Từ những đêm ngày lang thang cùng người sống bụi đời ở Sài Gòn, PV Thanh Niên ghi lại những góc khuất, mảnh đời chìm nổi, sống lây lất…

Mỗi chiều, người sống lang thang từ khắp nơi đổ về công viên Thăng Long (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5)

Người sống lang thang ở Sài Gòn không ít, có thể bắt gặp họ bất kể nơi đâu trên đường phố. Nhà là góc phố, công viên, nhiều người chẳng còn gia đình thân nhân, người thì hút chích ma túy và chỉ còn chờ đến ngày tàn của cuộc đời.

“Bản doanh” bụi đời Chợ Lớn

Một buổi chiều cuối tháng 7, chúng tôi vác ba lô, lang thang ở khu vực Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM). Trời tối, tôi cùng người đàn ông tên Hữu (40 tuổi, quê Long An) tìm đến “giang sơn” – ngay trong khuôn viên công viên Thăng Long (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5) để nghỉ chân, trú ngụ.

“Trong đây toàn dân xì ke ma túy. Ai xin tiền hay xin điếu thuốc mày cứ nói không có. Không được nói chuyện nhiều vì tụi nó dễ gây sự, làm liều lắm”, ông Hữu căn dặn.

Tại công viên này, số người sống theo kiểu bụi đời gồm đủ thành phần, lứa tuổi. Người già, phụ nữ, trẻ em, đám thanh niên choai choai… đều có. Nhóm người đồng tính thì thường tập trung lại “tám” chuyện, kể lại những lần “đi khách” rồi cười nói rôm rả.

Thấy chúng tôi ngồi ở ghế đá, Tố Uyên (30 tuổi, thanh niên đồng tính) tiến tới hỏi thăm rồi mách nước: “Trời ơi đi bụi một mình vầy… cô đơn lắm. Nè, anh làm chồng con nhỏ này đi!”. Tố Uyên chỉ tay qua một người đồng tính trong nhóm “mai mối”.

Bà Phượng (bìa phải) đi… bụi đời

Cách đó vài chục mét, nhóm thanh niên khác ngồi trên bờ hồ giữa công viên hút “cỏ” (một loại chất gây nghiện – PV), nhả khói mịt mù. Đại ca trong nhóm là Thành (27 tuổi), các đàn em có Nhỏ (14 tuổi), Nghĩa (17 tuổi)… Thấy chúng tôi nhìn chằm chằm chiếc bình nhựa được “thiết kế” để hút cỏ, Nghĩa quay sang hỏi: “Thử không? Chơi một lần cho biết. Yên tâm đi, hút một lần không ghiền đâu”.

Đọc thêm  Xem xong những bức ảnh này, bạn sẽ thốt lên: “Sài Gòn dễ thương gì đâu!”

Để tồn tại trong giới này, ai cũng phải tự học cách bảo vệ bản thân, thủ sẵn “đồ chơi” đề phòng bị gây sự. Một người sống ở đây chia sẻ kinh nghiệm: “Dân bụi đời, to con hay nhỏ con không quan trọng. Máu lạnh là được, phải luôn dữ tợn, không là bị đứa khác ăn hiếp, có khi đánh đập tơi bời”.

“Ai đã vô con đường này hầu hết đều nghiện ngập, trộm cắp. Không có lối thoát.
Về nhà đi! Về làm lụng rồi cưới vợ, sinh con để ngày mai cuộc đời còn tươi sáng hơn”
Bà Phượng (63 tuổi)

Về cuối ngày, số người sống lang thang “làm ăn” ở tứ phương đổ về khu vực này càng đông, lên đến hơn 50 người. Phụ nữ đi bán vé số, tay bồng bế theo con nhỏ. Giới đồng tính “đi khách”. Những người nghiện ma túy tranh thủ ghé vào căn chòi của công viên, phía gần Bến xe Chợ Lớn chích ma túy. Nghiện nặng phải kể đến Bé (28 tuổi) và cô người yêu.

“Ngủ ở đây cũng được nhưng canh chừng có công an vào kiểm tra. Tiền nhớ cất kỹ chứ không bị thằng bụi đời khác rạch túi lấy. Tao sống chung với gia đình đứa em trai, vì không hợp với đứa em dâu nên chán chường, bỏ đi sống bụi lâu nay”, bà Phượng (63 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) vừa kể vừa cảnh báo.

Đêm khuya, ai may mắn có một ngày “ăn nên làm ra” thì kiếm quán cà phê mở sáng đêm đánh một giấc. Còn lại thì ngủ ở công viên, vỉa hè hay bất kỳ đâu. Màn trời chiếu đất, chúng tôi nằm giữa công viên và “làm mồi” cho lũ muỗi, đôi bàn tay, chân bị chích te tua. Xung quanh là… lũ chuột với hàng chục con chạy khắp nơi, bới tứ tung các đống rác để kiếm ăn!

