CHƯƠNG X. NẾP PHONG TỤC THUẦN PHÁC CỔ XƯA

Trong những làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm, chúng ta đã quan sát người Việt cổ qua cách ăn ở, ăn mặc, ăn uống nhiều màu vẻ của họ, chứng tỏ trình độ sinh hoạt và nhu cầu của xã hội Việt cổ đã phát triển đến một mức nhất định. Phong tục tập quán của người Việt cổ, thuần phát nhưng không kém phần đa dạng, những tập tục về sinh đẻ, cưới xin, tang ma, về giao tiếp cộng đồng, cũng cho chúng ta nhiều hình ảnh sinh động về một đời sống xã hội phong phú, hài hoà.

ĐÁM HỎI, ĐÁM CƯỚI Ở THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

Qua truyền thuyết dân gian và tư liệu dân tộc học so sánh, ví dụ truyền thuyết về đám cưới Mị Nương – Sơn Tinh ( quen gọi là Ông Tản, người anh hùng núi Tản ) con gái và con rể vua Hùng, tư liệu về đám cưới truyền thống của người Mường v.v… ta có thể hình dung được phần nào đám cưới và những phong tục cưới xin hàng nghìn năm trước đây; Sơn Tinh và Mị Nương có thể là hình ảnh của những chú rể và cô dâu ở thời đại Hùng Vương.

Hôn nhân thời ấy đã là chế độ hôn nhân một vợ một chồng đánh dấu sự hình thành những gia đình cá thể, những lứa đôi gắn bó với nhau một cách ổn định, khác với những hình thức hôn nhân lỏng lẻo, tùy tiện và chế độ quân hôn hỗn tạp ở thời nguyên thủy.

Mị Nương, giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chỉ chọn lấy Sơn Tinh, cũng như trong những lứa đôi khác ở thời Hùng Vương: Tiên Dung một cô con gái khác của vua Hùng chỉ lấy chàng trai nghèo Chử Đồng Tử; người con gái họ Lưu, trong truyện Trầu Cau, chỉ lấy một trong hai anh em Tân và Lang.

Trong những cuộc hôn nhân một chồng một vợ đó, người con gái về nhà chồng : Mị Nương theo Sơn Tinh về núi Ba Vì ( Tản Viên ). Trái với phong tục chàng rể phải về ở với gia tộc bên vợ như ở thời kỳ chế độ quyền mẹ ( mẫu quyền ), tục con gái về nhà chồng đánh dấu sự thắng lợi bước đầu của tổ chức gia đình và xã hội quyền cha ( phụ quyền ).

Hùng Vương thứ 7, vị vua đầu tiên và duy nhất lên ngôi nhờ thi tuyển - Báo  VTC News

Nghi lễ cưới xin đã phát triển đến mức độ đáng kể thể hiện qua một số phong tục khác có ý nghĩa đặc sắc.

Trước hết đó là tục thách cưới : Khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến xin vua Hùng gả con cho thì vua Hùng đã thách hai người phải đem nộp ” voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… “.

Thời kỳ mẫu hệ không có tục thách cưới. Tục lệ mới phản ánh sự giảm sút trong thân phận và giá trị người phụ nữ : họ bắt đầu trở thành món hàng để trả giá, bán mua.

Trong nghi lễ hôn nhân Việt cổ đầu tiên có lễ dạm. Vật phẩm dùng trong lễ này là gói đất. Sách Lĩnh Nam chích quái chép : Ở thời Hùng Vương ” việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu “. Vị trí của đất thật là quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của nhiều tộc người cổ đại. Ở người Việt cũng như nhiều dân tộc như Khmú, Kháng, Mảng, Laha, Xinh – mun… ( vốn có nhiều nét gần gũi với người Việt ), đất là một vật chất và hình tượng cao quý, thiêng liệng. Bởi lẽ đất là nguồn sống tuyệt đối của những cư dân nông nghiệp ruộng rẫy; ở những tộc người mà trình độ phát triển càng cao phải dựa nhiều vào đất. Ý nghĩa tượng trưng của đất dùng trong nghi lễ hôn nhân cũng là điều tự nhiên. Nhưng phong tục cưới xin này hình như còn gắn bó với một tục rất cổ khác của người Việt là tục ăn đất và chế biến đất ăn : Tục này thấy ở người Kháng ( Tây Bắc ), người Bana ( Tây Nguyên ) cũng như ở người Việt cổ truyền các vùng Thái Bình, Hà Nam, Hà Tây, Phú Thọ. Đất ăn được hun bằng cỏ tế và cây sim trở thành một thứ hương liệu được gọi là ” ngói ” hay ” đá non ” và được nhân dân những vùng có tục ăn đất rất ưa thích : người ta mua về làm quà cho nhau, hay đem ra mời khách như mời nhau điếu thuốc miếng trầu. Ở Vĩnh Phú vùng đất tổ Hùng Vương còn tục con gái sau khi cưới còn ở lại nhà cha mẹ đẻ một thời gian và khi về ở hẳn nhà chồng thì bố mẹ cho vừa bò, vừa lúa, vừa nghề làm đất ăn : gian nhà đất, giếng đất và cả dụng cụ làm ” ngói “.

Nếu như trầu cau ” miếng trầu là đầu câu chuyện ” là lễ vật cổ truyền không thể thiếu của đám cưới, thì miếng ngói một thứ hương liệu ( đất thơm ) cũng được xem như món quà quý trong lễ dạm, có lẽ đó là giá trị và ý nghĩ thực tiễn của gói đất đặc biệt mà Lĩnh Nam chích quái đã nói đến (1).

Ở những vùng núi và trung du hiếm muối ăn thì ” Việc hôn nhân lấy gói muối làm đầu” (2). Có thễ dễ dàng thấy ý nghĩa vừa tượng trưng vừa thực tiễn của muối : rất cần cho đời sống, thứ gia vị và thực phẩm này có khi là thứ của hiếm và quý; nó biểu hiện sự mặn mà đằm thắm rất hợp với tinh thần của hôn nhân.

Sau lễ dạm thì đến ngày lễ cưới. Truyền thuyết và sử sách cổ tả lại đám cưới của Sơn Tinh – Mị Nương đều đồng nhất lễ hỏi và lễ cưới. Nghi lễ hôn nhân chỉ gồm có hai bước ( dạm và cưới là một nét độc đáo của phong tục Việt cổ ) khác với phong tục hôn nhân của các tộc người ở phương Bắc, và điều này còn được bảo lưu về sau ở nhiều tộc người ở phương nam quanh người Việt cũng ở ngay trong người Việt : nhiều đám cưới người Mường, người Tây Nguyên, người nông dân Việt ( ở các vùng ít chịu ảnh hưởng lễ giáo phong kiến ) ở thời đại vẫn còn giữ tục lệ đồng nhất lễ hỏi và lễ cưới.

Sử sách cổ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự khác biệt về chế độ phong tục hôn nhân giữa người Việt và người Hán đầu công nguyên. Bọn xâm lược thống trị phong kiến nhà Hán, trong âm mưu đồng hoá người Việt đã từng đặt cả một chức quan coi về hôn lễ, làm mối gọi là ” mối quan “, với ý đồ thủ tiêu phong tục hôn nhân từ thời Hùng Vương để truyền bá điển lễ hôn nhân phong kiến Hán tộc.

Nghi thức hôn lễ Việt cổ có kèm những trò vui : người dự dám cưới lấy bùn, đất, hoa quả ném vào chàng rể. Nhiều hội làng cổ truyền vùng Phú Thọ nhắc lại sự tích tống diễn chàng rể Sơn Tinh trong đám cưới Mị Nương, cũng như nhiều đám cưới Mường thời cận đại vẫn còn giữ nguyên phong tục cổ kính độc đáo này.

Lĩnh Nam chích quái còn cho biết thêm : trong đám cưới, người ta giết trâu, dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp để cô dâu chú rễ nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Tục cùng ăn cơm chung trước khi đôi gái trai chính thức thành vợ chồng, cũng là một nghi lễ quen thuộc trong nhiều đám cưới Mường và Tây Nguyên thời cận hiện đại.

Bên cạnh những phong tục hôn nhân đánh dấu bước phát triển lịch sử xã hội theo hướng quyền cha, vẫn còn tồn tại nhiều tàn dư của chế độ quyền mẹ. Người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân thời Hùng Vương tỏ ra có một vai trò chủ động : nàng Tiên Dung chủ động lấy anh chàng họ Chử ; cô con gái họ Lưu chủ động thử thách và chọn lấy người anh trong cặp anh em Tân, Lang. Sách sử Trung quốc chép Mị Châu con gái vua Thục chủ động yêu Trọng Thủy. Như vậy là người phụ nữ còn tương đối tự do phóng khoáng, không chỉ trong hôn nhân mà cả trong việc gái trai yêu đương. Truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian vùng đất Tổ ( Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang ) cho biết có những người phụ nữ Việt cổ đã thụ thai ” một cách thần bí ” ( giẫm vào một dấu chân khổng lồ, nhìn thấy cầu vồng, gặp rắn, rồng… ), khiến cho con cái chỉ biết mẹ mà không biết đến cha. Sử sách Trung Quốc và Việt Nam cho biết vào đầu Công nguyên nhiều làng chạ Việt cổ vẫn giữ tục lệ cũ cho gái trai được tự do gắn bó vào mùa thu, vốn là mùa cưới xin, mùa hồng cốm… Và mãi cho đến đời Trần, ở những gia đình nghèo, trai gái vẫn tự do lấy nhau : vào những ngày cuối năm, trước tết Nguyên đán, có tục lễ tháo khoán cho gái trai tự do lấy nhau không cần theo điển lễ phong kiến.

