Mấy năm gần đây bỗng dưng có phong trào nghe nhạc “sến” ở Việt Nam, các ca sĩ nổi tiếng hàng đầu chuyên về ca… nhạc “sến”! Các quan lãnh đạo đang tại chức hay đã về hưu (làm người tử tế) đều thích nhạc “sến” mà một thời chính họ cấm đoán, chà đạp…

Ai đi ngang qua Cầu Bông….

Báo chí trong nước bảo là nhạc “sến” đến thời phục hưng. Không hiểu sau hơn 40 năm thống nhứt, cả nước lại đem ra các bài ca cũ rích ở miền Nam “đồi trụy” để thưởng lãm và suy tôn? Chắc để tiếc nối thời vàng son hay là văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay có vấn đề?

Từ năm 1954 đến 1975, âm nhạc miền Nam rất phong phú và đa dạng, gồm đủ thể loại: nhạc tiền chiến, nhạc “sến”, nhạc du ca, nhạc phản chiến, nhạc trẻ, nhạc hùng ca tâm lý chiến, nhạc tình… [TK5475]. Hồi xưa lúc còn đi học, chúng tôi thường chê bài nhạc “sến”, cho là không có đẳng cấp (class)! Học sinh, sinh viên thường thích nghe những bài ca của các nhạc sĩ tên tuổi và các loại nhạc Tây phương bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp… Đến nỗi, hồi học trung học tôi thích mấy bài ca của nhạc sĩ Nhật Trường mà không dám công khai thú nhận vì trong đám bạn có đứa cho rằng nhạc của “Kép Nhựt” (xin đừng đọc lái) là loại nhạc demi-sến! Sau này lớn lên, tôi không thể phủ nhận được những giá trị, sự đa dạng và tính sáng tạo của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh: ít nhứt những sáng tác của ông liên quan đến bao kỷ niệm, những địa danh, chiến trận, giai đoạn lịch sử mà thế hệ chúng tôi đã từng trãi qua…

Sheet nhạc bài Gạo trắng trăng thanh - Hợp Âm Việt

Tại Việt Nam bây giờ người ta gọi “nhạc sến” là “nhạc vàng”, nhưng tại miền Nam trước 1975, không có danh từ “nhạc vàng”. Tôi không thích danh từ “nhạc vàng” vì nó liên quan đến một di sản sặc mùi đấu tranh giai cấp, đầy ý miệt thị và ác độc! Danh từ này của miền Bắc sao chép y chang từ thuật ngữ của Trung Quốc “hoangse yinyue” (黃色音乐, hoàng sắc âm nhạc – âm nhạc màu vàng) [NVHV]. Nguyên là sau chiến thắng năm 1949, những người Cộng sản Trung Hoa dùng thuật từ này để chỉ những tình khúc Thượng Hải vào thập niên 1930, cho là “thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt” [NV], ru ngủ và thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng. Không cần bàn thêm nhiều, lối tư duy biện chứng này liên quan đến cuộc cách mạng văn hóa đã gây ra thảm họa vô tiền khoáng hậu [VTKH] tại Trung Quốc từ năm 1966 đến năm 1976. Nếu ta còn gọi là “nhạc vàng” theo thói quen, tôi xin trân trọng đề nghị hiểu danh từ này một cách khoan dung hơn với ý nghĩa là “hoàng kim âm nhạc” (黃金音乐, golden music, nhạc “bằng vàng”), chứ đừng hiểu theo ý nghĩa nguyên thủy hẹp hòi của tên gọi nhạc “màu vàng”.

Tìm hiểu về chữ ‘‘sến”, tôi liên tưởng đến cây đàn mang tên sến. Trong các loại cổ nhạc – như là nhạc cung đình, nhạc lễ trong các đám cúng, hát văn, đờn ca tài tử, nhạc cải lương… – trong hòa âm có ba cây đàn chính, đó là: đàn kìm, đàn tranh và đàn cò. Đàn kìm (tên chữ là “nguyệt cầm”) là cây đàn số một, các cây đàn khác như là đàn sến, đàn tam, độc huyền cầm là những cây đàn phụ. Người chơi đàn kìm thường được kiêm luôn chơi “song lang” để giữ nhịp cho toàn bài hòa âm. Cây đàn sến tuy hình thể hơi giống cây đàn kìm nhưng tiếng nghe vừa đơn sơ mộc mạc, vừa thô kệch và… chói tai. Đàn kìm thanh lịch, sang trọng bao nhiêu thì đàn sến quê mùa, chất phác bấy nhiêu! Không biết có phải là một sự trùng hợp, hay là chữ “sến” xuất phát từ đây?

