So với các ngôn ngữ Tây phương như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt thường được coi là tiếng đơn âm hoặc đơn âm tiết (monosyllabic). Lý do là vì, trong tiếng Việt, mỗi từ là một âm (cũng gọi là âm tiết) và chỉ một âm mà thôi. Thật ra, từ VN không những có từ đơn, mà còn có từ kép nữa.

Vậy từ kép là gì? Phân loại ra sao? được viết như thế nào và có công dụng gì trong tiếng nói dân tộc?

tughep1

I. Từ Kép Là Gì?

Kép vốn có nghĩa đôi, cặp.

Hai từ Nôm kép và cạp có lẽ xuất phát từ chữ Hán giáp trong giáp y, tức áo kép là loại áo mặc mùa đông may 2 lớp.

Trong tiếng Việt còn có các từ như tú kép, chiếu cạp điều.

Tú kép chỉ ngày xưa đi thi Hương 2 lần liên tiếp mà lần nào cũng chỉ đỗ tú tài.

Chiếu cạp điều là loại chiếu có viền thêm vải đỏ chung quanh.

Để có một ý niệm về từ đơn, từ kép, ta hãy phân biệt tự điển và từ điển.

Với tự điển, ta chỉ tra được nghĩa của từng chữ một (tự). Với từ điển, ta có nghĩa của 2,3 chữ kết hợp lại thành một từ duy nhất.

Chẳng hạn, trong tự điển, Việt và Nam là hai chữ phải tra theo hai vần V và N khác nhau. Còn trong từ điển, Việt Nam là một từ duy nhất, chỉ tra theo vần V mà thôi.

Ta có thể ví từ đơn với tự trong tự điển, và từ kép với từ trong tự điển.

Từ kép, chữ Hán cũng gọi là phức từ (phức cũng có nghĩa  áo kép hoặc vật gì chồng chất lên đôi ba lớp), là một tập hợp 2,3,4… từ đơn, nhằm diễn đạt một ý niệm duy nhất.

II. Từ Kép Được Phân Loại Như Thế Nào?

Dựa theo nguồn gốc, từ kép được phân ra mấy loại như sau:

A.  Từ thuần Nôm

Từ kép thuộc loại này có thể có:

– 2 từ đơn

· sạch sẽ, mặn nồng, phơi phới, thỏ thẻ

– 3 từ đơn

· sạch sành sanh, tơ lơ mơ

– 4 từ đơn

· ấm a ấm ớ, con cà con kê, lang thang lếch thếch, lúc la lúc lắc, lúng ta lúng túng, ngất nga ngất ngưởng, ù ù cạc cạc, xanh lè xanh léc.

Trong số các từ kép này, loại kết hợp 2 từ đơn tương đối phong phú hơn cả. Loại này được cấu trúc như sau:

1. Kết hợp 2 từ đơn hoặc đồng nghĩa, hoặc phản nghĩa với nhau

a. đồng nghĩa, hoặc có nghĩa gần giống nhau:

· đùa giỡn, đụng chạm, gối chăn, mau lẹ, ngập lụt, nhanh chóng, núi non, tàu bè, xa xưa, xe cộ.

b. phản nghĩa

· nước mắt đầy vơi, ăn nói ngược xuôi, chuyến đi sống chết, to nhỏ xầm xì, trai gái hẹn hò, chưa rõ trắng đen.

2. Lập lại cùng một từ đơn

· bụng rối bời bời, nghe trời lành lạnh, nghe ta buồn buồn, nước trong leo lẻo, nhà nhà ngăn nắp, người người tươi vui, tuyết trắng phau phau, làm ăn phiên phiến, mùi hương thoang thoảng, loa gọi vang vang, một thân vò võ.

3. Kết hợp 2 từ đơn

a. Cùng vần đầu

· Có một từ đơn không nghĩa (tiếng đệm)

+ mặn mà, rủi ro, vui vẻ

· Cả 2 từ đơn đều không nghĩa

+ nói chuyện rù rì, lá vàng xào xạc

b. Cùng vần cuối

· Có một từ đơn không nghĩa (tiếng đệm)

+ Đi loanh quanh, nói luống cuống, dài thườn thượt, say lúy túy

· Cả 2 từ đơn đều không nghĩa

Băn khoăn, bân khuâng, bơ vơ, la cà, lúi húi, luộm thuộm

4. Kết hợp 2 từ đơn, 1 chính, 1 phụ

· Ngõ cụt, nước cất, nước lọc, tàu bay, tàu hỏa, xe đạp, xe hoa.