Ở thời Hùng Vương còn có tục con gái lấy chồng rồi lại quay về nhà mẹ đẻ ở một thời gian, sau vài mùa cau, mùa lúa mới về ở hẳn bên chồng. Truyền thuyết vùng đất tổ kể rằng Ngọc Hoa con gái vua Hùng ở miền này đi lấy chồng là Sơn Tinh ở núi Tản Viên, cưới xong nàng lại trở về quê cha, lâu không trở lại núi với chồng, thành ra Sơn Tinh phải tới đón về; rời quê cha, lòng Ngọc Hoa buồn rười rượi, nhân dân các làng chạ làm trò vui cho Ngọc Hoa khuây khoả và để tiễn đưa hai vợ chồng. Đó là nguồn gốc của tục lệ rước Chúa Ông Chúa Bà và trò Bách nghệ khôi hài ở một số làng quanh vùng núi Hi Cương, nơi có ngôi đền Hùng : hàng năm khi mở hội ” vào đám ” nhân dân chọn lấy hai thanh niên gái và trai đóng vai Ngọc Hoa và Sơn Tinh cho ngồi trên kiệu rước đi, trước kiệu là một đoàn người ăn mặc sặc sỡ cầm các vật tượng trưng cho gia súc, cờ quạt, lúa, ngô,… vừa đi vừa nhảy múa làm trò vui. Sử sách cho biết Trưng Trắc và Thi Sách sau khi lấy nhau vẫn ở riêng mỗi người tại đất bản bộ ( Mê Linh và Chu Diên ) của mình. Nhiều làng ở Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang, cho mãi đến trước Cách Mạng Tháng Tám, vẫn giữ tục lệ con gái lấy chồng rồi quay về nhà cha mẹ đẻ một thời gian. Ở một số làng thuộc huyện Đan Phượng ( Hà Tây ) các đám cưới cổ truyền được tiến hành theo những nghi thức khá đặc biệt : Ngay vào ngày cưới, cô dâu chỉ về nhà chồng ở lại đấy có một đêm rồi sau đấy lại trở về nhà cha mẹ đẻ. Đêm ở nhà chồng ấy, cô dâu thường có họ hàng hoặc bạn bè của mình ngủ chung gọi là ” ngủ bạn “. Sớm hôm sau, ngay từ gà gáy tinh mơ, cô dâu trở về nhà mình. Ngày hôm ấy và mấy ngày hôm sau nữa, nhà trai tiếp tục cho người đi đón cô dâu, và cô dâu cũng chỉ về nhà chồng vào buổi tối, còn ban ngày thì trở về nhà mình. Sau đấy nhà trai tạm ngừng việc đưa đón và cô dâu ở lại hẳn bên nhà mẹ. Sau một thời gian, có thể là từ năm ba tháng đến vài ba năm, nhà trai tổ chức lễ xin về với đầy đủ các nghi thức như dẫn lễ, ăn uống ( có khi còn to hơn lễ cưới ). Từ đấy, cô dâu về ở hẳn nhà chồng. Đến đây nghi lễ hôn nhân mới thực sự kết thúc. Sơn Tinh thuở xưa cũng đã tổ chức lễ xin về và sau đó nhân dân địa phương cử hành cuộc rước tiễn ” Chúa Ông Chúa Bà ”

Cho đến gần thế kỷ XV, Đại Việt sử ký toàn thư cho biết ở một số nơi ” tập tục cưới gả phần nhiều không theo nghi lễ, có khi lễ cưới xong còn để đến ba bốn năm mới cho rước dâu “.

Như vậy, phong tục hôn nhân thời Hùng Vương với chế độ một vợ một chồng, con gái về nhà chồng, với tục thách cưới và lễ tiết đạm và hỏi cưới đồng nhất là phong tục hôn nhân của xã hội quyền cha, nhưng vẫn còn trộn lẫn vào một số tàn dư của phong tục hôn nhân ở thời kỳ quyền mẹ. Ở hệ thống phong tục ấy đã thấy được những biểu hiện sớm về một phong cách dân tộc được kế thừa và bảo lưu lâu dài về sau trong nhiều dân tộc ở Việt Nam.

ĐÁM MA THỜI HÙNG VƯƠNG

Khi có người lìa đời, tục lệ đầu tiên của người Việt cổ là giã cối. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi rõ : Có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Tiếng chày cối va chạm ở đây coi như những tín hiệu thông tin cho làng chạ biết. Ở người Mường và ở một số vùng người Việt như Phú Thọ, Hà Tây, ngoại thành Hà Nội, tục lệ cổ kính này vẫn còn bảo lưu cho mãi đến gần đây.

Trước khi đem chôn xác chết, một số nghi lễ được cử hành, phản ánh quan niệm và thái độ của người Việt cổ về cõi chết và cõi sống, sự chết và sự sống. Người ta cầu cúng, tưởng nhớ, tiếc thương người chết bằng khóc than vỗ về khuyên nhủ, nhắc nhở người chết về nguồn gốc, bổn phận và cách sống ở thế giới bên kia bằng những bài hát cầu hồn.

Một nhân vật quan trọng trong lễ tang với vai trò tương tự như thầy mo trong các đám ma Mường cận hiện đại, hát lên những bài mo cầu hồn, tiễn hồn dưới hình thức ví von vần vè của sử thi, vừa hát vừa làm những cử chỉ bộ điệu tương ứng với nội dung bài mo. Nhân vật thầy mo được coi như có khả năng giao tiếp với thần linh và với linh hồn người chết, đứng ra làm môi giới giữa người sống và hồn ma, dẫn dắt hồn ma đến nơi đến chốn trong cuộc hành trình về cõi chết, cõi bên kia.

Sau khi thầy mo đã hát múa cầu hồn, tiễn hồn xong người ta chia của cho người chết để mang sang thế giới bên kia : đó là những vật quý, đồ trang sức, vũ khí, công cụ, đồ dùng hằng ngày dưới dạng vật thật hay vật tượng trưng ( làm thu nhỏ lại, cũng bằng chất liệu và với hình dáng vật thật ). Trong chiếc quan tài ở ngôi mộ Việt Khê có chôn theo đến 107 hiện vật gồm đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ, đồ đan, vải sơn ( không có đồ gốm ): bình, thạp, thố, đỉnh, khay, chuông, trống đồng, hộp sơn bằng gỗ, giáo cán dài, dao găm, kiếm và cả một cái bơi chèo bằng gỗ. Đây ắt hẳn là mộ của một nhân vật quyền quý, giàu sang.

Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 là ngày giỗ vị vua Hùng nào?

Sau bước chia của đến bước chôn cất thì ở đây phong tục tang ma của người Việt cổ đã phát triển rất đa dạng phong phú.

Ở đầu thời Hùng Vương đã có tục chôn người dưới huyệt đất : nhiều huyệt đất được đào công phu thành tầng cấp sâu rộng; đến thiên niên kỷ I trước Công nguyên phổ biến những huyệt hình hộp chữ nhật như ngày nay. Ở thời đó, cũng có nơi người ta chôn xác chết trong tiểu gốm ở nghĩa địa sát địa điểm cư trú. Ở nơi khác xác chết được chôn trong những chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng hình thuyền độc mộc ở xa nơi cư trú, như phong tục của người Mường cận đại. Xác chết có lót hoặc bao chiếu cói đặt nằm giữa quan tài và xung quanh là những của cải mang theo. Ở nơi khác nữa, có tục hoả táng : người chết được đốt cùng với thứ mặc và đồ trang sức trên người, sau đó than tro và xương răng cháy vụn được bỏ vào những đồ đựng lớn và quý như thạp đồng, trống đồng ( lật ngửa ) cùng với tài sản được chia rồi đem chôn sâu ở nơi xa nơi cư trú, như phong tục người Thái, người Tày – Nùng cổ cận đại. Cũng có trường hợp vật tuỳ táng được đặt ở bên ngoài, xung quanh đồ đựng than tro của người chết. Có một vài hình thức chôn cất khá lạ : chôn người – chủ yếu là trẻ con – trong những đôi nồi lớn úp miệng; chôn đầu người trong những đồ đựng bằng đồng nhỏ như thạp nhỏ và thố.