Tôi cố tìm tòi các xuất xứ khác của từ “sến”, nhưng thấy có nhiều lời giả thuyết không ổn. Có một giải thích có thể chấp nhận được cho là “sến” do chữ “con sen”, chỉ cho người giúp việc, người lao động tay chân ít học. Cho nên loại nhạc sến là quê mùa tầm thường được hát bởi những cô con gái ở đợ trong lúc ngừng tay rảnh rổi… Danh từ “con sen” (hay là “liên tử”) xuất xứ từ miền Bắc và được di cư vào Nam theo những văn sĩ và giới làm báo gốc miền Bắc sau năm 1954 và danh từ “nhạc sến” được dùng một cách phổ biến tại Sài Gòn thời đó, có ý khinh thường để chỉ về loại nhạc bình dân này. Tuy nhiên khi nhắc đến “nhạc sến”, tôi nhớ lại “Marie sến” hay là “Mari phông-tên” (Marie fontaine). Vào thập niên 1950-1960, các thành phố ở miền Nam mới bắt đầu được đô thị hóa (urbanised) nên chưa có ống nước dẫn tới nhà như sau này. Những dịch vụ về nước và điện là do hạ tầng cơ sở từ thời Pháp thuộc để lại (do công ty điện nước Compagnie des Eaux et Electricité, viết tắt là C.E.E. mà con nít Sài gòn hồi đó gọi là “chảy êm êm” như vòi nước robinet công cộng). Trong đó có những trạm nước máy (hay phông-tên nước) mà qua đó người dân lấy nước về dùng. Thường thì nhiệm vụ này do những “con sen” hay người gánh nước mướn đảm trách. Họ đứng sắp hàng để đến lượt lấy nước. Thường thì họ để đòn gánh trên cặp thùng để ngồi chờ đợi và cất lên những bài ca quen thuộc dễ nhớ, để vừa giải trí vừa thố lộ lòng mình… Những danh từ “nhạc phông-tên”, “nhạc nước máy” hay “nhạc sến” xuất hiện trong tiếng Việt từ đó.

Phông-tên, giếng nước công cộng là chỗ hẹn hò của trai gái trong xóm từ quê ra tỉnh. Bài ca vọng cổ “Gánh nước đêm trăng” là bài hát đầu tiên (và cũng là duy nhứt) ghi lại chuyện tình trai gái quen nhau qua việc gánh nước: Nó tả về một cảnh hồi xưa bên cạnh cái giếng công cộng nơi mà chàng trai quê tỏ tình cùng nàng thôn nữ, lời ca tuy bình dị nhưng chứa đựng được đầy chất thơ:

Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo,
Trăng đêm nay dìu dịu cả không gian,
Tôi với em gánh nước cạnh đình làng,
Mùi cỏ dại mơ màng trong đêm vắng.

Gìn lòng hai chữ ngỡi nhân,
Yêu ai yêu chỉ một lần mà thôi…
Em cười em bảo với tôi,
thề có đất trời em không phụ anh đâu.

Khăn tay tôi cất (giữ) đem theo,
Còn in nước mắt bạn nghèo năm xưa…
Quê người dãi nắng dầm mưa,
Làm sao quên kẻ sớm trưa đợi chờ
.”
(Gánh nước đêm trăng – Viễn Châu)

Trong bài này ta hãy “ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng” để nghe và xem lại những bài nhạc “sến”, “nhạc phông-tên” xa xưa để mà ngẩm nghĩ, thưởng thức và tìm hiểu về những giá trị nghệ thuật của những bài ca này…

oOo

Những dòng nhạc sến nhắc lại cho ta những kỷ niệm của những ngày cũ qua các giai đoạn trong đời người từ lúc chia đôi đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh đến thời đất nước thống nhứt… Mỗi bài ca nhắc lại một giai thoại, tâm tình cũ đã qua mà nay không thể tìm lại được.

