Câu thành ngữ chỉ việc gặp may mắn, đang lúc nguy ngập lại có chỗ bám víu, thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng.

Hai em nhỏ chết đuối trên sông Chảy, Yên Bái - Giao Thông

Chuyện kể:

Xưa có tên nhà giàu, keo kiệt đến bẩn thỉu. Một hôm có người làng bên mời hắn sang ăn liên tục, lúc về biếu hắn một bị khoai ngon. Hắn khoác bị khoai xuống thuyền sang sông xem chừng hí hửng lắm.

Người lái đò mới hỏi:

– Bác khoác bị gì mà nặng thế? Bác cứ để xuống sạp thuyền cho đỡ mỏi.

Tên nhà giàu ích kỷ, sợ lúc lên bờ quên bị khoai nên chống chế:

– Thôi cảm ơn bác, tôi đã khoác nó vào cổ rồi, tháo ra buộc vào ngại lắm.

Thuyền đến gần bờ bỗng chòng chành do có sóng lớn ập đến. Người lái đò quen với sông nước nên chẳng có cơ sự gì, nhưng còn tên nhà giàu kia bị lộn cổ xuống sông, chới với một lúc. Rất may ở gần đấy có một cái cọc tre của người cắm đăng, hắn mới quờ quạng bám vào được. Người lái đò biết cái cọc cắm ở đấy lâu ngày đã mục, lại thêm cái bị khoai nặng, nên kêu to:

– Bác thả cái bị ra.

Tên nhà giàu lúc ấy mới hoảng hồn, tháo cái bị đeo ở cổ ra. Cái bị khoai chìm xuống, tên nhà giàu nhìn theo tiếc rẻ.

Người lái đò vội bơi thuyền đến vớt tên nhà giàu lên, đoạn mới nói:

– Số ông còn may đấy! Chết đuối vớ được cọc.

Lúc đã hoàn hồn, tên nhà giàu mới mở miệng nói:

– Nhưng bị khoai của tôi…Tiếc thật!

Giữa lúc nguy ngập, khó khăn tưởng như không còn lối thoát mà có “cứu tinh”, nhờ đó mà thoát hiểm, đó là gặp may mắn, giống như “chết đuối vớ được cọc” vậy.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,

NXB Thông tấn