Qua hệ thống phong tục tang ma, qua quan niệm và thái độ đối với người chết, sự chết và cõi chết, có thể thấy được phần nào sự phát triển lịch sử – xã hội và tình cảm – tư duy. Sự săn sóc, ân cần chu đáo thể hiện qua khóc than, hát mo, chia của, chôn cất, xuất phát từ tình người là chủ yếu chứ không phải là vì lo ngại, sợ hãi như ở thời nguyên thủy. Cũng có thể người Việt cổ quan niệm rằng người chết vẫn còn tiếp tục tham gia vào sinh hoạt của người sống, hoặc làm lợi hoặc làm hại cho họ bằng những phương tiện thần bí, do đó họ có thể hiện lòng kính trọng và sự quan tâm săn sóc của mình đối với người thân đã khuất bằng những nghi lễ chôn cất có tính chất ma thuật nhằm bảo đảm cho mình được nhiều ảnh hưởng tốt, ngăn ngừa những ảnh hưởng có hại. Chắc chắn là người Việt cổ quan niệm người chết vẫn rất gần gũi với người sống, hơn nữa họ muốn tạo ra sự gần gũi đó bằng cách chôn người thân sát địa điểm cư trú, những trường hợp đem chôn sâu ở xa nơi cư trú không phải là phổ biến. Người sống hi vọng rằng người thân đã chết sẽ còn lẫn quất đâu đó và phù hộ cho mình.

Qua những nghi thức chôn cất cũng thấy rõ sự phân hoá của cải và địa vị xã hội được phản ánh qua quy mô và mức độ giàu có chênh lệch rõ ràng giữa các ngôi mộ, nhất là trong khoảng thiên niên kỷ I : có ngôi mộ chôn theo hơn 100 hiện vật ( có thể là mộ của thủ lĩnh bộ lạc ), có ngôi mộ không có hiện vật nào ( mộ của người nô lệ ? ).

Sự bảo lưu kế thừa các phong tục chôn cất nhiều màu vẻ của thời Hùng vương ở những dân tộc khác nhau về sau này, chẳng hạn như bảo lưu hình thức chôn người dưới huyệt đất hay trong tiểu gốm ở người Việt, hình thức chôn người trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng ở người Mường, hình thức hoả táng ở người Thái, người Tày – Nùng, cho thấy rằng đó là dấu hiệu của những đặc trưng dân tộc ở các thành phần cư dân khác nhau thời Hùng Vương cùng sống xen kẽ và hoà hợp trong thời đại dựng nước.

* * *

Từ khi sanh ra đến khi trưởng thành, ” thành đinh “, chắn chắn người thời Hùng Vương có những phong tục phong phú độc đáo mà chúng ta chưa biết hết.

Tuy nhiên, căn cứ vào Lĩnh Nam chích quái có thể thấy ít nhất là một tục lệ áp dụng cho trẻ sơ sinh là lót ổ bằng lá chuối cho nằm. Sách nói trên chép : Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm. Đồng bào Mường gần đây vẫn còn giữ tục lệ đẻ con xong đem đặt lên trên một cái mẹt – tiếng Mường gọi là ” cúm ” – lót một tàu lá chuối tươi; bà đỡ hát nựng đứa bé và cử hành một số nghi lễ tượng trưng thần bí nhằm cầu phúc cho nó rồi mới ẵm dậy.

TRƯỚC NGƯỠNG CỬA TUỔI TRƯỞNG THÀNH : THỬ THÁCH VÀ CÔNG NHẬN

Khi cậu thiếu niên Việt cổ bước vào tuổi lao động có hiệu qủa, và sắp trở nên một thành viên trẻ trưởng thành của làng chạ, cậu phải trải qua một hệ thống thủ tục gọi là lễ công nhận, còn gọi là lễ thành đinh hay lễ gia nhập. Đó là những nghi lễ thử thách, thi tài mà những thanh niên mới vào đời phải trình diễn trước công chúng, chứng tỏ là đã có tập luyện công phu. Trong các xã hội quyền cha đã ổn định sau thời Hùng Vương, chỉ đối với con trai đến tuổi 15, 16 hoặc 18, tuỳ nơi, mới cần dự lễ này, và thường là theo cách giản dị, chỉ cần một thủ tục có tính chất trình diện. Nhưng ở thời Hùng Vương, thời kỳ chế độ quyền mẹ quá độ sang chế độ quyền cha, những thủ tục của lễ thành đinh khá phức tạp và áp dụng cho cả gái lẫn trai, bao gồm đủ các tính chất : rèn luyện, thử thách, kiểm tra, công nhận. Đó là những cuộc thi long trọng để cá nhân biểu diễn tài sản xuất và chiến đấu, tỏ ra am hiểu tục lệ làng chạ và lịch sử nòi giống, đồng thời bày tỏ lòng dũng cảm, tài tháo vát, sự mưu trí… Sau đó người ta xăm mình cho các thanh niên hay thanh niên tự xăm mình làm dấu hiệu chứng nhận đã thông qua lễ thành đinh. Dấu hiệu được xăm là hình chim hay hình thuồng luồng, hình rùa hay hình gà, di tích vật tổ xưa của cộng đồng bộ lạc. Trong xã hội cổ đại nói chung, người ta quan tâm đến việc giáo dục tập luyện cho thế hệ trẻ mà làng chạ hay bộ lạc có trách nhiệm trực tiếp. Lễ thành đinh có thể được tổ chức trong khuôn khổ của hội làng mùa thu.

TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG VÀ TRUYỀN THUYẾT 18 VỊ VUA HÙNG. –  SH-FURNITURE

Lễ thành đinh thời Hùng Vương đã để lại tàn dư, biến tướng khá rõ nét trong các dân tộc ở Việt Nam các thời kỳ về sau. Ở các làng xã người Việt thời cận đại, trong những ngày hội mùa xuân, hội mùa thu, người ta thường tổ chức những cuộc thi vật, thi chạy, đánh phết, đua thuyền, thi hát ( hát quan họ, hát trống quân …) v.v… Ngoài ra còn có thi kéo lửa nấu cơm, thi dệt vải, làm bánh, dọn cỗ, thi cày, cấy, thi chọi gà, chọi chim v.v… Sự khác nhau ở hội làng người Việt sau này và lễ thành đinh Việt cổ là ở chỗ ngày xưa người ta tổ chức những cuộc thi cho những thành viên trẻ của làng chạ phải dự một lần trong đời để được xã hội công nhận còn sau này thì mở hội cho mọi người cùng dự để củng cố tinh thần tập thể cộng đồng, nuôi dưỡng truyền thống thượng võ, rèn luyện kỹ năng, khuyến khích sự tháo vát, nhanh nhẹn, tài trí… và để mua vui cho dân địa phương. Hội đâm trâu ở các dân tộc Tây Nguyên, hội mùa xuân ở các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc như hội gầu tào ( Mèo ), hội lồng tồng, hội múa sư tử ( Tày – Nùng ), lễ xiên cha ( Thái, Xá ) v.v… cũng là những tàn dư của lễ thành đinh cổ xưa.

Tục xăm mình, vốn là một nghi thức của lễ thành đinh, một tập tục phổ biến ở người Việt cổ, vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam trung đại đến thế kỷ thứ XIII. Thời cận đại ở Lào, ai xâm mình thì được coi là người can đảm, được vào ở chùa.

KẾT CHẠ ĂN THỀ ĐỜI ĐỜI GẮN BÓ VỚI NHAU

Giữa các làng chạ với nhau, nhất là đối với các chạ mà sự phát triển lớn mạnh đã dẫn tới việc tách ra làm hai, chắn chắn là có những phong tục xung quanh việc hợp tác tương trợ, việc liên kết cộng đồng và tình cảm. Truyền thống hợp tác tương tợ giữa các thành viên cùng làng chạ hay giữa hai chạ (” chạ anh, chạ em “) là một truyền thống được gìn giữ lâu dài cho đến sau này. Giữa hai chạ người ta tổ chức lễ kết nghĩa ăn thề, quy định thành tục lệ những trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các chạ anh, chạ em, làng anh, làng em như sau này trong tục ” đi nước nghĩa ” của các làng người Việt vùng Phú Thọ, tục kết chạ, ăn giải của các làng vùng Bắc Ninh, đời đời giao hiếu gắn bó với nhau.

Trong làng hay giữa các làng, trong các công việc làm ăn, kết bạn có những phong tục chung quanh việc gặp gỡ, trao đổi, giao thiệp. Người ta mời nhau ăn trầu: ” Miếng trầu là đầu câu chuyện “, người ta trao đổi tặng phẩm… Gần với tục ăn trầu có tục nhuộm răng cũng là một tập tục cổ còn giữ lại trong xã hội người Việt đến đầu thế kỷ 20. Trong những ngày hội đón khách buôn, khách đến thăm, khách hát múa của các làng miền xuôi, miền núi như hội Lim ở tỉnh Bắc Ninh, hội hoa ban ở Tây Bắc, hội hai, hội lồng tồng ở Việt Bắc… còn có thể thấy được hình ảnh đậm nhạt của sinh hoạt giao du, vui chơi, hội hè ở thời Hùng Vương.

(1)- Lê Thị Nhâm Tuyết, Về chế độ và phong tục hôn nhân thời Hùng Vương dựng nước tập III, trang 267-71
(2)- Một số di bản của Lĩnh Nam chích quái là gói muối thay cho gói đất. Đinh Gia Khánh khi làm chú giải sách này có gợi ý “Kể ra hai cách đều có thể được cả”.