Từ lúc mới lớn người thanh niên thời chiến phải từ giã quê hương để lên đường vào “Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ Quang Trung”

Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi.
Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói “khoác chiến y” rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.”
(Biệt kinh kỳ – Minh Kỳ & Hoài Linh)

Thời gian huấn luyện tại quân trường, người tân binh mong được gặp lại người yêu vào ngày chủ nhật cuối tuần:

“Hôm nay ngày Chủ nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh.
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi.
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi.
Ta nhìn nhau bâng khuâng.
Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn.
Ngày mai ra đơn vị, đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao?”
(Vườn tao ngộ – Nhật Hà/Khánh Băng)

Rồi rời quân trường ra đi tác chiến, biết đến bao giờ gặp lại người thương?

“Rừng lá rừng chập chùng,
giá lạnh trai chiến trường.
Đêm nay xa quê hương,
xa lìa tiếng nói người thương.
Ngày anh lên đường chiến đấu,
hoa lòng đã chớm tình yêu.
Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu,
chờ đến xuân về chiều…”
(Biết đến bao giờ – Lam Phương)

Nghe qua bài hát “Thành phố buồn”, ta mới thấm thía, nhớ lại lúc gặp lại người yêu trong một khung trời đầy kỷ niệm…

Thành phố nào nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm phút êm đềm.
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa,
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn…”
(Thành phố buồn – Lam Phương)

Đến ngày vượt biên, rồi xa xứ mấy chục năm, tôi thắm thía được lời ca trong bài “Tình bơ vơ”

“Ngày mình yêu,
anh đâu hay tình ta gian dối!
Để bước phong trần tha phương,
anh khóc cho đời viễn xứ!
Về làm chi!
rồi em lặng lẽ ra đi!
Gom góp yêu thương quê nhà,
dâng hết cho người tình xa!”
(Tình bơ vơ – Lam Phương)

và cảm nhận được lời ca trong cảnh biệt ly…

“Đêm ấy mưa rơi nhiều
Giọt mưa tan tác mưa mùa ngâu
Tiễn chân người đi
Buồn che đôi mắt thấm ướt khi biệt ly
Nghe tim mình giá buốt
Hồi còi xé nát không gian
Xót thương vô vàn
Nhìn theo bóng tàu dần khuất trong màn đêm”
(Sầu lẻ bóng – Anh Bằng)

đến khi được tin người yêu tại quê nhà đi lấy chồng

“Được tin em có chồng,
Lòng anh buồn biết mấy.
Được tin em có chồng,
Chắc người từ độ ấy
Còn thương tiếc khôn nguôi
Giờ em đi lấy chồng,
Còn đâu mà trông ngóng.
Đẹp duyên em với chồng,
Xây cuộc đời đầm ấm,
Để anh tan nát lòng.”
(Được tin em lấy chồng – Châu Kỳ)

Lòng mang một nỗi buồn “tương tư vàng úa, ngày em về nhà đó…

“Bão tố triền miên ngày em về nhà đó
Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu…
Một chiều trên đồi em làm thơ
Cỏ biếc tương tư vàng úa
Mộng dệt theo đàn bên người mơ
Mới biết mình yêu bao giờ.”
(Cỏ úa – Lam Phương)

Còn buồn nào hơn khi thấy người yêu lên xe hoa…

“Chiều tím không mây, đường cũ bước lần về,
buồn nghe day dứt tim
Nhìn xe kết hoa màu trắng ngỡ rằng mình mơ,
Pháo hồng nhuộm tím đường
Lá thu chậm rơi từng lá nghe buồn buồn tưởng bước ai tìm về.
Mở rộng vòng tay đón em nhưng nào thấy,
Sầu dâng lên tim biết bao giờ cho khuây?”
(Sầu tím thiệp hồng – Hoài Linh)

và để tiếc nuối cho cuộc tình lỡ làng…

“Thôi rồi còn chi đâu anh ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi
Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay…”
(Tình lỡ – Thanh Bình)

Thôi hết rồi người đã xa tôi
Quên hết lời thề ngày xa xôi
Quên đường xưa lối qua ngậm ngùi
Nghe thời gian bước đi bồi hồi,
hai ta cùng chung lối.
Ôi những kỷ niệm ngày bên nhau
Nay chỉ còn là niềm thương đau
Sao tình yêu hóa ra hận sầu
Sao dịu êm hóa ra nghẹn ngào
Sao cuộc đời tựa chiêm bao.

