Cộng đồng Bách Việt cổ đa chi tộc, trong đó có tổ tiên Lạc Việt chúng ta, là chủ nhân của nền nông nghiệp lúa nước cư trú trên phạm vi không gian rộng lớn từ lưu vực sông Dương Tử đến Bắc Đông Dương thời tiền sơ sử.

Với quan niệm đất là “mẹ”, đất tạo ra mầm sống và nuôi lấy sự sống, người Bách Việt cổ coi sự quay về với đất sau một đời người là tất yếu, do vậy thổ táng (chôn dưới đất) là hình thức mai táng phổ biến nhất.

Song, rải rác khắp vùng văn hóa Bách Việt cổ vẫn có một hình thức mai táng độc đáo khác: tục táng treo (còn gọi là huyền táng, nhai táng, thuyền quan táng, v.v.).

Tục táng treo có mặt ở hầu hết các tiểu vùng Bách Việt cổ, từ nam Động Đình, hạ lưu sông Dương Tử, vịnh Hàng Châu, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng, cao nguyên Vân Nam – Quý Châu (Trung Quốc) đến Tây Bắc, Bắc Trung Bộ (Việt Nam). Táng treo thông thường là kiểu các quan tài được đặt bên trong các thạch động có cổng chắn hoặc được cắm một đầu vào hốc đá, đầu còn lại quay ra ngoài. Mộ thất có thể là thạch động tự nhiên, cũng có thể do con người đục rỗng vách đá tạo thành. Một số thạch động rộng được chia thành nhiều gian khác nhau để đặt cùng lúc nhiều quan tài. Ngoài ra, người ta còn tận dụng các khe nứt vách đá cheo leo. Ngoài ra còn có kiểu đặc quan tài lên hai thanh gỗ chắc cắm vào sườn núi. Vị trí “treo” quan tài thường cách mặt nước suối, hồ khoảng 40-50 mét.

Tang cụ thường làm bằng gỗ với nhiều hình dáng khác nhau, phổ biến nhất là kiểu hình chữ nhật có nắp hình mái vòm và quan tài hình thuyền. Ngoài các loại quan tài gỗ còn có dạng quan tài chậu sứ và các “hòm tiên”. Đối với các dạng quan tài hình thuyền, đại đa phần đều là an táng một lần. Còn các chậu sứ và hòm tiên thường được sử dụng khi cải táng. Vật tùy táng thường thấy là đồ dùng thường nhật như vải vóc, đồ gốm, đồ sứ, binh khí, nhạc khí cùng nhiều loại châu ngọc khác. Giám định cho thấy loại gỗ thường dùng chế tác quan tài treo là gỗ nam mộc vốn phổ biến vùng Bách Việt cổ.

Về ý nghĩa, hiện có thuyết cho rằng tục táng treo xuất phát từ mối quan hệ với môi trường sống kiểu “tọa sơn hành thủy” (ở lưng đồi núi, di chuyển bằng thuyền) – một trong các đặc trưng văn hóa Bách Việt cổ vùng đồi núi. Có thể người xưa đã từng quan niệm rằng chính chiếc thuyền (quan tài) kiểu này sẽ “chở” linh hồn người chết về với vùng đất tổ tiên, nơi mọi di chuyển đều là đường thủy. Quan niệm ấy còn lại nhiều dấu vết trong đời sống tâm linh nhiều dân tộc hậu duệ Bách Việt, như kiểu “về nơi chín suối” của người Việt Nam hôm nay. Ngoài ra còn có các thuyết: người Việt cổ các vùng này sùng bái sơn thần, họ hy vọng sau khi chết sẽ được treo ở vị trí càng cao sẽ càng được sơn thần bảo vệ; quan tài treo cao ở vị trí hiểm trở sẽ nguyên vẹn, linh hồn người chết sẽ được về cõi vĩnh hằng; quan tài treo càng cao càng cheo leo càng là biểu tượng của sự bất diệt v.v..

Trong số các di chỉ táng treo Bách Việt, nổi tiếng và tiêu biểu nhất là di chỉ Vũ Di Sơn ở phía bắc Phúc Kiến. Cả một khu vực rộng lớn ở mạn nam và bắc núi Vũ Di đều rải rác có quan tài treo. Thời xưa, vùng núi Vũ Di sớm đã có người Mân Việt cổ cư trú. Nhiều sử sách Trung Hoa cổ có ghi chép về di tích này. Quyển 110 của bộ Thái Bình Hoàn Vũ Ký dẫn cuốn Kiến An Ký có ghi núi Vũ Di “có hơn nghìn quan tài treo”, cho thấy quy mô khu táng treo này là rất lớn và rất lâu đời. Cuốn Địa Lý Chí thì viết “vùng Kiến An có núi Vũ Di, trên suối có chỗ tiên nhân táng, sách sử thời Hán ghi là Vũ Di Quân” v.v.. Niên đại của khu táng treo Vũ Di Sơn vào khoảng 3445+/-150 năm, tức vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ II trCN. Tuy nhiên, các loại hoa văn trên các đồ gốm tùy táng tìm thấy trong các động mộ lại có niên đại muộn hơn, khoảng từ nửa đầu thiên niên kỷ I trCN trở lại. Mốc thời gian muộn nhất là thế kỷ II trCN, trước khi các triều đại Tần, Hán phương Bắc chinh phục vùng này.

Cùng với khu táng treo Vũ Di Sơn ở Phúc Kiến, nhiều quần thể táng treo Bách Việt khác còn được tìm thấy rải rác các nơi khác như khu Quý Khê, Long Hổ Sơn ở Giang Tây, khu La Giang ở Nam Chiết Giang, một số nơi ở Bắc Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), Quan Hóa (Thanh Hóa, Việt Nam). Ngoài vùng Bách Việt ra, tục táng treo còn tìm thấy ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), Thái Lan, đảo Bornéo, Philippines, quần đảo Okinawa (Nhật Bản) và một số hòn đảo khác ở tây nam Thái Bình Dương.