CHƯƠNG XI: HỘI LÀNG THỜI HÙNG VƯƠNG

Tài liệu thư tịch cổ đã ghi : người Lạc Việt hàng năm mở hội vào mùa thu.

Đó là những ngày hội hè của làng chạ Việt cổ diễn ra trong không khí ấm áp, lúc thời vụ rảnh rang, những đêm giữa thu, trăng thanh gió mát, rất thích hợp cho những sinh hoạt tập thể, cộng đồng tưng bừng rộn rịp trang trọng. Trống đồng Đông Sơn đã khắc vẽ nhiều hình ảnh hiện thực và sinh động về những ngày, những đêm hội mùa thu xa xưa ấy.

ÂM THANH HÙNG VĨ CỦA TRỐNG ĐỒNG VIỆT CỔ

Chung quanh ngôi nhà làng mái cong đồ sộ trang trí hình chim, hình gà, hình sừng trâu…gái trai già trẻ tụ họp đông đảo, tiếng trống đồng vang lên. Những âm thanh hùng vĩ ấy là âm thanh tiêu biểu cho hội làng Việt cổ. Hàng nghìn năm về sau khi các bản Mường, làng Việt mở hội, “vào đám”, tuyệt đối không thể thiếu trống đồng.

Trống đồng không đánh từng chiếc đơn độc mà được hoà tấu từng đôi hoặc cả dàn một lúc. Trống được để trên đế, trên giàn, người đánh trống cả nam lẫn nữ đều hoá trang trong bộ lễ phục hình chim, ngồi hoặc đứng “giã” trống theo kiểu giã cối chày tay.

Cùng với tiếng trống, cồng chiêng cũng được đánh liên hồi. Đánh trống là để cầu được mưa hay cầu dứt mưa, còn đánh cồng chiêng là để cầu được mùa, cầu sinh sôi nảy nở, thịnh vượng phồn vinh. Cồng chiêng cũng được hòa tấu cả bộ 7 hay 8 chiếc treo thành dàn trong ngôi “nhà cầu mùa” là chiếc nhà sàn mái tròn thấy trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.

Trong những ngày hội làng mùa thu ấy cũng vang lên tiếng chày giã cối thân quen. Từng đôi gái trai cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc cối rỗng, vuông, vốn là dụng cụ nông nghiệp đồng thời là nhạc cụ và là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Giã cối chày tay với nhịp điệu đều đặn và những tiếng trầm bổng vang ra từ lòng cối và thành cối (những tiếng “khắc” cối) ở nhiều vùng Mường, Thái là một sinh hoạt phong tục và sinh hoạt âm nhạc cổ truyền khá phổ biến. Đó là tục đâm đuống hay giã cối luống. Giã cối đệm cho tiếng hát đối đáp vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi giao duyên mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng. Mãi về sau, ở nhiều vùng người Việt, tục nam nữ vừa giã cối vừa hát đối đáp vẫn còn rất phổ biến, tiêu biểu là tục hò giã gạo ở miền Trung.

Một trong những trò vui quen thuộc khác của hội làng Việt cổ là trò chồng nụ chồng hoa (còn gọi là cài hoa kết hoa) : ngồi trong nhà làng, ngôi nhà sàn đồ sộ mái cong hình thuyền, từng đôi gái trai, mặt đối mặt, lồng chân giao tay với nhau mà hát, bên cạnh có người đánh trống khẩu đệm nhịp. Đây là một hình thức giao duyên bằng trò chơi và bằng văn nghệ hàm ý cầu sinh sôi nảy nở. Mãi đến thế kỷ XV vẫn còn tục lệ gái trai người Việt vừa hát đối đáp vừa kết tay giao chân mà sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi là hát rí ren hay hát lý liên. Ở nhiều hình thức hát đối đáp giao duyên cổ truyền như hát đúm, hát ghẹo, hát quan họ, hát ví….gái trai cũng giữ lại tục cầm tay nhau mà hát.

Trong những ngày hội làng mùa thu ấy cũng vang lên tiếng chày giã cối thân quen. Từng đôi gái trai cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc cối rỗng, vuông, vốn là dụng cụ nông nghiệp đồng thời là nhạc cụ và là vật tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

Giã cối chày tay với nhịp điệu đều đặn và những tiếng trầm bổng vang ra từ lòng cối và thành cối (những tiếng “khắc” cối) ở nhiều vùng Mường, Thái là một sinh hoạt phong tục và sinh hoạt âm nhạc cổ truyền khá phổ biến. Đó là tục đâm đuống hay giã cối luống. Giã cối đệm cho tiếng hát đối đáp vừa là hình thức biểu diễn và thưởng thức văn nghệ vừa là trò chơi giao duyên mang ý nghĩa cầu mong sinh sản thịnh vượng. Mãi về sau, ở nhiều vùng người Việt, tục nam nữ vừa giã cối vừa hát đối đáp vẫn còn rất phổ biến, tiêu biểu là tục hò giã gạo ở miền Trung.

Một trong những trò vui quen thuộc khác của hội làng Việt cổ là trò chồng nụ chồng hoa (còn gọi là cài hoa kết hoa) : ngồi trong nhà làng, ngôi nhà sàn đồ sộ mái cong hình thuyền, từng đôi gái trai, mặt đối mặt, lồng chân giao tay với nhau mà hát, bên cạnh có người đánh trống khẩu đệm nhịp. Đây là một hình thức giao duyên bằng trò chơi và bằng văn nghệ hàm ý cầu sinh sôi nảy nở. Mãi đến thế kỷ XV vẫn còn tục lệ gái trai người Việt vừa hát đối đáp vừa kết tay giao chân mà sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi là hát rí ren hay hát lý liên. Ở nhiều hình thức hát đối đáp giao duyên cổ truyền như hát đúm, hát ghẹo, hát quan họ, hát ví….gái trai cũng giữ lại tục cầm tay nhau mà hát.

HỘI NƯỚC VÀ TỤC BƠI CHẢI CẦU MƯA

Phổ biến trong hội làng Việt cổ là tục bơi thuyền và những hoạt động trên sông nước. Nhằm nhiều mục đích : cầu mưa, rèn luyện kỹ năng bơi thuyền, thuỷ chiến, trau dồi tinh thần thượng võ có trò chơi thể thao mang tính chất nghi lễ là trò đua thuyền mà người Việt quen gọi là bơi chải, thi chải.

Trống đồng, thạp đồng đã ghi lại hình ảnh những con thuyền độc mộc mũi cong, đuôi én, mình thon dài – thuỷ tổ của những chiếc thuyền đuôi én Thái, Mường ngày nay đang xuôi ngược như thoi đưa trên các dòng sông Đà, sông Mã – trên thuyền có nhiều người ngồi, đứng, có người hoá trang thành chim, người này cầm vũ khí, người kia cầm giầm bơi, người nọ cầm nhạc cụ hay đang diễn tấu nhạc cụ, tất cả đều trong tư thế linh hoạt, khẩn trương, đó là hình ảnh những cuộc bơi chải Việt cổ tưng bừng, náo nhiệt, huy động nhiều thuyền dự đua.

Tục bơi chải là một tiết mục chủ yếu mà nhiều hội hè cận hiện đại đã tiếp thu từ hội hè thời Hùng Vương : hội đua thuyền của người Thái, người Mường trên sông Đà, sông Mã, hội đua thuyền của người Việt từ trên sông Hồng đến trên sông Cửu Long, sông Đồng Nai : hội làng Đăm (Hà Nội) vào mùa xuân, hội làng Nọ (Thừa Thiên Huế) vào mùa hè, hội chùa Keo (Thái Bình) vào mùa thu v.v…

Một nghi lễ quan trọng của hội làng Việt cổ là nghi lễ hiến tế, cầu cúng thần Nước : trên những chiếc thuyền lớn có sàn cao, chở trống đồng cầu mưa, bình đồng đựng nước thiêng tượng trưng cho mưa, có những người chèo lái hoá trang và vũ trang, người đánh trống, người cầm cung tên, người cầm giáo lao, có cả chó canh giữ một người bị trói và sắp bị hi sinh làm vật hiến tế cho thần Nước.

Đua thuyền cúng tế thần Nước là hình thức hội nước hội cầu mưa sẽ được duy trì lâu dài và phổ biến ở nhiều làng người Việt ven những dòng sông lớn trong suốt thời phong kiến.

NGƯỜI GIÀ, THẦY MO VIỆT CỔ KỂ CHUYỆN KHAN, CHUYỆN ANH HÙNG ; NHÂN DÂN LAO ĐỘNG HÒ HÁT NHẢY MÚA, VUI CHƠI.

Trong ngày hội có một tiết mục rất hào hứng, hấp dẫn là kể chuyện dân gian. Người kể chuyện là những cụ già vừa là nghệ nhân dân gian vừa là người phụ trách việc cầu cúng trong làng chạ Việt cổ. Nhân vật này bao giờ cũng hóa trang cho đồng dạng với thần linh, tổ tiên. Đây là nhân vật trung gian thể hiện khả năng giao tiếp giữa người và thần.