Tình nghĩa bụi đời

Trong những ngày rảo khắp nơi ở lề đường, công viên, xó chợ, trong tình cảnh hoạn nạn, tôi được nhiều mảnh đời khác ra sức khuyên răn, giúp đỡ. Trắng (19 tuổi, quê Bến Tre), nam đồng tính có khuôn mặt thư sinh, trải lòng: “Bê đê mà, chân yếu tay mềm nên đâu làm được chuyện khác. Phải đi khách kiếm tiền sống qua ngày”.

Trong vai người đồng tính, tôi hỏi về những cách thức “đi khách” thì Trắng tư vấn: Ai rủ đi chơi thì cứ đi. Nhưng phải biết lựa người chút chứ lỡ gặp trúng khách bị AIDS là… tiêu luôn. Sợ khách quỵt tiền thì mình kêu trả tiền trước…

Giấc ngủ tạm bợ của cô gái sống bụi đời
Nhóm người sống lang thang nhậu mọi lúc, trong ảnh là nhóm của bà Thu (khoảng 45 tuổi) và đàn em

Sau nhiều ngày cùng chuyện trò, sống chung với hàng chục người lang thang, bụi đời không giấy tờ tùy thân, tôi “kết thân” với ông Hữu và ông Thanh (57 tuổi, ngụ Q.8). Hữu sống bụi đời ở khu vực Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), tối ông bắt xe buýt về Chợ Lớn để ngủ nghỉ. Sáng lại đón xe qua bệnh viện kiếm sống. Trời chập tối, Hữu thường xin thêm vài hộp cơm, cháo thịt bằm, bánh cuốn để “cứu đói” cho ông Thanh và tôi khi trở về khu Chợ Lớn.

Ông Thanh kể sinh ra ở Campuchia, cuộc sống nghèo khó nên gia đình khăn gói qua VN sinh sống vào năm 1971. “Ngày lượm ve chai, góp nhặt bán chừng 20.000 – 30.000 đồng. Nhà tao ở đường Cao Xuân Dục, gần chợ Xóm Củi (Q.8). Tao có vợ với hai đứa con đàng hoàng. Mấy năm trước vay nặng lãi giang hồ, không có tiền trả, bị chủ nợ dí… nên bỏ đi bụi vài năm rồi”, ông Thanh kể lại cuộc đời rồi trầm ngâm: “Có bữa nhớ vợ con, đêm khuya tao mới dám ghé nhà thăm. Có chiếc xe đạp cũ kỹ làm phương tiện đi lượm ve chai cũng đỡ. Tối thì rong ruổi, kiếm mái hiên nhà dân nào kín gió vào đánh một giấc tới sáng”.

Hữu kể từng có vợ ở quê nhưng đã ly dị. Hơn một năm trước, khi lên TP.HCM tìm việc, ông bị cánh xe ôm ở Bến xe Miền Tây lừa bán xuống TP.Vũng Tàu lao động. “Tao nói mày nghe, phải tuyệt đối tránh xa đám xe ôm theo chèo kéo dụ đi xin việc lương cao. Năm ngoái, tao bị bán xuống Vũng Tàu, may mắn được mấy người nhốt chung cảnh báo nên sau đó tao phải kêu vợ chuộc ra với giá 6 triệu đồng. Tao có ông bạn đi bụi đời hơn 30 năm, ổng bị bán ra đó làm việc mấy tháng không có lương, cực như địa ngục. Sau này, ông ta giả điên, nhịn đói suốt nhiều ngày liền thì mới đánh lừa được chủ tàu, đưa vào bờ”, ông Hữu kể.

Suốt nhiều ngày tiếp xúc với những người sống bụi đời, tôi luôn được khuyên ngăn trở về với gia đình, làm lại giấy tờ tùy thân rồi đi kiếm việc làm ngon lành hơn. “Sống kiểu này khổ dữ lắm. Chẳng biết ngày mai đâu. Mày còn ít vốn thì đi mua vé số bán đi. Tối đợi người dân đi phát quà, cho cơm. Quà có mì tôm, nước ngọt… nhưng bán lại cũng được vài chục ngàn đó”, ông Hữu thật thà.

Còn bà Phượng cứ nằng nặc: “Tàn đời mới sống như vầy. Mày nhìn bề ngoài thì chưa biết chứ ai đã vô con đường này hầu hết đều nghiện ngập, trộm cắp. Không có lối thoát. Về nhà đi! Về làm lụng rồi cưới vợ, sinh con để ngày mai cuộc đời còn tươi sáng hơn…”.