Tôi quen vài người bạn lớn tuổi, thỉnh thoảng đem những địa danh trên đất Sài Gòn ra nói chuyện chơi cho vui. Nào là Ngã Ba Chú Ía, Ngã Năm Chuồng chó, Ngã Tư Xóm Gà, khu Mả Lạng hay khu Dạ Lữ Viện…

Những cái tên địa danh xuất hiện chính thức hoặc không chính thức trên bản đồ Đô thành Sài Gòn trước đây. Cũng có khi cuộc nói chuyện chơi trở thành đề tài tranh luận sôi nổi, chẳng hạn như khu Dạ Lữ Viện. Tôi nghe và ghi chép lại, chẳng cần biết đúng hay sai. Bởi đối với tôi, đó chỉ là câu chuyện truyền miệng, mặc dầu tôi từng biết Dạ Lữ Viện đã có một thời tồn tại trên đất Sài Gòn.

daluvien

Dạ Lữ Viện ở Sài Gòn-Chợ Lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Manhhaiflicks

Ðó là thuở tôi mới bước chân vào đời trong một chuyến thực tế khảo sát hiện trạng bản đồ vào cuối thập niên 1970. Dạ Lữ Viện không hề có tên trên bản đồ, nguyên thuỷ là một khối kiến trúc rộng độ 200 mét vuông, toạ lạc tại mặt tiền đường Trần Hưng Ðạo mang tên Bót Công Lộ nằm cạnh con hẻm 345. Trong con hẻm này, san sát những mái nhà tuềnh toàng, chật hẹp đến độ tôi không thể tưởng tượng làm sao con người ta có thể sống được tại đây. Ấy thế mà hàng trăm con người ấy đã từng sống chen chúc nơi này từ những năm 1960. Không biết hiện giờ vài chục căn nhà ổ chuột đó ra sao, đã được dời hay còn nương náu?

Từ một Dạ Lữ Viện trở thành một địa danh khu Dạ Lữ Viện chứ không ai gọi khu “Bót Công Lộ”. Cái tên Dạ Lữ Viện nghe hay hơn nhiều, người thích đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung như tôi đắc ý lắm, một nơi quần tụ giới giang hồ hành hiệp trượng nghĩa hay nơi hang ổ của lục lâm thảo khấu. Dạ Lữ Viện có thể hiểu là nơi lưu trú công cộng dành cho những người không nhà, không tiền, có thể vào đây kiếm chỗ ngủ qua đêm, kiếm chén cơm rau lót bụng. Ý tưởng xây cất một kiểu trại tế bần kiểu này mang cái tên Hán nôm hoa mỹ, có thể làm cho những con người vì hoàn cảnh nào đó phải rơi vào cảnh khốn cùng có vơi đi nỗi niềm thân phận?

Dẫu sao, đó là một ý tưởng hay, cứu giúp phần nào cho người sa cơ lỡ vận. Thủ Tướng đương thời, ông Trần Văn Hữu thông qua kế hoạch của Bộ Xã Hội xây dựng một Dạ Lữ Viện tại Sài Gòn và đích thân ông dự lễ khánh thành vào ngày 16 tháng 11 năm 1949.

TuongTranVanHuu

Thủ Tướng Trần Văn Hữu đến dự lễ khánh thành Dạ Lữ Viện Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1949. Ảnh: Manhhaiflicks

Ông bạn già tôi kể: “Năm 1948, gia đình ông từ Phú Thạnh, Bến Tre rời bỏ mảnh đất ruộng nhỏ lên Sài Gòn kiếm sống. Phần vì cha ông kiếm được việc làm một chân cai ngục tại Trại Cải Huấn Chí Hoà nên gia đình ông được cư ngụ trong khu trại lính canh tù. Có được chỗ ở cho gia đình là một chuyện lớn, lại không tốn tiền còn chi bằng. Ðể có thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn, ba tôi đồng ý cho má tôi nhận chân nấu bếp cho một cơ sở Tế Bần do người quen giới thiệu vừa mới xây cất xong bên khu Chợ Quán. Ðó chính là Dạ Lữ Viện”.

Hoạt động của Dạ Lữ Viện ra sao không nghe ông nhắc đến, ông nói chỉ nghe bà má kể chuyện nấu ăn cho chừng năm sáu chục người. Nơi đây có chỗ ngủ trên những chiếc ghế bố, chỗ tắm giặt đàng hoàng. Những người đến đây thường không ở lỳ, có khi chỉ vài ba bữa rồi đi đâu không biết. Mỗi ngày đều có người đi, rồi người khác đến nên nhà bếp nấu cơm lúc nào cũng phải nấu dư. Có khi cơm trắng dư nhiều, má ông cùng vài người làm trong Dạ Lữ Viện chia nhau mang về, ăn không hết thì đem phơi khô để dành rang nổ trộn với tóp mỡ ngào đường hoặc có khi chia lại cho mấy gia đình quen thân trong trại Chí Hoà.