(Tình yêu trả lại trăng sao – Lê Dinh)

Ngại ngùng bước chân buồn,
Em đã sang ngang rồi,
Đành thôi nhớ mong, gởi theo gió đông.
Tình yêu giá băng vào nơi cuối trời, nhớ
Sầu đông còn đến bao giờ
.”
(Sầu đông – Khánh Băng)

Nghe nhạc sến để nhớ lại một bóng hình xưa trong buổi chia ly ngày trước với hình ảnh một tráng sĩ “ra đi vì đời”

Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời
Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không,
chuyến xe đêm lạnh không? Ðể người yêu vừa lòng…”

(Tàu đêm năm cũ – Trúc Phương)

“Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối.
Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi.
Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ,
sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ.
Đã gặp nhau rổi, sao em không nói,
sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?”
(Tạ Từ Trong Đêm – Trần Thiện Thanh)

Nhắc đến cảnh tiễn đưa người trai ra sa trường, ta nhớ đến hình ảnh Kinh Kha tráng sĩ một lần ra đi không trở về, qua câu thơ cổ “Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề, bất  phục hoàn.” (Gió hiu hắt thổi, nước sông Dịch lạnh. Tráng sĩ một lần ra đi không trở về):

“Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em
Người đi giúp núi sông…
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Người người nối tiếp câu thề dành lấy quê hương”

(Khúc tình Kinh Kha – Nguyễn Văn Đông)

Cảnh chia ly buồn bã trong đêm mưa ở quê nhà

“Ngoài hiên mưa tuôn mưa lạnh xuyên qua áo ai.
Canh dài nghe bùi ngùi.
Mưa lên phố nhỏ có một người vừa ra đi đêm nay,
để bao nhiêu luyến thương lại lòng tôi.”
(Mưa nửa đêm – Trúc Phương)

“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn… đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.”
(Chuyến tàu hoàng hôn – Minh Kỳ & Hoài Linh)

Cảnh tiễn đưa rất quen thuộc “trên bốn vùng chiến thuật” trong thời chiến

“Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày,
lửa thù no đôi mắt,
chân nghe lạ từng khu chiến thuật,
áo đường xa không ấm gió phương xa,
nghìn đêm vắng nhà.”
(Trên bốn vùng chiến thuật – Trúc Phương)

“Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé, tiếng còi đang ngân dài…

(Một người đi – Mai Châu)

Cũng vào đêm mưa, người ta nhớ lại mái trường xưa với người bạn cũ:

“Tình xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi…
“Này cây phượng vĩ bên đường che nắng ban trưa
Này con đường dẫn vào sân ga tắm trăng mơ.
Mái trường ngày ấu thơ,
Và này căn nhà vắng nằm cạnh nhau nghe đêm mưa.”

(Hai mùa mưa – Lê Minh Bằng)

Hay là trong cảnh “nửa đêm lạnh qua tim” nhớ về “chuyện xưa vào đời”

“Buồn vào hồn không tên,
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời
Đường phố vắng đêm nao quen một người
Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”
(Nửa đêm ngoài phố – Trúc Phương)

“Kể từ sau đêm đó, sân vui đại học vắng tiếng chim ca Cho dẫu không xóa nhòa rồi thì cũng qua

Tình cũng bay xa,
Ngàn ngày trôi xa vắng,
Chưa cạn một lần cay đắng,
Xa nhau một đời,
Em còn gì đâu, anh còn gì đâu?”
(Trên đỉnh mùa đông –Trần Thiện Thanh)

Để nhớ lại một thuở tuổi trẻ

“Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn,
Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn.
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ,
Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi.
Cho đến hơn một lần tuổi trẻ như qua mất rồi
Ngày tim lên tiếng gọi, thôi tôi mến một người
Tâm tình chiều nao trên phố nhỏ
Khi về lưu luyến mãi phút hẹn hò…”
(Bóng nhỏ đường chiều – Trúc Phương)

và luyến tiếc những ngày hạnh phúc bên nhau

“Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa
Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta
Vượt ngàn hải lý cũng không xa…”