B. Từ Hán Nôm

1. Dùng nguyên xi từ kép tiếng Hán

· Dân tộc, đạo đức, nghĩa vụ, quốc gia.

2. Dùng từ kép tiếng Hán nhưng thay đổi cấu trúc

a. Thay đổi vị trí từ đơn

H: giản đơn           -> N: đơn giản

H: hợp thích          -> N: thích hợp

H: ngữ ngôn          -> N: ngôn ngữ

H: phó cáo             -> N: cáo phó

b. Thay đổi thành phần từ đơn

· Thay đổi từ đầu

H: bãi công            -> N: đình công

H: hậu bị               -> N: trừ bị

H: y viện               -> N: bệnh viện

· Thay đổi từ cuối

H: đối đãi              -> N: đối xử

H: đãi mệnh           -> N: đãi lệnh

H: điện não            -> N: điện toán

3. Dùng từ kép tiếng Hán theo một nghĩa khác

· Khốn nạn -> H: khó khăn; N: khốn nạn

· Lịch sự    -> H: từng trải; N: xinh đẹp

· Văn tự     -> H: chữ viết; N: giấy tờ mua bán, vay mượn

4. Dùng từ đơn tiếng Hán để tự đặt ra từ kép tiếng Nôm, mà không dùng từ kép tiếng Hán có nghĩa tương tự

· bảo tàng viện thay vì bác vật quán

· linh mục thay vì thần phụ

· phát thanh thay vì bá âm

· thư viện thay vì đồ thư quán

· trục xuất thay vì khai trừ

· truyền hình thay vì điện thị

5. Dựa theo cấu trúc danh từ / tỉnh từ + hóa trong tiếng Hán.

a. Dùng toàn chữ Hán

· cập nhật hóa; công khai hóa; cường điệu hóa; giản dị hóa; nhân cách hóa; thi vị hóa; Việt Nam hóa

b. Dùng toàn chữ Nôm

· Lành mạnh hóa; óc xyt hóa

6. Ghép một từ đơn tiếng Hán với một từ đơn tiếng Nôm đồng nghĩa

· Hoán đổi; khai mở; linh thiêng; máu huyết; màu sắc; nuôi dưỡng; sự việc; thâm sâu; tu sửa

C. Từ mượn của nước ngoài

1. Gián tiếp: thông qua tiếng Hán

Các từ này, chính tiếng Hán cũng đã dịch âm từ tiếng Phạn, tiếng Tây Vực và cả tiếng Tây phương nữa

· Phạn: bát nhã; bồ đề

· Tây vực: bồ đào; pha lê

· Tây phương: nha phiến

2. Trực tiếp: bắt chước cách phát âm các từ nước ngoài.

Nhất là những từ có liên quan đến đời sống hằng ngày

· Sà bông | sà phòng; sà lan; xi măng; bít tết; cà ri; tỉm xấm; cà vạt; xường xám

III. Từ kép được viết ra sao?

Có người chủ trương dùng gạch nối để nối liền các từ đơn lại với nhau. Đây là chủ trương của cố giáo sư Nguyễn Đình Hoà.

Có người chủ trương viết dính các từ đơn lại thành một từ kép duy nhất. Đây là chủ trương của nhà báo Nguyễn Ngu Y (Bách Khoa). Đây cũng là chủ trương của Trung Quốc ngày nay với lối pin-yin (phonic transcription)

· Xinh đẹp  pièo liang (piào + liang)

· Xin lỗi       dùibuqi (dùi + bu + qi)

Mặc dù vấn đề này được nêu lên từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp thống nhất.

IV. Từ kép có vai trò gì trong tiếng Việt?

A. Giúp cho tiếng Việt thêm phong phú

1. Vì tiếng Việt không biến âm được như các tiếng đa âm tiết (polysyllabic), cho nên, để có thể đáp ứng nhu cầu của sinh hoạt hằng ngày, cũng như để có thể cung cấp từ mới cho các ngành khoa học, kỹ thuật, chúng ta bắt buộc phải tạo ra từ kép trên cơ sở các từ đơn sẵn có.

