Rời xa thành phố náo nhiệt để tìm về với miền thôn dã của Long An, cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bạn sẽ bắt gặp một ngôi làng nằm giữa những cánh đồng lúa, bình dị như chính tên gọi của nó: làng trống Bình An.
Những con đường nhỏ, con ngõ nhỏ nơi đây luôn có tiếng trống rộn ràng. Men theo tiếng trống, bạn đi vào những ngôi nhà, nơi người nghệ nhân đang miệt mài say mê làm và thử trống. Từ đầu ngõ đã thấy ngổn ngang những vật liệu làm trống, đủ loại kích thước, trống to, trống nhỏ. Không khí làm việc luôn bận rộn, để chuẩn bị trống cho những mùa lễ hội đặc trưng các dân tộc và những hội hè của làng quê Việt.
Để có được những chiếc trống bền đẹp, các nghệ nhân phải trải qua hơn hai mươi công đoạn khác nhau. Họ phải chọn lựa những loại gỗ tốt, như sao, xuyến, nếu thiếu thì có thể sử dụng gỗ cây dầu, chỉ thi thoảng lắm thì người ta chọn thêm gỗ mít. Gỗ được lấy đem về phơi khô, đo, cắt, uốn cong, xử lý mối mọt xong mới đem ra làm khuôn trống. Nhiều công đoạn phải là thợ có kinh nghiệm lâu năm mới có thể tìm chọn và xử lý được.
Ngày trước những người thợ làng thường mua nguyên cây gỗ về khoét rỗng ruột rồi bịt da lên. Nhưng ngày nay do nhu cầu sử dụng gỗ càng nhiều, những cây gỗ to cũng ít dần đi, chỉ còn những cây gỗ có đường kính nhỏ, nên không thể làm trống liền từ thân gỗ. Vậy nên chỉ những loại trống có đường kính nhỏ như trống chiến trống bát, trống cơm, trống bồng là được làm từ dăm liền và khoét lỗ trống nhỏ. Còn những loại trống lớn như trống đình, trống lân, trống trận, các nghệ nhân đã chuyển sang dùng dăm ghép từ những thân gỗ cắt khúc, xẻ vào thành từng miếng nhỏ. Chất lượng âm thanh đánh lên cũng không kém mấy so với dăm liền.
Yếu tố quyết định sự thành bại của trống chính là da làm mặt trống. Để có được tấm da trống tốt, người thợ nhất định phải tìm da nguyên tấm lành lặn của con trâu già và tươi. Da trâu vừa làm xong đem về làm sạch rồi căng ra phơi khô, vùng da cổ, daa mặt, da đùi không dùng vì những chỗ da đó yếu, khi đánh mặt trống sẽ bị rách. Khi lạng da người thợ cũng cần phải đánh dấu chỗ cần lạng dày, chỗ lạng mỏng, tùy theo mục đích sử dụng của chiếc trống, ví như trống lân thì phải có độ bồng, trống trận phải vang xa, v.v. Người thợ căn cứ vào đó mà xử lý da cho phù hợp.
Muốn trống có tiếng kêu thanh vang, da trước khi bịt phải được bào thật kỹ. Công đoạn bào này không phải người thợ nào cũng làm được. Sự mỏng dày của miếng da, cần lạng nhiều hay ít, đều phụ thuộc vào sự cảm nhận trực tiếp qua bàn tay người nghệ nhân, điều đó chỉ có thể đúc kết từ sự nhạy bén và kinh nghiệm qua năm tháng.
Khi đã có được miếng da ưng ý, thì tiếp theo là công đoạn bịt mặt. Đây cũng là khâu khó đòi hỏi có kỹ thuật và trình độ thẩm âm của người thợ. Các nghệ nhân bịt trống xưa đã sáng tạo ra cách lập giàn trò để bịt trống, dùng chính da trâu làm néo kéo căng mặt trống. Người thợ sẽ dùng rùi hoặc dao nhỏ đâm những lỗ khoảng 2 cm đều xung quanh vòng tròn miếng da, các hàng lỗ cách nhau 5 cm, dây da trâu được xỏ qua lỗ đó mà đưa qua giàn trò để căng mặt trống. Tiếp đến là kỹ thuật lắp giàn trò, kỹ thuật tăng đơ trống, kỹ thuật chốt tre, đóng cúc trống lân. Sau mỗi lần gõ nệm vào giàn trò mặt trống được cơi lên, sợi dây buộc vào tấm da được căng dần, kéo theo miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ.
Chiếc trống làm xong phải được thẩm âm kỹ lưỡng, chi tiết và tỉ mỉ của người thợ chuyên nghiệp. Một bí quyết khác của làng trống Bình An đó là trong mỗi chiếc trống người thợ lại đặt vào một vài sợi lò xo thép làm cho âm thanh thêm sống động. Cho đến nay, truyền thống cho lò xo vào khiến âm trống hay hơn vẫn là một ẩn đố mà ngay cả những người thợ lão luyện cũng chưa lý giải được.
Tiếng trống Bình An không ngừng vang vọng bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Gần hai trăm năm trước, tiếng trống đã thai nghén ra ở vùng đất này, để rồi âm thanh đó bay xa không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu ra thế giới. Từ sự bôn ba của ông Nguyễn Văn Ti, chính là ông tổ nghề trống nơi đây, bao thế hệ con cháu đã nối nghiệp và có cuộc sống no ấm. Những người con làng Bình An luôn trân trọng nghề trống truyền thống của làng. Những tiếng búa, tiếng đục và âm thanh của những chiếc trống sẽ mãi dập dìu bay vang xa khi những thế hệ sau biết tiếp nối cái tinh hoa trong của cha ông để lại và gìn giữ hồn Việt trong đó.
Lê Nguyên