“Đời anh sẽ đẹp vì có em
Ngày dài sẽ làm mình nhớ thêm
Biển xanh cát trắng, sóng hòa nhịp ái ân
Không còn những chiều bâng khuâng….”
(Biển tình – Lam Phương)

với những giây phút xa xưa qua rồi…

“Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi
Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi
Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi
Mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi…”

(Đường xưa lối cũ – Hoàng Thi Thơ)

mà “tìm em, giờ tìm ở đâu sao không gắng đợi chờ nhau…”
“Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện mãi tôn thờ
Và yêu không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai non nước không còn hận sầu
Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng
Mà sao không thấy nàng
Tìm em, giờ tìm ở đâu sao không gắng đợi chờ nhau”

(Căn nhà ngoại ô – Anh Bằng)

Một bài hát thành công thường dễ nhớ và vần điệu giống như một bài thơ:

“Ngược thời gian,
trở về quá khứ phút giây chạnh lòng.
Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không
Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi,
Trong phút cuộc đời tương lai trả lời thôi.”
(Nhật ký đời tôi – Thanh Sơn)

“Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối.
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi.
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở,
của người nguyện đợi chờ,
nghẹn ngào giờ tiễn đưa…”
(Sương lạnh chiều đông – Mạnh Phát)

“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối.
Đời lắm phong trần tay trắng tay
Trời đông ngại gió lùa vai gầy
Lầu kín trăng về không lối chiếu
Gác cao ngăn niềm yêu
Thì thôi mơ ước chi nhiều”
(Về đâu mái tóc người thương – Hoài Linh)

“Một ngày nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều
Đò của người thôn nữ
Chờ đưa người viễn xứ
Đưa anh trai phong sương
Đi lính Cộng-Hòa”
(Đò chiều – Trúc Phương)

Lời lẽ trong nhạc sến đơn giản, như người bình dân nôm na “gọi tên là một, hai, ba…”

“Một người đi với một người,
Một người đi với nụ cười hắt hiu.
Hai người vui biết bao nhiêu,
Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn.
Giữa đường cơn gió lặng thinh,
Nghe nghiêng nghiêng nặng lòng mình nao nao.
Ba người chẳng biết làm sao,
Khi không có kẻ buồn thiu đứng nhìn…”

(Chuyện ba người – Quốc Dũng)

diễn tả như lời như lời bạch thoại tả chuyện tàn phai của một cuộc tình qua “ba mùa mưa”:

“Yêu nhau như bướm say hoa,
đẹp như giấc mộng,
vừa qua những năm đầu;
Năm sau mưa gió vì đâu,
nàng đã quên dần;
xa rồi năm thứ ba…”
(Chuyện ba mùa mưa – Thông Điệp)

Cuối tuần là lúc hẹn hò của tình nhân

“Anh ơi tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò
Cho nhau niềm vui cuối tuần
Vì hơn mấy lần
Vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn…”

(Chiều cuối tuần – Trúc Phương)

oOo

Ở phương Tây, loại nhạc được phổ biến rộng rãi gọi là “pop music” (từ chữ popular music). Theo định nghĩa “pop music” là loại nhạc được khai thác thương mại, dễ phổ biến và nhắm vào quần chúng mà cũng có thể là giới bình dân. Nhưng ta không dịch pop music là “nhạc bình dân” mà gọi là “nhạc phổ thông”. Theo định nghĩa này, nhạc sến chính là “pop music”! Và những đặc tính làm cho những bài nhạc sến được phổ biến rộng rãi là:

∙ Hợp âm và giai điệu (chord progression and melodies): Nhạc sến rất dễ hát và dễ bắt nhịp, thường thì các bài nhạc sến viết theo các điệu boléro, rumba…

∙ Sự quen thuộc (familarity): Nhạc sến giống như bài vọng cổ cải lương hồi xưa có khả năng diễn đạt rộng rãi vì văn chương trong nhạc là nhắm vào đại chúng cho nên bao gồm nhiều đề tài gần gũi với đề tài thường nhựt trong cuộc sống. Chủ đề của những bài nhạc sến thường là buồn hợp với thời chiến trong giai đoạn chiến tranh từ thập niên 60 và 70, tình yêu, tâm sự, cảnh chia ly tiễn đưa, cảnh trời mưa, đêm vắng nhớ chuyện xưa… Người nghe rất quen thuộc với âm điệu trong nhạc sến và có một sự kết nối văn hóa giữa âm nhạc và người nghe có thể làm cho một giai điệu càng dễ nhớ hơn.

