là dịch từ chữ sang chữ hơn là dịch đúng theo nghĩa. Vì nếu theo nghĩa thì chúng tôi phải dịch Austroasiatic thành Đông Nam Á: lý do là địa bàn nói ngôn ngữ này chủ yếu tại miền Đông và Đông Nam Châu Á