Cũng có người viết là “nồi da nấu thịt” hay “nồi da sấu thịt”. Nhiều người đọc vào, thấy “da” và “thịt” thì nghĩ rằng câu muốn ám chỉ một cảnh tưởng thảm khốc, tàn bạo, bởi mới có cách nói chữa thành “nhồi da xáo thịt”, âu cũng do không hiểu mà ra.

Bì oa chử nhục
皮鍋煑肉

Ý nói: thân thích trong gia đình giết hại lẫn nhau.

Ðiển tích

Dưới thời Tây Sơn, có lúc hai anh em Nguyễn Nhạc (Thái Đức hoàng đế 1778-1793) và Nguyễn Huệ (Quang Trung hoàng đế 1789-1792) động binh kiềm chế lẫn nhau để tranh quyền. Khi thành bị vây hãm, Nguyễn Nhạc yếu thế đã khóc than với em rằng :

Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn ?
皮鍋煑肉, 弟心何忍

Nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ ?

Nhắc đến việc trên, người Bình Định có câu ca dao :

Lỗi lầm anh vẫn là anh,
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em.

Ở Bình Định, mỗi khi săn được hươu nai, người ta thường lột da làm nồi nấu thịt. Nên có thêm mấy câu ca dao :

Da nai mà nấu thịt nai,
Việc đời như thế không ai động lòng.
Thịt nai mà chín bên trong,
Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì.

Cũng có một cách lý giải khác như sau:

Nồi da xáo thịt là một cách nấu nướng thuần tính hoang dã. Khi săn được thú, người ta lóc thịt rời khỏi da rồi cắt thành miếng. Tấm da được căng ra tứ phía sao cho phía có lông bên dưới rồi nhóm lửa đun. Bên trên người ta dùng gia vị và thịt chính con thú đó để làm đồ nấu. Tấm da làm nồi để nấu thịt. Nấu xong, người ta ăn phần thịt chín. Hết thịt người ta lấy tấm da bẻ ăn như ăn cơm cháy.

Từ hình ảnh phần da làm nồi để xào nấu chính phần thịt của cùng một con thú, mà giờ đây người ta mới có câu thành ngữ “nồi da xáo thịt”. Câu này ngụ ý là, bên trong một kết cấu thống nhất đang xảy ra hiện tượng phần này hủy diệt phần kia. Thay vì da liên kết với thịt và xương để phát triển trong một cơ thể sống, thì giờ phần này tách rời khỏi phần kia như nồi và thịt. Kết quả cuối cùng, tất cả đều bị diệt, cả thịt và da đều bị tiêu hóa sạch. Nghĩa bóng câu “nồi da xáo thịt” nó còn đồng nghĩa với câu “huynh đệ tương tàn”.