∙ Lời bài hát (lyrics): Những bài nhạc sến thường có tính tự sự cao (ballad), người ca sĩ qua bài ca như tâm tình cùng thính giả. Về giá trị trong những bài ca, người Tây phương có câu: “When you’re happy, you enjoy the music; but when you’re sad, you understand the lyrics” – khi bạn vui bạn thưởng thức được nét nhạc; nhưng khi bạn buồn, bạn hiểu được lời bài hát”. Đúng như vậy, lời của những bài hát cũ như kể chuyện cho người nghe từng chi tiết…

∙ Sự lập lại (repetition): Sự lặp lại có thể làm cho một bài hát khó quên – nếu ta nghe một bài hát nhiều lần nó sẽ in vào đầu và làm cho ta dễ nhớ cho dù Ià bài hát dỡ. Nhạc sến đã phổ biến rộng rãi lâu nay và ta được nghe dòng nhạc này khắp những nẽo đường đất nước làm chúng càng thêm phổ biến và khó quên hơn…

∙ Chất lượng và trình diễn (production quality and performance): Người ta bảo hát nhạc sến rất dễ hát nhưng hát hay là một chuyện khác. Người ca sĩ ca nhạc sến như kể lại tâm sự của chính mình qua bài hát với những kỷ thuật dàn hơi, xuống câu đặc thù của chính họ vì vậy nhiều khi danh tiếng của những bài hát dính liền với tên tuổi của ca sĩ và nói một cách khác là có những bài hát được sáng tác chỉ để riêng cho người ca sĩ đó hát.

Ngoài các giá trị âm nhạc, đối với tôi những bài nhạc sến cũ – những bài “top hits” hồi xưa và bây giờ – đã kể lại kỷ niệm, bao nhiêu câu chuyện về cuộc thăng trầm của đất nước với quá nhiều đổi thay mà khi nghe lại ta nhớ rõ từng giai đoạn, chi tiết và chính dòng nhạc này đã đi vào lòng quần chúng: Bài Một trăm phần trăm (tác giả Vũ Chương, ca sĩ Hùng Cường) ta thường được nghe lại trong những bửa tiệc nhậu “dzô 100%” với một câu nịnh đầm bất hủ của lính!: “Chiều nay không em, thấy yêu em nhiều hơn, cớ sao em buồn…”. Và đặc biệt là qua những câu hát bị pha chế phổ biến trong tận các xóm làng cả miền Nam như là:

∙ Bài “Hè về” của Hùng Lân, sáng tác năm 1945: “Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song”, đã bị nhái thành: “Trời hồng hồng sáng trong trong, bận quần xi líp lòi lông”.

∙ “Khỏe vì nước, bánh ướt tôm khô, chè đậu đen năm cắc mười tô…” (“Khỏe vì nước” – Hùng Lân, sáng tác năm 1946: “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba…”)

∙ “Chiều ơi! Lúc chiều về bà vãi đi tu, ông thầy ổng khóc hu hu, ơi chiều…” (“Nương chiều” – Phạm Duy, sáng tác năm 1947: “Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều…”)

∙ “Nhà bên kia có con gà trống gáy, bắt nước sôi bỏ vô nồi hết gáy, rạng ngày mai đem xé phai ăn ngon lành.” (phỏng theo bài “Khúc ca ngày mùa” của Lam Phương, sáng tác năm 1955: “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác, chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời…”)

∙ “Màn đêm buông xuống Kim Liên thừa cơ. Khi chồng đi vắng rước trai về nhà…” (bài tân cổ giao duyên hài hước “Võ Đại Lang bán phở” dựa theo bài “Chiều mưa biên giới” của Nguyễn Văn Đông sáng tác năm 1956: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu…”)

∙ “Em đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ny lông. Dzô đi em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về.” (phỏng theo bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1956: “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”)

∙ “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra lên con gà mái, chung hết tiền, cô trốn liền.” (phỏng theo bài “Tiếng hát quê hương” của Xuân Lôi & Y Vân, sáng tác năm 1958: “Có cô gái miền quê hát bài ca. Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió. Thôn xóm nhà khi nắng tà…”)