Thí dụ

Với từ đơn nước, ta có:

+ nước cất, nước chín, nước hoa, nước lọc, nước máy

Với từ đơn điện, ta có:

điện cực, điện kế, điện sinh lý học, điện thế, điện thoại, điện toán, điện từ trường, điện trở

2. Ấy là chưa kể, còn có rất nhiều từ kép thuần Hán hầu như không thể thiếu khi nói đến:

· Các bộ môn học thuật: đạo đức học, triết học, văn học…

· Các thể chế chánh trị: chế độ quan chủ, chế độ dân chủ, đảng cấp tiến, đảng cộng hòa, đảng xã hội

· Các chức vụ: tổng thống, thủ tướng, giám đốc, bí thư

· Các quan hàm: thượng sĩ, thiếu úy, đại tướng

· Các lễ lạc: tết Nguyên đán, tết Trung thu, sinh nhật

· Và ngay cả trong việc giao tế hằng ngày: thỉnh ý, vấn an, đại tiện, tiểu tiện …

B. Giúp phân biệt các tiếng đồng âm dị nghĩa (vốn có rất nhiều và không trích được trong các tiếng đơn âm tiết)

Các từ kép này thường gồm những từ đơn có nghĩa gần giống nhau hoặc có quan hệ chính phụ với nhau

Thí dụ

Cùng âm lục ta có các từ:

1. Lục: đất liền

hải lục không quân; lục địa; thủy quân lục chiến

2. Lục: ghi chú

kỷ lục; ký lục; lục sự

3. Lục: màu xanh lá cây

diệp lục tố, xanh lục

4. Lục: số 6

Chia tứ lục

5. Lục: tìm kiếm

lục lạo; lục soạn

C. Giúp xác định chính tả một số từ đơn

Thí dụ

· Tâm sự, tâm tình, tâm trạng | tăm dạng, tăm hơi

· Trao đổi, trao trả | trau chuốt, trau dồi

· Trong sạch, trong trắng | trông đợi, trông ngóng

D. Giúp đánh dấu hỏi, dấu ngã đúng đắn

Dựa theo luật “sắc hỏi không – huyền ngã nặng” áp dụng cho các từ kép, trong đó có một tiếng đệm

Thí dụ

· Duyên phận lỡ làng; cùi phong lở lói

· nghỉ ngơi; nghĩ ngợi

· ăn uống phủ phê; mưa gió phũ phàng

E. Giúp tinh nghĩa từ ngữ

Thí dụ

· Lành lạnh -> hơi lạnh; mằn mặn -> hơi mặn; ươn ướt -> hơi ướt

F. Có giá trị nghệ thuật cao

1. Tăng thêm ý vị của câu văn, nhờ lời lẽ dịu dàng, du dương trầm bổng

Thí dụ

+ Từ hôm rời chân ở bến sông vàng, từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa, và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật. (Đinh Hùng)

2. Kích thích trí tưởng tượng bằng những hình ảnh gợi cảm

Thí dụ

+ Cao chót vót, dài hun hút, rộng mênh mông, sâu thăm thẳm

3. Diễn tả một cách linh động, sâu sắc, tế nhị từng cử chỉ, từng động tác

Thí dụ

+ chạy lọt xọt, chạy lúp xúp, chạy tung tăng

+ cười chúm chím, cười ha hả, cười hô hố, cười khanh khách, cười nắc nẻ, cười ngạo nghễ, cười toe toét, cười tủm tỉm.

Thay Lời Kết Luận

Những nhận định về từ kép trong bài này cho ta thấy tiếng Việt rất phong phú và có khả năng phát triển mạnh.

Chúng ta tin tưởng rằng, với khối lượng đông đảo người Việt đang theo học hoặc công tác trong các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở nước ngoài, khả năng này sẽ giúp cho tiếng Việt càng thêm phong phú hơn nữa.

Ước mong sao các từ kép mới xuất hiện (do nhu cầu sinh hoạt cũng nhưdo nhu cầu hoạt động trong mọi ngành nghề) sớm được điển chế, và người Việt hải ngoại chúng ta ý thức được vai tròcủa mình trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.