Người kể chuyện mặc trang phục nghi lễ ngày hội, hoá trang thành chim bởi vì tổ tiên người Việt cổ vốn là nòi chim, vừa kể chuyện vừa làm động tác minh hoạ như một diễn viên sân khấu. Công chúng xúm quanh đông đảo để xem, nghe con người có tài gợi lại nguồn gốc tổ tiên, giống nòi, nguồn gốc các sự vật trong thiên nhiên và cuộc sống, kỳ tích những người anh hùng khổng lồ. Hình thức kể chuyện ngày hội như thế về sau vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn ở nhiều vùng, tiêu biểu là hình thức kể vè của người Việt, hát mo (sử thi) ở vùng Mường, kể khan (trường ca) ở Tây Nguyên. Ở các vùng người Ê-đê, Gia-rai, Ba-na…những lão nghệ nhân đầu cài lông chim, mặc lễ phục sang trọng kể khan Đan San, khan Dăm Di, khan Xinh Nhã, khan Khinh Dú cho nhân dân các buôn làng nghe đêm này qua đêm khác, vừa kể vừa làm động tác rất say mê nồng nhiệt.

Nghệ thuật hò hát chắc chắn đã phát triển ở thời Hùng Vương. Hình ảnh của tục hát đối đáp giữa gái trai đã được khắc họa trên trống đồng.

Hát đối đáp là một trò vui giao duyên không thể thiếu trong ngày hội làng : hát trong khi chơi cài hoa kết hoa, hát theo nhịp chày giã cối.

Cùng với tục thi bơi thuyền, bơi chải có hò đua thuyền. Ở trò chơi thể thao khẩn trương này chỉ cần một giầm bơi sai nhịp là không những thuyền không tiến được mà còn có thể bị đắm. Bởi vậy, ở những chiếc chải bơi thi đang lao nhanh trên sóng nước mà trống đồng đã ghi lại hình ảnh, nếu không thấy có những người cầm nhạc cụ gõ (trống, mõ, sênh phách…) thì chắc chắn phải có người lên tiếng hò để bắt nhịp hoặc ra hiệu lệnh, thống nhất động tác, điều hoà nhịp thở như thấy phổ biến ở các hội bơi chải sau này.

Trong hội làng Việt cổ, các điệu hát hò có khi kèm theo múa như về sau, thời phong kiến, còn thấy ở các hình thức âm nhạc dân gian có phong cách rất cổ như hát múa Xoan ở Phú Thọ, hát múa Dậm, hát múa Lải Lê ở Hà Nam, hát múa Rô ở Hoà Bình, hát múa Xuân Phả ở Thanh Hoá, hát múa Ải Lao ở ngoại thành Hà Nội, hát chầu văn phụ hoạ cho múa lên đồng trong đạo đồng bóng, hát múa Ả đào, v.v…(ở vùng đồng bằng Bắc Bộ).

Hát hò và nhảy múa sôi nổi hào hứng trong hội hè, người Việt cổ cũng hát hò vui vẻ hồ hởi trong lao động. Những điệu hát hò lao động cổ sơ nhất đã có từ thời nguyên thuỷ. Với trình độ văn hoá vật chất và tinh thần khá cao, người thời Hùng Vương đã phát triển nhiều hình thức dân ca lao động, dân ca sinh hoạt : hát ru con, hát đưa ma (ngày nay quen gọi là hò đưa linh), hò chèo thuyền, hò hát khi đi rừng săn bắn hay đốn củi, hò hát khi đánh cá, khi cày cấy, gặt hái, xay lúa, giã gạo…

Những tiếng đệm, tiếng đưa hơi, tiếng láy luyến trong nhiều điệu hát hò còn giữ đưọc trong kho tàng dân ca truyền thống đều là những từ rất cổ, có khả năng xuất hiện trong sinh hoạt ca hát thời cổ. Ví dụ ở điệu hò sông Mã chúng ta nghe những dô là í ta dô ta hay ê dô khoan dô khoan dô huầy ; ở điệu hát Xoan Phú Thọ tềnh là tềnh tanh tềnh tang tềnh, hay ức cừ là la y a, hoặc vông vông tầm vông vông tập tầm vông ; ở điệu hát Rô, huậy đô huậy dô bái hù hù là huậy dô huầy hay tôi dạ hề liên tôi dạ lại liền tôi dạ liền dạ ; ở điệu hát dậm Hà Nam là hồi la lết la lết lê la là ái hồi la v.v…

Nhảy múa cũng là một hình thức sinh hoạt hội hè, sinh hoạt nghệ thuật phổ biến ở thời Hùng Vương.

Gắn liền với tín ngưỡng vật tổ là điệu múa hoá trang hình chim của người Việt cổ. Nghệ sĩ múa, như thấy chạm khắc trên mặt trống đồng, đội mũ lông chim có cài bông lau, mặc váy xoè bằng lông chim hoặc bằng lá cây bước chân nhún nhảy, bàn tay xoè uốn, cánh tay dang rộng như đôi cánh chim bay chập chờn, với dáng điệu say sưa phấn khởi, tự đồng hoá mình với chim tổ. Phải chăng điệu múa hoá trang chim ấy là nguồn gốc xa xôi nhất của nhiều điệu múa cổ truyền lấy hình tượng chim làm chủ đề : múa công của người Thái đen, múa hạc, múa chim én của người Tày, múa chim phượng hoàng của người Dao, múa chim gâu của người Cao Lan, múa chim grứ của người Ê-đê.

Để thể hiện tinh thần thượng võ, người Việt cổ thích múa vũ trang ; người múa tay cầm giáo tay gõ nhịp phách, hoặc tay cầm rìu chiến tay cầm khiên mộc ; những người múa khác cầm nỏ hay cung vận động bên cạnh những người thổi khèn, lắc chuông nhạc và đánh trống đệm cho múa. Nhìn những người múa tràn trề hùng khí ấy được khắc chạm trên mặt trống đồng, thân trống đồng, không thể không liên tưởng đến những điệu múa giáo, múa khiên của người Ê-đê, múa thắng trận của người Ba-na, múa gậy tiền, múa xuất binh hồi binh của người Dao, múa nỏ của các tộc người ở Tây Bắc, múa gậy múa rìu múa gươm, múa mã tấu, múa roi trung bình tiên của người Việt. Trong những ngày hội đền Dóng, để tưởng nhớ ông Dóng người anh hùng Việt cổ chiến thắng ngoại xâm, phường Ải Lao biểu diễn nhiều điệu múa hào hùng múa cờ lệnh, múa chiêng trống, múa cung nỏ.

Múa với nhạc khí cũng là những điệu múa tiêu biểu của người Việt cổ. Trống đồng, thạp đồng cho thấy nhiều nguời múa, với nhiều loại nhạc khí khác nhau. Có người múa với sênh phách, có người vừa múa vừa rung chuông nhạc, có người vừa múa vừa thổi khèn, hoặc vừa múa vừa rung lên một nhạc khí giống như chiếc sáo. Phải chăng đó là tiền thân của điệu múa chuông ở người Dao tiền, múa chuông nhạc ở người Tày, người Thái, múa khèn ở người Mèo, múa hươn mậy, múa tăng bu tăng bẳng ở các tộc người ở Tây Bắc, múa trắng, múa sênh phách, múa sênh mõ ở người Việt.

Điệu múa khèn Việt cổ tạo nên cả một bầu không khí say sưa phấn khởi cho một đoàn người vận động theo một đội hình nhiều màu vẻ, lại có cả những người cõng nhau múa khèn trông rất vui nhộn, tinh nghịch, những điệu múa hát trên thuyền ở thời xa xưa ấy không thể nào không để lại những nét dáng, những dư vang quen thuộc khó phai mờ ở một số điệu múa hát cổ truyền đặc sắc của người Việt như hát múa Bá trạo, hát múa Rô, hát múa Dậm, hát múa Lải Lê, hát múa Chèo chải, hát múa Chèo chải hê là những điệu hát múa liên quan đến hình tượng con thuyền và động tác chèo thuyền.

Người Việt cổ múa với tư thế thường là hơi ngả về phía sau, mặt hướng cao, ngực ưỡn với dáng hiên ngang, khoẻ khoắn, chân sau nhún nhẹ như đang bước về phía trước ; những hình ảnh đó làm ta nghĩ đến dáng dấp quen thuộc của một số động tác múa Tây Nguyên, đặc biệt hình ảnh đôi cánh tay uyển chuyển, bàn tay uốn cong mềm mại của người múa Việt cổ sẽ được ghi lại trung thành trong truyền thống múa dân gian và múa cung đình ở người Việt, nhất là trong múa của hát chèo, của hát ả đào và múa hoa đăng.