∙ “Em ơi nếu mộng không thành thì sao, mua bao thuốc chuột uống vô là rồi…” (“Duyên kiếp” – Lam Phương, sáng tác năm 1960: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao. Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”)

∙ “Trời đêm gần tàn, tôi lái hông-đa đưa tiễn nàng đi dzô nhà hàng. Cầm chắc đôi tay tôi hỏi nàng đêm nay được không…” (“Tàu đêm năm cũ” – Trúc Phương, sáng tác năm 1960: “Trời đêm dần tàn tôi đến sân ga, đưa tiễn người trai lính về ngàn. Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay…”)

∙ “Để không chết thằng cha thiếu úy, mà chết thằng trung sĩ vợ con khóc lu bù…” (“Những đồi hoa sim” – nhạc Dũng Chinh sáng tác 1961, thơ Hữu Loan: “Để không chết người trai khói lửa, mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì…”)

∙ “Hàn Mạc Tử… chơi bời cho dữ, mắc tiêm la tùm lum…” (phỏng theo bài “Hàn Mạc Tử”, tác giả Trần Thiện Thanh, sáng tác năm 1964: “Hàn Mạc Tử xuôi về quê cũ, dấu thân nơi nhà hoang…”)

∙ “… cho anh xin một đêm ba… cái…” (phỏng theo bài “Tình bơ vơ” của Lam Phương: “… cho anh xin một đêm trăn trối. Tìm đống tro tàn năm xưa, dâng hết cho lần yêu cuối…”)

Tại Việt Nam bây giờ phong trào nghe nhạc sến bùng nổ. Mấy năm gần đây người ta thường nghe cụm từ “dòng nhạc boléro” thay cho danh từ “nhạc sến”. Có nhiều ý kiến cho rằng việc chạy show theo trào lưu nhạc boléro chỉ vì lười sáng tạo, chụp giật. Lại có người cho rằng nghe nhạc sến là tôn vinh những giá trị xưa cũ quá đáng và đẳng cấp văn hóa thấp đáng báo động. Nhưng ngoài những dòng nhạc trước năm 1975, người dân Việt Nam có còn loại nhạc gì khác nghe được? Không lẽ phục hồi lại loại “nhạc đỏ” cổ võ bạo lực cách mạng và tuyên truyền cho chế độ như trong những năm chiến tranh và thời bao cấp? Thật ra sau hơn 40 năm thống nhứt, đất nước vẫn chưa đào tạo một thế hệ nhạc sĩ sáng tác ngoài khuôn khổ và sáng tạo như trước năm 1975. Theo cách suy diễn của riêng tôi, một lý do chính khiến người ta tìm về những bài hát cũ, giá trị xưa là để quên đi hiện trạng “vô cảm” của một xã hội bế tắc và vô vọng đương thời…

oOo

Đọc và nghe lại những lời trong bài hát xưa, tôi thấy lâng lâng niềm cảm xúc, như được xem lại tâm trạng của chính lòng mình qua trang nhật ký và từ đó ngồi viết lại tâm sự về những bài hát xưa để trở về quá khứ với những kỹ niệm, hình ảnh cũ không bao giờ quên…

Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui
Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi
Ngồi viết tâm sự, nhớ ngược về quá khứ, chợt lên nét suy tư
Bao năm thầm kín trót thương tà áo tím
Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rớt vào tim
(Trả lại thời gian – Thanh Sơn)

Hồi xưa chúng thôi thường cho rằng các bạn thích nghe nhạc sến, gọi các bạn ấy “cải lương” hay “sến nương”. Bây giờ nghe lại những bài ca cũ mà nhớ về những chuyện thời xa xưa, những kỷ niệm cũ và cảm thấy lòng xao xuyến và thấm thía được những giá trị của dòng nhạc boléro xưa và từ nay tôi dùng danh từ “nhạc sến” một cách trang trọng. Xin chép vài câu để nói lời tạ lỗi với người bạn cũ và các fans của giòng nhạc sến thuở trước…

Năm xưa qua bảo em “sến nương”,
Vì những bài ca em hát thường,
Bây giờ mới biết mình “sến lão”,
Nói lời tạ lỗi để em thương!