Nghe chuyện ông kể, tôi mường tượng đây không phải là một Trại Tế Bần mà là một nơi Cứu Tế Xã Hội tạm thời. Như vậy, Dạ Lữ Viện phải có nội quy. Nhắc chuyện cứu tế xã hội, tôi chợt nhớ đã từng xem một bộ phim truyện Trung Hoa vào thời cuối đời nhà Thanh loạn lạc. Dân chúng nhiều tỉnh kéo về Thượng Hải đi tìm đất sống. Người chân ướt chân ráo mới đến, chưa có nhà ở, chưa tìm được việc làm, ban ngày sống nhờ của bố thí, ban đêm thì về phạn điếm nghỉ ngơi. Nơi đây không có cho ăn, chỉ cho ngủ nằm xếp lớp trên những chiếc sạp gỗ dài kê hai bên dãy nhà. Khách trú ngụ ở phường nào theo phường nấy. Ban ngày, những người này ra phố tìm việc, kiếm cái ăn, ban đêm phải trở về phạn điếm. Quá giờ, các cửa phường đóng cổng, người nào về trễ đành ngủ nơi đầu đường xó chợ.

bepdaluvien

Khu nhà bếp của Dạ Lữ Viện. Ảnh: Manhhaiflicks

Ðó là chuyện xã hội ở nước láng giềng, còn chuyện cứu tế xã hội ngày xưa ở xứ mình ra sao? Thật may, tôi tìm được một bài sưu khảo về vấn đề này “Hội Hợp Thiện với hoạt động vì người nghèo” của tác giả Bùi Hệ. Về vấn đề từ thiện thuở ban đầu tôi xin không nhắc đến chi cho dài dòng. Cái chính là nhờ những hình thức của Hội Hợp Thiện quy tụ được các nhà hảo tâm làm từ thiện để giảm bớt gánh nặng xã hội, giúp người cùng khổ trong lúc hoạn nạn tai ương.

Ông viết: “Về hoạt động tế bần, Hội tổ chức phát tiền và nhu yếu phẩm vào một số giai đoạn trong năm và những khi xảy ra thiên tai. Những dự án tế bần lớn của hội phải kể đến Dạ Lữ Viện (asile de nuit) và Bình Dân Phạn Điếm. Dạ Lữ Viện được khởi công xây dựng năm 1932 tại đường Soeur Antoine (nay là phố Hàng Bột), Hà Nội. Ngày 4 tháng 12 năm 1933, vua Bảo Ðại đã tham dự lễ khánh thành chính thức, khi đó Dạ Lữ Viện hoàn thiện được khoảng hai phần ba.

Dạ Lữ Viện là nơi tiếp nhận người nghèo không phân biệt độ tuổi và giới tính. Viện cung cấp cho mỗi người nghèo một chỗ nghỉ ngơi miễn phí trong vòng 7 đêm liên tiếp. Viện mở cửa từ 19 giờ đến 21 giờ trong giai đoạn từ 1 tháng 4 đến 30 tháng 9 và từ 18 giờ đến 20 giờ trong giai đoạn từ 01/10 đến 31/3. Tuy nhiên, những người về muộn do công việc hoặc do yêu cầu của ông chủ, có thể được vào nghỉ ngoài những khung giờ quy định trên đây. Riêng những người do Cảnh Sát dẫn đến được vào viện bất kỳ giờ nào trong đêm.

Bên cạnh đó, Dạ Lữ Viện cũng tổ chức một văn phòng giới thiệu việc làm. Với danh sách người xin việc và thông tin việc làm được cập nhật mỗi tuần, văn phòng đã mang lại nghề mưu sinh cho trên dưới 200 người từ thư ký, lái xe đến giúp việc và phu phen. Còn Bình Dân Phạn Điếm do Kiến Trúc Sư Võ Ðức Diêm xây dựng gần chùa Phổ Giác thì được báo Trung Bắc Tân Văn, số ra ngày 17/3/1940 gọi bằng cái tên “nơi cực lạc của những kẻ đầu đường xó chợ”.

tuthiendaluvien

Các nhà từ thiện và nhân viên Bộ Xã Hội tại buổi thăm viếng phòng ăn của Dạ Lữ Viện. Ảnh: Manhhaiflicks

Xem ra, khởi đầu Dạ Lữ Viện ở Hà Nội đã có sức ảnh hưởng đến Nam Kỳ nhưng cách thức này trụ không được lâu, chừng mười năm, cho đến thời TT. Ngô Ðình Diệm thì Dạ Lữ Viện chuyển thành Bót Công Lộ. Lý do chấm dứt Nhà Tế Bần dành cho người lớn không thấy công bố trên báo chí.

Tuy Dạ Lữ Viện không còn nhưng tên gọi của nó lại dùng để chỉ khu vực nhỏ phía sau Bót Công Lộ. Ý nghĩa của nó phù hợp với hoàn cảnh thực tế của những con người tứ xứ trôi giạt quần tụ về một góc nhỏ trên mảnh đất Sài Gòn mưu sinh trong thời buổi loạn ly. Sài Gòn thuở đó, rộng lớn và thưa thớt dân cư ở vùng ven. Trung tâm thành phố, luôn là nơi lý tưởng, hấp dẫn lôi kéo con người “xích lại gần nhau”, nương tựa vào nhau dễ dàng kiếm sống bằng bất cứ hình thức lao động nào, hợp pháp hay bất hợp pháp.

Cuộc sống của người dân nơi đây, suy cho cùng cũng không khác cuộc sống của những người làm việc tay chân ở những nơi khác, duy chỉ cái gọi là mái nhà thì không biết có nên gọi là nhà hay không vì quá chật chội và tăm tối. Có khi một mái hiên, con hẻm nhỏ ban đêm trở thành nhà trọ. Ở những khu dân cư “ổ chuột” khác như Mả Lạng hay khu Tôn Ðản bên kia con rạch Bến Nghé thuộc địa bàn quận Tư cũng vậy, nhưng xét ra còn dễ thở hơn. Dù rằng, tất cả những khu vực này khi nghe nhắc đến có thể làm người ta hoang mang, người sống nơi khác hiếm khi nào có dịp bước chân đến.

Ngày nay, người có tuổi còn mấy ai nhớ được ở Sài Gòn từng có một Dạ Lữ Viện, may ra những người sống quanh đó chỉ biết có một xóm nhỏ ổ chuột nghèo nàn gần Chợ Nancy còn mang cái tên biệt danh ấy.