CHƯƠNG XIINHỮNG NGƯỜI NGHỆ SĨ TẠO HÌNH TÀI HOA

Thành tựu mỹ thuật của người Việt cổ thời đại dựng nước qua những tác phẩm đồ gốm, đồ trang sức, đồ đồng, qua những hoạt động về tạo dáng, vẽ hình, chạm khắc, tạo tượng…là bằng chứng rõ rệt về tài năng, khiếu thẩm mỹ của một cộng đồng người sống chan hoà với thiên nhiên và sống khăng khít với nhau trong các làng chạ. Nền mỹ thuật Việt cổ nhiều màu vẻ có những nét đẹp bình dị, chững chạc, hài hoà, một nội dung hiện thực, chân chất, phản ánh khá đầy đủ tư duy, tình cảm và cuộc sống con người thời đó.

Đồ gốm giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên làm bằng bàn xoay. Đó là những đồ đựng, đồ nấu có kích thước khá lớn với những loại hình đa dạng. Kiểu đặc trưng nhất là loại đồ đựng chia làm 3 phần : phần trên loe rộng (để đựng) hay thon thuỗn (để uống), phần giữa thót lại để dễ cầm nắm, phần đế hình nón cụt. Tỷ lệ hợp lý giữa chiều cao của 3 phần, độ phình, độ thót vừa phải, tính chững chạc kết hợp với tính sinh động của lối tạo dáng nồi, vò, bình, bát, cốc, chậu…là những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật gốm Phùng Nguyên.

Đến giai đoạn văn hoá Đông Sơn, kiểu dáng đồ gốm được kế thừa và nâng cao đến mức hoàn thiện trong đồ đồng. Nổi tiếng như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh, Việt Khê…là những di vật quí báu, ở đấy nghệ sĩ dân gian Việt cổ thể hiện toàn diện tài năng sáng tạo của mình.

Trước hết về mặt tạo dáng. Kiểu dáng trống đồng, thạp đồng mang những đặc điểm có tính thẩm mỹ cao. Do kế thừa kiểu dáng gốm Phùng Nguyên, kết cấu trống đồng cũng chia làm 3 phần : tang trống phình vừa phải, thân trống là một hình viên trụ thót dần về phía dưới, chân trống hình nón cụt hơi choãi ra về phía đáy. Dáng trống chững chạc, cân xứng, hài hoà, gọn một cách giản đơn. Cái đẹp ở đây là sự ổn định về tỷ lệ giữa 3 phần của chiếc trống, độ phình của tang trống, độ thót của thân trống vừa phải, độ choãi của chân trống nhẹ nhàng.

Còn kết cấu hình khối của một chiếc thạp, loại có nắp, thì nằm gọn trong một hình bầu dục. Phần trên của thạp và phần dưới hơi thót vào, đoạn giữa phình vừa phải. Dáng thạp nghiêm túc, dịu dàng.

Kết cấu 3 phần của đồ gốm, của trống và thạp đồng là kết quả của sự phát triển tư duy thẩm mỹ trong quá trình tìm tòi nhằm tạo ra những sản phẩm cân đối, vững vàng mà hài hoà, thanh thoát. Dao găm có cán hình người, rìu đồng lưỡi xéo các kiểu, đẹp một cách độc đáo, là những thí dụ tiêu biểu khác của thành tựu tạo dáng trong nền mỹ thuật Việt cổ.

Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Hùng Vương | Việt nam, Viết, Mỹ thuật

NGHỆ THUẬT VẼ HÌNH TRÊN GỖ, TRÊN DA

Thời gian và khí hậu đã huỷ hoại mất phần lớn những hình vẽ trên các chất liệu không bền chắc.

Người Việt cổ có tục xăm mình : Đứng về góc độ mỹ thuật mà nhìn, tục lệ này là một hình thức vẽ màu đặc biệt trên da thịt. Một số mảnh gỗ và da thú có vẽ sơn còn sót lại đến nay với nước sơn còn bóng, màu sơn còn tươi đẹp, như các di vật tìm thấy trong chiếc quan tài ở ngôi mộ Việt Khê, cũng chứng tỏ rằng ở thời đại dựng nước đã phổ biến hình thức vẽ bằng màu, và ít nhất cũng có hình thức vẽ phẩm và vẽ sơn. Những màu sắc đã được sử dụng gồm có : vàng, đỏ gạch, xám, nâu, cánh gián, đen cùng những màu sắc của các màu ấy. Đề tài vẽ màu trên gỗ, trên da mà người Việt cổ ưa thích là các hoa văn hình học và các hình động vật : những vòng tròn đồng tâm, hình thoi, hình tam giác, hình hoa lá, hình rồng rắn.

Các loại hoa văn hình học phức tạp hơn, các hình vẽ khéo léo hơn, hiện thực hơn về người, động vật, phong cảnh là đề tài của nghệ thuật vẽ hình trên đồ gốm và đồ đồng.

Đó là những hoa văn khắc chìm trang trí các đồ gốm, những hoa văn khắc chìm và chạm nổi trang trí trên đồ đồng : người xưa đã vẽ trên đất rồi đem nung hoặc đổ khuôn.

566. ☀ Tranh vẽ về trang phục, kiến trúc thời kỳ Hùng Vương – Lược Sử Tộc  Việt

NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC TRÊN ĐỒ GỐM, ĐỒ ĐỒNG

Do chất liệu tương đối bền vững, đồ gốm và đồ đồng đã trở thành những bằng cứ phong phú và quí báu của nghệ thuật khắc hoạ thời đại dựng nước còn để lại dấu vết cho tới nay.

Đồ gốm được trang trí hoa văn bằng cách : vạch, chải, in, đập, ấn, ghép. Sáu cách tạo hoa văn ấy chứng tỏ rằng kỹ thuật trang trí đồ gốm đã tinh vi, trình độ nghệ thuật của người thợ gốm đã khá cao.

Từ những yếu tố hình học giản đơn như đuờng thẳng, đường cong, chấm tròn và vòng tròn, rồi những đường song song chạy thẳng hoặc uốn lượn, những hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác…đến những mảnh trang trí hình răng lược, hình sóng nước, hình mắt lưới, hình nhài quạt…nghệ sĩ Việt cổ đã phối hợp các yếu tố hình học giản đơn thành những đồ án hoa văn kỷ hà phong phú, phức tạp, đặc sắc, vừa mang tính chất trang trí, vừa có ý nghĩa tượng trưng. Hoa văn sóng nước có lẽ biểu hiện sông, suối ; hoa văn vạch thẳng song song biểu hiện mưa ; hoa văn tam giác biểu hiện núi, các loại hoa văn cuốn chữ S biểu hiện mây, chớp ; hoa văn vòng tròn đơn, kép, liên kết hoặc không liên kết thành dải có lẽ thể hiện những khái niệm ước lệ rất đơn giản về trời đất, sinh vật. Hoa văn thường được bố cục theo từng dải tròn chạy chung quanh bề mặt tròn của đồ đựng và thường bị chi phối bởi những nguyên tắc của luật đối xứng.

Người thời Hùng Vương ưa trang trí đồ gốm của mình bằng các dải hoa văn có kết cấu phức tạp gồm những tiết liên tục (nối liền nhau) hay rời. Các họa tiết đóng kín, rời hay nối nhau đó thường đối xứng với nhau theo nguyên tắc đối xứng gương, đối xứng trục hay đối xứng tịnh tiến. Như vậy là người thời Hùng Vương đã có ý niệm rõ ràng về đối xứng và đã biết đến 3 kiểu đối xứng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Đặc biệt quen thuộc là các đồ án đối xứng trục bậc 2. Như vậy đối với người thời xa xưa ấy cũng như đối với chúng ta ngày nay, sự đối xứng là một yếu tố của cái đẹp : những đồ án có đối xứng gương thường gây một cảm giác tĩnh, vững chắc, nghiêm trang, còn những đồ án có đối xứng trục thì trái lại, gây một cảm giác động, rộn ràng, linh hoạt. Trong nhiều bố cục ở nghệ thuật trang trí đồ gốm, nghệ sĩ thời đại Hùng Vương đã kết hợp tài tình cả hai kiểu đối xứng động và tĩnh ấy làm cho đồ án vững chắc mà không cứng nhắc, linh hoạt mà không giảm phần trang trọng (2).

Tính đối xứng và tính hài hoà của những hoa văn trang trí trên gốm đã được tôn trọng và phát triển như những nguyên tắc quan trọng của nghệ thuật Việt cổ.

Trên đồ đồng, lối chạm khắc chìm và chạm nổi được kết hợp để tạo ra những bố cục trang trí hoàn hảo : các bố cục hoa văn phù hợp một cách hữu cơ với những bề mặt bên ngoài của trống đồng, thạp đồng : các diềm trang trí được phân bố đều đặn giữa những đường tròn đồng tâm trên mặt trống, nắp thạp ; các dải hoa văn chạy tròn chung quanh tang trống, thân thạp, các băng hoa văn thể hiện theo chiều thẳng đứng của thân trống…tất cả những kết cấu hài hoà, có thể nói là khoa học đó, chứng tỏ một trình độ thẩùm mỹ cao của nghệ sĩ dân gian thời Hùng Vương.

Các kết cấu hoa văn mang tính cân đối và tính nhịp điệu thật là đặc sắc, bút pháp trang trí bao gồm kỹ thuật khắc vạch bằng đường nét chuẩn xác, thuần thục, khái quát một cách sinh động các đối tượng miêu tả.

