Thói quen cắn móng tay không chỉ khiến móng mất thẩm mỹ mà còn dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Số lượng khách hàng “nghiện” cắn móng tay đến salon cũng không nhỏ, vậy các thợ nail nên làm gì để có thể mang đến cho họ những dịch vụ hoàn hảo nhất đồng thời giúp khách từ bỏ thói quen xấu này?

Thói quen cắn móng tay hay còn gọi là “onychophagia”, thường bắt đầu từ độ tuổi 3-4 và đến 45% người trưởng thành vẫn giữ thói quen xấu này.

Khi các khách hàng đến salon với các dấu hiệu về thói quen cắn móng tay quá rõ ràng, thì bất kỳ thợ nail nào cũng cảm thấy lo lắng không biết nên làm móng cho họ như thế nào. Theo Dana Stern – trợ lý của giáo sư da liễu ở Mt. Sinai Medical Center (New York) và cũng là người sáng lập công ty Dr. Dana Beauty, bệnh “nghiện” cắn móng tay đang ảnh hưởng đến hơn 30% dân số trên toàn thế giới.

Các bệnh nhân thường cảm thấy xấu hổ khi phải đi điều trị ở bệnh viện nên “trách nhiệm cao cả” này đã được các khách hàng giao lại cho những thợ nail ở salon. Trước khi tham khảo cách chăm sóc móng an toàn cũng như giúp khách hàng từ bỏ thói quen cắn móng tay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về nguyên nhân cũng như các triệu chứng của căn bệnh này.

Bệnh “nghiện” cắn móng tay

Rất nhiều người nghĩ rằng người “nghiện” cắn móng tay là do lo lắng hay bị căng thẳng quá mức nhưng thật ra không phải lúc nào cũng vậy. Nguyên nhân chính xác dẫn đến thói quen này vẫn chưa biết được nhưng vài nghiên cứu chỉ ra rằng việc cắn móng tay thường là do các rối loạn về tâm lý (psychiatric disorders) như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hay rối loạn lo âu. Ngoài ra, thói quen này cũng có liên quan đến cảm giác buồn chán khi đang làm một việc gì đó mà mình không có hứng thú.

Những khách hàng có thói quen cắn móng tay có thể nhận ra dễ dàng qua các dấu hiệu như: phần móng bất thường, rất ngắn và không đều, vùng da biểu bì thường bị rách hay xước, nếp móng có thể bị xuất huyết mảnh vụn (splinter hemorrhages).

Thói quen cắn móng tay có thể dẫn đến nhiều căn bệnh phức tạp khác như bệnh nhiễm trùng quanh móng (paronychia); viêm mé móng (herpetic whitlow); hay móng tay bị nhiễm sắc tố theo chiều dọc (longitudinal melanonychia). Trong một vài trường hợp, bệnh cắn móng tay còn dẫn đến nhiều căn bệnh răng, miệng nguy hiểm.

Các giải pháp khi chăm sóc móng ở salon

Nếu khách hàng của bạn là một người “nghiện” cắn móng tay thì việc đắp móng (short enhancements) có thể giúp họ dần từ bỏ thói quen xấu này. Janet McCormick – Giám đốc của Nailcare Academy (Fort Myers, Florida) có một số lời khuyên cho thợ nail khi chăm sóc móng cho các khách hàng đặc biệt này như:

– Đề nghị khách làm móng hàng tuần để có thể chỉnh sửa hay đắp móng cho đến khi móng tự nhiên mọc dài ra.

– Người mắc bệnh hay cắn móng tay thường có phần giường móng rất nhỏ và ẩm, nếu sử dụng Acrylic thì móng đắp sẽ dễ bị hở hơn, thợ nail nên dùng các loại gel khi làm móng để có tính mềm dẻo, khó hở móng khi làm xong.

– Những kiểu móng hình tròn hay “squoval” cũng sẽ ngăn ngừa tình trạng này bởi vì không có “góc cạnh” nào để họ có thể cắn móng tay của mình nữa.

– Bạn có thể tặng khách hàng một cây giũa móng nhỏ (có hướng dẫn) để sử dụng khi cần thiết, tránh phải “cắn” khi móng bị xước.

– Một vài thợ nail khuyên khách nên viết lại “nhật ký” của mình trong vài ngày để xem họ có lặp lại thói quen xấu này không. Bằng cách ghi lại “hoạt động cắn móng tay”, khách sẽ ý thức được hành động của mình và quyết tâm thay đổi hơn. Lúc đầu, nếu cảm thấy quá khó chịu, hãy khuyên họ nên cầm nắm vật gì đó để di dời sự chú ý như bóng giảm stress, dây thun hay “fidget spinner”.

– Băng đeo cổ tay (wristband) cũng được xem là một biện pháp nhắc nhở khá hiệu quả cho những người mắc bệnh cắn móng tay.

– Thợ nail có thể sử dụng những loại sơn móng có “mùi vị” không hấp dẫn lắm để khách cảm thấy khó chịu mỗi lần cắn móng tay và dần dần từ bỏ thói quen. Nếu salon thường xuyên có những vị khách mắc bệnh cắn móng tay, hãy tìm hiểu và mua những sản phẩm cần thiết để giúp đỡ các vị khách của mình.

Các thợ nail hãy nhớ rằng, từ bỏ thói quen là một việc không hề dễ dàng chút nào. Đừng thể hiện sự khó chịu hay nản lòng khi nhìn thấy khách trở lại với bộ móng “nham nhở” dù bạn đã giúp đỡ và đưa ra nhiều lời khuyên cho họ vào lần trước. Thay vào đó, hãy cố gắng nhìn thấy “sự tiến bộ” và động viên khách để họ có thể dần dần thay đổi thói quen cắn móng tay, không chỉ giúp khách bảo vệ sức khỏe mà còn mang đến cho bạn nhiều cơ hội kinh doanh hơn từ sự quan tâm và chăm sóc chu đáo khách làm nail của mình!

Thepronails