Trong văn hóa Việt, thuồng luồng thường được mô tả như một loài thủy quái hình rắn, có 4 chân, chuyên rình rập để kéo người xuống nước ăn thịt…

Thuồng Luồng Là Con Gì

Nỗi sợ thuồng luồng và tục xăm mình của người Việt

Nỗi ám ảnh về loài thuồng luồng đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam. Thần thoại của người Việt từng đề cập đến cuộc chiến giữa Lạc Long Quân và loài thuồng luồng, nhưng sự xuất hiện chính thức của thuồng luồng trong sử sách có lẽ bắt đầu từ thời kỳ Hùng Vương.

Tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại như sau: Thời Vua Hùng dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua. Vua nói: Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.

Như vậy, tục xăm mình của người Việt bắt nguồn từ nỗi sợ hãi loài thuồng luồng. Theo quan niệm của người xưa, vẽ hình thủy quái lên mình vừa là cách để thị uy với các sinh vật sống dưới nước, vừa khiến cho các loài thủy quái lầm tưởng con người là đồng loại nên sẽ không làm hại.

Trên một bình diện rộng hơn, có thể coi loài thuồng luồng là biểu tượng cho nỗi khiếp sợ mang tính vô thức của người Việt trước sức mạnh vĩ đại của sông nước, và tục xăm mình là một liệu pháp tâm lý để chiến thắng nỗi sợ này.

Tục xăm mình của người Việt được duy trì đến hơn 1.000 năm, phải đến thời vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) mới chấm dứt. Triều Trần cũng là thời đại mà sức mạnh thủy quân của người Việt đạt đến đỉnh cao trong lịch sử.

Thuồng luồng đầu thai làm hoàng tử nhà Lý

Theo lời kể từ một số thần phả, nàng Nguyễn Thị Hạo là con của một cặp vợ chồng ở đất Bồng Lai (Đan Phượng, Hà Nội ngày nay), đến tuổi trăng tròn có sắc đẹp chim sa cá lặn. Một hôm, Vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) ra ngoại thành du ngoạn, nàng Hạo khí đó 19 tuổi cũng cùng dân chúng đứng bên đường đón vua.

Lý Thánh Tông nhìn thấy cô gái xinh đẹp bỗng nảy sinh cảm tình, liền sai quan đến thăm hỏi và rước bà về cung. Nhà vua không có gì phải phàn nàn về Nguyễn Thị Hạo, trừ việc ở bên vua 4 năm mà nàng vẫn không có con.

Một ngày nóng bức, nàng Hạo cùng các thị nữ ra tắm ở hồ Tây. Bỗng trời đất tối sầm, nước hồ cuộn sóng, và một con thuồng luồng dài hơn 10 thước xuất hiện, ôm quấn lấy bà và phun rớt rãi đầy người, có mùi thơm. Ngay sau đó giông tan, con thuồng luồng cũng biến mất. Nàng nói hết sự thật với vua khi trở về cung.

Đêm đó, vua mơ thấy một người từ trên trời xuống nói rằng ba năm sau sẽ có giặc đến xâm lấn, Hoàng đế đã sai thủy thần ra đời, đầu thai vào làm con nhà vua, để sau này dẹp giặc cứu nước.

Từ đó, nàng Hạo có mang và sau 13 tháng thì sinh một người con trai thân hình to lớn, sau lưng có 28 vết hằn trông như vẩy rồng… Cậu bé được đặt tên là Hoàng Lang.

Một thời gian sau đó, giặc Vĩnh Trinh nổi lên làm loạn ở vùng núi phía Bắc. Khi nghe tin, Hoàng Lang bỗng nhiên ngồi dậy, cất tiếng gọi mẹ và đòi được cấp voi và cờ để đi đánh giặc. Khi mọi thứ được vua cho mang đến đủ cùng 5.000 binh sĩ, Hoàng Lang liền nghiêng mình lắc mạnh, hóa thành chàng trai vạm vỡ. Ngay sau đó chàng cưỡi voi ra trận và đánh tan quân giặc.

Mấy tháng sau chiến thắng, vua có ý định nhường ngôi cho Hoàng Lang nhưng chàng từ chối. Sau đó ít lâu, Hoàng Lang xin vua cho trở về thủy quốc, vốn là nơi bản quán của mình. Sau khi làm lễ bên hồ Tây, chàng hóa thành một con thuồng luồng lớn và biến mất dưới làn nước sâu thẳm…

Học trò của cụ Chu Văn An hóa thuồng luồng

Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái, khi danh nho Chu Văn An (1292–1370 ) mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số đó có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng, được thầy khen là chăm chỉ. Điều lạ là không ai rõ tông tích người này ở đâu.

Chu Văn An bèn cho người theo dõi thì thấy người học trò này cứ đến khu đầm Đại thì biến mất, mới biết đó là một thủy thần.

Năm đó đại hạn, mùa màng thất bát, dân tình đói khổ. Thương dân tình, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là thuỷ thần đến khuyên bảo có cách gì giúp dân.

Người học trò mới đầu ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: ” Luật trời rất nghiêm nhưng lời thày bảo cũng rất trọng. Trái ý trời không thể tránh khỏi tội nhưng huỷ thân mình để hoàn thành điều nhân, lời dạy của thánh nhân từ xưa không thể bỏ, nay sao dám chối từ… Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”.

Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn, cứu nguy cho cả một vùng rộng lớn khỏi hạn hán.

Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng hôm sau mọi người phát hiện thấy một xác thuồng luồng lớn nổi lên ở đầm. Chu Văn An biết rằng đó là học trò mình bị trời phạt nên khóc thương và sai học trò làm lễ an táng. Nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau này đưa vào đình thờ, chính là đình Linh Đàm ở phía Nam Hà Nội ngày nay.