Ở chính giữa mặt trống và nắp thạp luôn luôn có hình mặt trời được biểu hiện ước lệ bằng hình ngôi sao nhiều cánh, từ 8 đến 16 cánh. Rồi những vành hoa văn hình học vây xung quanh mặt trời ; rồi những vành hoa văn miêu tả sinh hoạt thực tiễn của con người, miêu tả thiên nhiên, cầm thú. Mặt trống đồng Ngọc Lũ giống như một cuốn phim hào hứng làm hiện ra trước mắt chúng ta khung cảnh sinh hoạt, quang cảnh hội hè của làng xưa chạ cổ ; trong 4 ngôi nhà sàn (2 nhà mái cong, 2 nhà mái tròn) có những người đánh chiêng đánh cồng, những đôi gái trai vừa hát đối đáp vừa chơi trò chồng nụ chồng hoa, bên cạnh nhà là 2 giàn trống với những người đang đứng ngồi giã trống, với những đôi gái trai đứng giã gạo chày tay, với những nhóm người (hay đám rước) vừa đi vừa múa sênh phách, thổi khèn, đánh chuông nhạc, quần tụ chung quanh con người đang mở hội cầu mùa, mừng công…là cả một thế giới động vật thân quen : gà (đứng trên mái nhà sàn), những đàn hươu nai đang đi, xen kẽ với những bầy chim đang bay hay đang đậu đủ loại, mỏ dài, đuôi dài, chân dài, cổ dài, đuôi ngắn, hoặc cổ ngắn đuôi ngắn : cò vạc, bồ nông, xít, giang, sếu, công, trĩ, phượng hoàng đất, bói cá, cun cút…mỗi con mỗi vẻ.

Ở tang trống Ngọc Lũ, 6 chiếc thuyền lớn đang rong ruổi, trên thuyền có người bẻ lái, nguời đánh trống, người cầm lao, người bắn cung, lại có những nạn nhân thân phận bé nhỏ ( nô lệ hay tù binh) bị trói giật khuỷu tay, bị túm tóc, bị dọa giết. Ở thân trống, những vũ sĩ cầm lao, cầm rìu chiến.

Ở trên các trống đồng và đồ đồng khác, hiện ra cảnh đua thuyền, đi thuyền đánh cá, cảnh đi săn, cảnh những người vũ trang sẵn sàng chiến đấu, những hình ảnh động vật quen thuộc với con người đương thời : chó, gà, cóc, nhái, cầy cáo, cá sấu…

Một chủ nghĩa hiện thực hồn nhiên, sinh động có pha cách điệu và ước lệ nhưng vẫn rất gần gũi với cuộc sống, bao trùm toàn bộ hình thức diễn đạt của mảng nghệ thuật trang trí này. Nghệ sĩ dân gian ưa dùng những đường thẳng, đường gãy khúc và đường cong lớn, mà ít dùng sự tỉa tót, uốn lượn của những đường cong nhỏ, để mô tả các đối tượng (người, cảnh vật, sinh vật, đồ vật) ở mặt cạnh, mặt nghiêng theo lối bổ cắt, hoàn toàn tôn trọng sự thực đến từng chi tiết và sắp đặt trong một bố cục đầy dặn, hài hoà. Người, chim, thuyền, hươu…không bao giờ thấy có mặt nhìn thẳng mà chỉ thấy có nhìn từ một bên. Qua lần mái nhà, có thể thấy cảnh trong nhà, qua lần váy xoè có thể thấy đôi chân. Nghệ sĩ dân gian chú ý dùng những ký hiệu để phân biệt, trong cả một toàn cảnh lớn, từng lối để tóc búi hay cắt tóc ngắn của người, giống đực hay giống cái của hươu nai.

Với kỹ thuật chạm khắc bằng những đường nét cô đọng, chính xác một cách thuần thục điêu luyện, với tài quan sát thiên nhiên và hoạt động thực tiễn của con người một cách nhạy bén, nghệ sĩ dân gian thời đại Hùng Vương đã sáng tạo những bức tranh sinh hoạt của con người Việt cổ, chân thật, khái quát, chọn lọc và thể hiện chủ đề khá rõ ràng.

NGHỆ THUẬT TẠO TƯỢNG

Dòng máu chân thực của cuộc sống cũng rõ nét trong nghệ thuật tạo tượng. Những bức tượng còn để lại tới ngày nay phần lớn là tượng nhỏ và tượng tròn. Chất liệu để làm tượng là đá, đất nung, đồng thau và những thủ pháp kỹ thuật chính là nặn tay, đúc, rèn, mài gọt.

Đề tài chính của tượng vẫn là con người, phần nhiều là ở trạng thái động : nhảy múa, thổi khèn, yêu đương….Đó là những nhóm tượng ; một số khác là tượng chân dung và hầu hết đều là chân dung phụ nữ.

Tượng người bằng đá ở Văn Điển (Hà Nội) với dấu hiệu nam tính rõ ràng được tạo ra bằng kỹ thuật chế tác đá tổng hợp và tinh tế theo một ước lệ có cân nhắc kỹ càng và được khái quát hoá cao. Tính chất nghiêm túc cứng cỏi khắc khổ của pho tượng cho thấy có lẽ nghệ sĩ bị chi phối bởi ý thức tôn giáo. Tượng người ngồi xổm thổi khèn (trên cán muôi đồng Việt Khê, Hải Phòng) diễn tả sinh động sắc thái bình dị ung dung của con người gắn với một nội tâm rạo rực, say sưa. Khối tượng hai người cõng nhau múa nhảy và thổi khèn ở Đông Sơn (Thanh Hoá) trông thật dí dỏm, lạc quan, cả hai đều như đang nhún nhảy theo nhịp khèn rộn rịp. Nhóm tượng cặp gái trai gắn bó trên nắp thạp Đào Thịnh (Yên Bái) có hình khối tròn lẳn diễn tả cái mộc mạc bình dị hồn nhiên của những ước mơ phồn thực : con người sinh sôi, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu. Những chuôi dao găm làm thành tượng người phụ nữ ở Hoà Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An – Hà Tĩnh…cho thấy tính nghệ thuật, mặc dù phải phục vụ tính thực dụng vẫn phản ánh khá rõ nét lối trang sức của chị em thời ấy, toát ra vẻ đẹp riêng của nữ giới. Tính hiện thực đã nâng cao giá trị của các pho tượng vừa có ý nghĩa trang trí vừa có ý nghĩa thực tiễn này : lối vấn tóc hay tết tóc, lối mặc váy dài thắt chẽn ở hông, lối trang sức bằng vòng tay, hoa tai…là những chi tiết mà nghệ sĩ dân gian chú ý diễn tả. Trên chiếc ấm đồng Đông Sơn có hình dáng một con chim cổ dài mỏ dài, nghệ sĩ miêu tả 4 người phụ nữ ngồi trên voi ấm hình cổ con chim cùng với những nét hiện thực khá rõ, nhất là chi tiết về lối búi tóc ra đằng sau.

Cùng với tượng người, tượng súc vật cũng được diễn tả sinh động. Tượng đầu gà trống, tượng chim, tượng bò tìm được ở Vĩnh Phú đều nặn bằng đất sét nung đều lửa, trông rất thật thà, phản ánh một nền kinh tế chăn nuôi gia đình đã ổn định. Tượng gà bằng đồng ở Hoà Bình được khái quát cô đọng mà thật duyên dáng, với một phong cách hiện thực vững vàng. Trong số hàng chục tượng động vật đã tìm được : tượng cóc, sóc, rùa, chó, hổ, ốc…có những nhóm tượng mô tả con vật ở trạng thái động như chó đón hươu, hổ vồ mồi. Ở những chiếc dao găm có chuôi đẹp mới tìm thấy tại di chỉ Làng Vạc (Nghệ Tĩnh), có chiếc chuôi được kết thúc bằng một tượng hình chó đứng được cách điệu hoá, lại có chiếc chuôi là hình hai con rắn một con có mào, một con không có mào, quấn lấy nhau, đầu ngẩng cao, miệng ngậm hai chân trước và hai chân sau một con voi có bành ở trên lưng; một chiếc dao găm khác cũng cùng một phong cách ấy nhưng voi lại được thay thế băèg chó. Voi, chó cùng với rắn kết hợp một cách khéo léo thành các cán dao găm vừa thanh thoát và duyên đáng mà không kém phần chắc chắn (2). Nghệ sĩ dân gian đã kết hợp một cách tài tình giữa trang trí và thực dụng.

Cũng như trong lĩnh vực chạm khắc, một chủ nghĩa hiện thực hồn nhiên và sinh động đã để lại dấu ấn sâu sắc trong phương pháp và phong cách tạo tượng. Trên mỗi tác phẩm nhỏ nhắn xinh xắn ấy, từ những chiếc vòng tay và hoa tai, những đường nét trang trí trên xống áo, vẻ say sưa, nghiêm trang hay ngộ nghĩnh, hóm hỉnh của con người…đến cái dáng nhún mình của con chó, thế vặn mình của con hổ, nét khái quát thanh tao của con gà…đều được chú ý diễn tả đúng đắn và kỹ lưỡng.

Cốt cách và chủ đề của con người hay con vật được nghệ sĩ chú ý nhận chân. Miêu tả người, nghệ sĩ dân gian cũng chú ý diễn đạt cả những sắc thái nội tâm, tính tình. Người thổi khèn ở Việt Khê bình dị, ung dung mà vẫn toát ra một vẻ say sưa nhiệt tình, hai người cõng nhau thổi khèn nhảy múa trông rất lạc quan yêu đời mà đượm vẻ hóm hỉnh tinh nghịch. Phong cách nghệ thuật phóng khoáng ấy phản ánh được phần nào tâm hồn phóng khoáng, sôi nổi của con người thời đại.

Phần lớn những pho tượng đều là tượng trang trí hoặc giúp vào việc trang trí : được gắn vào các đồ dùng hay trở thành một bộ phận hữu cơ của đồ dùng như vòi ấm, chuôi kiếm, chuôi dao, cán muôi. Một số ít là tượng mang tính chất tôn giáo, phục vụ cho tín ngưỡng tôn giáo tự nhiên, tín ngưỡng vật, tổ tín ngưỡng phồn thực.

MỸ THUẬT THỰC DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Sản phẩm nghệ thuật Việt cổ có một bộ phận quan trọng là những đồ nghề, đồ dùng hàng ngày. Đưa thẩm mỹ vào thực dụng, hay nói cách khác, từ cuộc sống bình thường mà phát triễn thành mỹ thuật, là một khuynh hướng dễ nhận thấy của người thời đại Hùng Vương.

Nhiều vật dụng bình thường cũng đồng thời là sản phẩm nghệ thuật. Từ những chiếc nồi, bình, mâm bồng bằng gốm giản đơn cho đến những chiếc trống đồng quí giá, tất cả đều được chú ý trong quá trình tạo dáng. Kết cấu 3 phần của chúng ta là một kết quả quan trọng trên con đường tìm tòi suy nghĩ nhằm tạo ra những sản phẩm cân đối, vững vàng mà thanh thoát, uyển chuyển. Những chiếc rìu đồng có lưỡi xéo các kiểu, đẹp một cách độc đáo, là một ví dụ tiêu biểu khác của thành tựu tạo dáng cho các vật dụng hàng ngày.

Nghệ thuật vẽ hình, chạm khắc và tạo tượng mang một chức năng trang trí phong phú và đặc sắc. Những đoản kiếm và dao găm đồng thau có chuôi làm bằng những tượng phụ nữ là một trường hợp điển hình của thành tựu trang trí cho các đồ dùng hàng ngày, kết hợp nhuần nhị sản phẩm thực dụng với sản phẩm thẩm mỹ, và trống đồng là đỉnh cao của sự thành công tổng hợp về nghệ thuật tạo dáng, chạm khắc, trang trí và nghệ thuật âm nhạc, một văn vật tiêu biểu cho cả một thời đại văn minh.

Những đồ trang sức phát triển rất phong phú là một thành tựu đặc sắc của mỹ nghệ thời Hùng Vương : vòng tay, hoa tai, nhẫn, hạt chuỗi bằng đá quí, đồng thau được gia công bằng một kỹ thuật chế tác tinh xảo, với một khiếu năng thẩm mỹ tinh tế để làm đẹp cho con người.

Các nghề thêu, nạm, cẩn làm tôn giá trị thẩm mỹ của quần áo và của các đồ dùng, đồ đựng bằng gỗ, bằng da còn để lại cho đến ngày nay những sản phẩm hoặc hình ảnh cụ thể : đồ da sơn có nạm cẩn những hình kỷ hà bằng kim loại đã tìm được ở Việt Khê (Hải Phòng) ; nhiều mẫu quần áo có trang trí đẹp của nhiều pho tượng phụ nữ cũng tìm được ở nhiều nơi : Thanh Hoá, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái…

Các công trình xây dựng : nhà làng, nhà ở, nhà kho (mà ngôi nhà làng vùng Mường, ngôi nhà rông Tây Nguyên và ngôi đình miền xuôi ngày nay còn phảng phất dáng dấp) đã có kiểu hay, dáng đẹp, cấu trúc độc đáo, lại được trang trí thêm những hình chim, hình gà…càng tăng thêm giá trị thẩm mỹ thực dụng. Những con thuyền đi sông, đi biển, thuyền chiến, thuyền đua, cũng có nhiều kiểu dáng đẹp : mũi cong, đuôi én, thân thuyền được trang trí những hình kỷ hà quen thuộc như chấm tròn, vòng tròn có tiếp tuyến, đoạn thẳng song song, đường gãy khúc.

MỘT NỀN NGHỆ THUẬT BÌNH DỊ HIỆN THỰC VÀ PHÓNG KHOÁNG

Như vậy là mỹ thuật thời Hùng Vương trong mọi lãnh vực : vẽ tranh, chạm khắc, tạo tượng, và mỹ nghệ đều bắt nguồn từ cuộc sống thực tiễn của con người và trở lại hoà lẫn trong cuộc sống đó. Nội dung phản ánh của nó là những con người Việt cổ bình dị, gắn bó với cộng đồng làng chạ và những sinh hoạt bình thường, những con vật phần lớn hiền hoà, những chủ đề trang trí dịu dàng, duyên dáng tế nhị. Đó là nền mỹ thuật của một xã hội nông thôn mà vai trò của quần chúng là rất quan trọng. Tính chất dân chủ trong làng chạ đưa đến tính chất dân chủ trong nghệ thuật được biểu hiện ở những kích thước đều nhau của các đối tượng : hình người thường theo những tỷ lệ vừa phải, những khuôn mẫu giống nhau. Trong mỹ thuật thời đại Hùng Vương chưa thấy xuất hiện những hình tượng quái đản, những cảnh tượng dữ dội, những nhân vật quyền uy (thần, vua…) như trong nghệ thuật một số quốc gia phương Đông cổ đại như ở Ấn Độ, Ai Cập, Lưỡng Hà, cũng chưa thấy xuất hiện những hình mẫu mang tính chất thần thoại, huyền bí lối thao thiết như trong nghệ thuật thời đại đồ đồng ở Trung Quốc. Ở nền nghệ thuật thời đại dựng nước, luôn luôn nổi bật tính chất bình dị, hiện thực phóng khoáng về cuộc sống dân chủ bình đẳng của cộng đồng làng chạ Việt cổ.

Nền nghệ thuật ấy mang mục đích trang trí rất rõ và nhiều khi mang chức năng thực dụng, do đó trở nên phổ biến. Mặt khác nó phản ánh trung thành thực tiễn xã hội và tình cảm, tư duy con người, nói lên được bản chất cần cù say sưa trong lao động tập thể (đi thuyền, đánh cá, giã gạo…), bản chất hồn hậu, lạc quan yêu đời, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống cộng đồng (hội hè múa hát tập thể…) nó phản ánh những ước mơ về con đàn cháu lũ, mùa màng bội thu, những khái niệm về vũ trụ, những thực trạng xã hội, tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, ý chí quyết thắng bảo vệ lãnh thổ, giống nòi.

Nền nghệ thuật mang nội dung hiện thực ấy đã ghi lại truyền thống vừa sản xuất vừa đánh giặc của tổ tiên mà ngày nay chúng ta đang phát huy lên đỉnh cao.

Tính hiện thực sâu sắc đi đôi với nét cách điệu khéo léo, phong cách hồn nhiên trong sáng, phóng khoáng, kỹ thuật phát triển, với những tỷ lệ chuẩn xác, kết cấu hài hoà, cân xứng, vững chắc…tất cả đều chứng minh cho năng khiếu và trình độ thẩm mỹ cao của người Việt cổ. Vì thế mà nền nghệ thuật thời đại Hùng Vương đã có những ảnh hưởng lâu dài và xa rộng ở nhiều miền của Đông Nam Á.

Ngay trên đất nước ta, truyền thống nghệ thuật cổ xưa ấy vẫn được giữ gìn một cách bền bỉ : trống đồng vẫn được chế tạo trong thời bà Trưng, bà Triệu, Lý Bí, thời Lý – Trần, thời Tây – Sơn (3); dân tộc Mường anh em vẫn giữ tục lệ đúc trống đồng cho đến đầu thế kỷ thứ 19. Tài năng của những nghệ sĩ dân gian đầu tiên với những thành tựu độc đáo của một nền văn hoá nhân dân rực rỡ cách đây nhiều nghìn năm đã trở thành niềm tự hào sâu xa trong tư tưởng và tình cảm của dân tộc ta.

1- Hà Văn Tấn. Người Phùng Nguyên và dối xứng, tạp chí Khảo cổ học, số 3-4 (1969), tr 16-27.
2- Minh Hiên, Di sản văn hoá Đông Sơn mới tìm được, tạp chí Văn hoá Nghệ Thuật, số 34, tháng 10/1973
3- Chiếc trống đồng đúc thời Tây Sơn hiện trưng bày tại Viện bảo tàng lịch sử.